Phán quyết gần đây của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines - Trung Quốc đã khẳng định rằng, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, lắp đặt các thiết bị và công trình của Trung Quốc trên bãi Vành Khăn (Mischief Reef), đá Xu-bi (Subi Reef), đá Huy-gơ (Hughes Reef)) là can thiệp trái phép đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với vùng đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Vì cả ba thực thể này đều không phải là đảo mà chỉ là bãi nửa nổi nửa chìm (LTEs), nên chúng không thể là đối tượng chiếm hữu và chỉ đơn thuần là các thực thể thuộc thềm lục địa của Philippines, dù ở trạng thái tự nhiên đôi lúc chúng nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao. Mặc dù phán quyết pháp lý của tòa liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc là đúng, nhưng lập luận của toà lại có tính tuyệt đối quá mức. Bài viết này sẽ bổ sung thêm sự đúng đắn cho quyết định của Tòa bằng cách phân biệt giữa các hoạt động quân sự nước ngoài hợp pháp trên thềm lục địa của một quốc gia, và hoạt động bất hợp pháp của một quốc gia nước ngoài trên thềm lục địa có ảnh hưởng đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với tài nguyên của quốc gia này - một sự phân biệt không được đề cập đến trong phân tích của tòa.

Tìm hiểu phạm vi hợp pháp của các hoạt động quân sự nước ngoài trên đáy biển của EEZ và thềm lục địa của một quốc gia ven biển là một điều quan trọng bởi vì vấn đề này có khả năng tái diễn. Chẳng hạn, Cơ quan phụ trách các Dự án Nghiên cứu Phòng thủ Cấp cao của Mỹ (DARPA) đang nghiên cứu ý tưởng về “kho tiếp vận nằm dưới lòng biển” (UFP), đó là các container,hoặc thùng chứa được đặt trước dưới đáy biển và chờ thời điểm kích hoạt để "phóng lên" để thực hiện các nhiệm vụ dưới biển, chẳng hạn như cung cấp năng lượng cho các hệ thống không người lái khác. Với một số trường hợp ngoại lệ hẹp, chẳng hạn như việc lắp đặt các loại vũ khí hạt nhân dưới đáy biển hoặc khai thác dưới đáy biển thì viêc sử dụng đáy biển sâu là quyền tự do biển cả mà tất cả các nước đều được hưởng. Tuy nhiên, câu hỏi cấp bách hơn đặt ra là phạm vi các quốc gia nước ngoài có thể hạ đặt các thiết bị hải quân hoặc xây dựng các công trình, thiết bị trên thềm lục địa hoặc trong vùng EEZ của một quốc gia ven biển vì mục đích quân sự.

Điều 56(1)(a) của UNCLOS quy định rằng trong EEZ, quốc gia ven biển có “quyền chủ quyền đối với mục đích thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật hay phi sinh vật....”. Quốc gia ven biển cũng có “quyền tài phán theo quy định tại các điều khoản có liên quan [của UNCLOS] liên quan đến” (i) thiết lập và sử dụng đảo nhân tạo, công trình, và thiết bị.” Theo Điều 60, các nước ven biển được hưởng “đặc quyền” cho phép và quy định việc xây dựng các công trình, nguyên tắc này cũng được áp dụng cho thềm lục địa theo Điều 80. Tuy nhiên, quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với các đảo nhân tạo và công trình không toàn diện mà được giới hạn “theo quy định tại các điều khoản liên quan [của UNCLOS].” Tất nhiên, các điều khoản liên quan của EEZ, chủ yếu đề cập đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng EEZ và thềm lục địa, và không liên quan đến chủ quyền trên vùng trời, cột nước, hoặc dưới đáy biển.

Trong phán quyết gần đây của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa đã xác định rằng việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên bãi Vành Khăn (Mischief Reef) là hành vi xâm phạm bất hợp pháp quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trên thềm lục địa của nước này. Vì bãi Vành Khăn (Mischief Reef) là một LTE và không phải là một hòn đảo tự nhiên nên nó cấu thành một phần của thềm lục địa và đáy biển của vùng EEZ của Philippines. Trung Quốc đã không xin phép và không nhận được sự cho phép của Philippines đối với việc xây dựng đảo nhân tạo, và do đó đã vi phạm Điều 56(1)(b)(i), 60(1), và 80 của UNCLOS (Phán quyết Tòa Trọng tài, đoạn 1016).

Tuy nhiên, về thực chất, các quốc gia nước ngoài không bị cấm xây dựng công trình và thiết bị trên thềm lục địa một quốc gia ven biển. Chỉ có những công trình và thiết bị “vì mục đích [kinh tế] như theo quy định tại Điều 56” hoặc “can thiệp vào việc thực hiện các quyền của quốc gia ven biển” đối với tài nguyên mới cần có sự đồng ý của quốc gia ven biển. (Xem Điều 60 (1) (b) và (c)).

Nhưng khi Trung Quốc chuyển đổi các công trình và thiết bị thành các cơ sở hạ tầng quân sự, thì quy mô và phạm vi của chúng lại lớn đến mức gây ảnh hưởng rất lớn về số lượng và chất lượng đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật mà Philippines có quyền chủ quyền và quyền tài phán. Mặc dù bình thường các công trình và thiết bị được xây dựng theo mục đích hoạt động quân sự không cần sự đồng ý của quốc gia ven biển, nhưng các hoạt động xây dựng trên quy mô lớn của Trung Quốc lại thiếu “sự quan tâm thích đáng” đối với các quyền và nghĩa vụ cũng như đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines về nguồn tài nguyên theo Điều 56 của UNCLOS.

Nếu Trung Quốc chỉ đơn thuần lắp đặt một công trình hoặc thiết quân sự nhỏ và khiêm tốn trên đáy biển hoặc cho hạ cánh thiết bị bay không người lái tại bãi Vành Khăn (Mischief Reef) như là một phần của các hoạt động quân sự không thường kỳ nào đó thì không được coi là vi phạm UNCLOS. Việc sử dụng ngẫu nhiên như vậy đối với đáy biển hoặc một LTE (là một phần của đáy biển) nằm trong phạm vi hoạt động quân sự được cho phép, điều đó cũng giống như việc lắp đặt một thiết bị quân sự nhỏ dưới đáy biển của thềm lục địa. Các quốc gia nước ngoài cũng có thể sử dụng đáy biển cho các công trình và thiết bị quân sự và thậm chí đảo nhân tạo, vì những mục đích này không liên quan đến thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Chỉ có những hoạt động quân sự có quy mô lớn mà không “quan tâm thích đáng” đến quyền của quốc gia ven biển đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật của EEZ và thềm lục địa thì mới bị cấm.

Sự phân biệt này rất quan trọng vì việc tạo ra EEZ và việc công nhận quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa chưa bao giờ nhằm mục đích hạn chế các hoạt động quân sự thông thường. Trên thực tế, các chương trình hải quân ở hiện tại và tương lai đều có thể sử dụng đáy biển của EEZ và thềm lục địa của một quốc gia ven biển khác theo cách hoàn toàn phù hợp với UNCLOS.

Tuy nhiên, đâu là ranh giới giữa sự hiện diện vô hại và sự can thiệp không đáng kể được cho là hợp pháp, và đâu là hành động phá hủy trên quy mô lớn được cho là bất hợp pháp? Giống như tất cả các học thuyết pháp lý, những hành động cấu thành nên sự can thiệp thực chất đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển phải hợp lý, nghĩa là không ở mức tối thiểu hoặc không đáng kể, mà có một tác động đáng kể và rõ ràng đối với các nguồn tài nguyên trong những khu vực đó, như tôi đã trình bày trong bài viết Sức mạnh biển cả và Luật biển. Viêc đặt các thiết bị quân sự và xây dựng các công trình, cấu trúc quân sự trong vùng EEZ và thềm lục địa của một quốc gia ven biển phải được đánh giá dựa trên tính hợp lý (reasonableness) chứ không phải là dựa vào quy mô đó hay vượt ngưỡng tác động mà nó can thiệp đến các quyền liên quan đến tài nguyên của quốc gia ven biển một cách rõ rệt hoặc có ý nghĩa.

Không thể kết luận rằng hoạt động của máy bay quân sự của Trung Quốc từ một LTE là trái luật từ lập luận cho rằng hoạt động của máy bay quân sự từ một tàu chiến trong vùng EEZ cũng là bất hợp pháp. Lý lẽ mà các chuyến bay quân sự của Lực lượng Không quân PLA bay từ đường băng tại bãi Vành Khăn (Mischief Reef) có thể bị phản đối và sự vi phạm đối với quyền quốc gia ven biển của Philippines chính là nằm ở quy mô hoạt động và tác động đến tài nguyên sinh vật và phi sinh vật. Chẳng hạn, hoạt động của một phương tiện nhỏ trên không từ một tàu chiến nước ngoài hạ cánh tạm thời trên một LTE không phải là bất hợp pháp. Tương tự như vậy, nếu một lực lượng hải quân đặt một thiết bị trọng tải quân sự bên trong một container và đặt nó trên đáy biển của vùng EEZ – chính là trên thềm lục địa của quốc gia ven biển –  cũng sẽ là một hoạt động quân sự hợp pháp.

James Kraska là Giáo sư Luật quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu Luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ, là nhà nghiên cứu xuất sắc tại Viện Nghiên cứu Luật biển, trường Luật Berkeley Đại học California, và thành viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Luật biển, trường Luật Đại học Virginia. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên Law Fare.

Biên dịch: Quách Thị Huyền

Hiệu đính: Văn Cường

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.