03/01/2014
Tờ “Đại Công báo” (Hong Kong) dẫn nguồn tạp chí “South Reviews” có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) cho biết ngày 24/10/2013, Trung Quốc tổ chức Hội nghị công tác ngoại giao láng giềng với sự có mặt của toàn bộ 7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Chính sách ngoại giao với quy mô cấp cao chưa từng có và hàm ý “Nước lớn là nhân tố quyết định, láng giềng là quan trọng hàng đầu” đã có sự điều chỉnh khéo léo. Bên cạnh đó, với việc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, dư luận cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được tính chất gay go, phức tạp của công tác đảm bảo an ninh xung quanh, trong tương lai nhiều khả năng sẽ tập trung giải quyết vấn đề hiện thực nhất của an ninh quốc gia nước này, đó là quan hệ với các nước láng giềng.
Hiện nay, hợp tác kinh tế Đông Á đang phát triển với tốc độ nhanh, tuy nhiên một thời gian dài trở lại đây, Mỹ đóng vai trò trung tâm trong trật tự an ninh của khu vực này, đồng thời chia rẽ quan hệ an ninh và kinh tế khu vực mà Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy nhất thể hóa. Trong tương lai làm thế nào để hình thành và duy trì lâu dài “chuỗi giá trị châu Á Thái Bình Dương” phụ thuộc vào việc Trung Quốc liệu có thể bù đắp những khiếm khuyết về an ninh. Về vấn đề này, tạp chí “South Reviews” đã có buổi phỏng vấn ông Chu Phương Ngân, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu chiến lược láng giềng và toàn cầu của Trung Quốc trực thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Dưới đây là nội dung buổi phỏng vấn:
South Reviews: Hội nghị cấp cao về công tác ngoại giao láng giềng cách đây không lâu liệu có cho thấy sách lược ngoại giao đối với quan hệ láng giềng của Trung Quốc đã có sự thay đổi? Điều này có bắt nguồn từ những phán đoán thực tế về tranh chấp đảo Điếu Ngư (Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Senkaku) cũng như Biển Đông không ngừng xảy ra trong hai năm gần đây?
Chu Phương Ngân: Trong quá khứ, chính sách ngoại giao của Trung Quốc có một cách nói đơn giản là: “Nước lớn là nhân tố quyết định, láng giềng là quan trọng hàng đầu”. Giữa nhân tố quyết định và quan trọng hàng đầu có sự khác biệt nhất định. Mặc dù “láng giềng” là quan trọng nhất, song trong cách nói trên lại đặt sau “nước lớn”. Hội nghị công tác ngoại giao láng giềng phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng tính quan trọng của láng giềng ngày càng nổi bật. Trong một thời gian dài trở lại đây, quan điểm của rất nhiều người là phải xuất phát từ góc độ ngoại giao với nước lớn để suy xét ngoại giao láng giềng, đồng thời hi vọng thông qua việc ổn định quan hệ Trung-Mỹ để ổn định tình hình các nước xung quanh. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của tư duy này không cao, hoặc ít nhất tại thời điểm trước mắt, tình hình đã nảy sinh những thay đổi nhất định.
Quy mô và cách thức của hội nghị lần này cho thấy mức độ coi trọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với công tác ngoại giao láng giềng. Có thể nói đây là một hội nghị về công tác láng giềng có quy mô cấp cao chưa từng thấy trong lịch sử. Từ đây phát đi một tín hiệu, ngoại giao láng giềng cần thoát ra khỏi cái bóng của ngoại giao nước lớn và cần phải có tính độc lập hơn nữa so với trước đây. Trên thực tế, quan điểm mới về ngoại giao láng giềng cũng có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với ngoại giao nước lớn. Nếu Mỹ muốn tiến hành các hành động tiêu cực đối với Trung Quốc, Mỹ cần phải bắt đầu với các nước láng giềng của Trung Quốc. Nếu như môi trường xung quanh ổn định, không gian hành động của Mỹ ở các nước láng giềng của Trung Quốc cũng bị thu hẹp, điều này có lợi cho việc cải thiện vị thế, tình hình của Trung Quốc so với Mỹ.
Tình hình trước mắt cho thấy quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai gần tương đối rõ ràng: vừa không để xảy ra vấn đề lớn, vừa khó có thể đạt được cục diện tốt đẹp. Trong bối cảnh này, nếu ngoại giao láng giềng không có sự khởi sắc rõ rệt, thời gian căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ có thể dài hơn; ngược lại, trong bối cảnh Mỹ cảm thấy không có nhiều biện pháp hữu hiệu đối với Trung Quốc cũng như khó có thể tiến hành thuận lợi các công việc với các nước láng giềng của Trung Quốc, Trung Quốc và Mỹ càng có khả năng thực hiện sự phân chia quyền lực một cách hòa bình.
Chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc có một sự thay đổi lớn là tiến hành phân biệt về tính chất đối với các quốc gia này, thực hiện chính sách ngoại giao có sự khác biệt nhất định. Quan điểm công tác ngoại giao trước đây của Trung Quốc là làm bạn với tất cả các nước, mong muốn cải thiện quan hệ với tất cả các quốc gia. Quan điểm này không thể nói là không hay, song, trong thực tế lại rất khó thành công. Từ cách thức của chính sách hiện nay có thể thấy thái độ của Trung Quốc đối với mỗi quốc gia Đông Nam Á có sự khác biệt.
South Reviews: Sự khác biệt cụ thể ở đây là gì?
Chu Phương Ngân: Tôi nghe được một cách nói rằng chính sách hiện nay của Trung Quốc đối với các điểm nóng xung quanh là “đối đầu với Nhật Bản, kiềm chế Philippines và lôi kéo Việt Nam ”. Đương nhiên, bất kỳ cách nói nào như thế này đều khó tránh khỏi việc đơn giản hóa, vì chính sách trên thực tế phức tạp hơn rất nhiều. Song, đằng sau cách nói này là chính sách của Trung Quốc đối với Nhật Bản, Philippines và Việt Na có sự khác biệt về mức độ, thậm chí về phương hướng chính sách cũng tồn tại sự khác biệt nhất định.
Cụ thể, hiện nay tính đối kháng của Trung Quốc đối với Nhật Bản đã dữ dội hơn một chút và Trung Quốc vẫn duy trì áp lực đối với Philippines, song nếu Philippines thay đổi thái độ, khả năng thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Philippines sẽ lớn hơn. Trong khi đó, những suy tính của Việt Nam trong các tranh chấp có liên quan lại càng phức tạp. Thái độ của Việt Nam đối với Mỹ vừa có sự lợi dụng công khai, vừa có tâm lý đề phòng tiềm tàng. Nói chung, Việt Nam chỉ coi Mỹ như một công cụ lợi dụng, Việt Nam không giống như Nhật Bản, Philippines kiên quyết đứng về phía Mỹ và Việt Nam cũng sẽ không dễ dàng đi xa đến vậy trong việc đối kháng với Trung Quốc.
Mỹ có 5 nước đồng minh chính thức là ở xung quanh Trung Quốc là Nhật Bản, Hàn Quốc , Australia , Philippines và Thái Lan. Trong đó, lập trường của Thái Lan và Hàn Quốc đã có sự thay đổi. Năm 2012, Trung Quốc và Thái Lan đã thành lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo Thái Lan cũng từng bày tỏ quan hệ Thái Lan-Trung Quốc quan trọng hơn quan hệ Thái Lan-Mỹ. Đối với Hàn Quốc, sau khi Tổng thống Park Geun-hye lên nhậm chức, quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã có sự phát triển nhanh chóng. Đối với Australia - một nước được bao bọc xung quanh bởi biển - xét về địa lý, đây là một quốc gia vô cùng an toàn. Australia không phải đối mặt với những uy hiếp an ninh từ bên ngoài, hơn nữa, quan hệ kinh tế giữa nước này và Trung Quốc rất mật thiết, khoảng 30% xuất khẩu của nước này là sang thị trường Trung Quốc. Do vậy, Australia không dễ dàng công khai đối đầu với Trung Quốc. Ngoài ra, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam - những đối tác an ninh của Mỹ ở khu vực cũng đều chú ý duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Điều này có lợi cho Trung Quốc trong việc triển khai cục diện ngoại giao láng giềng.
South Reviews: Hiện nay Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy RCEP (quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực), có bình luận cho rằng Trung Quốc cảm nhận nguy cơ từ đàm phán TPP (Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương), nhằm thiết lập thương mại khu vực, quy tắc đầu tư do Mỹ làm chủ đạo nên muốn thông qua việc xây dựng RCEP để cân bằng với Mỹ. Điều này có phải cho thấy sự cạnh tranh quyền chủ đạo kinh tế ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đã bước vào giai đoạn mới, trong đó bao gồm những cạnh tranh an ninh phức tạp?
Chu Phương Ngân: Trọng tâm hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay là sự tranh giành quyền chế định quy tắc kinh tế. Việc Mỹ thúc đẩy TPP có mục đích chính trị tương đối rõ ràng, nhằm lôi kéo các lực lượng phản đối, đối đầu với Trung Quốc, đồng thời lợi dụng ưu thế của Mỹ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh để phát động và mượn lực lượng kinh tế ở khu vực này để sửa đổi, loại bỏ quy tắc kinh tế vốn có của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thiết lập lại quy tắc mới. Nhìn từ quá trình xây dựng TPP có thể thấy một số điểm không phù hợp với tính toán kinh tế. Bởi vì TPP là hiệp định kinh tế khu vực vô cùng chặt chẽ, có tiêu chuẩn cao. Nếu chỉ xuất phát từ tính toán kinh tế, Mỹ nên tìm kiếm các thực thể kinh tế tiếp cận được các yêu cầu nội hàm của TPP để đàm phán, song việc lựa chọn đối tượng kết nạp TPP hiện nay của Mỹ không căn cứ theo điều kiện kinh tế của đối tượng, mà căn cứ theo mức độ quan hệ gần gũi, hay xa cách và giá trị lợi dụng chiến lược.
Từ góc độ hợp tác khu vực, cho dù là “10+3” hay “10+6”, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều có sức ảnh hưởng lớn trong đó. Mỹ không bằng lòng với mô hình “10+X” đã định, nếu như để mô hình hợp tác kinh tế như thế này tự do phát triển, quan hệ giữa Trung Quốc-ASEAN sẽ ngày càng mật thiết. Đặc biệt là Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN phát huy vai trò thúc đẩy rất lớn trong mối liên hệ kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN.
Trong mô hình hợp tác kinh tế khu vực vốn có, cùng với sự xoay chuyển của thời gian, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với lĩnh vực kinh tế ở khu vực ngày càng lớn. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của đại đa số các nước láng giềng và khối ASEAN. Trong 5 nước đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngoài Philippines, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ cũng là Trung Quốc. Nếu xu thế này tiếp tục phát triển thì nó sẽ là cục diện Mỹ không mong đợi. Trong bối cảnh này, ý đồ của Mỹ là lôi kéo một số quốc gia ủng hộ chính trị, an ninh Mỹ; đồng thời loại Trung Quốc ra ngoài, thiết lập một bộ quy tắc kinh tế nhằm đạt được hiệu quả khiến Trung Quốc nằm ngoài lĩnh vực hợp tác kinh tế. Có thể nói, Mỹ đã đạt được thành công nhất định với cách làm này.
Trong hợp tác kinh tế khu vực, việc bị đứng ra bên ngoài, đặc biệt là hoàn toàn mất đi quyền chế định quy tắc hợp tác kinh tế khu vực là một cục diện mà Trung Quốc hết sức lo ngại. Dù vậy hiện nay, Trung Quốc không gia nhập TPP, đồng thời đang nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn hành vi kinh tế của mình; như vậy, một khi Trung Quốc chuẩn bị gia nhập TPP thì nước này sẽ không cảm thấy khó khăn, đồng thời cái giá phải chấp nhận trong một thời gian ngắn sẽ không lớn. Ở một mức độ nhất định, Khu thí điểm thương mại tự do Thượng Hải cũng có thể thúc đẩy kinh tế Trung Quốc chuyển biến trên một số phương diện, tăng cường hơn nữa khả năng thích ứng của kinh tế nước này đối với sự thay đổi tình hình kinh tế quốc tế.
Dưới áp lực của TPP, khối ASEAN cũng cảm thấy căng thẳng. Trong số 10 quốc gia khối ASEAN, một số nước đã tham gia đàm phán TPP như Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam. Về mặt khách quan, tình trạng này sẽ phân chia khối ASEAN thành hai nhóm: nước thành viên TPP và nước phi thành viên TPP. Kết quả của việc này sẽ là làm suy yếu sự đoàn kết của khối ASEAN cũng như tính thống nhất về mặt kinh tế của khối này. Để nâng cao sự đoàn kết, ASEAN đã phát động RCEP và nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, ở một mức độ nhất định, RCEP có thể làm dịu xung đột do TPP mang lại, tránh được tình trạng Trung Quốc bị cô lập trong lĩnh vực hợp tác kinh tế khu vực. Diện mạo hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai, một phương diện quan trọng được quyết định bởi các cơ chế hợp tác kinh tế khác nhau, cơ chế hợp tác nào thúc đẩy càng nhanh thì hiệu quả càng lớn. Giữa RCEP và TPP, hiệp định nào tiến triển nhanh, thì quy tắc kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có sự khác biệt rất lớn.
Trong quá trình này, xét một cách tổng thể, tình hình của Nhật Bản tương đối có lợi. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, là đối tượng tiềm tàng trong hợp tác kinh tế khu vực mà Mỹ, ASEAN và Trung Quốc đều muốn tranh thủ. Nhật Bản nghiêng về phía nào, phía còn lại sẽ cảm thấy áp lực. Nhưng xét về lâu dài, chỉ cần Trung Quốc duy trì được xu thế tăng trưởng kinh tế, vấn đề sẽ không nghiêm trọng.
South Reviews: Gần đây, Nhật Bản thông qua Dự thảo Đặc khu chiến lược quốc gia, nghe nói, việc xây dựng chính sách rất giống với Khu thương mại tự do Thượng Hải. Liệu có phải Nhật Bản cũng muốn đọ sức với Trung Quốc về quyền chủ đạo kinh tế?
Chu Phương Ngân: Xét về tương quan lực lượng Trung – Nhật có thể thấy Nhật Bản “dưới cơ” Trung Quốc. Năm 2010, chỉ số GDP của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản. Chỉ trong vòng chưa đến 3 năm, chỉ số GDP năm 2013 của Trung Quốc đã gấp 1,5 lần của Nhật Bản, thậm chí còn cao hơn. Nếu thêm vài năm nữa, chỉ số này của Trung Quốc sẽ gấp 2 lần của Nhật Bản. Điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với Nhật Bản. Dự thảo Đặc khu chiến lược quốc gia của Nhật Bản cho dù có nhằm vào Khu thương mại tự do Thượng Hải hay không đều thể hiện sự gấp rút của Tokyo. Đặc biệt là Học thuyết kinh tế “3 mũi tên” của Thủ tướng Shinzo Abe đã phóng đi 2 mũi tên, chính sách tiền tệ với trung tâm là hạ giá đồng yên Nhật và chính sách tài chính nhằm thúc đẩy chi tiêu công đã đạt được thành quả nhất định. Song mũi tên thứ ba với nội dung chủ yếu là “thành lập Đặc khu kinh tế chiến lược” liệu có đạt được hiệu quả hay không hiện rất khó nói.
Quan sát phản ứng của Nhật Bản từ 2 năm trước có thể thấy chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe đối với Trung Quốc không để lại khoảng trống xoay sở lớn. Thủ tướng Abe luôn cho rằng trong cuộc đọ sức giữa hai nước Trung – Mỹ, ưu thế vẫn nghiêng về phía Mỹ. Một năm trở lại đây, Thủ tướng Abe liên tục có các chuyến thăm đến Đông Nam Á, Ấn Độ và Nga, song lại lựa chọn thái độ đối kháng tương đối cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình nửa cuối năm nay cho thấy cục diện không có lợi cho Nhật Bản. Sự phục hồi kinh tế Mỹ không lạc quan, cộng thêm các vấn đề như trần nợ công, Chính phủ đóng cửa nên Tổng thống Mỹ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đồng thời hủy bỏ chuyến công du Đông Á đã khiến cho uy thế của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương bị suy yếu. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường lần lượt có chuyến công du đến Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, vốn là những nền kinh tế quan trọng của khối ASEAN. Tình hình của Trung Quốc, Mỹ tại khu vực Đông Nam Á đã có sự thay đổi lớn. Điều này chắc chắn động chạm đến Nhật Bản. Do vậy, thái độ hiện nay của Nhật Bản hòa dịu hơn, lập trường về vấn đề sửa đổi Hiến pháp cũng lung lay.
South Reviews: Cho dù tốc độ phát triển nhất thể hóa kinh tế Đông Á như thế nào đi nữa cũng không thoát khỏi bối cảnh thực tế là hệ thống đồng minh quân sự do Mỹ chủ đạo tách rời với hợp tác kinh tế do Trung Quốc tích cực chủ đạo. Cục diện hai trung tâm liệu có phải là trở ngại lớn nhất trong trật tự lành mạnh của khu vực Đông Á?
Chu Phương Ngân: Mỹ là trung tâm trong trật tự an ninh Đông Á, song Mỹ không phải quốc gia châu Á. Điều này có nghĩa là trung tâm an ninh của khu vực được đặt ngoài phạm vi khu vực này, đây là một quan hệ an ninh không bình thường. Đây là kết quả hòa giải chiến lược mà giữa các quốc gia chủ đạo của khu vực Đông Á chưa thể thực hiện một cách hiệu quả và có chiều sâu. Mục đích Mỹ thống trị trật tự an ninh khu vực Đông Á không nằm ở chỗ làm thế nào để khu vực này trở nên an toàn hơn đối với tất cả các quốc gia thành viên, mà là duy trì vị thế thống trị của Mỹ, đề phòng cục diện trong khu vực xuất hiện một quốc gia nào đó nắm vai trò chủ đạo. Để duy trì vị thế của mình ở khu vực Đông Á, về khách quan, Mỹ cần duy trì “đủ nhiều” các mâu thuẫn khó giải quyết ở khu vực này. Gần 2 năm nay, sau khi tranh chấp quyền chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải đối với vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku và vấn đề Biển Đông xảy ra, tác dụng phụ của cách thức thao túng mâu thuẫn khu vực Đông Á của Mỹ ngày càng tăng. Do vậy, hai trung tâm này không thể tiếp tục duy trì.
Xét về lâu dài, chỉ khi Trung Quốc thực hiện hòa giải sâu sắc về vấn đề chính trị và an ninh với các quốc gia xung quanh, loại bỏ các hiểm họa an ninh thì mới có thể có trật tự an ninh lành mạnh và có khả năng duy trì. Ví dụ, ở châu Âu, đầu tiên thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO để giải quyết vấn đề an ninh trong nội bộ khối, sau đó tiến hành nhất thể hóa kinh tế trên cơ sở này, do vậy, hợp tác kinh tế tương đối thuận lợi. Nếu như khu vực Đông Á có thể giải quyết tốt vấn đề an ninh, hợp tác kinh tế sẽ phát triển tương đối lành mạnh. Trong tương lai gần, Trung Quốc cần mang lại nhiều hơn nữa các “sản phẩm công cộng” về an ninh và kinh tế cho khu vực để giúp xây dựng môi trường hợp tác khu vực tốt đẹp hơn.
South Reviews: Trung tâm kinh tế và trung tâm an ninh trong tương lai có tồn tại tình trạng chia rẽ lâu dài không?
Chu Phương Ngân: Hai sự thật cơ bản là ưu thế an ninh lâu dài của Mỹ và ưu thế kinh tế đang lên của Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì trong một khoảng thời gian trong tương lai, song quan hệ giữa hai nước không nhất định sẽ phát triển theo xu hướng chia rẽ. Hiện nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều ý thức được hậu quả của cơ cấu “nhị nguyên”. Mỹ cho rằng chỉ có ưu thế an ninh thì chưa đủ, nên đẩy nhanh các bước hình thành TPP, trong khi Trung Quốc cũng đang cải thiện quan hệ với các nước xung quanh. Xu thế hiện nay là Trung Quốc muốn xóa bỏ ưu thế an ninh của Mỹ, ngược lại Mỹ có ý đồ làm suy yếu ưu thế kinh tế của Trung Quốc. Trong tương lai, quan hệ an ninh và quan hệ kinh tế của khu vực sẽ ngày càng đan xen phức tạp. Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh phải bù đắp yếu điểm an ninh của nước này, ý thức rõ ràng rằng không thể phát triển lâu dài dưới ưu thế an ninh của Mỹ. Nếu như yếu điểm an ninh của Trung Quốc được bù đắp, Mỹ khó mà giữ được vị thế độc quyền trong lĩnh vực an ninh khu vực Đông Á. Nếu như Trung Quốc có được ưu thế tại “Chuỗi đảo thứ nhất”, nếu như lực lượng quân sự Mỹ có thể thực sự rút khỏi chuỗi đảo này, hai nước sẽ hình thành trạng thái tương đối cân bằng trong lĩnh vực an ninh. Trong bối cảnh này, Mỹ vẫn có ưu thế an ninh trên toàn cầu, song sự cân bằng lực lượng ở khu vực Đông Á đã có thay đổi. Sự phát triển hòa bình của Trung Quốc mang lại đảm bảo an ninh quân sự mạnh mẽ. Trung Quốc và Mỹ cũng có thể tiến hành hợp tác ở khu vực này trên cơ sở cân bằng quan hệ song phương.
South Reviews: Hội nghị trung ương 3 khóa 18 quyết định thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, điều này có ảnh hưởng gì đối với quan hệ của Trung Quốc và các quốc gia xung quanh?
Chu Phương Ngân: Cá nhân tôi cho rằng việc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia không thể nói là nhằm ứng phó với tình hình an ninh xung quanh mà Trung Quốc hiện đang phải đối mặt, bao gồm các vấn đề như đảo Điếu Ngư/Senkaku, Biển Đông… Trên thực tế, cách nói như vậy đã đánh giá thấp vai trò của Ủy ban An ninh Quốc gia. Về chiến lược, với tư cách là một thiết kế thượng tầng, ủy ban này có thể tập trung nhận thức chung ở cấp bậc cao nhất, làm cho chiến lược trỗi dậy trong tương lai của Trung Quốc trở nên rõ ràng. Về chính sách, ủy ban này có thể tăng cường năng lực thực hiện chính sách ngoại giao xung quanh; tập trung lực lượng, thống nhất các nguồn lực khác nhau, cân đối 2 phương diện trong nước và quốc tế tốt hơn; quán triệt chính sách có liên quan đến chiến lược. Đồng thời, về mặt khách quan, việc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia sẽ khiến cho an ninh quốc gia trở thành hạt nhân của lợi ích quốc gia và được bảo vệ có hiệu quả; đồng thời cũng sẽ thay đổi sự kỳ vọng của một số quốc gia xung quanh trong quá trình thiết lập quan hệ với Trung Quốc trong tương lai, khiến cho các nước này lĩnh hội rõ ràng hơn ý chí, năng lực cũng như quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc tế, an ninh quốc gia của Chính phủ Trung Quốc.
Theo Đại Công báo (Hồng Công)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...