Kể từ trước và sau chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2015, quan hệ Trung-Mỹ đã có xu hướng xấu đi. Gần đây, vấn đề Biển Đông và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ngày càng căng thẳng, tình hình này đã khiến quan hệ hai nước xấu đi nhanh.

Hai năm qua, Trung Quốc đã tiến hành bồi lấp các rạn san hô, xây dựng đảo trên Biển Đông, đồng thời xây dựng đường băng, bến cảng trên 3 hòn đảo nhân tạo, tốc độ nhanh với quy mô lớn đã làm dấy lên sự lo ngại của Mỹ, Philippines, Việt Nam và Nhật Bản, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến quan hệ Trung-Mỹ xấu đi nhanh.

Năm 2030, Biển Đông sẽ trở thành “ao nhà” của Trung Quốc 

Nhận thức và lập trường của Chính phủ Mỹ đối với vấn đề Biển Đông đã có sự thay đổi rõ rệt trong thời gian gần đây. Chúng ta có thể nhận thấy điều này từ trong báo cáo dày 270 trang của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trong đó có đề cập: tới năm 2030, trên 800 km2 của Biển Đông trên thực chất sẽ trở thành “ao nhà” của Trung Quốc, giống như Mỹ coi vịnh Mexico và biển Caribe là “ao nhà” của họ. Do báo cáo này đã trực tiếp chỉ rõ ý đồ của Trung Quốc đối với Biển Đông nên đã gây sự chú ý đặc biệt trong chính giới và các nhà quyết sách Mỹ, và họ quyết định phải thay đổi chính sách đối với Biển Đông.

Tới năm 2030, Trung Quốc sẽ có vài nhóm tác chiến tàu sân bay

Báo cáo này cho rằng một trong những căn cứ chủ yếu khiến Biển Đông sở dĩ có thể trở thành “ao nhà” của Trung Quốc là do tới năm 2030 Trung Quốc sẽ có vài nhóm tác chiến tàu sân bay, từ đó sẽ có ảnh hưởng mang tính liên tục đối với tranh chấp ở Biển Đông. Căn cứ của nhóm tác chiến tàu sân bay này nằm ở đảo Hải Nam, sẽ tiến rất nhanh ra Biển Đông. Theo tác giả, chỉ khi Trung Quốc đánh bại Mỹ ở Biển Đông thì Biển Đông mới có thể trở thành “ao nhà” của Trung Quốc. Vậy Mỹ sẽ xử lý như thế nào? Cuối thế kỷ 19, vào năm 1897, Mỹ đã chiến thắng Tây Ban Nha, giành được quyền kiểm soát vịnh Mexico và biển Caribe, biến chúng thành “ao nhà” của Mỹ. Theo quy luật lịch sử này, chúng ta có thể thiết tưởng chỉ khi Trung Quốc đánh bại Mỹ ở Biển Đông, Biển Đông mới có thể trở thành “ao nhà” của Trung Quốc. Liệu dự báo này có sẽ trở thành hiện thực? Điều này khiến người ta liên tưởng đến một học thuyết vẫn được nói đến trên trường quốc tế gọi là “cái bẫy Thucydides”. Đây là cách nói của một triết gia thời Hy Lạp cổ, theo ông “một nước lớn mới trỗi dậy chắc chắn sẽ thách thức nước lớn hiện có, và nước lớn hiện có chắc chắn sẽ đáp trả mối đe dọa, như vậy chiến tranh là điều không thể tránh khỏi”. Do đó có thể suy đoán, trong 15 năm tới chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ dường như là khó có thể tránh khỏi, và Biển Đông chính là một trong những địa điểm xảy ra chiến tranh.

Biển Đông được ví là “cái rốn” của Thái Bình Dương, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì Mỹ sẽ mất đi sức ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi đó các nước nhỏ ở xung quanh Biển Đông sẽ không còn tin tưởng Mỹ, Mỹ sẽ không còn sức mạnh giúp họ nữa, nên ảnh hưởng của Mỹ cũng không còn, điều này có nghĩa là khả năng Mỹ muốn thực hiện bá chủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã suy yếu.

Nếu Biển Đông trở thành “ao nhà” của Trung Quốc thì sẽ nảy sinh ảnh hưởng hết sức sâu sắc đối với thế giới, vậy ảnh hưởng của nó nằm ở đâu? Gần một nửa lượng dầu và khí hóa lỏng xuất khẩu của thế giới phải đi qua Biển Đông, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, nguồn năng lượng dầu mỏ và khí đốt mà họ cần đều đến từ các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông, Trung Á và châu Phi, phải đi qua Ấn Độ Dương, eo biển Malacca và Biển Đông mới có thể tới các nước và khu vực nói trên.

Chính vì vậy, hiện nay các quyết sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông đã có một sự khác biệt về bản chất. Chúng ta có thể dễ dàng lý giải điều này căn cứ vào một số phán đoán của CSIS để quan sát một loạt động thái quân sự hoặc thắng lợi ngoại giao của Mỹ ở Biển Đông. Từ khi không thừa nhận các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp là lãnh thổ của Trung Quốc hồi tháng 10/2015, Chính quyền Obama đã liên tục cử tàu chiến tới những khu vực này thực hiện quyền tự do hàng hải. Tháng 10/2015, Mỹ cử tàu khu trục USS Lassen tới quần đảo Nam Sa (Trường Sa), tới ngày 30/1 lại cử một tàu chiến tới quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Động thái này cho thấy sự thách thức của Mỹ đối với nhà cầm quyền Trung Quốc đã tăng lên.

Ngày 30/1, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ đã tiến vào đảo Tri Tôn (đảo Trung Kiến) thuộc quần đảo Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải. Ý đồ lần này khác với lần tiến vào quần đảo Hoàng Sa tháng 10/2015 vì đó là một hòn đảo nhân tạo, mới chỉ xây dựng được 2 năm.

Theo pháp luật của Trung Quốc, tự do hàng hải là có thể, nhưng phải thông báo trước. Lần này Mỹ đã cho tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur vào Hoàng Sa mà không thông báo cho Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc. Ba bên này đều cho rằng quần đảo Hoàng Sa là của họ. Hành động của Mỹ lần này đã vượt quá vùng biển phụ cận mà tàu khu trục USS Lassen đi vào năm ngoái.

Hiện nay, Trung Quốc đã cải tạo 3 đảo đá ở Biển Đông - đá Vành Khăn, đá Su Bi, đá Chữ Thập. Hiện nay đá Chữ Thập đã trở thành đảo đá lớn thứ ba được Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông. Đá Vành Khăn rộng 6km2, gấp 12 lần đảo Thái Bình (đảo Ba Bình) mà Đài Loan chiếm lĩnh. Có thể nhận thấy đường băng, bến tàu rất dễ được xây dựng cùng lúc trên đó.
Trung Quốc đang xây dựng các nhóm tác chiến tàu sân bay và đảo đá nhân tạo để mở rộng ảnh hưởng và sự tồn tại thực tế của nước này ở Biển Đông. Đây chính là căn cứ quan trọng khiến CSIS cho rằng Trung Quốc đang đi theo con đường biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. 

Từ ngày 15-16/2, Tổng thống Obama đã chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN tại California. Vấn đề thứ nhất được bàn tới là Biển Đông, vấn đề thứ hai là vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Điều mà Obama muốn gửi đi là nhà lãnh đạo Trung Quốc nên giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng phương thức hòa bình, không nên sử dụng vũ lực đe dọa các nước nhỏ. Tuy nhiên Trung Quốc nói nơi đó là do tổ tiên để lại nên sự đối đầu giữa hai bên hết sức nghiêm trọng.

Hiện nay Mỹ đang đi theo nước cờ là muốn Đài Loan công khai tài liệu lịch sử của Biển Đông. Mỹ cho rằng “đường 11 đoạn” mà Trung Hoa dân quốc công bố năm 1947 có chứng cứ gì? Mỹ đã trao đổi ngầm với Chính quyền Mã Anh Cửu nhiều lần nhưng Mã Anh Cửu không công khai tài liệu này, vậy liệu Thái Anh Văn có sẽ công khai chúng không?

Vì sao trước khi kết thúc nhiệm kỳ Mã Anh Cửu đột nhiên đi thăm đảo Ba Binh? Ông ta muốn nhấn mạnh 2 điều: Trước hết, kiên trì cho rằng đảo Ba Bình cũng như Biển Đông là lãnh thổ và lãnh hải của Trung Hoa dân quốc. Thứ hai, Philippines kiện lên Tòa án quốc tế rằng đảo Ba Bình không phải là một hòn đảo mà chỉ là một rạn san hô, rạn san hô này không có quyền có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Sở dĩ Mã Anh Cửu muốn tới đảo Ba Bình là để chứng minh với thế giới, tòa án biển quốc tế, đó là một hòn đảo, nó có 4 giếng nước tự nhiên, cây cối và các loài động vật. Vì vậy, sự việc này đang ở thế giằng co.

Tới tháng 5, Philippines sẽ thắng kiện hay thua kiện, hiện vẫn chưa thể biết. Nhưng Đài Loan và Bắc Kinh đã chính thức tuyên bố Tòa án La Hay phán đoán thế nào là quyền của họ, nhưng “chúng tôi sẽ không quan tâm, không thừa nhận, cũng không tham gia”. Vậy phải làm thế nào? Mỹ đã gây áp lực lên Mã Anh Cửu. Theo tác giả, trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Mã Anh Cửu sẽ không công bố tài liệu lịch sử về “đường 11 đoạn”. Vậy liệu Thái Anh Văn sẽ công bố?

Mỹ cho rằng “đường 11 đoạn” của Trung Hoa dân quốc căn bản không phải là một đường lãnh hải, mà là một bản đồ hàng hải

Vì sao bản đồ hàng hải này cần có “đường 11 đoạn”? Tác giả cho rằng nhất định phải có một tài liệu lịch sử bên trong, Mã Anh Cửu không đưa ra vì ông ta không dám làm người có tội với dân tộc Trung Hoa, còn người kế nhiệm xử lý ra sao không liên quan đến ông ta. Tập Cận Bình đã gặp Mã Anh Cửu, liệu có bàn tới việc sao chép tài liệu này hay không? Hiện rất khó nói.

Nếu theo phán đoán của CSIS, Biển Đông trở thành “ao nhà” của Trung Quốc, thì chiến tranh là không thể tránh khỏi. Hiện nay, Mỹ ngoài sử dụng sức mạnh quân sự và ngoại giao, còn đang lôi kéo Ấn Độ, năm nay Mỹ và Ấn Độ có thể sẽ tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông, tiến hành định kỳ, đưa cả vấn đề lãnh thổ vào trong đó nên sự việc này càng được làm lớn thêm. Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ việc này. Mỹ lôi kéo Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, nay thêm cả Ấn Độ. Từ nay đến năm 2030, cuộc chơi này sẽ ngày càng quyết liệt hơn.

Vậy liệu quan hệ Trung-Mỹ có thể tốt được không? Liệu Ấn Độ có quyết định tham gia tuần tra chung lần này? Bây giờ vẫn là thời điểm cân nhắc, bàn bạc xem lợi và hại ra sao?

Trên đây là vấn đề Biển Đông, tiếp theo là về vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đông Nam Á hiện nay có hai điểm nóng, một là Biển Đông, hai là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Khi xử lý hai vấn đề này, Trung Quốc và Mỹ thường được gắn với nhau và có ảnh hưởng lẫn nhau, vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến cách giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cách đây không lâu các phương tiện truyền thông phương Tây bình luận do cảm nhận được sức ép của Mỹ trong vấn đề Hàn Quốc nên nhà cầm quyền Trung Quốc trì hoãn chưa sẵn sàng hợp tác với Mỹ. Nhưng sau khi cuộc điện đàm giữa Obama và Tập Cận Bình, giữa Tập Cận Bình và Park Geun hye, tình hình này đang có một chút thay đổi, nhưng vấn đề cơ bản vẫn còn đó, nguồn gốc cơ bản của vấn đề là Kim Jong un.

Mỹ quyết định phớt lờ Trung Quốc, trừng phạt Triều Tiên

Từ tháng 10/2006, tháng 5/2009, tháng 2/2013 và đến tháng 1 năm nay, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân. Ngày thứ hai sau vụ thử hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ông Kerry nói: “Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Triều Tiên trong quá khứ đã không thành công, bây giờ quan hệ với Triều Tiên không thể làm như cũ. Hai bên chúng ta đều đồng ý về cách tiếp cận đặc biệt của Trung Quốc trong quá khứ. Chúng tôi tôn trọng quan điểm của các bạn và để lại không gian cho Trung Quốc về cách tiếp cận này.” 

Hiện nay Mỹ yêu cầu Trung Quốc hợp tác với nước này để tăng cường biện pháp trừng phạt đối với Chính quyền Kim Jong un, nhưng Trung Quốc vẫn còn chần chừ, vẫn muốn chủ yếu áp dụng phương thức đối thoại. Ông Kerry cho biết việc Triều Tiên ngày 6/1 không thông báo đã tiến hành thử hạt nhân, là vụ thử bom nhiệt hạch, đã khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại.

Mỹ vẫn kiên trì nhấn mạnh lập trường chính sách về an ninh khu vực và không phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, kiên quyết phản đối Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngày 7/2, Triều Tiên lại phóng tên lửa tầm xa có gắn vệ tinh nhân tạo. Vụ việc này đã khiến tất cả các bên tức giận, Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn, muốn tăng cường biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây là động thái của Liên hợp quốc.

Chúng ta hãy xem các động thái của Mỹ. Mỹ ngay lập tức cử máy bay chiến đấu, lực lượng đặc nhiệm, 2 nhóm tác chiến chiến tàu sân bay tới Triều Tiên và tháng 3 sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong lịch sử giữa Mỹ và Hàn Quốc. Theo truyền thông Nhật Bản, 131 máy bay chiến đấu tiên tiến của Mỹ đã đến Nhật Bản, mục đích là để nhằm vào Triều Tiên, nắm chính xác nơi ở của Kim Jong un, không loại trừ khả năng sử dụng tấn công chính xác để tiêu diệt ông ta.

Ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt tay đơn phương trừng phạt Triều Tiên

Mỹ đã thông báo cho nhà lãnh đạo Bắc Kinh cách làm của mình nhưng Bắc Kinh không đồng ý, có lẽ vẫn muốn đàm phán với Triều Tiên, nhưng phía Mỹ cho biết “Không, anh làm theo cách của anh, tôi làm theo cách của tôi”. Đây là cách hành động của Mỹ. Đồng thời 3 nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thông qua các cuộc điện đàm, hội nghị, đạt được sự đồng thuận về việc trừng phạt mạnh đối với Triều Tiên. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc muốn đơn phương đi đầu trừng phạt Bình Nhưỡng, nếu Trung Quốc không có hành động, họ sẽ hành động trước. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định: Thứ nhất, ngoài khoản kiều hối dưới 200.000 yên với mục đích viện trợ nhân đạo, về nguyên tắc, cấm kiều hối gửi về Triều Tiên. Thứ hai, cấm tàu thuyền nước thứ ba từng neo đậu ở Triều Tiên cập cảng Nhật Bản. Thứ ba, cấm kỹ thuật viên về vũ khí hạt nhân, công nghệ tên lửa trong số những người nước ngoài ở Nhật Bản đã đến thăm Triều Tiên, đến Nhật Bản. Đã đến thăm Triều Tiên thì không thể tới Nhật Bản”. 

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc đang bàn bạc về việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tiên tiến nhất của Mỹ ở Hàn Quốc, điều này đã chọc giận Bắc Kinh. Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết Trung Quốc phản đối việc làm này vì làm như vậy không những nhằm vào Triều Tiên, mà là nhằm vào Trung Quốc. Triều Tiên không có tên lửa tầm xa, Mỹ làm như vậy là nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry cho biết Mỹ không nhằm vào Trung Quốc, mà nhằm vào Triều Tiên, Triều Tiên đã phóng tên lửa tầm xa nhằm vào Mỹ. Sau đó, khẩu khí của Bắc Kinh đã giảm xuống, hôm 14/2, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, để Bình Nhưỡng phải trả giá cần thiết cho các hành động gần đây của họ, từ đó khiến Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Mỹ trừng phạt Triều Tiên là hợp lý, hợp pháp

Mỹ cho biết họ phải làm cho đến cùng. Vậy cách hành động của Mỹ có hợp lý không? Mỹ đã nhẫn nhịn cách với tiếp cận của Trung Quốc đối với Triều Tiên mất hơn 10 năm, lãng phí mất 10 năm. Trong thời gian này, Triều Tiên đã ra sức đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa để đe dọa các nước khác. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước đầu tiên chịu mối đe dọa.

Dự đoán về sự phát triển của tình hình Triều Tiên

Có một khả năng như sau: Mỹ ngoài sử dụng lực lượng quân sự hùng mạnh chèn ép Triều Tiên, còn áp dụng phương thức tấn công phủ đầu, sử dụng lực lượng đặc nhiệm, tấn công chính xác, tiêu diệt Kim Jong un. Hiện trường tan hoang của Triều Tiên sẽ do Trung Quốc giải quyết, Mỹ và Hàn Quốc sẽ không trực tiếp tham gia vào cục diện chính trị và xã hội Triều Tiên. Trung Quốc sẽ để anh trai Kim Jong Un (đang ở Bắc Kinh), Kim Jong Nam trở về chủ trì cục diện chính trị, để quân đội Trung Quốc bảo vệ và giám sát. Mô hình này lại quay trở lại thế kỷ 19, sự tái bản của triều đại nhà Thanh bảo vệ chế độ Triều Tiên. Hàn Quốc hiện nay không có lực lượng để trực tiếp quản lý miền Bắc, Trung Quốc cũng không muốn để cho Mỹ và Triều Tiên bắt tay tiếp quản Triều Tiên, vì vậy tác giả dự đoán hai nước Trung-Mỹ đã đạt được một thỏa thuận ngầm về vấn đề Triều Tiên, có thể nhận thấy thông điệp này từ các cuộc điện đàm giữa Obama và Tập Cận Bình, bài phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Nếu Trung Quốc và Mỹ không thể đạt được thỏa thuận ngầm thì Chính phủ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc, Trung Quốc có sẵn lòng không?

Vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Mỹ trong thời gian dài

Vấn đề Biển Đông và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một phần quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ, đặc biệt là vấn đề Biển Đông có thể ảnh hưởng đến quan hệ hai nước trong thời gian dài, thậm chí sẽ quyết định hai nước có xảy ra chiến tranh hay không. Tác giả cho rằng cho dù có theo chế độ nào, Trung Quốc sẽ không từ bỏ chủ quyền trên Biển Đông cũng như Mỹ sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát Vịnh Mexico và biển Caribê sau khi đánh thắng Tây Ban Nha. Việc Trung Quốc có khả năng kiểm soát Biển Đông hay không mấu chốt nằm ở chỗ nước này có thực lực không, đất nước có ổn định không, có đoàn kết không? Quân đội có thể đánh trận không? Hải quân, không quân của Trung Quốc có thể phát triển không? Mấu chốt nằm ở đó.

Nếu có tất cả những điều kiện này, Biển Đông sẽ đúng như đánh giá của CSIS, 15 năm sau, hoặc sau năm 2030 sẽ trở thành “ao nhà” của Trung Quốc.

Theo Soundofhope

Hoàng Lan (gt)