{3c8b9d96-94b8-4872-a21d-a0ee436c904a}(1).gif

Khi vấn đề Biển Đông vừa mới lắng dịu, hai nước chủ chốt là Trung Quốc và Mỹ lại bắt đầu một loạt cử chỉ khiêu khích. Tuy nhiên, chính sự ngờ vực giữa hai cường quốc này ở Biển Đông đã hạn chế khả năng đối phó với các vấn đề nghiêm trọng hơn trong khu vực và thế giới.

Trong bài phát biểu tại thành phố Sydney, Úc vào ngày 14/12/2016, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đã làm gia tăng tình trạng căng thẳng khi nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tự do hàng hải của mình ở Biển Đông để thách thức các tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc ở khu vực này. Trước đó, Đô đốc Harris đã quan ngại về những tuyên bố thẳng thừng của Nhà Trắng đối với vấn đề Trung Quốc và Biển Đông, nhưng trước tình hình chuyển giao chính quyền mới tại Nhà Trắng, giờ đây ông Harris không còn phải lo lắng về bất kỳ mối quan ngại chính trị nào nữa và Chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp tới thậm chí có thể chào đón những khiêu khích này của ông.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến hành lắp đặt các thiết bị quân sự, bao gồm vũ khí phòng không và hệ thống chống tên lửa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, bất chấp cam kết trước đó rằng Trung Quốc sẽ không tiếp tục quân sự hóa tại vùng biển này. Bắc Kinh lập luận rằng các hệ thống này về bản chất chỉ để phòng thủ chứ không để tấn công. Tình hình Biển Đông đã trở thành một vấn đề chiến lược lớn đối với lực lượng Hải quân Mỹ. Ngay sau phát biểu của Đô đốc Harris ở Sydney, Hải quân Mỹ đã tiến hành đánh giá cơ cấu lực lượng và tăng số lượng tàu quân sự các loại từ 308 lên 355 chiếc, vượt mục tiêu 350 tàu mà Chính quyền của ông Trump dự định triển khai. Trung Quốc là lý do quan trọng cho việc mở rộng lực lượng này.

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng lại thêm trầm trọng sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hồi đầu tháng 12/2016, phá vỡ phương thức ngoại giao đã tồn tại nhiều thập kỷ. Điều này đã dẫn đến sự phản đối chính thức từ Bắc Kinh và sau đó đã được truyền tải sang các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Sau đó, vào ngày 8/12, một tàu hải quân Trung Quốc đã tịch thu tàu lặn hải dương học không người lái của Mỹ trên Biển Đông. Thiết bị này đã được Hải quân Mỹ sử dụng để thu thập dữ liệu khoa học, như độ mặn, nhiệt độ và dòng chảy hiện tại ở vùng biển này. Sự việc xảy ra tại vị trí cách Vịnh Subic khoảng 70 hải lý, nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Mặc dù việc thu giữ tàu lặn không người lái này là bất hợp pháp, nhưng tính hợp pháp trong các hoạt động nghiên cứu của tàu USNS Bowditch (Mỹ) cũng vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nghiên cứu hải dương học trong EEZ là thuộc thẩm quyền của các quốc gia ven biển và chỉ nên được thực hiện bởi chính quốc gia đó. Nghiên cứu này có được thực hiện hoặc chấp thuận bởi Philippines hay không hiện vẫn còn chưa chắc chắn.

Biển Đông thường được gọi là "vùng biển quốc tế" dù hầu hết vùng biển này đều được cấu thành từ các EEZ của các quốc gia ven biển. Những quốc gia này có quyền và nhiệm vụ trong những vùng đặc quyền này, trong đó có nghĩa vụ hợp tác quản lý. Việc gọi là "vùng biển quốc tế" đã làm giảm đi những quyền và nghĩa vụ của các quốc gia đó. Quyền tự do ngoài khơi trong EEZ của nước khác phải được thực hiện theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó có lưu ý và quan tâm thích đáng đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển. Các nhà bình luận Mỹ thường xuyên đề cập đến tầm quan trọng của một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, nhưng do liên tục từ chối nhìn nhận bản chất đầy đủ các EEZ nên chính Mỹ đã không tuân theo các "quy tắc".

Trước đó, tác giả đã lập luận rằng Mỹ đang muốn đảo ngược trật tự để trở về với chế độ đặc quyền kinh tế cân bằng được thiết lập bởi UNCLOS. Đây có thể là một trong những lý do khiến Mỹ chưa phê chuẩn Công ước quan trọng này. Biển Đông sẽ trở thành một khu vực nguy hiểm hơn trong tương lai nếu sự mất lòng tin giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gia tăng. Thật là không may điều này sẽ xảy ra vào thời điểm Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bắt đầu thực hiện tiến trình trong việc cải thiện các thỏa thuận để quản lý biển và các hoạt động trên biển.

Rốt cục Biển Đông có phải là vấn đề quan trọng nhất hay không? Cuộc xung đột lớn hơn nhiều có thể xảy ra ở Đông Bắc Á chứ không phải ở Biển Đông. Bán đảo Triều Tiên và Hàn Quốc đến nay là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự ổn định trong khu vực, tiếp theo là tình hình đang ngày càng xấu đi với Đài Loan. Rủi ro này gia tăng do có dấu hiệu cho thấy Chính quyền Trump sắp tới có thể xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc". Trung Quốc và Mỹ có trách nhiệm làm dịu những hành động và lời nói của mình trên Biển Đông và nên chú ý vào bức tranh toàn cảnh của khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Tác giả Sam Bateman là chuyên gia thuộc Trung tâm Quốc gia Úc về an ninh và tài nguyên Thái Bình Dương, Đại học Wollongong. Bài viết đăng trên "National Interest" (ngày 30/12).

Hương Trà (gt)