Các tranh cãi về chủ quyền ở Biển Đông đang nhanh chóng biến nơi đây trở thành một vũng lầy lớn với nhiều nguy cơ khó lường. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc Hội nghị cấp cao đặc biệt với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Sunnylands, California, Trung Quốc đã triển khai hệ thống phòng không HQ-9 tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Đáp lại, Hà Nội đã ngay lập tức gửi đơn khiếu nại lên Liên hợp quốc (LHQ), chỉ trích người láng giềng khổng lồ phương Bắc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh rằng “có nhiều bằng chứng cho thấy, Trung Quốc bằng cách này hay cách khác đang tăng cường "quân sự hóa” ở Biển Đông. Ông tuyên bố sẽ tiến hành một “cuộc đối thoại nghiêm túc” với người đồng cấp Trung Quốc. Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đã bội ước, bởi khi tới thăm Nhà Trắng hồi năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định sẽ không tiến hành quân sự hóa khu vực này. Các cường quốc trong khu vực như Nhật Bản, nước coi Biển Đông là tuyến đường vận chuyển năng lượng nhập khẩu trọng yếu, cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani chỉ trích các “hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc’, đồng thời khẳng định không thể nhắm mắt làm ngơ. 

Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã phủ nhận mọi cáo buộc. Ngoại trưởng Vương Nghị tìm cách hợp thức hóa các hoạt động triển khai vũ khí, nói rằng đây trên thực tế là “các thiết bị tự vệ cần thiết và với số lượng ít”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản bác các cáo buộc của phương Tây và cho rằng đây chỉ là những hành động thổi phồng và thêu dệt thông tin. Nhiều người lo ngại Bắc Kinh đang ngày càng cương quyết nhằm đạt được tham vọng thao túng toàn bộ vùng biển này, nơi có những tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới, bất chấp việc vi phạm các quyền tự do hàng hải và hàng không. 

Năm 2013, Tổng thống Obama đã mời người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tới khu nghỉ dưỡng ở Sunnylands, California để gặp mặt thận mật và mang tính không chính thức. Đây là một quyết định gây tranh cãi bởi các cuộc tiếp đón như vậy thường chỉ dành cho các nhà lãnh đạo các nước đồng minh thân thiết nhất của Mỹ, như Nhật Bản (như trong cuộc gặp cựu Thủ tướng Junichoro Koizumi) và Anh (như trong cuộc gặp Thủ tướng David Cameron). Với chiến lược xoay trục sang châu Á, chính quyền của Tổng thống Obama quyết định tìm kiếm một mối quan hệ mang nhiều màu sắc hợp tác hơn với Trung Quốc. Trên thực tế, Washington rõ ràng đã coi mối quan hệ với Bắc Kinh là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp với cường quốc đang nổi lên này.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình lại có suy nghĩ khác. Ông cho rằng những sự kiện này phản ánh thực tế là Mỹ thừa nhận Trung Quốc đang dần trở thành đối trọng mới của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương, và từ đó kêu gọi xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa hai cường quốc này. Trung Quốc liên tục khẳng định Mỹ phải tôn trọng “các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, trong đó có các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông , ngầm ám chỉ yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp vào các tranh chấp tại vùng biển nóng bỏng này. Trong nhiều tháng sau đó, Trung Quốc đã có những bước tiến mới khi đẩy mạnh hoạt động cải tạo và xây dựng tại vùng biển tranh chấp, biến nhiều bãi đá và rạn san hô thành các đảo nhân tạo và thiết lập một mạng lưới cơ sở hạ tầng phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự, xây dựng nhiều đường băng tại cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hành động của Trung Quốc vô hình chung khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về các tuyên bố và chính sách của Mỹ trong khu vực. 

Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, chính quyền Obama buộc phải có động thái đáp trả mạnh mẽ hơn. Một mặt, Washington triển khai chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không (FONOP) tại khu vực xung quanh các đảo mà Trung Quốc xây dựng. Mỹ thậm chí còn triển khai máy bay ném bom và nhiều loại máy bay tân tiến khác để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Mặt khác, Washington đẩy mạnh việc xây dựng một liên minh chống Trung Quốc, kêu gọi các đồng minh và đối tác chủ chốt như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ phối hợp triển khai các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. 

Để thể hiện rõ các cam kết toàn diện với châu Á, ông Obama đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, nơi ông đã giành được sự ủng hộ của các nước, kể cả các đồng minh thân thiết của Trung Quốc như Lào và Campuchia, và tiến tới ký kết một tuyên bố chung chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Cùng với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng mọi phán quyết của tòa án thụ lý vụ kiện do Philippines đệ trình liên quan đến tranh chấp lãnh hải. Mỹ và các đồng minh tin tưởng rằng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) sẽ đưa ra phán quyết lên án các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như phản đối các hành động ngày càng cương quyết của quốc gia này trong khu vực.

Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay là Trung Quốc đang từng bước âm thầm thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại Biển Đông bằng việc triển khai các tên lửa đất đối không và nhiều vũ khí quân sự tân tiến khác tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều trớ trêu là các nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc của Mỹ dường như đang khiến cường quốc này cương quyết và quyết tâm hơn trong việc giành lấy phần lớn Biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, nơi có những tuyến đường biển trọng yếu đối với các hoạt động thương mại và vận chuyển năng lượng của các nước.

Có lẽ cũng không quá khi cho rằng châu Á – trung tâm kinh tế mới của thế giới – đang đối mặt với bóng ma của một cuộc xung đột toàn lực. 

Richard Javad Heydarian là chuyên gia về kinh tế, địa chính trị Châu Á và là tác giả của cuốn Asia's New Battlefield: US, China, and the Struggle for Western Pacific. Bài viết được đăng trên Aljazeera.

Văn Cường (gt)