“Trung Quốc không nên vội vàng đàm phán COC với ASEAN”. (Thời báo Hoàn cầu - 20/11):

Hội nghị cấp cao Đông Á sắp kết thúc. Hiếm thấy việc các nước ASEAN đã thống nhất lập trường thể hiện mong muốn cùng TQ chính thức đàm phán về COC. Về việc này, tháng 4/2012, NFN/BNG/TQ đã bày tỏ, việc xây dựng COC là một bộ phận của tiến trình thực hiện DOC, sẽ do TQ và các nước ASEAN trực tiếp thảo luận. Thái độ của TQ luôn cởi mở và thống nhất. DOC ký cách đây 10 năm cũng đã khẳng định, các bên đồng ý trên cơ sở hiệp thương thống nhất, nỗ lực hướng tới COC. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện DOC, một số nước bề ngoài thì nói hữu nghị, nhưng lại ngấm ngầm phá hoại đại cục hòa bình ổn định ở Biển Đông, chiếm đóng các đảo của TQ, cướp đoạt tài nguyên của TQ, xâm phạm quyền lợi biển của TQ. Điều này đã hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc và tôn chỉ ban đầu của DOC, coi thường nhận thức chung giải quyết hòa bình tranh chấp mà các bên ở Biển Đông đã đạt được. Gần đây, cá biệt có nước ASEAN còn nói việc thảo luận nội dung cơ bản của COC phải lấy ASEAN làm trung tâm, sau khi nội bộ ASEAN thống nhất mới mời TQ trao đổi. Điều này rõ ràng là nực cười. DOC không phải là thứ dùng để giải quyết chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông, ASEAN cũng nhiều lần nhấn mạnh, là một tổ chức khu vực, ASEAN giữ trung lập trong vấn đề tranh chấp. Tranh chấp Biển Đông  cần do các nước có yêu sách chủ quyền thông qua đàm phán hòa bình để giải quyết.

Do đó, TQ cần giữ thái độ thận trọng đối với việc xây dựng COC, cần căn cứ vào tình hình thực hiện DOC để quyết định. Trước mắt, TQ cần làm tốt 3 việc sau:

(i) Kêu gọi các nước ký kết DOC đánh giá khách quan, công bằng và khoa học đối với tình hình 10 năm thực hiện DOC, nhìn nhận vấn đề tồn tại một cách cầu thị, đồng thời đề ra ý kiến và biện pháp cải tiến một cách thiết thực và có hiệu quả. Trong tình hình môi trường và điều kiện chưa chín muồi, không nên bắt tay ngay vào việc thảo luận và xây dựng COC.

(ii) TQ cần tổng kết và đánh giá lập trường nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông  được đưa ra từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Nếu sự thực chứng minh được chính sách này vẫn phù hợp với nhu cầu phát triển của tình hình thì có thể tiếp tục sử dụng, nếu không thì cần tiến hành điều chỉnh ngay.

(iii) Đối với vấn đề Biển Đông  việc quan trọng nhất, cốt lõi nhất và cấp bách nhất mà TQ cần làm là phải làm rõ chủ trương về phạm vi quản lý của TQ.

Việc thảo luận COC sẽ là quá sớm nếu 3 việc trên chưa làm hoặc chưa làm tốt. Nếu phải miễn cưỡng xây dựng COC thì cũng chỉ như một bức tranh vẽ trên giấy. DOC là một ví dụ rõ nhất, cần phải nhớ kỹ điều đó.

Các nước ASEAN bất đồng về Biển Đông

Bất đồng giữa các nhà lãnh đạo ASEAN xung quanh cách thức giải quyết những tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc đã phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh khu vực vốn mang mục tiêu chính là củng cố mối quan hệ thương mại và chính trị.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã tìm cách duy trì một sự hiện diện thống nhất trước công chúng khi chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh này, tiếp theo các cuộc họp cấp bộ trưởng gây nhiều chia rẽ hồi tháng 7. Chủ yếu họ đã tránh tranh luận công khai qua giới truyền thông cho đến khi một thông cáo do chủ tịch ASEAN là Campuchia đưa ra đêm 18/11. Giới chức Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kimhourn phát biểu với các phóng viên: “Các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định họ sẽ không quốc tế hóa vấn đề Biển Ðông kể từ nay trở đi. Họ sẽ tiếp tục tham gia thảo luận về vấn đề Biển Ðông bên trong các cơ chế hiện hữu giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Tuyên bố của Campuchia ngay lập tức đã bị Philíppin bác bỏ. Ngày 19/11, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino cho biết, Manila và một nước khác nữa, mà các nhà ngoại giao cho là Việt Nam, không đồng tình với tuyên bố của Campuchia. Tổng thống Philíppin nói Campuchia không nên rêu rao điều gọi là "đồng thuận của ASEAN".

Hãng tin "GMA News" cùng ngày trích phát biểu của Ngoại trưởng Philíppin Albert Rosario, nhấn mạnh rằng một số quan điểm thể hiện sự đoàn kết của ASEAN bị nước chủ nhà Campuchia diễn giải thành "sự đồng thuận" của ASEAN. Tổng thống Philíppin nhấn mạnh, dù Manila vì sự đoàn kết của ASEAN, nhưng hoàn toàn có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia khi cần. Ông Aquino cũng cam kết sẽ tiếp tục nêu vấn đề Biển Đông ra trước các khán đài quốc tế.

Ngoại trưởng Philíppin cho biết, phái đoàn nước ông đã gửi thư tới tất cả các lãnh đạo ASEAN để nhấn mạnh rằng không có sự đồng thuận giữa các nước Đông Nam Á về việc không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Philíppin đã tính tới chuyện nhờ tới một cơ quan hòa giải trung gian trong Liên hợp quốc, trong tranh chấp chủ quyền giữa Philíppin với Trung Quốc ở Biển Đông.

Cũng trong ngày 19/11, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã làm mất lòng chủ nhà Campuchia khi tuyên bố không đồng tình với dự định hạn chế thảo luận về Biển Đông. Theo thông cáo của Nhật Bản sau khi ông Noda gặp 10 nước thành viên ASEAN: “Thủ tướng Noda đã nêu vấn đề Biển Đông, ghi nhận việc này là lo ngại chung cho cộng đồng quốc tế, có tác động trực tiếp đến hòa bình và ổn định của châu Á-Thái Bình Dương”.

Một nhà ngoại giao ASEAN cho biết: “Tôi sợ rằng chúng ta có thể bị đẩy lùi trở lại nơi chúng ta đã bắt đầu cách đây 6 tháng” (ý ám chỉ đến thất bại của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 khi lần đầu tiên trong lịch sử không ra được tuyên bố chung do Campuchia kiên quyết ngăn cản các Ngoại trưởng ASEAN đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố chung). Quan chức này nêu rõ: “Mặc dù Campuchia đã có những nỗ lực ở mức cao nhất, nhưng vấn đề Biển Đông không thể bị phớt lờ”.

 

Trong khi đó, dư luận đang trông đợi tại Hội nghị thượng đỉnh Ðông Á (EAS), một diễn đàn bao gồm các nước bên ngoài biên giới của ASEAN, diễn ra ngày 20/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ lặp lại lời kêu gọi của Mỹ về một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý cho các tranh chấp trên Biển Đông. Theo các phương tiện truyền thông, Tổng thống Barack Obama cũng sẽ nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong cuộc gặp tay đôi với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề EAS. Trong những tháng gần đây, Mỹ công khai thể hiện rằng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở châu Á, Oasinhtơn sẵn sàng hỗ trợ các đối thủ của Bắc Kinh. Trong đó bao gồm cả nỗ lực để ASEAN thiết lập Luật ứng xử, loại trừ khả năng Trung Quốc gây sức ép mạnh lên các nước nhỏ trong cuộc tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ.

Về phía Bắc Kinh, dường như cũng đã chuẩn bị để chống lại áp lực từ Mỹ. Quân đội Trung Quốc đang thực hiện chương trình qui mô hiện đại hóa hải quân và gần đây thử nghiệm tên lửa liên lục địa lớp mới Đông Phong 41, có khả năng đương đầu với tàu sân bay Mỹ.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt có lẽ không phải là thành tố quân sự, mà là kinh tế. Trong cuộc đối thoại với ông Obama, ông Ôn Gia Bảo có thể sẽ nhắc nhở người Mỹ về tầm quan trọng của liên hệ kinh tế với Trung Quốc và có lẽ sẽ trích dẫn lời phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc tương lai Tập Cận Bình: “Các chính trị gia Mỹ tưởng rằng họ có thể làm giàu nhờ Trung Quốc đồng thời xỏ mũi Trung Quốc, nên nhớ câu ngạn ngữ cổ: không thể cùng lúc vừa ăn bánh mà vẫn giữ nguyên cái bánh”.

Chuyến thăm Mianma của Obama làm tái hiện cuộc đấu Mỹ-Trung

TTXVN (Hồng Công 20/11)

Sau khi liên nhiệm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm lịch sử tới Mianma. Do Mianma nằm ở vị trí địa lý trọng yếu, lại có quan hệ sâu xa với Trung Quốc, cho nên, chuyến thăm của ông Obama còn khiến người ta cảm nhận về sự tái hiện của cuộc đấu Mỹ-Trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bản tin phát đi vào tối 19/11, hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan dẫn phỏng vấn chuyên gia vấn đề Mỹ của Trung Quốc, ông Thời Ân Hoằng, cho biết lâu nay Mianma trong tình trạng bị cô lập, duy trì thể chế chuyên chế, mãi gần đây mới có bước tiến lớn về dân chủ. Vì vậy, mục đích lớn nhất trong chuyến thăm Mianma của Tổng thống Mỹ Obama là để Mianma, một đất nước chưa tiếp xúc với phương Tây trong quá khứ, phải dựa vào phương Tây.

Bên cạnh đó, theo vị Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Mỹ thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc này, việc Mỹ tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước xung quanh Trung Quốc còn nhằm cạnh tranh ảnh hưởng ngoại giao với Trung Quốc ở những quốc gia này. Cho nên, chuyến thăm Mianma của Tổng thống Obama, ngoài việc tranh thủ Mianma, còn nhằm mục đích khác là khiến Mianma rời xa Trung Quốc. Vấn đề là Mianma có quan hệ lâu dài với Trung Quốc, không vì một chuyến thăm của Obama mà ngả ngay vào lòng Mỹ, rời xa Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ cần Mianma giữ thái độ trung lập đối với cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung là Mỹ đã có lợi.

Ngoài ra, chuyến thăm Mianma của ông Obama còn có dụng ý thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế. Lâu nay, Mianma đóng cửa với thế giới bên ngoài, thực hiện thể chế chuyên chế. Mới đây, Mianma mới mở cửa, cho nên, chuyến thăm Mianma của Tổng thống Mỹ Obama đương nhiên sẽ trở thành tiêu điểm của dư luận. Tổng thống Obama hoàn toàn có thể khuyếch trương nó nhằm nâng cao uy tín của mình.

Trong một bài viết cũng được đăng trên trang tin của hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan, phóng viên Hoàng Lý Khoan cho rằng chuyến thăm Mianma của Tổng thống Mỹ khiến người ta cảm nhận về sự tái hiện cuộc đấu Mỹ-Trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Dẫn lời Giáo sư Lý Kế Đông thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc), tác giả cho rằng sau khi Tổng thống Mỹ Obama liên nhiệm, ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, áp lực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, phát triển lợi ích của Trung Quốc ngày một lớn và chắc chắn sẽ được biểu hiện trên các lĩnh vực liên quan trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Đặc biệt, trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc phải đối mặt với sự phòng ngừa và kiềm chế của Mỹ. Vì vậy, trong tương lai gần, Trung Quốc và Mỹ khó tránh được cạnh tranh và va chạm lợi ích. 

Trong một quan điểm khá tương đồng, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Thanh Hoa-Brookings (tổ chức có trụ sở ở Mỹ, do Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc và Viện Brookings của Mỹ đồng sáng lập) Vương Phong cho rằng, Trung Quốc và Mỹ đều cần duy trì môi trường quốc tế có lợi cho hai bên. Những lợi ích chung như vậy sẽ là “động lực nội tại lớn hơn bất đồng” trong quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng trong tương lai, Trung Quốc và Mỹ khó có thể tránh được việc cạnh tranh và quan hệ giữa hai nước vẫn tồn tại nhiều nhân tố không xác định. Theo Vương Phong, thực trạng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trên các lĩnh vực như đầu tư thương mại, bản quyền tác giả, sáng tạo công nghệ, chính sách tiền tệ… diễn biến thành va chạm sẽ tiếp tục, thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trong khi tiếp tục thực hiện chính sách “trở lại châu Á-Thái Bình Dương”, Mỹ cũng sẽ phải tiếp tục tính tới việc làm thế nào để ổn định tăng trưởng kinh tế trong nước. Như vậy, thị trường Trung Quốc vẫn là nhân tố không thể bỏ qua.

 Tổng hợp