Tóm tắt

Án ngữ các tuyến đường biển quan trọng, Biển Đông có vai trò đáng kể đối với các lợi ích an ninh, thương mại Mỹ. Mối quan tâm của Mỹ trên các vùng biển nói chung là “tự do giao thương trên các tuyến đường hàng hải quan trọng, ngăn ngừa bất cứ nước nào độc chiếm các vùng biển khu vực”. [1] Do một số đảo và quần đảo trên Biển Đông có thể được sử dụng làm căn cứ để theo dõi và kiểm soát các hạm đội trên biển nên Mỹ càng quan tâm đến vùng biển này hơn, muốn tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại vùng biển này. Vấn đề Biển Đông là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ từ sau Chiến tranh Lạnh. Bài viết tập trung phân tích vị trí của vấn đề Biển Đông trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ từ sau Chiến tranh Lạnh, làm rõ quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông được thể hiện qua động thái thay đổi lập trường từ “không dính líu” sang “can dự có chừng mực” và “tích cực can dự” trong các diễn biến liên quan đến Biển Đông và đưa ra một số nhận xét về quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông từ sau Chiến tranh Lạnh.

Từ khóa: Biển Đông, châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ

Lợi ích chiến lược của Mỹ ở Biển Đông

Các tuyến đường vận tải qua Biển Đông là huyết mạch kinh tế gắn Mỹ với Đông Nam Á và Đông Á, đồng thời đó là tuyến đường rất quan trọng để quân Mỹ từ Tây Thái Bình Dương vươn tới Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư.[2] Lợi ích chiến lược hàng đầu của Mỹ ở Biển Đông là bảo đảm con đường hàng hải ở Biển Đông thông thoáng, bao gồm việc an toàn vận tải hàng hải giữa các eo biển Malacca, Đài Loan, Cacassar và quần đảo Trường Sa (Việt Nam) để giữ cho hệ thống kinh tế Mỹ, Nhật và các nước phương Tây vận hành bình thường, bảo vệ lợi ích 40 tỉ USD đầu tư và 90 tỉ USD thương mại của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, giữ một lực lượng quân sự Mỹ ở vùng Biển Đông. Mỹ coi Trung Quốc là lực lượng đe dọa lợi ích lớn nhất của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, bởi thế trọng điểm chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương là khống chế miền đông châu Á cho đến các đảo và bán đảo phía nam, hình thành chuỗi mắt xích. Chuỗi mắt xích này lấy Xingapo làm trung tâm, bắt đầu từ vùng biển Nhật Bản, qua Đài Loan, Philíppin đến Inđônêxia. Nếu Mỹ khống chế được chuỗi mắt xích này thì sẽ thực hiện được ba mục tiêu: (i) nếu vùng này xảy ra chiến tranh, chuỗi mắt xích này có thể phong tỏa vùng biển, ngăn cản có hiệu quả đường tiến của hải quân Trung Quốc; (ii) trong trường hợp cần thiết, chuỗi mắt xích này sẽ là những vị trí lý tưởng để Mỹ tấn công Trung Quốc bằng hải quân, không quân, thậm chí nếu cần thiết, lính thủy đánh bộ Mỹ có thể thông qua bờ biển các nước đồng minh Đông Á tiến vào lục địa Trung Quốc; (iii) quan trọng hơn cả là với chuỗi mắt xích này Mỹ có thể ngăn cản tuyến vận tải của đội tàu chở dầu vào khu vực Đông Á. Ý tưởng của hải quân Mỹ là dù là ai đi nữa, nếu mưu toan gây rối hoặc đóng cửa vùng nước phụ cận chuỗi mắt xích này, Mỹ sẽ sẵn sàng gây chiến tranh chống lại. Tranh chấp biển đảo, khủng bố sẽ gây mất an toàn cho các tuyến đường vận tải biển, mọi bất ổn trong khu vực sẽ phương hại đến sự thịnh vượng chung của khu vực cũng đồng nghĩa với việc gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế của Mỹ ở khu vực này.

Chính sách của Mỹ ở Biển Đông nằm trong tổng thể chính sách châu Á - Thái Bình Dương và là một bộ phận của chiến lược toàn cầu. Mục tiêu xuyên suốt của Mỹ là duy trì môi trường hòa bình và ổn định, ngăn không cho nước nào nổi lên thách thức vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ, khống chế khu vực và đe dọa tới an ninh của Mỹ và các đồng minh hoặc thay đổi những luật chơi đã định hình đang có lợi cho Mỹ, duy trì và tăng cường sự thịnh vượng của nền kinh tế số một thế giới. Mỹ ngày càng quan tâm đến châu Á - Thái Bình Dương hơn vì Mỹ cho rằng khu vực này đang phát triển mạnh mẽ, sẽ trở thành khu vực nhập khẩu hàng hóa của Mỹ nhiều nhất trong thế kỷ XXI. Sự an toàn của các tuyến đường hàng hải là một trong những lợi ích căn bản của Mỹ ở khu vực biển Đông Nam Á. Vấn đề an ninh đường vận tải biển ở đây gắn liền với lợi ích quân sự, kinh tế, thương mại của Mỹ. Do đó, Mỹ cần duy trì sự ổn định và an toàn của khu vực biển này.

Lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông từ sau Chiến tranh Lạnh

Lập trường của Mỹ đối với Biển Đông đã có những thay đổi đáng kể trong và sau Chiến tranh Lạnh. Nếu như trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ tuyên bố không dính líu, không can thiệp vào các mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, thì thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ chú ý hơn đến những diễn biến xung quanh các vấn đề liên quan đến vùng biển này. Nguyên nhân là do khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã và Mỹ rút dần hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương đã tạo ra “khoảng trống quyền lực” trong khu vực. Trung Quốc với những thành tựu của công cuộc cải cách, mở cửa, với sức mạnh ngày càng gia tăng đã nhanh chóng tận dụng thời cơ, nhảy vào lấp chỗ trống. Thêm vào đó, quan hệ Mỹ - Trung lúc thăng lúc trầm, xung đột lợi ích thường xuyên xảy ra, mặt kiềm chế đôi khi lớn hơn mặt hợp tác. Mỹ lo ngại trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là ý đồ độc chiếm Biển Đông, có thể tác động tiêu cực đến lợi ích của Mỹ về tự do hàng hải trên vùng biển này.

Thập niên 1990: Can dự và mở rộng

Những năm 1990 của thế kỷ XX, Mỹ đã đưa những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông vào danh sách các điểm nóng thuộc châu Á có khả năng bùng phát thành xung đột vũ trang. Tháng 02/1995, trong báo cáo “Chiến lược an ninh Đông Á”, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định sự quan tâm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông: “Mỹ coi những vùng biển sâu ở Nam Trung Hoa (Biển Đông) là vùng biển chung của quốc tế. Lợi ích chiến lược của Mỹ là phải duy trì các tuyến đường giao thông nối liền Đông Nam Á, Đông Á và Đại Tây Dương. Điều này làm cho Mỹ nhận thấy sự cần thiết phải phản ứng lại bất cứ tuyên bố nào vượt quá quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.[3]

Đặc biệt, từ sau tranh chấp giữa Trung Quốc và Philíppin ở đá Vành Khăn (2/1995), Mỹ thay đổi thái độ, chuyển sang lập trường dính líu có hạn chế vào vấn đề Biển Đông. Ngày 10/5/1995, chính quyền Tổng thống B.Clinton đã tuyên bố công khai lập trường của Mỹ đối với Biển Đông, nhấn mạnh: (i) bảo vệ tự do hàng hải là lợi ích cơ bản của Mỹ; (ii) việc qua lại của tàu chiến và máy bay ở Biển Đông mà không gặp bất kỳ trở ngại nào sẽ là rất cần thiết đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Mỹ; (iii) Mỹ có lợi ích vĩnh cửu trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan dùng nỗ lực ngoại giao giải quyết tranh chấp, Mỹ sẵn sàng giúp đỡ.[4] Đây là quan điểm chính thức đầu tiên của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Ngày 16/6/1995, lần đầu tiên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joseph Nye đề cập đến khả năng dính líu của Mỹ vào cuộc xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông: “Nếu hành động quân sự xảy ra ở Biển Đông làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải thì lúc đó Mỹ phải có hành động đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực”.[5] Tháng 6/1995, Hạ viện Mỹ thông qua “Luật lợi ích của Mỹ ở nước ngoài”, trong đó nêu rõ tự do hàng hải ở biển Nam Trung Hoa là “cực kỳ quan trọng” đối với an ninh quốc gia của Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.[6]

Cùng với việc đưa ra công khai lập trường cơ bản về Biển Đông, Mỹ ngày càng gia tăng sự dính líu vào các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Ngày 26/7/1999, Ngoại trưởng Mỹ M.Albright đã phát biểu tại diễn đàn ARF: “Mỹ ngày càng cảm thấy lo ngại trước tình trạng căng thẳng gia tăng ở vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn, và ARF là diễn đàn phù hợp để thảo luận vấn đề này”. Cựu Đô đốc hải quân Mỹ, Prueher tuyên bố: “Chúng tôi đang cố gắng duy trì sự hiện diện liên tục tại Biển Đông, tăng cường hoạt động quân sự… để cho người ta nhìn thấy mình nhiều hơn đôi chút.” “Chúng ta không nói đến vấn đề can dự, nhưng kẻ thôn tính cần phải biết tới sự có mặt của chúng ta, biết Hạm đội 7 là hạm đội mạnh nhất thế giới”.[7] Với lý do duy trì an ninh châu Á - Thái Bình Dương và bảo vệ tự do hàng hải, Mỹ từ “không thâm nhập” đã chuyển sang “tích cực nhúng tay”.

Vì không phải là một bên trong các tranh chấp chủ quyền ở khu vực, nên Mỹ mới chỉ dừng lại ở việc tuyên bố về lợi ích cốt lõi của Mỹ trong việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông và nhấn mạnh ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở khu vực này dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, xuất phát từ chiến lược toàn cầu và chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào ở Biển Đông.

Từ sau năm 2000: Tăng cường can dự ở Biển Đông

Sau sự kiện 11/9/2001, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông đã có thay đổi thông qua sự đối phó, đề phòng, ngăn chặn và cô lập Trung Quốc. Vào năm 2009, Mỹ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề Biển Đông do những nguyên nhân sau: một là, việc Trung Quốc đe dọa các công ty dầu khí của Mỹ hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam năm 2008 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc thách thức trực tiếp lợi ích thương mại của Mỹ và các công ty Mỹ tại Biển Đông; hai là việc Trung Quốc ngăn cản tàu khảo sát hải quân và tàu USNS Impeccable trong phạm vi 75 hải lý tính từ đảo Hải Nam (3/2009) khiến Mỹ lo ngại về vấn đề tự do hàng hải; và ba là việc Trung Quốc lưu hành bản đồ yêu sách đường chín đoạn (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) ở Liên Hợp Quốc từ 5/2009 thách thức các khuôn khổ luật pháp quốc tế. Năm 2010, chính quyền Tổng thống Obama nhận định rằng Mỹ cần phải có một chính sách mới toàn diện hơn trong vấn đề Biển Đông.[8] Tháng 7/2010, tại hội nghị của ARF, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã tuyên bố công khai về chính sách của Mỹ, đây là tuyên bố công khai ở cấp cao nhất của Mỹ từ trước tới nay trong vấn đề Biển Đông. Bà Clinton khẳng định những yếu tố cốt lõi trong tuyên bố chính sách năm 1995, đó là: Mỹ có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải, phản đối tất cả các bên sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và không đứng về bên nào trong các tuyên bố yêu sách lãnh thổ.[9] Mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền, nhưng Mỹ đưa ra quan điểm ủng hộ các yêu sách hợp pháp mà các quốc gia trong khu vực theo đuổi và tiến trình quản lý, giải quyết tranh chấp. Tổng thống B.Obama cũng nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Đông Á ở Bali, Inđônêxia (tháng 11/2011) rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp trong khu vực, nhưng lợi ích của Mỹ bao hàm cả tự do hàng hải và đảm bảo thương mại quốc tế trong khu vực không thể bị cản trở ở Biển Đông.

Từ sau tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton đến giữa năm 2012, Mỹ duy trì lập trường cơ bản này trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên sau sự kiện tranh chấp bãi cạn Scaborough giữa Philíppin và Trung Quốc, chính sách của Mỹ đã có sự điều chỉnh. Vụ việc tranh chấp xảy ra kéo theo nhiều quốc gia liên quan trong đó có Mỹ; lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại của ASEAN, tổ chức này đã không đưa ra được Tuyên bố chung trong năm Chủ tịch của Campuchia (2012). Kết thúc vụ tranh chấp là thắng lợi thuộc về Trung Quốc khi quốc gia này trên thực tế chiếm được bãi cạn Scaborough (theo cách gọi của Trung Quốc là Hoàng Nham). Tháng 8/2012, Mỹ đã đưa ra một tuyên bố khác về chính sách của nước này đối với những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông. Điểm đáng chú ý là tuyên bố này chỉ đích danh Trung Quốc cùng với những hoạt động của họ ở bãi cạn Scaborough và việc thành lập thành phố Tam Sa chính là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, sau tuyên bố tháng 8/2012, Mỹ không tiếp tục nhắc đến Trung Quốc nữa mà quay lại với những nguyên tắc đã nhấn mạnh trước đó như ủng hộ tự do hàng hải, khuyến khích các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

 Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng biển Hoa Đông. Tháng 5/2014, trong bối cảnh Mỹ thi hành chính sách tái cân bằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền Obama đã đưa một tuyên bố chi tiết nhất từ trước đến nay về chính sách của mình đối với vấn đề Biển Đông do Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Đông Á trình bày tại phiên điều trần trước Quốc hội. Bản tuyên bố chỉ đích danh Trung Quốc là quốc gia có những hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Russel đã chỉ ra rằng, “việc Trung Quốc sử dụng đường chín đoạn để đưa ra yêu sách đối với các vùng biển không dựa trên các thực thể là trái với luật pháp quốc tế.”[10] Russel khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với quyết định của Philíppin khi theo đuổi việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng Tòa trọng tài tại Tòa án quốc tế về Luật biển, coi đó là minh chứng cho việc giải quyết tranh chấp hòa bình và không cưỡng ép. Đặc biệt, ngày 03/12/2014, với số phiếu tuyệt đối, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết H. Res-714, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với các giải pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo đó, Mỹ chủ trương duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không; đồng thời, lên án những hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực để ngăn cản việc thực thi các quyền tự do sử dụng vùng biển hay không phận quốc tế trên Biển Đông. Nghị quyết hối thúc Trung Quốc kiềm chế thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông và không lập ADIZ tại các vùng biển khác của châu Á - Thái Bình Dương (hàm ý trên Biển Đông). Đồng thời, kêu gọi ASEAN và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Như vậy, về mặt đối ngoại, chính sách của Mỹ ở Biển Đông có sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt. Trước những động thái leo thang ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ nhận thấy nhu cầu to lớn của việc tăng cường hiện diện trở lại tại Biển Đông, trước là để bảo vệ những lợi ích quan trọng của Mỹ tại đây, sau là để kiềm chế Trung Quốc và chứng tỏ vai trò cường quốc lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ nhìn nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông không chỉ phương hại đến lợi ích an ninh, kinh tế của Mỹ mà còn là sự đe dọa đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Mỹ cũng cho rằng việc hải quân Trung Quốc đang tiến công mạnh mẽ trên Biển Đông là nhằm mục đích thay đổi thế cân bằng về lực lượng hải quân và cản trở hoạt động của hải quân Mỹ trên các vùng biển thuộc Biển Đông. Từ những nhận định này, Mỹ khẳng định cần phải gia tăng hiện diện quân sự và tham gia vào các vấn đề liên quan đến Biển Đông.  

Có thể tóm tắt chiến lược của Mỹ tại Biển Đông như sau: Mỹ coi việc đảm bảo quyền tự do hàng hải, tự do thông tin trên biển Đông là lợi ích hàng đầu, không để cho nước nào chiếm được vị trí độc tôn tại biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc. Với mục tiêu đó, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của mình tại Biển Đông, tăng cường dính líu, can thiệp đối với các diễn biến xoanh quanh Biển Đông. Mỹ cũng hiểu rõ lợi ích của việc duy trì hòa bình và ổn định, không để xung đột nóng xảy ra ở khu vực. Do đó, một khía cạnh khác trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông là giữ thế cân bằng chiến lược, có thể coi đó là nhân tố điều hòa, giảm tình trạng căng thẳng khi cần thiết.

Hoạt động tăng cường can dự của Mỹ trong vấn đề Biển Đông

Với mục tiêu và chiến lược được xác định rõ ràng như trên, Mỹ tích cực triển khai các hoạt động nhằm tăng cường hiện diện của Mỹ tại Biển Đông, tích cực thâm nhập và can thiệp vào các vấn đề liên quan.

Phương thức kiểm soát Biển Đông của Mỹ chủ yếu thông qua các đồng minh của Mỹ mà thực chất là việc không ngừng tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực, nhất là Philíppin, Xingapo và Inđônêxia. Hàng năm giữa Mỹ và Philíppin thường xuyên diễn ra các cuộc tập trận chung với mục tiêu là chống khủng bố, sau đó mở rộng ra chống xâm lược bên ngoài. Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu mà Mỹ tiến hành hợp tác quân sự với các nước trong khu vực nhằm duy trì sự tồn tại quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và loại trừ những mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực. Từ năm 1992, Mỹ đã nhiều lần yêu cầu các nước trong khu vực để Mỹ kiểm soát eo biển Maclacca; quân đội Mỹ chuyển Bộ Tư lệnh hậu cần khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến Xingapo, viện trợ quân sự và hỗ trợ về đào tạo cho sỹ quan quân đội các nước. Để tăng cường an ninh trên biển và để khống chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đã triển khai kế hoạch điều động quân, tăng cường lực lượng không quân tại đảo Guam, Hawai và tại Yokousuka của Nhật Bản. Bộ Tư lệnh quân đoàn 1 lục quân Mỹ cũng được chuyển từ Mỹ đến Kanagwa của Nhật Bản để tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực này.

Mỹ tổ chức nhiều cuộc tập trận chung với các nước Philíppin, Thái Lan, Malaixia, Brunây, Inđônêxia và Xingapo dưới hình thức chống khủng bố, bảo vệ an ninh biển cũng như tìm kiếm cứu nạn trên biển. Các nước tham gia tập trận ngày càng nhiều, quy mô không ngừng mở rộng. Trong những năm 1998-1999, Mỹ đã hơn 30 lần tập trận chung với các nước Đông Nam Á, liên tục phá kỷ lục về số lượng các cuộc tập trận song phương từ 1990 đến nay. Quy mô tương đối lớn có các cuộc tập trận “Hổ đối kháng” giữa Mỹ - Xingapo - Thái Lan, “Hổ mang vàng” giữa Mỹ - Thái Lan và “Calate” giữa Mỹ, Thái Lan, Malaixia, Xingapo, Brunây. Đầu năm 2000, Mỹ và Philíppin tổ chức tập trận quy mô lớn với tên gọi “Vai kề vai” trên địa điểm quần đảo Trường Sa kéo dài đến tận đảo Palawan của Philíppin. Cũng trong năm 2000, Mỹ, Anh, Ôxtrâylia, Canađa, Chilê, Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức tập trận hải quân quy mô lớn “Vòng cung Thái Bình Dương 2000”- quy mô lớn nhất kể từ năm 1971.

Lợi dụng chống khủng bố quốc tế, Mỹ ngày càng gia tăng sự có mặt và sức mạnh quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ đã đạt được thỏa thuận sử dụng căn cứ hải quân Changi của Xingapo, căn cứ này có thể neo đậu tất cả các loại tàu chiến hiện đại, kể cả tàu ngầm hạt nhân; thỏa thuận về việc “mở cửa không gian” với Malaixia, ký Hiệp định cho phép tàu hải quân Mỹ tiến vào khu vực quản hạt với Brunây. Đồng thời, Mỹ còn nhiều lần thảo luận với Thái Lan và Việt Nam về sử dụng căn cứ quân sự “Gulf of Siam” của Thái Lan và căn cứ quân sự ở vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Máy bay và tàu chiến của Mỹ hoạt động liên tục ở Biển Đông. Để bảo đảm khống chế đường giao thông quan trọng trên biển, quân đội Mỹ luôn duy trì quyền đi lại tự do đối với các vùng biển đang tranh chấp chủ quyền, không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của bất cứ quốc gia nào đối với vùng biển này. Vì vậy, hàng năm đều phải thông qua việc qua lại của các chiến hạm hoặc diễn tập quân sự ở Biển Đông, để bảo đảm “quyền đi lại tự do trên vùng biển này của hải quân Mỹ”. Cuộc tập trận phối hợp các binh chủng hải - lục - không quân của Mỹ ngày 17/8/2001 (là cuộc tập trận qui mô lớn nhất từ trước tới nay gồm 15.000 lính và hàng trăm tàu chiến, máy bay các loại) với mục đích như Mỹ tuyên bố “giúp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông”[11] được các nhà bình luận cho rằng Mỹ nhằm vào Trung Quốc.

Sau khi xảy ra vụ va chạm máy bay do thám EP3 năm 2001 với Trung Quốc, Mỹ đã điều một lực lượng từ đảo Okinawa của Nhật Bản sang đóng tại căn cứ gần với Đài Loan hơn để dễ dàng hành động một khi vùng biển này xảy ra khủng hoảng. Cuối tháng 1/2003, Mỹ và Philíppin đã tiến hành cuộc tập trận chung mang tên "Banlikatan-4" mà địa điểm được chọn là đảo Palawan đang tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philíppin và mục tiêu tập trận lúc đầu là chống khủng bố, sau mở rộng ra chống xâm lư­ợc từ bên ngoài. Với sự thay đổi trên đây, cuộc diễn tập Mỹ - Philíppin đã mang động hư­ớng chiến l­ược nhạy cảm: Lần đầu tiên địa điểm diễn tập đư­ợc xác định trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp với Trung Quốc; lần đầu tiên mục tiêu diễn tập đ­ược mở rộng thành chống xâm lư­ợc từ bên ngoài. Mỹ còn đề xuất việc lắp đặt trạm rađa trên đảo Palawan để hoạt động trinh sát quân sự trên Biển Đông và ngay lập tức được phía Philíppin đáp ứng vì cho rằng công việc này sẽ giúp họ khẳng định chủ quyền đối với các đảo đang tranh chấp. Chuyên gia của trường Đại học Philíppin, Giáo sư Orolla đã chỉ rõ hành động của Mỹ nhằm phát ra tín hiệu rõ ràng rằng: Mỹ sẽ thọc tay sâu hơn nữa vào việc tranh chấp Biển Đông. Một cựu tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ đã tuyên bố: Biển Đông là vùng biển quốc tế, không phải Trung Quốc hay Philíppin có thể tuyên bố toàn bộ chủ quyền. Logic của Mỹ là: “Biển Đông hiện nay hầu như không phải của Mỹ, nhưng nếu Biển Đông thực sự trở thành vùng biển quốc tế thì nó là của thế giới và đương nhiên là của Mỹ”.[12]

Tháng 10/2005, Mỹ đã thỏa thuận với Nhật Bản xây dựng một căn cứ không quân mới ở đảo Okinawa. Cùng với sự bố trí và sự hiện diện trở lại của quân đội Mỹ tại nhiều nước ASEAN, sự tăng cường hợp tác quân sự của Mỹ với Nhật Bản đã tạo ra một thế cờ mới, có khả năng bao vây Trung Quốc từ phía biển, duy trì sự thống trị quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 25/7/2005, Mỹ nối lại tập trận chung trên biển với Inđônêxia sau hai năm tạm hoãn. Riêng từ tháng 8-9/2005, Mỹ đã tổ chức bốn cuộc tập trận với các nước Xingapo, Thái Lan, Malaixia, Philíppin và Brunây với quân số tham gia lớn, phương tiện chiến đấu hiện đại.

Năm 2006, Mỹ đưa bốn chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp “Ohio” đến bố trí tại căn cứ tàu ngầm hải quân Bangor bên bờ Thái Bình Dương, do Hạm đội Thái Bình Dương chỉ huy. Sau đó, Mỹ lại đưa thêm một chiếc tàu ngầm loại này nữa đến căn cứ Bangor. Hiện nay, Mỹ đã có tới 9 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp “Ohio” mang đầu đạn hạt nhân chiến lược đóng ở Thái Bình Dương và khu vực Biển Đông là một trong những điểm nóng tuần tra chủ yếu của những tàu ngầm này.

Năm 2007, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã bắt đầu có kế hoạch liên kết với 11 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Xingapo, Philíppin, Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan, Ấn Độ, Brunây và Xri Lanca tiến hành hoạt động giám sát và trinh sát của máy bay không người lái “UAV” (Con chim sắt). Trong số các nước đó, ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc ra, các nước khác đều có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tháng 5/2008, quân đội Mỹ và Philíppin tiến hành diễn tập chung trên vùng biển đảo Palawan; hai bên đã điều động nhiều tàu chiến và hàng ngàn binh sỹ, trong đó có cả tàu chỉ huy của Hạm đội 7 - Hạm đội lớn nhất của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 11/2009, lần đầu tiên Mỹ phái bốn tàu chiến đến Biển Đông để tham gia cuộc diễn tập thường niên với lực lượng hải quân sáu nước Đông Nam Á là Philíppin, Thái Lan, Xingapo, Malaixia, Inđônêxia và Brunây. Qua các cuộc tập trận, Mỹ vừa tăng cường hoạt động chống khủng bố, duy trì an ninh biển, đặc biệt là hoạt động hàng hải qua eo Malacca lại trấn áp được Trung Quốc cũng như phòng tránh xu hướng ly tâm của hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc và đảm bảo cho Mỹ giành quyền chủ đạo ở khu vực, tiến tới tạo chỗ dựa cho địa vị bá chủ của Mỹ.

Đồng thời Mỹ còn bán vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại cho các nước Đông Nam Á đẩy mức độ trang bị quân sự trong vùng biển Đông không ngừng leo thang. Ngoài ra, quân đội Mỹ đặc biệt coi trọng hoạt động trinh sát, giám sát, trắc nghiệm hải dương, khống chế khu vực Biển Đông. Những năm gần đây, Mỹ mỗi năm xuất kích hàng trăm lượt máy bay trinh sát điện tử, máy bay chống tàu ngầm, tuần tiễu và tàu trắc nghiệm đến khu vực Biển Đông để thu thập tư liệu về thủy văn, địa chất, sinh thái biển và chiến lược bố trí điều động lực lượng của Trung Quốc ở khu vực này.

Trước yêu sách chủ quyền của các bên ở Biển Đông, Mỹ nhận định: “Sự tranh giành của các nước châu Á về nguồn tài nguyên năng lượng, đặc biệt là ở vùng Biển Đông đang có tranh chấp, là một việc khiến mọi người quan tâm chú ý. Chúng tôi muốn bảo đảm chắc chắn rằng các nước ở vùng Biển Đông hiểu rõ có các loại quy tắc công khai và quy tắc ngầm cùng tồn tại. Không ai có thể đến đó mà vỗ ngực nói rằng “đó là của tôi” (Trích lời của Timothy Keating, Tư lệnh quân đội Mỹ đóng tại Thái Bình Dương). Điều này nói lên rằng vấn đề Biển Đông không chỉ là việc của nước khác mà còn là việc của Mỹ, tất cả mọi việc đều phải có sự tham gia của Mỹ. Mỹ hiểu rất rõ tầm quan trọng của Biển Đông, cho rằng việc “không can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước ở Biển Đông” không có nghĩa là tránh hiện diện về quân sự. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Việc duy trì sức mạnh quân sự ở khu vực này có lợi cho quân đội Mỹ trong việc khai thông tuyến hàng hải Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, phù hợp với bố trí chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Tại Diễn đàn Shangrila năm 2012, Mỹ  khẳng định sẽ bố trí lại sức mạnh hải quân theo hướng tăng cường triển khai tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến ven bờ và tàu ngầm ở Thái Bình Dương. Nhằm tái cân bằng sức mạnh quân sự tại khu vực, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có những điều chỉnh nguồn lực nhanh chóng để thích ứng với chiến lược mới của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Dự tính đến năm 2020, Mỹ sẽ thay đổi tỷ lệ lực lượng hải quân hiện diện là 50-50 giữa hai khu vực thành 40% ở Đại Tây Dương và 60% ở Thái Bình Dương. Việc bố trí lại lực lượng hải quân cho phép Mỹ can dự nhanh hơn, chủ động hơn vào diễn biến tình hình tại đây và được coi như một phần chiến lược tập trung vào châu Á.

Mỹ khẳng định sự cần thiết phải củng cố và phát triển các liên minh quân sự với tất cả các nước trong khu vực, đặc biệt đối với các nước Đông Nam Á hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông. Mỹ sẽ tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với Xingapo, Inđônêxia, Malaixia và Ấn Độ, thậm chí cả Mianma; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác trong khuôn khổ ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…

Tại Diễn đàn Shangrila 2012, Mỹ và Xingapo đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác: Chính phủ Xingapo cho phép 4 tàu tác chiến ven bờ của Mỹ đến thăm các căn cứ hải quân ở nước này theo đúng cam kết trong Thỏa thuận khung chiến lược giữa hai phía đã ký năm 2005; sử dụng cơ sở huấn luyện quân đội, diễn tập quân sự song phương là thành phố Murai và các tàu chiến Mỹ sẽ luân chuyển đến Xingapo. Đối với Philíppin, Mỹ triển khai 600 binh sỹ chuyên tham gia các chiến dịch chống nổi dậy với quân đội Philíppin. Trong các cam kết, hai bên sẽ tăng cường diễn tập quân sự chung cũng như nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước. Binh sĩ, tàu chiến, tàu sân bay của Mỹ được phép sử dụng các căn cứ không quân và hải quân ở Subic và Clark. Đối với Thái Lan, trong khuôn khổ đồng minh, phía Mỹ đã đạt được ý định sử dụng căn cứ U - Tapao cho các hoạt động quân đội Mỹ trên danh nghĩa phục vụ mục đích nhân đạo, không ngoại trừ khả năng sử dụng để triển khai các chiến dịch lớn trong tương lai. Mỹ cung cấp nhiều trang thiết bị mới cho Thái Lan, cũng như đẩy mạnh các hoạt động diễn tập quân sự chung với các nước này.

Như vậy, từ sau Chiến tranh Lạnh, với việc thay đổi lập trường trong vấn đề Biển Đông, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương một cách mạnh mẽ. Các hoạt động này vừa là biện pháp quan trọng duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, vừa là sự uy hiếp, kiềm chế đối với Trung Quốc và là sự chi viện về quân sự đối với các nước Đông Nam Á.

Chính sách đối với Biển Đông của chính quyền D. Trump

Từ ngày 8/11/2016 tức là lúc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, những ai quan tâm đến Biển Đông đều chú ý đến nhất cử nhất động của tân chủ nhân Nhà Trắng và những nhân vật trọng yếu trong ê kíp sắp cầm quyền để xem chính sách Biển Đông của chính quyền mới sẽ ra sao. Tuy nhiên sau ba tháng nắm quyền, thực tế cho thấy đối sách Biển Đông của chính quyền Trump vẫn chưa định hình rõ nét. Bản thân Tổng thống Donald Trump chưa đưa ra phát biểu chính thức nào về vấn đề này. Trong khi đó, hai nhân vật trụ cột là tân Ngoại trưởng Rex Tillerson và tân Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis lại có những phát biểu trái ngược nhau trong cách đối phó với các hành vi quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Tillerson phát biểu tại buổi điều trần tại Thượng Viện Mỹ ngày 11/01/2017 tỏ lập trường cứng rắn, còn ông James Mattis phát biểu trong buổi họp báo chung với người đồng nhiệm Nhật Bản tại Tokyo ngày 04/02/2017 lại thể hiện thái độ rất mềm mỏng. Nội dung tuyên bố của ông Tillerson có thể tóm tắt như sau: Không thể để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, vì toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ bị tổn hại. Do đó, Mỹ cần phải buộc Trung Quốc dừng quân sự hóa Biển Đông, dừng các hoạt động xây dựng trên đảo nhân tạo; đồng thời chặn đường không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo. Thế nhưng, gần một tháng sau, trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis lại khẳng định tình hình chưa đến nỗi buộc Mỹ phải “tiến hành các hoạt động quân sự lớn, mà chỉ cần có những nỗ lực ngoại giao, đối thoại để giải quyết vấn đề”. Dựa trên các tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson, được cho là “một sự trình bày mạch lạc chính thức cấp cao đầu tiên” của những ưu tiên về Biển Đông mà chính quyền Trump sẽ theo đuổi, giới quan sát nhận định rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Biển Đông trước mắt dường như không thay đổi nhiều so với thời Obama. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền ngày 23/2 với hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng nhiều chuyện xảy ra dưới thời cựu tổng thống Barack Obama "đáng lẽ không nên xảy ra"."Một trong số đó là việc xây dựng các tổ hợp quân sự ngay giữa Biển Đông. Đừng quên rằng tôi chỉ mới làm tổng thống 4 tuần. Đây là điều đã bắt đầu và xảy đến cách đây 3 năm, khi đó bạn ở vị thế tốt hơn để thương lượng so với hiện tại. Tôi không vui vì điều này", ông Trump nói. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc Trung Quốc xây “khu phức hợp quân sự” ở Biển Đông “xảy ra dưới chính quyền của ông Obama” và “đáng lẽ không được cho phép làm vậy”.[13]

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Trên trang Twitter chính thức với gần 17 triệu người theo dõi, ông viết hồi cuối năm 2016: “Trung Quốc có hỏi chúng ta việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến các công ty của Mỹ khó cạnh tranh), đánh thuế nặng các sản phẩm của chúng ta vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ), hay xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ ở giữa Biển Đông? Điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ”. Ngày 18/2/2017, lần đầu tiên dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump, hải quân Mỹ đã triển khai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng đội tàu chiến trở lại tuần tra “tự do hàng hải” ở Biển Đông. Trong bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống D. Trump trước hai viện Quốc hội Mỹ ngày 28/2/2017, sau một tháng bước vào Nhà Trắng, có thể thấy, ông chủ yếu tập trung vào chính sách đối nội, nên Biển Đông không được nêu cụ thể trong diễn văn này. Tuy nhiên, vẫn có thể tìm thấy một vài thông điệp từ diễn văn này liên quan đến Biển Đông, khi Trump khẳng định rằng Mỹ sẽ “tăng chi tiêu quốc phòng lên một mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ” đủ để đánh bại các mối đe dọa vị thế của nước Mỹ, rằng nước Mỹ sẽ tôn trọng các định chế lịch sử, nhưng chúng ta cũng sẽ tôn trọng quyền chủ quyền của các nước”.[14]

Kết luận

Chính sách đối với vấn đề Biển Đông là một khía cạnh quan trọng trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ từ sau Chiến tranh Lạnh, là biểu hiện rõ nét của các chiến lược “can dự và mở rộng”, “quay trở lại châu Á” được các chính quyền Mỹ triển khai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ ngày càng can thiệp sâu hơn vào vấn đề Biển Đông và trở thành một nhân tố quan trọng, mặc dù không trực tiếp can dự vào các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng lại có vai trò giữ cân bằng, không để xung đột leo thang. Vai trò quan trọng nhất của Mỹ là ngăn không cho bên nào sử dụng xung đột vũ trang như một biện pháp giải quyết tranh chấp. Mỹ chủ trương giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông có lợi cho việc thúc đẩy các bên liên quan đến Biển Đông của ASEAN tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại, thương lượng và giữ thái độ kiềm chế khi xử lý tình hình an ninh căng thẳng ở Biển Đông. Mặt khác, với lập trường bất biến là ủng hộ tự do hàng hải, không chấp nhận một nước nào độc chiếm vùng biển quan trọng này, thì mặc dù không công khai nhưng có thể thấy Mỹ có thái độ ủng hộ đối với các nước Đông Nam Á liên quan đến chủ quyền tại Biển Đông. Việc Mỹ “quay trở lại” Đông Nam Á và thực thi chính sách này cũng sẽ khiến cho chính sách biển Đông của các nước trong và ngoài khu vực nảy sinh thay đổi ở những mức độ khác nhau.

Trong bối cảnh tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là yếu tố sống còn đối với thương mại, thịnh vượng kinh tế của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ, các diễn biến xoay quanh vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của Mỹ. Vì vậy, chắc chắn Mỹ sẽ tiếp tục can dự vào các vấn đề liên quan đến Biển Đông và là một hướng triển khai quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ThS, Trần Thị Quỳnh Nga, Nghiên cứu sinh khóa III ngành Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại giao. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 2 (109).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    U.S Department of Defense (1995), “U.S Security Strategy for East Asia Pacific”, February 1995.

2.    U.S Department of State, Daily Press Briefing, May 10, 1995.

3.    Yann Huei Song (1997), “The US Policy on the Spratl Islands and the South China Sea”, The Indonesian Quarterly  Vol 25 (3).

4.    TTXVN (2004), “Bàn tay đen của Mỹ thọc vào Biển Đông”, TLTKĐB (089).

5.    M.Taylor Fravel (2014), Policy Report: U.S. Policy Towards the Disputes in the South China Sea Since 1995, S. Rajaratnam School of International Studies (A graduate School of Nanyang Technological University, Singapore), March 2014.

6.    Ralf Emmers (2010), Geopolitics and Maritime Territorial Disputes in East Asia, Routlegde Security in Asia Pacific, 2010.

7.    Amitai Etzioni (2015), “Freedom of Navigation Assertions: The United States as the World’s Policeman”, Armed Forces & Society, August 8, 2015.

8.    Scot Marciel (2009), Maritime issues and sovereignty disputes in East Asia, Statement before the subcommittee on East Asian and Pacific Affairs, Senate Foreign Relations Committee, Washington DC, July 15, 2009.

9.    Jeffrey A.Bader, Obama and China’s Rise: An Insider’s Account of America’s Asia Strategy, (Washington D.C: Brookings)

10.  Hillary Clinton (2010), “Remarks at Press Availability at annual meeting of the ASEAN Regional Forum (ARF)”, July 23 2010.

11.  TS. Trần Công Trục (2016), “Chính sách Trump ở Biển Đông sáng dần qua “lăng kính” 3 nước ASEAN”, Tạp chí Giáo dục.

12.  Ankit Panda (2017), “Mattis Calms Nerves on US South China Sea Policy, But For How Long?” The Diplomat, February 6, 2017 http://thediplomat.com/2017/02/mattis-calms-nerves-on-us-south-china-sea-policy-but-for-how-long

13.  Ankit Panda (2017), “The Trump Administration Needs a Clear South China Sea Policy”, The Diplomat, January 24, 2017 http://thediplomat.com/2017/01/the-trump-administration-needs-a-clear-south-china-sea-policy/

14.  Donald Trump speech (full text) CNN Politics (2017), http://edition.cnn.com/2017/02/28/politics/donald-trump-speech-transcript-full-text/

15.  VTC News (2017). “Trump trách Obama vì Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông”, http://www.vtc.vn/trump-trach-obama-vi-trung-quoc-xay-dung-o-bien-dong-d305952.html



[1] US Department of Defense, “Freedom of Navigation Operational Assertions”

[2] M.Taylor Fravel, Policy Report: U.S. Policy Towards the Disputes in the South China Sea Since 1995, S. Rajaratnam School of International Studies (A graduate School of Nanyang Technological University, Singapore), March 2014, p.2-3.

[3] U.S Department of Defense (1995), “U.S Security Strategy for East Asia Pacific”, February 1995.

[4] US Department of State, “Daily Press Briefing”, May 10, 1995.

[5] Ralf Emmers, Geopolitics and Maritime Territorial Disputes in East Asia, Routlegde Security in Asia Pacific, 2010, p.39 (nguyên văn: “The United States would ensure the free passage of ships in the case of a conflict in the Spratlys that would affect the freedom of navigation”).

[6] Yann Huei Song (1997), “The US Policy on the Spratl Islands and the South China Sea,” The Indonesian Quarterly  25 (3), pp.316-334.

[7] Yann Huei Song (1997), “The US Policy on the Spratl Islands and the South China Sea,” The Indonesian Quarterly  25 (3), pp.316-334.

[8] Jeffrey A.Bader, Obama and China’s Rise: In Insider’s Account of America’s Asia Strategy (Washington, DC: Brookings), 2010.

[9] Hillary Clinton, Remarks at Press Availability at annual meeting of the ASEAN Regional Forum (ARF), July 23, 2010.

[10] Daniel Russel (2014), Maritime Disputes in East Asia, testified before the House Committee on Foreign Affairs Subcommittee on Asia and the Pacific on February 5, 2014.

[11] Báo cáo vấn đề Trung Quốc (2002): Vì sao Mỹ lại ra sức thọc tay vào biển Nam Trung Hoa, NXB. Phố Đông, Thượng Hải, 4/2002.

[12] TTXVN (2004), “Bàn tay đen của Mỹ thọc vào Biển Đông”, TLTKĐB (089), tr.1-5.

[13] http://www.vtc.vn/trump-trach-obama-vi-trung-quoc-xay-dung-o-bien-dong-d305952.html