9726_S_china us-L.jpg


Cuộc xung đột giữa một cường quốc mới nổi và một cường quốc đã xác lập vị thế không phải là không thể tránh khỏi như hầu hết các học giả theo thuyết duy thực gợi ý. Tuy nhiên, trong mọi mối quan hệ, có một điểm tới hạn hay một điểm mà khi vượt qua thì không thể quay trở lại, và Trung Quốc và Mỹ đang nhanh chóng tiến tới điểm này. Khi các kênh ngoại giao truyền thống gần như đã không làm được gì để giải quyết các vấn đề thách thức hơn hiện gây ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung-Mỹ, thì hai nước lớn này ngày càng dựa vào các khả năng quân sự và những chiến thuật quyền lực cứng. Điều đó đặc biệt đúng ở Biển Đông, nơi là một trong những điểm gây bất đồng lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù có sự thừa nhận ở cả hai bờ Thái Bình Dương rằng một kiểu ổn định chiến lược là cần thiết để ngăn chặn cuộc xung đột nước lớn, nhưng cả Trung Quốc và Mỹ vẫn không sẵn sàng thỏa hiệp và đưa ra những kiểu nhượng bộ có ý nghĩa cần thiết để đưa mối quan hệ này lùi xa khỏi sự đối đầu, xung đột và tiến gần hơn tới hợp tác và nối lại quan hệ hữu nghị. Thay vào đó, hai nước này đang vạch ra giới hạn vô hình và sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất.

Thất bại trong việc theo đuổi sự ổn định chiến lược

Giải pháp được đề xuất của Trung Quốc cho vấn đề ổn định chiến lược Trung-Mỹ là “quan hệ nước lớn kiểu mới”, khuyến khích Mỹ và Trung Quốc tránh đối đầu và xung đột, tôn trọng các hệ thống chính trị và lợi ích quốc gia của nhau – đặc biệt là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc – và theo đuổi hợp tác cùng thắng. Trung Quốc tích cực một cách khác thường về đề xuất này và đề cập đến nó tại mọi cuộc gặp gỡ cấp cao Trung-Mỹ. Sự nhiệt tình của Trung Quốc đối với “quan hệ nước lớn kiểu mới” có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Việc Mỹ chấp nhận đề xuất của Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy của Bắc Kinh, hợp pháp hóa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với tư cách là nhà lãnh đạo sức mạnh và sự phục hưng quốc gia và giảm bớt khả năng bị Mỹ kiềm chế. Vì việc chấp nhận “quan hệ nước lớn kiểu mới” sẽ tạo ra một môi trường quốc tế có lợi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, nên về cơ bản điều đó sẽ cho phép Trung Quốc trở thành một cường quốc nổi trội ở châu Á mà không có sự cạnh tranh hoặc xung đột nước lớn. Đề xuất này cũng có tiềm năng đặt Trung Quốc ngang tầm với Mỹ, đưa nước này lên một vị thế tương đương, một vị thế được Mỹ công nhận. Việc Mỹ công nhận sức mạnh và quyền lực của Trung Quốc không chỉ có những tác động ở nước ngoài, mà điều đó cũng sẽ thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc và tăng cường quyền lãnh đạo của ĐCSTQ ở trong nước. Hơn nữa, mô hình mới này là một phương tiện thiết lập bộ quy tắc ứng xử mới cho mối quan hệ Trung-Mỹ phù hợp hơn với các lợi ích quốc gia của Trung Quốc, mở cửa cho việc tạo ra một phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á và, có tiềm năng, tạo ra một trật tự khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Trước cuộc gặp gỡ gần đây giữa Tập Cận Bình và Barack Obama, Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng “quan hệ nước lớn kiểu mới” theo đề xuất của Trung Quốc sẽ là một điểm thảo luận quan trọng trong cuộc gặp này, mặc dù đề xuất này được đề cập đến trong suốt buổi gặp gỡ, nhưng nó chẳng đạt được tiến bộ rõ ràng nào. Vì các nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng “quan hệ nước lớn kiểu mới” không nằm trong những lợi ích lớn nhất của Mỹ, nên Mỹ đã nhiều lần gạt bỏ đề xuất của Trung Quốc. Là một cường quốc bá chủ, Mỹ duy trì quyền lực của mình bằng cách chi phối hoạt động chính trị toàn cầu; việc chấp nhận một lựa chọn thay thế về khuôn khổ địa chính trị do một đối thủ chiến lược đề xuất sẽ đòi hỏi phải hy sinh đến một mức nào đó quyền lực và sự ảnh hưởng. Cùng với những điều đó, việc chấp nhận đề xuất của Trung Quốc có thể đem lại cho các nhà nước khác trong hệ thống quốc tế ấn tượng rằng Mỹ đang suy yếu và ở bên thua cuộc trong “cái bẫy Thucydides” kinh điển. Ngoài chính trị cường quyền truyền thống, lời kêu gọi Mỹ hãy tôn trọng “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc – như nhiều học giả Trung Quốc và nước ngoài đã lưu ý – là một tuyên bố “gài bẫy”. Trong khi Mỹ không phản đối việc tôn trọng các lợi ích quốc gia của một nước, thì nước này lại có khuynh hướng sẵn sàng không tôn trọng những lợi ích quốc gia bị tranh chấp ở mức độ cao, vốn là tình huống của phần lớn “các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Ngoài những lợi ích quốc gia truyền thống của Trung Quốc, như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc cũng bao trùm phần lớn các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này ở châu Á. Mỹ quan ngại rằng “quan hệ nước lớn kiểu mới” của Trung Quốc là một mánh khóe được thiết kế nhằm lừa Mỹ, khiến nước này công nhận các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mở rộng của Trung Quốc và làm giảm những lợi ích của các đồng minh và các đối tác chiến lược lâu đời của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều có khả năng sẽ dẫn tới sự suy yếu của cấu trúc an ninh “trung tâm và các vệ tinh” do Mỹ dẫn dắt, một khuôn khổ an ninh mà Trung Quốc hy vọng sẽ thay thế bằng Khái niệm An ninh châu Á mới của mình. Cũng có những sự nghi ngờ ở Mỹ rằng đề xuất của Trung Quốc là lời kêu gọi tạo ra những phạm vi ảnh hưởng, một khái niệm mà Chính quyền Obama trước sau như một đã phản đối.

Cách tiếp cận của Mỹ với sự ổn định chiến lược Trung-Mỹ là để Trung Quốc và Mỹ tập trung vào hợp tác và nhất trí tránh để cho sự cạnh tranh ở một khu vực gây ảnh hưởng đến sự hợp tác và cộng tác ở các khu vực khác. Theo nhiều cách, điều này tương tự với chiến lược “gác lại tranh chấp và theo đuổi sự phát triển chung” của Trung Quốc đối với châu Á. Do kiểu chiến lược này về địa chính trị tương tự như việc giấu bụi bẩn ở dưới thảm, nên nó chỉ có hiệu lực ở một mức độ nào đó. Cuối cùng, bụi bẩn cũng sẽ rơi ra. Sớm hay muộn, những vấn đề chưa được giải quyết sẽ nổi lên. Trong trường hợp tốt nhất, cách tiếp cận này chỉ là trạm dừng tạm thời trên con đường dẫn tới sự ổn định chiến lược hoạt động đúng chức năng. Trong trường hợp xấu nhất, cách tiếp cận này đã không còn hữu dụng. Trung Quốc coi chiến lược này là một nỗ lực của Mỹ tránh đề cập những đòi hỏi của Trung Quốc rằng Mỹ công nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc đạt tới vị thế nước lớn và theo đó xác định lại mối quan hệ, điều chỉ khuyến khích khát vọng vốn đã mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm thúc đẩy “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Trung Quốc và Mỹ đang ở trong thế bế tắc liên quan đến sự ổn định chiến lược. Trong khi cả hai nước đã đưa ra những cam kết và hứa hẹn nhằm ngăn chặn xung đột nước lớn, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không xây dựng một giải pháp hợp lý hay khả thi nào cho sự ổn định chiến lược Trung-Mỹ. Do đó, sự cạnh tranh tiếp tục không được xử lý, kiểm soát và cuộc đối đầu đang dần tiến triển thành cuộc xung đột.

Vạch ra các ranh giới trên “biển”

Những vấn đề đẩy mối quan hệ Trung-Mỹ tới xung đột thì nhiều vô kể và đa dạng, nhưng nếu người ta tìm kiếm vấn đề có khả năng gây ra xung đột nhiều nhất, thì chẳng cần phải nhìn đâu xa ngoài Biển Đông. Trung Quốc nhìn nhận những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này là các vấn đề mà trong đó các bên tham gia nước ngoài hung hăng do Mỹ dẫn dắt đang đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, vì lịch sử của nước này, các vấn đề chủ quyền lãnh thổ bao hàm sự tồn vong của chế độ theo một cách thức vượt qua được tất cả những cãi vã và bất đồng khác. Mặt khác, Mỹ coi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và những hành động củng cố các tuyên bố chủ quyền đó là chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, sự gây hấn nhằm vào các đối tác chiến lược và đồng minh của Mỹ và là một mối đe dọa đối với các nguyên tắc chỉ đạo của trật tự thế giới tự do – trật tự mà Mỹ coi là trọng yếu đối với việc duy trì quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ.

Tình hình ở Biển Đông đã leo thang một cách đều đặn trong một vài năm qua. Tháng 4/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Chuck Hagel đã gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Trong suốt buổi gặp gỡ, ông Hagel nói: “Tất cả các bên cần phải kiềm chế những hành động khiêu khích và việc sử dụng sự hăm dọa, cưỡng ép hoặc gây hấn nhằm thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền của mình. Những tranh chấp như vậy phải được giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế”. Thường Vạn Toàn đáp lại: “Tôi muốn nhắc lại rằng vấn đề chủ quyền lãnh thổ là một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ không thỏa hiệp, không nhượng bộ. Cho dù là một sự xâm phạm rất nhỏ cũng sẽ không được phép”. Không có khả năng thảo luận công khai hoặc thỏa hiệp về vấn đề này đã khiến việc giải quyết nó trở nên không khả thi và đã dẫn tới leo thang và căng thẳng gia tăng.

Sau cuộc gặp này, Trung Quốc bắt đầu đầu tư gấp bội vào các hoạt động xây dựng đảo và cải tạo đất ở các vùng biển tranh chấp. Khi những hành động này gây khó chịu trong khu vực, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc từ bỏ đường hướng hành động hiện tại, nhấn mạnh rằng điều đó mang tính kích động và tác động tiêu cực đến hòa bình và sự ổn định khu vực. Không những gạt bỏ các yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc còn gia tăng sự hiện diện quân sự của họ tại các khu vực tranh chấp nhằm thiết lập các khu vực chống tiếp cận. Trong khi Trung Quốc tuyên bố rằng các hành động của họ nằm trong phạm vi của luật pháp quốc tế, thì Mỹ lại khẳng định rằng hành động của Trung Quốc vi phạm luật biển và luật về quy chế đối với các tài sản chung quốc tế. Trung Quốc lập luận rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, nhưng Mỹ coi vấn đề này là một cuộc tranh chấp về quyền tự do hàng hải, cũng như một cuộc chiến để duy trì hệ thống pháp lý quốc tế - một “hòn đá tảng” cho trật tự thế giới tự do mà Mỹ dẫn dắt.

Tháng 8/2015, Mỹ đã công bố Chiến lược An ninh biển châu Á-Thái Bình Dương, nhằm mục tiêu “bảo vệ quyền tự do của các vùng biển, ngăn chặn xung đột và leo thang, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế”. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương giờ đây là trung tâm của nghị trình an ninh hải quân của Mỹ. Để đáp trả, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc “phản đối nỗ lực của bất kỳ nước nào nhằm thách thức chủ quyền lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc với lý do bảo vệ quyền tự do hàng hải”. Đáp lại những chỉ trích của Trung Quốc về chiến lược an ninh biển mới của Mỹ trong khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố: “Chớ có nhầm lẫn, chúng tôi sẽ cho máy bay và tàu hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép… Chúng tôi sẽ làm vậy vào thời gian và địa điểm mà chúng tôi lựa chọn”. Năm 2014, Mỹ thực hiện những hoạt động “tự do hàng hải” ở nhiều nơi trên thế giới và thách thức tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của 18 nước khác nhau; tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa chính thức thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng, điều đó có thể sẽ sớm thay đổi.

Những kế hoạch như vậy bị người Trung Quốc coi là gây hấn, nguy hiểm và vô cùng khiêu khích. Một bài xã luận gần đây của tờ Thời báo Hoàn cầu viết: “Trung Quốc không được dung thứ cho việc Mỹ xâm phạm tràn lan các vùng biển liền kề và vùng trời bên trên các đảo mở rộng này của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc cần phải sẵn sàng tiến hành các biện pháp trả đũa phù hợp với mức độ khiêu khích của Mỹ”. Bài viết còn tuyên bố thêm: “Nếu Mỹ xâm phạm các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, thì quân đội Trung Quốc sẽ chống cự và sử dụng vũ lực để chấm dứt điều đó”. Bài viết đã tuyên bố thẳng thừng rằng “Nếu Mỹ có cách tiếp cận gây hấn, điều đó sẽ phá vỡ giới hạn cuối cùng của Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn”. Những tin tức khác từ tờ báo này, một kênh truyền thông đại chúng của Trung Quốc được nhà nước bảo trợ, đã nói rõ rằng nếu giới hạn cuối cùng của Mỹ là Trung Quốc phải dừng tất cả các hoạt động cải tạo đất của họ ở Biển Đông thì chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, điều cho thấy rằng vấn đề này có thể là điểm tới hạn cho mối quan hệ Trung-Mỹ. Việc Mỹ và Trung Quốc chọn cách nào để tiến về phía trước trong vấn đề này sẽ xác định lại một cách lâu dài mối quan hệ giữa hai nước lớn này.

Cứ cho là điều này có thể chỉ là sự đe dọa, nhưng ngay cả khi đúng là như vậy, thì vấn đề này rõ ràng vẫn là trò chơi được mất ngang nhau – điều làm gia tăng khả năng xung đột. Đối với Trung Quốc, sự duy trì về chính trị và phạm vi ảnh hưởng có thể có của Trung Quốc đang lâm nguy, và đối với Mỹ, trật tự thế giới tự do và bá quyền của Mỹ đang bị đe dọa. Sớm hay muộn, vấn đề gay go này sẽ cần phải giải quyết, và bất kể là nó được giải quyết bằng ngoại giao hay sức mạnh quân sự, thì điều đó cũng sẽ gây tổn hại đến ảnh hưởng địa chính trị của mỗi một nước hoặc cả hai nước. Nếu các thể chế quốc tế cho an ninh chung đủ mạnh để xử lý những tình huống như thế này khi chúng nảy sinh – và nếu Trung Quốc và Mỹ sẵn sàng thiết lập một mô hình quan hệ mới, mô hình giải quyết các mối quan ngại an ninh riêng của mỗi nước và khuyến khích hợp tác thực sự – thì điều đó có lẽ thực sự có khả năng giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. Nhưng xét tới hoàn cảnh hiện tại, điều này chẳng hơn gì là một sự mơ tưởng và theo chủ nghĩa lý tưởng. Vì hiện tại không có giải pháp rõ ràng nào cho vấn đề này cho phép cả hai nước bước ra khỏi tình huống này trong tư thế ngẩng cao đầu, nên cả hai nhà nước đang cân nhắc những điều không tưởng. Dựa vào mức độ cam kết và quyết tâm của mỗi nước, tình huống này có lẽ đã vượt qua điểm tới hạn. Kết quả của cuộc đấu tranh quyền lực địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ gần như chắc chắn sẽ được quyết định ở Biển Đông. Một số người cho rằng vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề Trung-Mỹ. Trái lại, đó lại là vấn đề Trung-Mỹ cấp bách nhất. Mỗi bên sẽ chọn cách lùi bước hoặc bị buộc phải lùi bước. Dù mọi việc ở Biển Đông có kết thúc như thế nào đi chăng nữa, thì địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ không bao giờ trở lại như cũ.

Theo “National Interest

Anh Thư (gt)