Một số nước đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông – một vùng biển rộng lớn mà tàu bè quốc tế qua lại đó ở mức độ rất lớn. Nước này đã củng cố tuyên bố chủ quyền của mình bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo có các đường băng trong khu vực này, một vài trong số đó phù hợp cho mục đích quân sự. Philippines, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Việt Nam có những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau về các phần của vùng biển này, vùng biển được cho là có chứa các lớp trầm tích dầu mỏ và khí đốt đáng kể.

Biển Đông không chỉ là tuyến vận tải biển chính mà còn là một khu vực có nguồn năng lượng vô cùng dồi dào. Do đó, Mỹ cũng sốt sắng can thiệp vào tranh chấp này. Philippines, Brunei, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Do vậy có sự căng thẳng trong khu vực.

Sự ủng hộ

Chính phủ Trung Quốc nói rằng hơn 40 nước đã đưa ra sự ủng hộ đối với lập trường của nước này, những nước mới đây nhất là các quốc gia châu Phi, Sierra Leone và Kenya. Và ngày 14/6 vừa qua, Trung Quốc đã bày tỏ sự biết ơn tới nhiều nước đã ủng hộ lập trường của họ về vụ kiện do Phillipines khởi xướng xung quanh các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông; nói rằng những nước này lên tiếng nhằm duy trì công lý.

Philippines đã thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một khu vực xuất hiện trên bản đồ là một “đường 9 đoạn” kéo dài xuống đến tận khu vực trung tâm trên biển của Đông Nam Á, bao trùm hàng trăm đảo và đá có tranh chấp.

Bất chấp tuyên bố dứt khoát của Trung Quốc rằng nước này không có ý định mang tính đe dọa nào ở Biển Đông, họ đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình với một chương trình cải tạo đất đầy tham vọng bao gồm cả việc xây dựng các đường băng cho mục đích quân sự.

Trung Quốc từ chối công nhận vụ kiện này và nói rằng tất cả các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua đối thoại song phương. Trung Quốc đã tăng cường giọng điệu của họ trước khi có phán quyết của Tòa trọng tài thường trực tại La Hay về vụ kiện của Philippines. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng những nước không xác định nào đó đã tìm cách bôi nhọ danh tiếng của Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông, lẫn lộn đúng với sai và tìm cách kiểm soát ý kiến của công chúng. Lục Khảng nói: “Một khi họ nhận ra được cái gì là đúng, cái gì là sai và nắm được toàn bộ câu chuyện, sẽ có khá nhiều nước sẵn sàng lên tiếng từ nhận thức về công lý… Chúng tôi bày tỏ sự cảm kích và biết ơn vì điều đó. Nó cho thấy rằng một sự nghiệp chính đáng nhận được nhiều sự ủng hộ và người ta có ý thức về trách nhiệm hành xử công bằng”. Chính phủ Trung Quốc nói rằng một số ít các nước muốn bôi nhọ danh tiếng của Trung Quốc về vấn đề này, họ không thể được cho là đại diện cho cộng đồng quốc tế. 

Khu vực có ưu thế về năng lượng

Biển Đông được Trung Quốc mệnh danh là “biển Persian thứ hai”. Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã lên kế hoạch chi 200 tỷ nhân dân tệ (30 tỷ USD) trong 20 năm tới để khai thác dầu mỏ trong khu vực, với sản lượng dự kiến là 25 triệu tấn dầu thô và khí đốt tự nhiên mỗi năm, ở độ sâu 2.000m trong vòng 5 năm tới.

Khu vực Biển Đông có thể giàu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên; tuy nhiên, những ước tính lại rất khác nhau. Bộ Tài nguyên địa chất và khai khoáng của Trung Quốc ước tính rằng Biển Đông có thể chứa 17,7 tỷ tấn dầu thô (so với 13 tỷ tấn của Kuwait). Tuy nhiên, các nguồn khác tuyên bố rằng trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh ở Biển Đông có thể chỉ là 7,5 tỷ thùng, hoặc khoảng 1,1 tỷ tấn. Theo hồ sơ của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) về khu vực Biển Đông, một khảo sát địa chất của Mỹ ước tính trữ lượng dầu mỏ được phát hiện và chưa được phát hiện của khu vực này là 11 tỷ thùng, thay vì con số 125 tỷ thùng của Trung Quốc. Cũng chính báo cáo đó của EIA chỉ ra sự khác biệt lớn trong những ước tính về nguồn khí đốt tự nhiên, từ 190 nghìn tỷ feet khối tới 500 nghìn tỷ feet khối, “có khả năng nằm ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) có tranh chấp”.

Philippines bắt đầu thăm dò dầu mỏ ở khu vực phía Tây đảo Palawan vào năm 1970. Việc thăm dò trong khu vực này bắt đầu ở Bãi Cỏ Rong. Năm 1976, người ta phát hiện ra khí đốt sau khi khoan giếng. Tuy nhiên, những lời tố cáo của Trung Quốc đã tạm ngừng việc thăm dò này. Vào ngày 27/3/1984, công ty dầu khí đầu tiên của Philippines phát hiện ra một mỏ dầu ngoài khơi Palawan, là một tỉnh đảo tiếp giáp với Biển Đông và biển Sulu. Những mỏ dầu này cung cấp 15% lượng tiêu thụ dầu mỏ hàng năm ở Philippines.

“Đường 9 đoạn” ban đầu là “đường 11 đoạn”, lần đầu tiên được Chính quyền Quốc dân đảng của nước Trung Hoa Dân quốc đưa ra vào năm 1947, minh họa cho tuyên bố chủ quyền của nước này với Biển Đông. Sau đó, đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp quản Trung Quốc đại lục và thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Đường này được chấp nhận và được sửa thành “đường 9 đoạn” như Chu Ân Lai tán thành. Tính hợp pháp của “đường 9 đoạn” được một số quan chức Chính phủ và quân đội Trung Quốc coi là đem lại sự ủng hộ lịch sử cho các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Tuy nhiên, vào cuối năm 1970, Philippines, Malaysia và các nước khác bắt đầu đề cập đến quần đảo Trường Sa là nằm trong lãnh thổ của họ. Ngày 11/6/1978, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ban hành Sắc lệnh Tổng thống số 1596, tuyên bố quần đảo Trường Sa (được đề cập ở trong đó là Nhóm đảo Kalayaan) là lãnh thổ của Philippines. 

Nhiều cơ hội đánh bắt cá bên trong khu vực này là một động cơ khác của tuyên bố chủ quyền này. Năm 1988, Biển Đông được cho là đã chiếm 8% sản lượng đánh bắt cá trên thế giới, con số này đã tăng lên kể từ đó. Đã có nhiều cuộc đụng độ ở Philippines giữa các tàu cá nước ngoài (kể cả Trung Quốc) trong các khu vực tranh chấp. Trung Quốc tin rằng giá trị của hoạt động đánh bắt cá và dầu mỏ từ vùng biển này đã lên tới một nghìn tỷ USD.

Khu vực này cũng là một trong những tuyến vận tải đường biển bận rộn nhất trên thế giới. Vào những năm 1980, ít nhất 270 thương thuyền sử dụng tuyến đường này mỗi ngày. Hiện nay, hơn một nửa lượng dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển đi qua đây, con số này đang dần tăng lên cùng với sự gia tăng tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc. Lưu lượng vận tải của tuyến đường này lớn hơn gấp 3 lần so với của tuyến đường đi qua kênh đào Suez và lớn hơn gấp 5 lần so với kênh đào Panama.

Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và các nước khác đã khẳng định các tuyên bố chủ quyền bên trong “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, công ước có hiệu lực vào ngày 16/11/1994, đã dẫn đến các cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng hơn nữa giữa các bên.

Tới năm 2012, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đều thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.

Tám đảo của Quần đảo Hoàng Sa nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc; ở quần đảo Trường Sa, quân đội Việt Nam kiểm soát 29 đảo. Philippines kiểm soát 8 đảo, Malaysia kiểm soát 5 đảo, Brunei kiểm soát 2 đảo và Đài Loan kiểm soát 1 đảo. Năm 2012, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, trong khi bày tỏ mối quan ngại về căng thẳng gia tăng trong khu vực, đã nói rằng 50% thương mại của họ đi qua khu vực này và kêu gọi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngày 17/3/2016, theo Thông tư số 94 s. 2016, Tổng thống Aquino đã thành lập Lực Lượng đặc nhiệm quốc gia về vấn đề biển Tây Philippines (Biển Đông), nhằm đảm bảo chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, và duy trì của cải trên biển trong các vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của nước này, duy trì việc sử dụng và sở hữu biển Tây Philippines dành riêng cho công dân Philippines.

Nhiều tranh chấp

Các tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến cả các tuyên bố chủ quyền đảo lẫn chủ quyền trên biển giữa một vài bên trong khu vực, đó là Brunei, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trung Hoa Dân quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Các bên không tuyên bố chủ quyền muốn Biển Đông vẫn là vùng biển quốc tế, với việc Mỹ thực hiện các hoạt động “tự do hàng hải”.

Có những tranh chấp liên quan đến cả quần đảo Trường Sa lẫn Hoàng Sa, cũng như biển, các khu vực gần biển, những đường biên giới ở Vịnh Bắc Bộ và các nơi khác. Có một tranh chấp khác nữa ở vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia. Những lợi ích của các quốc gia khác nhau bao gồm việc giành được những khu vực đánh bắt cá xung quanh hai quần đảo này; tiềm năng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên dưới các vùng biển thuộc nhiều phần khác nhau của Biển Đông, và sự kiểm soát chiến lược các tuyến vận tải biển quan trọng.

Đối thoại Shangri-La được dùng làm diễn đàn trao đổi “Kênh 1” về các vấn đề an ninh xung quanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Hội đồng hợp tác an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương là diễn đàn “Kênh 2” cho đối thoại về các vấn đề an ninh.

Tháng 2/2016, Tổng thống Obama khởi xướng Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN tại Sunnylands để can dự sâu hơn với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là một chủ đề chính, nhưng tuyên bố chung của hội nghị này, “Tuyên bố Sunnylands” kêu gọi “tôn trọng chủ quyền của mỗi nước và luật pháp quốc tế”. Các nhà phân tích tin rằng điều đó ngụ ý sự chia rẽ bên trong tổ chức này về cách ứng phó như thế nào với chiến lược biển của Trung Quốc.

Sự phản đối của Mỹ 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông giàu năng lượng, nơi mà hơn 5.000 tỷ USD thương mại trên biển đi qua đó mỗi năm. Mỹ là bên sử dụng chính tuyến đường biển này, chủ yếu vì mục đích thương mại.

Các hoạt động xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng cho quân đội của Trung Quốc đã bị phía Mỹ chỉ trích. Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng nói rằng nước này có lợi ích trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải và bay qua khu vực này.

Trung Quốc chất vấn hoạt động giám sát của Mỹ và các hoạt động quân sự khác ở Biển Đông.

Mỹ và Liên minh châu Âu đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết từ La Hay. Tòa án này không có quyền thực thi và phán quyết của nó từng bị phớt lờ trước đây.

Mỹ và Trung Quốc hiện đang có bất đồng về Biển Đông. Sự bất đồng này bị trầm trọng thêm bởi thực tế rằng Mỹ không phải là một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên, Mỹ đã tiếp tục các hoạt động của họ, tuyên bố rằng “các hoạt động giám sát hòa bình và các hoạt động quân sự khác không cần xin phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước là điều được công ước này cho phép”. Ngoài ra, quyền tự do tiếp cận Biển Đông nằm trong lợi ích kinh tế và địa chính trị của Mỹ. Liên quan tới tranh chấp, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton đã lên tiếng ủng hộ quyền tiếp cận chính đáng bằng cách nhắc lại rằng quyền tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế là vấn đề nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ. Bình luận của bà đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì phản đối như là “một cuộc tấn công trên thực tế nhằm vào Trung Quốc”, ông đã cảnh báo Mỹ không được biến Biển Đông thành một vấn đề quốc tế hay vấn đề đa phương.

Bà Clinton đã xác nhận ủng hộ quốc hội thông qua Công ước về luật biển, điều sẽ tăng cường khả năng của Mỹ ủng hộ những nước phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những hòn đảo nhất định trong khu vực này. Ngày 29/5/2012, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự quan ngại về diễn biến này, tuyên bố rằng “những nước không tuyên bố chủ quyền trong ASEAN và những nước nằm ngoài khu vực (Mỹ) đã chấp nhận lập trường không can dự vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ”. Tháng 7/2012, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết 524, ban đầu được Thượng nghị sĩ John Kerry bảo trợ, tuyên bố Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002, tái khẳng định cam kết của Mỹ giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á duy trì sức mạnh và độc lập, và ủng hộ các hoạt động được tăng cường của lực lượng vũ trang Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Mỹ tức giận với sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực và muốn Ấn Độ cùng nhiều nước khác ủng hộ mình.

Năm 2014, Mỹ đáp lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với ngư trường của những quốc gia khác bằng cách nói rằng “Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích hoặc cơ sở nào theo luật pháp quốc tế đối với những tuyên bố chủ quyền biển mở rộng này”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ duy trì lập trường trung lập về vấn đề này. Trong năm 2014 và năm 2015, Mỹ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải, kể cả ở Biển Đông. Các nguồn tin thân cận với Lầu Năm Góc cũng đã nói rằng Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch triển khai một số phương tiện hải quân bên trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Trường Sa. Phản ứng trước tuyên bố này, Bắc Kinh đã đưa ra một cảnh báo cứng rắn và nói rằng họ sẽ không để cho bất kỳ nước nào xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc dưới danh nghĩa “Tự do hàng hải”.

Vào ngày 27/10/2015, tàu khu trục USS Lassen của Mỹ đã đi lại bên trong phạm vi 12 hải lý của vùng đất được cải tạo lại ở Đá Xubi (Subi) như là hoạt động đầu tiên trong chuỗi “Hoạt động tự do hàng hải”. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012 Mỹ thách thức một cách trực tiếp. Ngày 8-9/11/2015, hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trong khu vực quần đảo Trường Sa và đã được các nhân viên kiểm soát mặt đất của Trung Quốc pháp tín hiệu liên lạc nhưng vẫn tiếp tục nhiệm vụ của họ mà không bị ngăn chặn.

Trung Quốc quan ngại sâu sắc về sự hiện diện của hải quân và nỗ lực thăm dò dầu mỏ của Ấn Độ trong khu vực với sự hậu thuẫn khôn ngoan của Mỹ.

Ngày 22/7/2011, INS Airavat, một tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ trong một chuyến thăm tới Việt Nam, nghe nói đã được một bên tự xưng là Hải quân Trung Quốc liên lạc khi ở cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý trong khu vực Biển Đông có tranh chấp và tuyên bố rằng con tàu đã đi vào vùng biển của Trung Quốc. Nhưng INS Airavat vẫn tiếp tục hành trình của mình như đã định. Ấn Độ theo đuổi quyền tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, kể cả ở Biển Đông, và quyền qua lại phù hợp với các nguyên tắc được chấp nhận của luật pháp quốc tế. Tháng 9/2011, ngay sau khi Trung Quốc và Việt Nam ký kết một thỏa thuận tìm cách kiềm chế tranh chấp xung quanh Biển Đông, thì đơn vị thăm dò do nhà nước điều hành của Ấn Độ, Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên (ONGC), nói rằng nhánh đầu tư ở nước ngoài của họ, ONGC Videsh Limited, đã ký một thỏa thuận 3 năm với Petro Vietnam để phát triển hợp tác dài hạn trong lĩnh vực dầu mỏ, và đã chấp nhận đề nghị của Việt Nam thăm dò ở những lô dầu khí cụ thể nào đó ở Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo ASEAN ở Trung Quốc 

Trong khi đó, những nước ở Đông Nam Á có mối quan ngại thực sự về các sự kiện gần đây ở Biển Đông bị tranh chấp, một thông cáo với lời lẽ mạnh mẽ bất thường được bộ trưởng ngoại giao của những nước này đưa ra tại Trung Quốc vào ngày 14/6. Trong một “cái tát” hiếm hoi về ngoại giao vào Bắc Kinh – được đưa ra trên chính lãnh thổ của nước này – ASEAN đã đưa ra sự chỉ trích gay gắt những hành động trên biển của Trung Quốc. Không đề cập đích danh Trung Quốc, thông cáo đó nói rằng những diễn biến mới đây và đang tiếp diễn đã làm xói mòn niềm tin và sự tin tưởng của họ, làm gia tăng căng thẳng và là điều có thể có tiềm năng làm xói mòn hòa bình, an ninh và sự ổn định ở Biển Đông.

Tuyên bố của ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc thực hiện tất cả các hoạt động, kể cả cải tạo đất, điều có thể dấy lên căng thẳng ở Biển Đông. Tuyên bố này nói rằng: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, sự ổn định, an toàn và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và quyền tự do bay qua Biển Đông, phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế được mọi người công nhận, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Chúng tôi đưa ra cam kết của ASEAN duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và sự ổn định khu vực, cũng như với giải pháp hòa bình cho các tranh chấp”.

Sự khiển trách của khối này, sau Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh, xuất hiện khi khu vực này chuẩn bị cho phán quyết của Tòa trọng tài Liên hợp quốc đối với vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc. Trung Quốc không công nhận tòa trọng tài và đã phản ứng một cách giận dữ trước những nỗ lực pháp lý của Philippines đối với bãi cạn Scarborough do Bắc Kinh kiểm soát, bãi cạn này chỉ cách hòn đảo lớn Luzon của Philippines 230 km. Và Bắc Kinh vẫn kiên định với lập trường của mình.

Tiến sĩ Abdul Ruff là nhà phân tích độc lập; cây bình luận cho nhiều tờ báo, tạp chí về chính trị thế giới; chuyên gia về Trung Đông, phóng viên thời sự về các phong trào tự do và sự chiếm đóng của nước ngoài (Palestine, Kashmir, Iraq, Afghanistan, Pakistan, Chechnya…), Nhà sáng lập danh dự của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế; nhà bình luận về các vấn đề quốc tế, nguyên là giảng viên đại hoạc, tác giả của nhiều cuốn sách. Bài viết được đăng trên Modern Diplomacy.

Văn Cường (gt)