Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc trong việc thảo luận về Biển Đông nhưng vấn đề này vẫn là chủ đề chính và trọng tâm tại các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác tại Kuala Lumpur vừa qua. Giữa những lời chỉ trích về các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục cáo buộc lẫn nhau về việc quân sự hóa Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn một mực phản đối việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông thông qua các nước không phải thành viên ASEAN.

Biển Đông như một con tàu đang bị chèo lái theo hai hướng. Hiện tại, hơn bao giờ hết, Biển Đông không những đã trở thành vấn đề quân sự mà còn là vấn đề mang tính quốc tế. Tất cả các bên đều tỏ rõ ý muốn khẳng định vị thế của mình, do vậy tình hình có lẽ không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với các đối tác ASEAN rằng Trung Quốc đã tạm dừng việc cải tạo các đảo san hô và các rạn san hô ở các vùng tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa. Hoạt động bồi đắp ở đây chính xác là tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự trên một số đảo của quần đảo này. Lo ngại về quy mô hoạt động cải tạo lớn chưa từng có mà Trung Quốc đang tiến hành và tìm kiếm các kế hoạch khả thi khác, Mỹ, Philippines, Việt Nam, Indonesia và các quốc gia khác đã tham gia hàng loạt cuộc tuần tra trên biển và tập trận chung. Hải quân Trung Quốc gần đây đã tự triển khai tập trận trên không và trên biển với quy mô lớn, mặc dù vậy, nước này nói rằng đó là những cuộc tập trận thường xuyên để phòng thủ từ xa và không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào.

Các nước Đông Nam Á cũng đang đầu tư nâng cao năng lực hải quân của mình, đó là một phần của xu hướng đang lan rộng hiện nay tại Đông Nam Á - tăng chi tiêu quốc phòng. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), chi phí quốc phòng tại khu vực Đông Nam Á đã tăng 44%, trên thực tế, từ năm 2005 đến năm 2014, chi phí này đạt 35,9 tỷ USD vào năm 2014. Việt Nam, quốc gia có tranh chấp chủ quyền nhiều nhất với Trung Quốc trong số tất cả các bên tranh chấp tại khu vực Đông Nam Á, đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 128% trong giai đoạn này và tăng 96% chỉ riêng trong năm 2014.

Những nỗ lực để kiểm soát và làm dịu căng thẳng ở Biển Đông cũng liên quan đến các quốc gia khác có tranh chấp lãnh thổ tại đây như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, vùng lãnh thổ Đài Loan, Malaysia, Brunei và cả ASEAN khi mà khối này vẫn đang nỗ lực đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Mỹ đã can thiệp vào vấn đề này cách đây vài năm, khi đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tại cuộc họp Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội vào tháng 7/2010, đã nói rằng Mỹ vì "lợi ích quốc gia" về tự do hàng hải sẽ sẵn sàng tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông. Nhật Bản, quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, cũng hỗ trợ chính trị cho Việt Nam và Philippines và nước này cũng đã đề xuất tham gia tuần tra, giám sát trong khu vực Biển Đông, cung cấp một số tàu tuần tra cho Việt Nam và có thể sẽ làm tương tự với Philippines - hành động có thể đe dọa việc nối lại quan hệ vốn đã mong manh giữa Nhật Bản và Trung Quốc thời gian gần đây. Ấn Độ, Australia và gần đây nhất là Anh cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông. Một khối lượng giao thương hàng hóa toàn cầu, trị giá hơn 5.000 tỷ USD, đều đi qua vùng biển quan trọng này, nên dư luận quốc tế chú ý đến vấn đề Biển Đông là không quá ngạc nhiên, đặc biệt khi khả năng điều hướng các tuyến đường vận tải hàng hải quan trọng có thể bị tổn hại. 

Tuy nhiên, những định nghĩa khác nhau của cụm từ "tự do hàng hải" (đặc biệt là khi nó liên quan đến các hoạt động, bao gồm hoạt động quân sự, được phép di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế) là nguyên nhân của các cuộc chạy đua liên tục, khiến Trung Quốc cố gắng khẳng định vị thế của mình trong các giới hạn tự do hàng hải sau các cuộc họp ASEAN. Với Mỹ và Trung Quốc, sự khác biệt trong định nghĩa “tự do hàng hải” đã dẫn đến một số sự cố nguy hiểm trên biển và trên không trong những năm gần đây, trong đó có các vụ va chạm giữa máy bay do thám của Hải quân Mỹ EP-3 và máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc vào năm 2001, vụ việc các tàu Trung Quốc cản trở tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ vào năm 2009, và gần đây nhất là vụ việc máy bay tuần tra P-8 của Hải quân Mỹ bị chiến đấu cơ của Trung Quốc áp sát vào cuối năm 2014. Đặc biệt tất cả vụ việc này đều xảy ra ở ngoài khơi bờ biển đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Các quốc gia ngoài khu vực cũng đã lên tiếng về những lo ngại của mình, họ nêu ra quan điểm về việc phân biệt giữa tham gia giải quyết tình hình và chọn phe đồng minh trong tranh chấp chủ quyền. Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel đã nêu rõ sự phân biệt này khi ông nói rằng Mỹ vẫn trung lập trong tuyên bố chủ quyền của các bên nhưng "không trung lập" khi cần phải giải quyết các tranh chấp cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi chỉ ra sự cân bằng cho hai vấn đề trên, ông Russel cũng đã công khai đặt câu hỏi về giá trị pháp lý của “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc lấy làm cơ sở cho những tranh chấp lãnh thổ của họ.

Một nguyên nhân lớn hơn khiến cho các tranh chấp, kể cả các biện pháp quân sự, có thể xảy ra vì dường như tất cả các bên đều có xu hướng ngày càng tăng cường khả năng răn đe về quân sự để bảo vệ các lợi ích của mình trên Biển Đông. Sẽ rất khó để đảo chiều xu hướng này, trừ khi các bên thấu hiểu lẫn nhau cùng xây dựng lợi ích chung - điều này khiến cho việc thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin hàng hải (CBM) tại thời điểm này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng nhất hiện nay là xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc giữa ASEAN và Trung Quốc và các cuộc đàm phán về vấn đề này cần được được tiến hành từng bước. Biện pháp trước mắt là Trung Quốc và ASEAN cùng thảo luận để thiết lập một đường dây nóng đối phó với các tình huống khẩn cấp ở Biển Đông. Mỹ và Trung Quốc đang có những bước đi khả quan trong các thỏa thuận vào tháng 11/2014 về các biện pháp xây dựng lòng tin quân sự, liên quan đến việc thông báo về các hoạt động quân sự quan trọng và quy tắc ứng xử đụng độ trên không và trên biển. Cũng trong các cuộc thảo luận này, chính phủ hai nước đang hướng tới hoàn thiện các quy định về đụng độ trên biển mà hai bên đã thỏa thuận. Trong nỗ lực mở rộng vấn đề này ra các nước trong khu vực này, Mỹ, Trung Quốc và hải quân các nước khác đã bắt đầu thực hành Quy tắc ứng xử đụng độ ngoài ý muốn trên biển trong cuộc tập trận chung trên biển hoặc các hoạt động hàng hải thông thường. Nhưng chỉ có các biện pháp xây dựng lòng tin hàng hải thì chưa đủ nếu các bên vẫn cố tình thực hiện các hành vi nguy hiểm như các hành động thiếu thận trọng hoặc hung hăng của phi hành đoàn trên tàu dẫn đến xung đột ngoài mong muốn. Căng thẳng cũng có thể leo thang khi các bên đánh giá về các hành động đe dọa đó dựa trên sự nghi ngờ hoặc thiếu rõ ràng về ý đồ chiến lược của nhau.

Tóm lại, các biện pháp xây dựng lòng tin hàng hải có thể giúp tránh hoặc giảm thiểu nguy cơ xung đột hàng hải. Tuy nhiên các biện pháp này cần sự nỗ lực của các bên để tạo dựng một môi trường mà nhờ đó các xu hướng dẫn tới xung đột có thể được kiểm soát, ngăn chặn và đảo chiều. Những nỗ lực này có thể bao gồm: Giảm thiểu các phát ngôn gây kích động và phá vỡ vòng luẩn quẩn khi các bên phản bác lẫn nhau về các phát ngôn đó; khuyến khích các hành vi mang tính xây dựng, hoặc ít nhất là không khuyến khích và hạn chế tối đa các hành vi khiêu khích (sau này có thể được chính thức hóa trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc) và duy trì các kênh đối thoại mở để tất cả các bên đều có thể giải thích các quan điểm của mình về các quan ngại và bàn luận thay vì chỉ trích lẫn nhau.

Tuy nhiên, các cuộc họp tại Malaysia vừa qua đã cho thấy những nỗ lực này rất khó có thể hiện thực hóa vì tại đây có rất nhiều lời phát ngôn gây tranh cãi, các quốc gia không thể đạt được thỏa thuận về việc ngăn chặn các hành động khiêu khích. Vấn đề nguy hiểm hiện nay là các quan điểm khác nhau có thể dẫn đến thảm kịch với một trận chiến không khoan nhượng trong và ngoài vùng Biển Đông ngày càng đông đúc và rất nhạy cảm này.

Quách Phẩm Phần, Giám đốc Chương trình Trung Quốc, Đông Nam Á và Mỹ tại Viện Đông-Tây, Mỹ (EWI). Bài viết được đăng trên EWI.

Trần Quang (gt)