Nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông tại ASEAN đang trở nên phản tác dụng.

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 diễn ra gần đây đã dẫn đến các căng thẳng liên quan tới việc ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông do Campuchia từ chối đề cập tới phán quyết của Toà trọng tài trong tuyên bố này. Đây là lần thứ hai Campuchia cản trở ASEAN đưa ra lập trường chung về tranh chấp Biển Đông, làm tăng thêm sự chia rẽ vốn có giữa các thành viên ASEAN. Việc Campuchia chọn đứng về phía Trung Quốc ngay cả khi điều này có thể gây tổn thất cho ASEAN đã khiến cho rất nhiều nhà quan sát kết luận rằng tranh chấp Biển Đông đang khiến sự thống nhất ASEAN sụt giảm nghiêm trọng. Tác giả có quan điểm tương đối khác về vấn đề này.

Sự chia rẽ trong một tổ chức quốc tế không phải là điều quá xa lạ vì các quốc gia đều có chủ quyền. Vì vậy, cho dù có khả năng và có thiện chí muốn hợp tác, quốc gia vẫn chủ thể toàn quyền quyết định khi nào hợp tác (và khi nào không hợp tác) với các quốc gia khác. Quyết định hợp tác giữa các quốc gia sẽ dẫn tới sự thống nhất, đoàn kết và ngược lại khi tiến trình này kết thúc, sự chia rẽ, bất đồng sẽ diễn ra. Điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi có sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài với sức mạnh vượt trội và chiến lược “chia để trị” nhằm phục vụ các lợi ích quốc gia của mình. Trong liên minh châu Âu, một tổ chức có mức độ hội nhập cao hơn ASEAN, các bất đồng vẫn diễn ra khi họ phải đàm phán với các chủ thể mạnh hơn như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Các nhóm quốc gia thành viên trong EU có quan hệ thân thiết với các cường quốc này sẽ đại diện cho họ trong các cuộc thảo luận nội bộ EU. Vì vậy, EU thường bị chia rẽ và không thể đưa ra lập trường chung đi ngược lại lợi ích của các cường quốc kể trên trong nhiều vấn đề khác nhau. Nhìn qua lăng kính này, thất bại của ASEAN trong việc ra tuyên bố chung về Biển Đông không quá bất ngờ, và không nên bị suy diễn thành sự suy giảm tính thống nhất của ASEAN.

Trên thực tế, không nên chỉ đánh giá ASEAN từ góc độ thể chế. Khác với EU, ASEAN vốn là một tổ chức mang tính cộng đồng nhiều hơn. Tổ chức này thường không ra quyết định thông qua các tiến trình trình luật pháp hay thể chế cứng nhắc, mà qua các cuộc thảo luận thân mật giữa các quốc gia thành viên. Vì vậy, ASEAN không chỉ là cơ cấu có tổ chức mà còn là biểu hiện cho mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên. Việc thiếu các quyết định hoặc hành động ở cấp độ ASEAN không nhất thiết thể hiện sự thiếu quan tâm giữa các thành viên này. Như tuyên bố trong các tài liệu của ASEAN, và rất cần nhấn mạnh ở đây, ASEAN không có nghĩa vụ phải giải quyết tất cả các vấn đề đơn lẻ xảy ra trong khu vực. Trên thực tế, mỗi quốc gia, hoặc nhóm các quốc gia nên nỗ lực để giải quyết các vấn đề riêng của mình trước khi đưa ra ASEAN. Ví dụ, Indonesia đã tiến hành giải quyết các tranh chấp về biên giới và lãnh thổ với Malaysia và Việt Nam thông qua đàm phán song phương.

Khi đàm phán song phương đi vào bế tắc, các quốc gia thường yêu cầu vai trò hoà giải từ các quốc gia ASEAN khác, đây cũng có thể được xem như một sự công nhận gián tiếp đối với ý thức cộng đồng của ASEAN. Ví dụ, Indonesia đã đóng vai trò hoà giải trong mâu thuẫn giữa Thái Lan và Campuchia. Hay Indonesia và Malaysia đã đứng ra dàn xếp xung đột nội bộ giữa chính phủ Philippinines và phong trào ly khai Moro. Đồng thời cũng không nên suy diễn việc các thành viên ASEAN đưa các tranh chấp lên các thể chế quốc tế là một dấu hiệu của sự suy giảm tính thống nhất của ASEAN. Miễn là cả hai bên tranh chấp tin rằng đó là biện pháp tốt nhất thì họ không nên tiếp tục neo vào ASEAN chỉ để  duy trì sự đoàn kết, thống nhất. Gắn việc giải quyết tranh chấp với đoàn kết trong ASEAN chỉ làm phức tạp hoá tranh chấp.

Điều này cũng xảy ra đối với tranh chấp Biển Đông. Nhưng đây không phải là sự biện hộ cho thái độ cản trở ra tuyên bố chung của Campuchia tại AMM lần thứ 49. Trên thực tế, sẽ hữu ích hơn nếu Campuchia thể hiện sự cảm thông hơn đối với các thành viên ASEAN. Tuy nhiên, rất khó để điều khiển hành vi một quốc gia trong một tổ chức quốc tế. Điều quan trọng hơn ở đây là tranh chấp Biển Đông đã diễn ra hàng thập kỷ và việc gắn tranh chấp này vào các nội dung khác – trong trường hợp này là sự thống nhất ASEAN – cũng sẽ chỉ gây thêm các mâu thuẫn khác. Trên thực tế, điều này có thể được Trung Quốc khai thác để kéo dài tranh chấp và ngăn chặn các giải pháp. Trong hoàn cảnh yêu sách của Trung Quốc tương đối yếu, nước này được lợi từ việc giữ nguyên trạng và bế tắc trong giải quyết vấn đề.

ASEAN, vì vậy, không nên rơi vào trò chơi của Trung Quốc. Các quốc gia tranh chấp nên tập trung vào việc tìm kiếm các cách thức để giải quyết vấn đề. Thay vì trông chờ vào một tuyên bố chung ở cấp độ ASEAN, Philippines và Việt Nam nên tiếp cận các thành viên ASEAN khác mà họ tin tưởng để giúp dàn xếp tranh chấp. Thông qua cách này, các quốc gia ASEAN sẽ dần cảm thấy họ có trách nhiệm hơn trong việc đóng góp vào tiến trình này. Cùng lúc, ASEAN tốt hơn nên tập trung gắn kết các quốc gia thành viên thông qua sáng kiến hội nhập để trong tương lai, mỗi thành viên ASEAN sẽ chọn đứng về phía các quốc gia thành viên khác hơn là đứng về phía các thế lực bên ngoài vì các lý do thực dụng.

Sukmawani Bela Pertiwi hiện là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại BINA NUSANTARA University, Jakarta, Indonesia. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Thu Hà (dịch)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.