Gần đây xuất hiện nhiều bình luận về việc Trung Quốc lu loa từ chối tham gia vụ kiện do Philippines khởi xướng, cùng với đó là sự thất vọng bao trùm về cách Bắc Kinh chuẩn bị “chào đón” phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Đây không phải là điều quá bất ngờ khi đa phần các nhà phân tích đều cho là Philippines sẽ giành thắng lợi trong nhiều điểm then chốt, làm suy yếu một số yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, dẫu không phải tất cả. Thế nhưng đã xuất hiện một số phân tích "đáng ngạc nhiên" về giải pháp thay thế ưa thích của Bắc Kinh trong phân xử tranh chấp, đó là “đàm phán song phương”. Phải hiểu cách tiếp cận này như thế nào? Nó cho chúng ta thấy Trung Quốc cần gì, muốn gì và sợ gì? Nó phản ánh cách nhìn nhận của giới lãnh đạo Trung Quốc về thế giới ra sao?

Giải pháp đàm phán song phương đặc biệt gây nghi ngờ khi Trung Quốc vẫn giữ quan điểm có chủ quyền “không thể tranh cãi” ở Biển Đông từ “thời xa xưa”. Trên bàn đàm phán, người ta chỉ nêu đề xuất, chứ không gây tranh luận về lịch sử. Đàm phán là nghệ thuật đi tới đồng thuận kiểu “có qua có lại”, chứ không phải là giành phần thắng trong cuộc thảo luận. Nếu như chủ quyền của Trung Quốc là “không thể tranh cãi”, việc đàm phán còn có ý nghĩa gì? Liệu có phải Bắc Kinh đang sẵn sàng xuống nước? Còn câu hỏi nữa mà đa số các nhà phân tích đều đặt ra: Nếu chính quyền Bắc Kinh lo sợ phản ứng từ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng (đây dường như là một trong những lý do chính khiến Trung Quốc cố tìm cách hủy hoại vụ kiện của Philippines), họ sẽ từ bỏ quan điểm trên bàn đàm phán theo cách nào mà không kích hoạt làn sóng phản đối trong nước? 

Có một cách giải thích chưa thực sự rõ ràng, đó là Trung Quốc muốn đàm phán song phương để có thể buộc các nước khác quy phục. Thế nhưng quả là lạ nếu Bắc Kinh thực sự cho rằng Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Brunei sẵn lòng ngồi vào bàn đàm phán chỉ để chấp nhận những điều khoản quy hàng. Hay có phải Bắc Kinh nghĩ rằng phải có một “vùng giao kèo” dưới một hình thức nào đó? Nếu đúng thì đó là gì?

Một khả năng là Bắc Kinh sẵn lòng phân xử những yêu sách chủ quyền mập mờ cố hữu của mình ở Biển Đông để giải quyết các tranh chấp. Trong trường hợp này, sự xuống thang là rõ ràng. Bắc Kinh tuyên bố “đường 9 đoạn” chỉ có ý nghĩa bao trùm các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chứ không phải là vùng biển gắn với quyền tài phán dựa trên những đảo này- như Đài Loan đã từng nói. Từ đây, Trung Quốc có thể lập luận quyền tài phán sẽ được thực thi theo những điều khoản trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đối với các bên tranh chấp, mới nhìn qua, sự nhượng bộ trên sẽ mở đường cho việc phân định quy củ về chủ quyền đối với vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Nhưng xem xét kĩ thì sẽ thấy việc xuống nước đó chẳng có ý nghĩa gì, trừ khi Trung Quốc thực sự sẵn lòng nhượng một phần chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa hay Trung Sa cho các nước khác, để đổi lấy một sự rõ ràng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Không những thế, điều nực cười trong kịch bản này chính là việc vụ khởi kiện của Philippines- tiến trình mà Trung Quốc xem là không hợp pháp, sẽ làm rõ một số điều khoản trong UNCLOS, dựa trên nền tảng phân định quy chế mà các thực thể trên biển được hưởng. Nếu đó thực sự là quan điểm mặc cả không cần lộ diện của Trung Quốc, thì nó đã chết ngay từ trong trứng nước. 

Khả năng cao hơn: Bắc Kinh có thể nghĩ rằng các “đối thủ” tranh chấp sẵn sàng đồng thuận mang tính biểu tượng và nhận lại những thành quả vật chất. Một trong những chỉ dấu rõ nhất chính là việc Bắc Kinh vẫn thường xuyên tung ra viễn cảnh “khai thác chung” các nguồn lợi tự nhiên ở Biển Đông. Nói cách khác, Bắc Kinh cho rằng các nước sẵn sàng công nhận chủ quyền của Trung Quôc đối với các đảo tranh chấp, đổi lại họ sẽ được tiếp cận các ngư trường, các mỏ dầu, khí đốt giàu tiềm năng. Hẳn nhiên đây sẽ là một kết cục hợp mong đợi của giới lãnh đạo Trung Quốc, một mặt họ vẫn thể hiện được quan điểm “lợi ích cốt lõi” về chủ quyền trước dư luận trong nước, mặt khác cho thấy sự "rộng lượng nhân từ" đối với các nước láng giềng nhỏ hơn, yếu hơn. 

Nếu đây thực sự là kịch bản mà Bắc Kinh sẵn sàng theo đuổi, chúng ta sẽ thấy được ít nhất ba điểm lý thú và quan trọng. Một là, Trung Quốc chỉ xem tranh chấp ở Biển Đông dưới góc độ biểu tượng, sự tôn trọng và uy tín. Hai là, giới lãnh đạo Trung Quốc không tin rằng các nước tranh chấp có mối quan tâm tương tự về biểu tượng, sự tôn trọng và uy tín. Ba là, giới lãnh đạo Trung Quốc suy nghĩ những nước có tuyên bố chủ quyền có thể đặt niềm tin vào Bắc Kinh trong chia sẻ nguồn lợi ở Biển Đông một cách công bằng, đáng tin cậy. Luận điểm đầu tiên rõ ràng rất hợp lý. Thế nhưng hai điểm sau thì không. Con người nhìn chung đều quan tâm đến biểu tượng, sự tôn trọng và uy tín và sẽ hoàn toàn đi ngược lại tâm lý học khi cho rằng chỉ người Trung Quốc mới nghĩ vậy, còn các dân tộc khác thì không. Hơn nữa, thực tế các nước láng giềng hay lo sợ, tức giận và phản đối lối “rộng lượng nhân từ” của Bắc Kinh trong hàng nghìn năm qua; cùng với đó là việc nhiều động thái đã hủy hoại nghiêm trọng uy tín của Trung Quốc như là một nước đáng tin cậy, không chỉ trên Biển Đông, mà còn ở nhiều nơi khác. Nếu như lãnh đạo Trung Quốc tin rằng có “vùng giao kèo” thì họ đã không có được sự đồng cảm cần thiết để khẳng định đây là suy nghĩ đáng mong đợi. 

Nói tóm lại, Bắc Kinh phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn nếu thực sự muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông: Họ có thể tự tin chứng minh các tuyên bố chủ quyền qua bài kiểm nghiệm trên diễn đàn pháp lý; hoặc là đưa ra những điều khoản thực sự lôi cuốn trước các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn- điều chắc chắn sẽ đi kèm những nhượng bộ về lãnh thổ. Tại thời điểm hiện nay, cả hai xu thế này dường như là không thể. Trong khi đó, căng thẳng tiếp tục gia tăng.

David A. Welch là nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI), chương trình nghiên cứu an ninh toàn cầu, Trường Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế Balsillie, giáo sư khoa học chính trị trường Đại học Waterloo. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Trần Quang (gt)