Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Washington đã khiến giới truyền thông xôn xao về vấn đề ăn cắp thông tin mạng và các lâu đài cát mọc lên ở Biển Đông. Song ở nhiều góc độ, những vấn đề này dù sao cũng chỉ là những câu chuyện bên lề của một vấn đề lớn hơn: đó là một Ván cờ lớn nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, vốn bắt nguồn từ sự hội tụ của ba chiến lược: Chiến lược Con đường Tơ lụa trên Biển của Trung Quốc, Chiến lược Hành động phía Đông của Ấn ĐộChiến lược Tái cân bằng Châu Á của Mỹ. Ba chiến lược có thể phối hợp với nhau, nhưng điều này là không hề dễ dàng - đặc biệt là đối với Mỹ.

TRÒ CHƠI TUNG HỨNG

Ấn Độ và Trung Quốc có thể đang cạnh tranh giành ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu hai nước có thể phối hợp chính sách của họ với nhau, bởi với tư cách là các nước láng giềng, thành công kinh tế và chính trị của họ phụ thuộc vào liên kết kinh tế sâu rộng với nhau và với các nước khác trong khu vực. Hiện tại, cả hai đều nhận ra rằng sẽ chẳng thu được nhiều lợi lộc gì nếu xảy ra các cuộc chiến tranh ủy thác và vì thế đều đang ủng hộ sử dụng ngoại giao sức mạnh mềm.

Có rất nhiều lợi ích to lớn liên quan ở đây. Các động lực về thương mại, năng lượng và địa chính trị đang thúc đẩy tham vọng của cả Trung Quốc và Ấn Độ. Ở giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là nút thắt thương mại chính của thế giới - eo Malacca. Ngày nay, hơn một nửa lượng container của thế giới và 1/3 thương mại biển của toàn cầu đi qua Ấn Độ Dương và qua điểm thắt cổ chai này vào Biển Đông. Để hiểu hơn về quy mô của của con số trên, khoảng 2/3 nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc, gần 60% nguồn cung năng lượng của Nhật Bản và 80% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đi qua tuyến đường biển này. Trong khi đó 75% nguồn cung năng lượng của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương.

Từ lâu Trung Quốc đã mắc kẹt trong cái mà các nhà hoạch định chính sách quốc gia gọi là "tình thế lưỡng nan Malacca" - tình thế mà quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn bị giới hạn trong một tuyến đường duy nhất và để đi qua tuyến đường này, tàu thuyền của Trung Quốc phải đi qua Biển Đông, nơi đang tồn tại một mớ các yêu sách lãnh thổ chồng lấn của các nước trong khu vực. Vì thế trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã phải tìm cách đảm bảo quyền tiếp cận của mình đối với các tuyến đường biển trọng yếu, bao gồm việc xây dựng nên một loạt đảo nhân tạo với các đường băng ở Biển Đông và tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế mới bành trước rộng hơn và vượt xa các tiêu chuẩn cho phép của Công ước LHQ về Luật Biển. Xét từ góc độ này, phát biểu khiêu khích gần đây của Phó Đô đốc Trung Quốc Viên Dự Bách rằng Biển Đông "thuộc về Trung Quốc" có vẻ hợp lý về mặt chiến lược: dù sao đi nữa thì đây là toàn bộ đường tiếp cận của họ đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn.

Rất nhiều bút mực đã viết về Biển Đông, và điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng Biển Đông có thể cũng chỉ là một ví dụ về một ván cờ lớn hơn đang diễn ra.

Cùng với việc tạo ra các tuyến đường đến và vòng quanh Malacca, Trung Quốc đang cung cấp các khoản vay mềm cho Bangladesh, Pakistan, Myanmar và Sri Lanka để xây dựng mọi thứ từ đường cao tốc, đến nhà máy điện, cảng biển. Tất cả những động thái này là một phần của chiến lược Con đường Tơ lụa trên Biển của Trung Quốc, nhằm gắn chặt các quốc gia ở Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương vào nền kinh tế Trung Quốc và xây dựng các tuyến đường thương mại từ Trung Quốc thông qua lãnh thổ của các nước này để tiến vào Ấn Độ Dương, cho phép Trung Quốc tránh được nút thắt ở Malacca. Tuy nhiên, cách tiếp cận này của Trung Quốc đã bị phá hoại, một phần bởi các hành động cứng rắn của họ ở Biển Đông, khiến các nước láng giềng nhỏ hơn e sợ và tìm kiếm liên minh với Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Khi Trung Quốc trở nên hung hăng hơn, Ấn Độ đã tập trung chú ý vào nhu cầu tiếp cận các tuyến được biển trọng yếu và cơ hội đầu tư thương mại đang ngày một tăng nhanh của mình. Trong năm 2011, thương mại biển đóng góp gần 41% tổng GDP của Ấn Độ; con số đã tăng lên 45% năm 2015. Ấn Độ ngày nay nhập khẩu khoảng 3/4 lượng dầu của mình qua Ấn Độ Dương. Ấn Độ e ngại rằng Trung Quốc, dựa trên mối quan hệ đồng minh với Pakistan, sẽ bao vây Ấn Độ trên bộ và trên biển. Đối với các chiến lược gia Ấn Độ, viễn cảnh Trung Quốc sử dụng năng lực biển tăng cường của mình để thiết lập một vùng cấm hải quân trải dài từ Biển Đông sang Vịnh Ba Tư không hẳn là quá xa vời.

Để ngăn chặn sự xâm lấn này, Ấn Độ, từng là nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất cho đến thập kỷ 1990, đã bắt đầu chi tiền viện trợ ra nước ngoài. Ngày nay Ấn Độ đã chi hơn 12 tỷ USD vào các khoản tín dụng mở và có hàng chục dự án phát triển lớn ở nước ngoài. Dù viện trợ của Ấn Độ chỉ bằng một phần nhỏ so với viện trợ của Trung Quốc ở khu vực, Ấn Độ hy vọng sử dụng nguồn tài chính, tập trung thương mại, ngoại giao quân sự và các mối liên kết văn hóa của mình - hay còn gọi là chính sách Hành động phía Đông - để duy trì và mở rộng lợi thế của mình đối với các quốc gia ở rìa Ấn Độ Dương nhằm đẩy lùi sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng biển này.

Đây, nói ngắn gọn, chính là một Ván cờ lớn mới.  

XÂY DỰNG CƠ SỞ Ở BANGLADESH

Cạnh tranh ở Ấn Độ Dương bắt đầu từ Bangladesh, một đất nước hiện nay là nơi nhận viện trợ lớn thứ hai của Trung Quốc ở khu vực. Trong vòng một thập kỷ qua, 2/3 viện trợ của Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải bởi Trung Quốc tin rằng các liên kết cảng và đường sắt từ Trung Quốc đến Bangladesh có thể trở thành một van giảm áp cho eo Malacca. Trung Quốc đã bỏ rất nhiều vốn để nâng cấp hạ tầng cảng biển của Bangladesh: Bắc Kinh là nhà tài trợ chính cho dự án Cảng Chittagong và đã đồng ý thiết lập một cảng nước sâu ở Sonadia trước khi các kế hoạch bị dừng lại do Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ cùng nêu lên quan ngại. Hiện nay Bắc Kinh đang nhắm vào một dự án cảng nước sâu khác ở Paira.

Bangladesh cũng là một trong những nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Ấn Độ, và giống như Trung Quốc, New Delhi tập trung chủ yếu tiền viện trợ vào lĩnh vực giao thông vận tải, vốn được xem là trọng tâm của chính sách Hành động hướng Đông. Ấn Độ đã đồng ý cung cấp 800 triệu USD tiền viện trợ cho các lĩnh vực vận tải đường sông, đường sắt và đường bộ và đang kiến nghị tăng thêm 1 tỷ USD nữa. Ấn Độ cũng nộp hồ sơ dự thầu để xây dựng cảng biển nước sâu ở Paira.

Đồng thời, Ấn Độ còn tích cực phối hợp với Bangladesh để giải quyết tranh chấp biên giới ở Dhaka. Mùa hè qua, hai nước cuối cùng đã đi đến thỏa thuận về các vùng đất bao quanh bị tranh chấp - hoán đổi 160 vùng đất nhỏ bị bao quanh giữa biên giới Ấn Độ - Bangladesh, những vùng đất thuộc về một nước nhưng lại nằm ở nước kia - và nhờ đó giải tỏa được một rào cản chính trị ngăn cản sự hợp tác chính trị giữa hai bên trong vòng 70 năm. Với cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt so với Trung Quốc ở Biển Đông, chính quyền Narendra Modi đã chấp nhận một phán quyết quốc tế đối với việc phân định lãnh hải giữa Ấn Độ và Bangladesh ở Vịnh Bengal. Ấn Độ hy vọng rằng một cách tiếp cận "láng giềng thân thiện" hơn, chú tâm đến việc giải tỏa các mâu thuẫn cục bộ để tăng cường hợp tác, sẽ góp phần đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở các nước láng giềng quanh Ấn Độ, đồng thời đẩy mạnh thương mại và kết nối ở khu vực Nam Á.

TÌNH TRẠNG LỘN XỘN Ở MYANMAR

Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào láng giềng kế cận của Bangladesh - Myanmar. Bắc Kinh đã duy trì quan hệ thân thiện với chính quyền quân sự ở Naypyidaw trong suốt nhiều thập kỷ bị cô lập của chính quyền này để vun đắp một quan hệ đồng minh về thương mại và tiếp cận nguồn nguyên liệu thô của nước này. Từ năm 1988 đến 2013, Trung Quốc đã xây dựng các cảng biển, đập, đường ống dẫn dầu và khí trên khắp đất nước, chiếm đến 42% lượng đầu tư nước ngoài ở Myanmar. Cảng Kyaukphyu trở thành nền tảng trong chiến lược của Bắc Kinh ở đất nước này bởi nó cung cấp lối tiếp cận quý báu từ đất liền vào Ấn Độ Dương cho Trung Quốc. Năm 2013, hai quốc gia khánh thành một đường ống dẫn khí từ Kyaukphyu vào Trung Quốc, dự kiến sẽ bắt đầu vận chuyển dầu thô từ cuối năm nay.

Quan hệ của Trung Quốc với giới lãnh đạo quân sự  đã gây ra phản kháng ở Myanmar. Bạo lực và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở phía bắc quốc gia này đã khiến các dự án dầu khí bị trì hoãn và Ấn Độ đã tận dụng cơ hội này để tái củng cố dự án giao thông của mình ở Kaladan, nối thành phố Kolkata của Ấn Độ với cảng Sittwe bằng đường biển, và kết nối Myanmar ngược lại với bang Mizoram của Ấn Độ. Chiều kết nối ngược lại khá quan trọng vì Cảng Sittwe là một phần quan trọng trong kế hoạch lâu dài của Ấn Độ nhằm kết nối vùng đông Ấn với Myanmar, và rộng ra là với toàn bộ phần còn lại của khu vực thông qua hệ thống đường biển, đường sông và đường cao tốc.  

Các bước đi của Ấn Độ đã vượt ra ngoài phạm vi các hợp tác về phát triển. Dựa trên một thỏa thuận hợp tác về an ninh và biên giới tháng 5/2014, vào tháng 6/2015, Lực lượng Đặc biệt của Ấn Độ đã phát động một cuộc tấn công vào một doanh trại quân khởi nghĩa ở Myanmar. Động thái đã giúp giảm bớt áp lực cho các lực lượng của Naypyidaw, vốn đang bị căng mỏng do phải chiến đấu chống lại các tay súng chống chính quyền ở ba khu vực khác nhau trong đất nước. Trước đó vào năm 2013, Ấn Độ đã đồng ý đóng bốn tàu tuần tra biển cho hải quân Myanmar và huấn luyện các quan chức quân sự cho nước này. Đáp lại, Myanmar, vốn từ lâu là một nước nằm dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh, đã bắt đầu xoay trục khỏi Trung Quốc. Cú sốc lớn đầu tiên đối với quan hệ song phương là việc Myanmar cho dừng dự án xây dựng Đập Myitsone do Trung Quốc tài trợ trên sông Irrawaddy vào năm 2011; sau khi chính quyền quân sự ở Myanmar tan rã vào năm 2010, chính phủ mới đã phải nhường bước trước sức ép của dư luận đối với dự án đập. Cú sốc thứ hai là việc Trung Quốc cho phép tập trận bắn đạn thật dọc biên giới Myanmar vào tháng 6/2015. Trong thất bại chiến lược này của Trung Quốc, Ấn Độ là nước thắng lớn - một mẫu hình dường như đang được lặp lại ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

ĐỘC TẤU Ở PAKISTAN

Tuy nhiên có một sân khấu mà Trung Quốc rõ ràng đang giành phần thắng - đó là Pakistan. Không một động thái nào của Trung Quốc khiến New Delhi lo lắng hơn quan hệ đồng minh đang nở rộ của Bắc Kinh với Islamabad. Trung Quốc đã tài trợ cho dự án cảng Gwadar của Pakistan, thông qua đó Bắc Kinh định vận chuyển dầu và khí từ Biển Ả-rập vào tỉnh Tân Cương bất kham của nước này. Dự án cảng này trị giá 1,16 tỷ USD nhưng Trung Quốc đã khai thác đồng tiền của mình hiệu quả bằng việc ký được một hợp đồng thuê quản lý trong vòng 40 năm. Và đây mới chỉ là một giọt nước bỏ bể so với khoản đầu tư 46 tỷ USD gần đây để xây dựng hành lang kinh tế 2.000 dặm nối liền Gwadar qua khu vực tranh chấp Kashmir vào Trung Quốc. Hiện nay, can dự hải quân của Trung Quốc với Pakistan cũng đã tăng cường đáng kể, đến mức hải quân Trung Quốc đã cập cảng tại Karachi. Theo ghi nhận của một số bài báo, thậm chí Trung Quốc còn đang có kế hoạch cung cấp các tàu khu trục và các loại tàu chiến đấu khác cho Pakistan trong những năm tới. Tất cả những bước đi này tạo ra cho Trung Quốc năng lực triển khai sức mạnh cứng dọc các nước ven biển Ả-rập, vốn là vùng tập trung với mật độ cao nhất thế giới các mỏ dầu và khí tự nhiên.

Để không bị qua mặt, Ấn Độ cũng đã khởi động dự án cảng của riêng mình ở Iran như một phần chiến lược nhằm tiếp cận Afghanistan và Trung Á, bỏ qua Pakistan. Ký kết năm 2002, thoả thuận Cảng Chabahar đã bị trì hoãn do các cuộc cấm vận quốc tế đối với Iran. Nay các nước P5+1 đã ký kết được một hoả thuận hạt nhân, dự án có thể được triển khai trở lại. Ấn Độ đã chi 100 triệu USD ở xây dựng một con đường ở Afghanistan để nối với cảng Chabahar. Gần đây, Thủ tướng Modi đã ký một thoả thuận trị giá 85 triệu USD để thuê và chuyển hai điểm neo đậu tàu ở Chahabar thành một kho cảng container vào cuối năm 2016, và chính phủ của ông đã hứa hẹn đầu tư hơn 15 tỷ USD vào Iran nhằm phát triển toàn diện cảng Chahabar thành một cảng nước sâu để đổi lại việc mua khí đốt với giá rẻ hơn. Khi toàn bộ hệ thống cảng Chahabar mở rộng đi vào hoạt động, Ấn Độ sẽ có cách để thu hút nguồn dự trữ dầu và khí dồi dào của Iran và Trung Á về phía Nam, rời xa quỹ đạo của các thị trường năng lượng của vùng phía Tây Trung Quốc.

Hình 1: Viện trợ chiến lược của Ấn Độ và Trung Quốc cho các nước rìa Ấn Độ Dương

 (Chú thích: Màu hồng – nước nhận viện trợ chiến lược của Trung Quốc

Màu xanh nhạt - nước nhận viện trợ chiến lược của Ấn Độ

Màu tím - nước nhận viện trợ chiến lược của Trung Quốc và Ấn Độ)

 

CUỘC TRANH GIÀNH Ở SRI LANKA

Trường hợp nghiên cứu cuối cùng này càng làm rõ bản chất cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Dưới thời của chính phủ trước, Ấn Độ đã nhường quyền ảnh hưởng ở Sri Lanka cho Trung Quốc bởi Trung Quốc đã cung cấp cho chính quyền Sri Lanka trước các khí tài quân sự và vỏ bọc ngoại giao để nước này giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến kéo dài 25 năm chống lại lực lượng các Con hổ Tamil. Sự tài trợ này là điều mà Ấn Độ lẫn các nước phương Tây đều không muốn cung cấp do những lo ngại về việc vi phạm nhân quyền.

Vì thế, Trung Quốc đã xây dựng được Cảng Hambantota ở phía nam Sri Lanka và khi giai đoạn thứ 3 của công trình xây dựng này hoàn tất vào năm nay, đây sẽ là cảng lớn nhất ở Nam Á. Trung Quốc cũng đã khởi động việc xây dựng một dự án cảng trị giá 1,4 tỷ USD gần Colombo. Thoả thuận kéo dài trong 99 năm và giao cho Bắc Kinh thẩm quyền đối với vùng đất có diện tích 50 mẫu Anh. Trên thực tế, Dự án Thành phố Cảng Colombo, theo như tên gọi của nó, sẽ là một thành phố do người Trung Quốc thuê lại, với đầy các toà nhà chung cư, trung tâm mua sắm và sân golf. Những lúc xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở này vì mục tiêu quân sự. Vào năm 2014, Sri Lanka đã trao cho Trung Quốc một dạng tiếp cận đặc quyền khi cho phép Bắc Kinh neo đậu các tàu ngầm tại Kho cảng container Nam Colombo - một cơ sở nước sâu được xây dựng và quản lý bởi các công ty Trung Quốc - thay vì là Cảng biển Sri Lanka, vốn chuyên có chức năng tiếp nhận các tàu quân sự. Chính quyền Sri Lanka khi đó đã cố gắng che giấu vấn đề này với báo chí, trái với các tuyên bố mạnh mẽ thường thấy của họ khi các nước khác viếng thăm cảng Sri Lanka.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2015, tổng thống mới đắc cử của Sri Lanka, Maithripala Sirisena, đã thay đổi chiều hướng này bởi chiến dịch của ông khi tranh cử tập trung chính vào các lời cáo buộc tham nhũng từ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Sri Lanka. Chuyến thăm đầu tiên của ông là đến Ấn Độ, trong đó ký một loạt các thoả thuận nhằm tăng cường quan hệ chiến lược và kinh tế, bao gồm thoả thuận về hợp tác hạt nhân dân sự. Tổng thống Sirisena hiện nay đã tạm hoãn dự án cảng Colombo, dù Bắc Kinh đang dùng mọi lợi thế của mình để tái khởi động dự án. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đến Sri Lanka, chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ trong vòng 28 năm, Ấn Độ đã đồng ý thắt chặt quan hệ chiến lược, kinh tế và quốc phòng với Sri Lanka. Modi đã cho Sri Lanka vay một khoản tín dụng trị giá 318 triệu USD để mở rộng lĩnh vực đường sắt và hai nước đã đạt được các thoả thuận cùng phát triển ngành than và dầu khí của Sri Lanka, cũng như khởi động một nhóm làm việc để phát triển kinh tế đại dương.

KHI VÁN CỜ LỚN BẮT ĐẦU

Thay vì phàn nàn về sự xâm lấn của Trung Quốc, Ấn Độ đã tập trung vào việc củng cố các mối quan hệ của mình ở Nam Á và mở rộng giao lưu với các đối tác tiềm năng bên ngoài từ Vịnh Ba Tư cho đến Biển Đông. Đồng thời, Ấn Độ đã trực tiếp thách thức các quan điểm của Trung Quốc trên khắp khu vực. Phát biểu trước quốc hội Sri Lanka, Modi đã nhấn mạnh rằng tầm nhìn của ông về một “khu vực láng giềng lý tưởng” là một khu vực trong đó “thương mại, đầu tư, kỹ thuật, ý tưởng và con người đi lại một cách dễ dàng.” Tầm nhìn này phù hợp với các mong muốn của Mỹ ở khu vực, được thể hiện trong “Tầm nhìn Chiến lược chung của Mỹ-Ấn Độ đối với Châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương” ký vào tháng 1 và sau đó xuất hiện trong “Chiến lược Biển Châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ,” đồng thời được nêu rất rõ trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Chính sách ngoại giao của Ấn Độ nhận thức rõ thực tế rằng các nước nhỏ muốn phát triển nền kinh tế của họ sẽ nhận viện trợ của Trung Quốc - một túi tiền khổng lồ mà Ấn Độ không thể bì kịp. Điều này có nghĩa là Ấn Độ sẽ mất đi ảnh hưởng ở những nước đó, nhưng những khoản đầu tư đó cũng hỗ trợ cho đại chiến lược của chính Ấn Độ bởi nó giúp phát triển khu vực này - một khu vực có mức độ hội nhập kém nhất nhất thế giới. Ngoài ra, Ấn Độ còn sở hữu một lợi thế riêng - đó là nét tương đồng về hệ văn hoá và giá trị với rất nhiều các nước láng giềng. Và đây một tài sản mà Trung Quốc không hề có.

 Hình 2: Ván cờ lớn mới chủ yếu là về các cảng biển và cuộc chiến giành quyền tiếp cận chiến lược ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

(Chú thích: Hình tròn màu xanh dương - các cảng được hỗ trợ xây dựng bởi Ấn Độ

Hình tròn màu đỏ - các cảng được hỗ trợ xây dựng bởi Trung Quốc

Đường màu xanh dương - các tuyến đường tiếp cận được tài trợ bởi Ấn Độ

Đường màu đỏ - các tuyến đường tiếp cận được tài trợ bởi Trung Quốc

Đường gạch nối - các tuyến đường thương mại/ tiếp cận thông thường)

Vùng biển ở giữa Ấn Độ Dương và quần đảo Trường Sa tranh chấp ở Biển Đông sẽ trở thành những chiến tuyến đầu của ván cờ lớn mới trải dài trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương. Ván cờ này sẽ phức tạp hơn nhiều so với cuộc tranh giành kiểm soát vùng Trung Á giữa đế chế Anh và Nga vào thế kỷ 19. Những chiến tuyến này sẽ không phân biệt rõ ràng và bất khả xâm phạm, thay vào đó tàu chiến sẽ hoà lẫn cùng với các tàu chở hàng và chở dầu trong khi các cường quốc tìm cách cân bằng sức mạnh lẫn nhau trên các tuyến đường biển. Cái lợi thu được từ ván cờ này sẽ có thể nhiều hơn, nhưng cạnh tranh cũng khó kiểm soát hơn.

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục tích luỹ sức mạnh cứng mới để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình ở khu vực. Trong năm 2013 và 2014, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, Trung Quốc xếp thứ ba trong năm 2013 và thứ tư trong năm 2014. Sự tăng trưởng này phản ánh một khuynh hướng lớn trong khu vực: 12 trong số 15 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu trên thế giới là các quốc gia trải khắp trên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều này không có nghĩa là hai cường quốc của Châu Á sẽ vướng vào xung đột không thể tránh được. Thực chất, cạnh tranh có khả năng càng gia tăng lợi ích kinh tế khu vực một cách mạnh mẽ khi các nước nhận được các cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi Trung Quốc và Ấn Độ. Sự tăng cường kết nối và thương mại cơ sở hạ tầng cũng có lợi cho cả Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng kết quả tích cực này đòi hỏi sự xử lý một cách chủ động từ tất cả các bên và cam kết lâu dài đối với việc cân bằng các lợi ích mâu thuẫn nhau.

Và đây chính là chỗ mà Mỹ cần bước vào. Để bảo đảm thịnh vượng chung cho tất cả các bên, ba cường quốc cần hiểu rõ những lo ngại an ninh chính đáng của nhau. Không ngạc nhiên khi đứng trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã thắt chặt quan hệ song phương với Ấn Độ và kêu gọi Ấn Độ chủ động hơn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ nên tiếp tục hợp tác kinh tế và an ninh biển với Ấn Độ trong khi tiếp tục làm việc với Úc, Nhật Bản và các đối tác khác, đặc biệt là các quốc gia ở rìa Ấn Độ Dương. Mỹ nên thành lập một bộ phận chuyên trách khu vực này trong các bộ ngoại giao và quốc phòng. Một sự tập trung chiến lược đối với Ấn Độ Dương với tư cách là một khu vực tổng thể là yếu tố cần thiết để đem lại thành công chính sách lớn hơn, giúp mang lại nguồn năng lượng mới cho một khu vực nơi chính sách của Mỹ hiện nay giỏi lắm cũng chỉ mới mang tính đối phó.

Mỹ cần được khu vực nhìn nhận là một đối tác tin cậy và sẵn sàng tuân thủ luật pháp và các quy chuẩn quốc tế. Sẽ là vô ích, nếu không muốn nói là phản tác dụng, khi cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Nỗ lực vô hiệu của Mỹ trong việc cản trở các nước đồng minh chủ chốt tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng do Trung Quốc dẫn dắt là một ví dụ điển hình. Việc Mỹ ngoan cố không thông qua việc tái phân bổ lại quyền bỏ phiếu trong Tổ chức Tiền tệ Quốc tế năm 2010 cũng là một động thái thiếu tính toán chiến lược, đã trực tiếp dẫn đến việc hình thành nên Ngân hàng Phát triển Mới do các nước thuộc nhóm BRICS lãnh đạo. Đồng thời, các cuộc phản đối ngoại giao của Mỹ về việc hình thành các đảo nhân tạo mới với đường băng ở Biển Đông liệu có ích gì khi Mỹ cho đến nay chưa tiến hành bất kỳ việc bay hay đi qua nào nhằm bảo vệ “tự do hàng hải” trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của các đạo mới kiến tạo của Trung Quốc?

Washington phải làm việc với Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như với các quốc gia khác trong khu vực, để ủng hộ tự do hàng hải và đảm bảo rằng những hành vi đe doạ nhất phải bị kiềm chế và các chuẩn mực quốc tế được củng cố. Bên cạnh đó, các chính sách hướng vào việc thúc đẩy thương mại tự do thông qua các hiệp định thương mại tự do cần phải có sự tham gia của hai cường quốc trong ván cờ lớn mới. Chỉ bằng cách đóng vai trò là một cường quốc quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và khi cần, sẵn sàng hỗ trợ các cam kết của mình bằng sức mạnh cứng, Mỹ mới có thể lái ván cờ đi đến kết cục có lợi cho tất cả các bên. Trong nhiều tháng qua, Thủ tướng Modi đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại thông điệp, “Vận mệnh của chúng ta được kết nối bằng những dòng chảy của Ấn Độ Dương.” Ngài thủ tướng hoàn toàn đúng - và điều này không nhất thiết phải mang đến một kết cục không tốt đẹp.

Rani D. Mullen là Phó Giáo sư Khoa Chính phủ tại Đại học William & Mary và Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, New Delhi, Ấn Độ. Cody Poplin là Trợ lý Nghiên cứu tại Viện Brooking tại Washington, D.C. và là cộng tác viên biên tập của trang Lawfare. Trước đây ông là học giả Henry Luce của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, New Delhi, Ấn Độ và là nghiên cứu viên của Chương trình Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Ấn Độ. Bài viết này lần đầu tiên được đăng trên trang Foreign Affairs.

Dịch: Hà Anh

Hiệu đính: Kim Minh