Với mục tiêu giảm thiểu rủi ro, Trung Quốc đang cải thiện những hạn chế trong các nguyên tắc chính sách đối ngoại và quốc phòng từ lâu của họ, trước tiên là quan điểm không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, giống với quan điểm của Mỹ là ưu tiên ổn định thay vì thay đổi chính trị.

Nếu các cuộc cách mạng ở Algeria và Sudan cũng như các cuộc biểu tình nhỏ hơn ở những nơi khác tại Trung Đông và Bắc Phi diễn ra, Trung Quốc dường như sẽ gặp rủi ro lớn.

Phong trào chống tham nhũng đã kích động các cuộc nổi dậy Arập năm 2011 dẫn đến việc lật đổ các lãnh đạo ở Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen và là nguồn gốc của các phong trào biểu tình chống chính phủ trên khắp toàn cầu như tại Brazil, Haiti, Jamaica, Puerto Rico, Nga, Zambia, Cộng hòa Czech, Albania và Romania.

Để giảm thiểu nguy cơ và mở rộng chiến dịch chống tham nhũng trong nước, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) - cơ quan chống tham nhũng hàng đầu Trung Quốc - đang triển khai các thanh tra viên tại các dự án Vành đai và Con đường, những người sẽ làm việc tại các quốc gia tiếp nhận dự án.

Động thái này giúp Trung Quốc phản bác lại các cáo buộc cho rằng họ lợi dụng tình hình tham nhũng tại các nước tham gia Vành đai và Con đường để thúc đẩy các mục tiêu của mình. Chống tham nhũng là chính sách mang dấu ấn của Tập Cận Bình và cho phép ông thanh lọc các lãnh đạo Trung Quốc cấp cao cũng như hàng chục nghìn quan chức cấp cơ sở.

CCDI đang nối tiếp thành công của dự án thí điểm tại Lào, nơi họ đã triển khai các thanh tra viên hồi cuối năm 2017 trong dự án đường sắt trị giá 6 tỷ USD được xây dựng bởi Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Các quan chức chống tham nhũng, phối hợp với Tập đoàn Đường Sắt Trung Quốc, đã thiết lập đội ngũ thanh tra cùng đối tác phía Lào.

Câu hỏi ở đây là liệu nỗ lực chống tham nhũng tại các quốc gia như Lào hay Trung Á vốn luôn xếp hạng “nửa cuối” theo chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế có đi ngược lại nguyên tắc không can thiệp của Trung Quốc hay không. Hay nói cách khác, liệu Trung Quốc có thể kiểm soát tham nhũng thành công trong các dự án Vành đai và Con đường mà không buộc các nước tiếp nhận phải tiến hành các biện pháp minh bạch và chống tham nhũng hay không?

Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế của CCDI La Yifan nói: “Làm sao mà bạn có thể thắt chặt việc chống tham nhũng trong nước trong khi thả lỏng cho những người dân và doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài?”. Ông La cho biết Trung Quốc đã tổ chức các hội nghị chuyên đề với hơn 30 nước để liên kết các quy định chống tham nhũng. Ông nói: “Mong ước của tôi là chúng tôi sẽ thiết lập một mạng lưới thực thi luật pháp của tất cả các nước tham gia Vành đai và Con đường”.

Việc áp đặt các biện pháp minh bạch và chống tham nhũng với các đối tác trong Vành đai và Con đường sẽ không khác gì các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn và nhân quyền mà Mỹ áp đặt một cách “bừa bãi” và “cơ hội” trong các thương vụ với nước ngoài - điều bị Trung Quốc lên án kịch liệt.

Thành công của việc toàn cầu hóa nỗ lực chống tham nhũng của Trung Quốc cũng như chiến dịch chống tham nhũng ở quê nhà sẽ giúp các nhà lãnh đạo củng cố khả năng cung cấp các hàng hóa và dịch vụ cho người dân trong khi áp đặt quyền lực như là nền tảng để duy trì thời gian cầm quyền của họ.

Nếu làm như vậy, nó sẽ giúp củng cố lập luận của Trung Quốc rằng họ không hề muốn thay đổi căn bản trật tự thế giới đa phương đã được thiết lập, mà thay vào đó làm cho nó trở nên công bằng hơn và phản ánh rõ hơn một thế giới đa cực. Bên cạnh đó, nó cũng củng cố mô hình cải cách kinh tế và chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc.

Theo “Eurasia Review

Mỹ Anh (gt)