07/01/2013
Để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ tại khu vực, Ấn Độ sẽ không thể sử dụng sức mạnh quân sự hay tiền bạc mà cần có lý lẽ nhất quán trong hành động.
Tại Maldives, chỉ trong vòng 48 giờ sau khi giành lại quyền kiểm soát sân bay Male từ tập đoàn GMR của Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Mohammed Nazim đã đặt chân tới Bắc Kinh. Tuy thời điểm chuyến thăm có lẽ là trùng hợp nhưng đã phát đi một tín hiệu rõ ràng đối với Ấn Độ. Ông Nazim đã cùng người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt ký một thỏa thuận quân sự, theo đó Trung Quốc sẽ dành cho Maldives khoản viện trợ miễn phí trên 3 triệu USD. Điều này cho thấy Maldives đang tìm kiếm sự hỗ trợ về quốc phòng từ các quốc gia ngoài Ấn Độ. Trong năm 2012, Maldives cũng đã có tiếp xúc với Mỹ, quốc gia hiện đang muốn thiết lập căn cứ tại đảo Gan ở phía Nam Maldives, thay thế cho căn cứ mà Anh đã rút đi từ năm 1976.
Thất bại của chính phủ Ấn Độ trong nỗ lực can thiệp vào vụ GMR, thậm chí đe dọa chính phủ Maldives đã cho thấy sự mất ảnh hưởng của Ấn Độ tại quốc đảo này. Hình ảnh của Ấn Độ, một nền kinh tế 3.000 tỷ USD, không thành công trong việc gây ảnh hưởng tại một quốc đảo với GDP chỉ 2 tỷ USD càng tạo thêm nhiều quan ngại. Trên thực tế, sự suy giảm ảnh hưởng của Ấn Độ đã được thể hiện từ tháng 2/2012, khi cựu Tổng Thống Nasheed bị phế truất bởi Tổng Thống Waheed. Phía Ấn Độ chỉ được thông báo sau đó với khuyến nghị Thủ Tướng Singh cần ngay lập tức phê chuẩn chính phủ mới. Tuy cuối cùng Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về vụ lật đổ và những hành động trừng trị phe chống đối, đặc phái viên của nước này cũng tới Male chậm hơn 1 ngày so với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Robert Blake, người đã bay nửa vòng trái đất để thể hiện quan tâm của Washington. Việc thiếu quyết đoán trong thời gian trên đã khiến chính phủ Ấn Độ phải trả giá đắt. Kể từ đó, Mỹ tiếp tục lên tiếng ủng hộ dân chủ, bầu cử tự do và thảo luận về khả năng tiếp quản căn cứ tại đảo Gan của Maldives. Trung Quốc tuy không tham gia vào tình hình chính trị Maldives nhưng đã can dự về mặt chiến lược và kinh tế với chính phủ mới và đạt những thỏa thuận hàng triệu USD.
Tại Myanmar, năm 2012 đã chứng kiến những thay đổi lịch sử khi lãnh tụ ủng hộ phong trào dân chủ Aung San Suu Kyi tham gia Quốc hội. Trong vòng một thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn luôn chi phối nền kinh tế Myanmar, và giờ thì Mỹ cũng đã dỡ bỏ cấm vận đối với quốc gia này. Ấn Độ, đối tác thương mại lớn thứ tư của Myanmar vẫn chỉ xếp thứ 13 trong danh sách đầu tư vào nước này. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng không nhận được lời ca ngợi nào từ bà Suu Kyi, thậm chí bà còn bày tỏ sự thất vọng đối với Ấn Độ do đã quan hệ với chính quyền quân sự trước đó. Chuyến thăm Ấn Độ của bà Suu Kyi cũng chỉ được tiến hành sau các chuyến thăm tới châu Âu và Mỹ. Trong suốt quá trình trên, Ấn Độ dường như vừa thiếu tính quyết đoán vừa thiếu tính nguyên tắc.
Tại Sri Lanka, quốc gia mà Ấn Độ là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất, năm 2012 cũng chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc trong quan hệ với Ấn Độ sau khi New Delhi bỏ phiếu chống lại Sri Lanka tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Động thái trên của Ấn Độ được biện minh bởi những quan ngại ngày càng gia tăng về việc đối xử với người Tamil và việc không thực hiện lời hứa chuyển giao quyền lực của Tổng Thống Mahinda Rajapaksa. Ấn Độ đã phá vỡ tập quán trước kia khi bỏ phiếu cho nghị quyết của một quốc gia cụ thể tại Liên Hiệp Quốc. Việc ủng hộ nghị quyết của Mỹ chống lại láng giềng của chính mình cho thấy ảnh hưởng ít ỏi của Ấn Độ trong quan hệ song phương với Sri Lanka. Trong khi đó, Trung Quốc đã thể hiện là một đối tác đáng tin cậy hơn trong khu vực khi ủng hộ Sri Lanka.
Nếu như trong quan hệ với Sri Lanka, quyết định bỏ phiếu của Ấn Độ được cho là do sức ép từ bang Tamil Nadu thì quan hệ với Bangladesh cũng bị ảnh hưởng bởi mong muốn của một chính phủ bang. Hơn một năm sau chuyến thăm Bangladesh của Thủ Tướng Singh, Ấn Độ vẫn chưa thể đạt thỏa thuận về chia sẻ nguồn nước sông Teesta hay thỏa thuận trao đổi đất. Hiện càng ít khả năng chính phủ Ấn Độ sẽ thuyết phục được Thủ hiến Tây Bengal Mamata Banerjee để thúc đẩy thỏa thuận với Bangladesh khi bà Banerjee không còn là đồng minh trong UPA. Tại Dhaka, chính phủ của bà Hasina cũng không còn nhiều thời gian cho đàm phán trong bối cảnh bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới. Ấn Độ đã không thực hiện được lời hứa với Bangladesh dù trong vòng 4 năm qua, chính phủ của bà Hasina đã dẫn độ hơn 20 tên khủng bố cho Ấn Độ, bao gồm những lãnh đạo hàng đầu của các nhóm ULFA và Bodo.
Tại Nepal, New Delhi vẫn chưa thể hỗ trợ trong việc xây dựng chính phủ hay soạn thảo hiến pháp. Đầu tư của Ấn Độ cũng suy giảm sau những thất bại trong việc đấu thầu sân bay Kathmandu và in hộ chiếu. Trong khi đó, Trung Quốc đã giành được dự án đầu tư lớn nhất về nhà máy thủy điện West Seti. Ngay cả Bhutan, quốc gia không có vấn đề trong quan hệ với Ấn Độ cũng bước đầu có động thái muốn thoát khỏi cái bóng của New Delhi khi năm 2012 đã đứng ra tranh cử chiếc ghế tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tuy rằng thất bại.
Cũng không công bằng khi kết luận Ấn Độ đã không có những bước đi lớn trong đầu tư vào các quốc gia trên. Riêng trong năm 2012, Ấn Độ đã dành các khoản vốn tín dụng và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng lên tới hàng trăm triệu USD tại Myanmar, Sri Lanka và Afghanistan, đồng thời cũng thúc đẩy thương mại với Pakistan và Bangladesh. Dự án xây dựng nhà ở tại Jaffna, tòa nhà quốc hội tại Kabul hay dự án nâng cấp cảng Sittwe tại Myanmar là những nỗ lực của Ấn Độ trong khu vực. Nhưng để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ tại khu vực, Ấn Độ sẽ không thể sử dụng sức mạnh quân sự hay tiền bạc mà cần có lý lẽ nhất quán trong hành động.
Tác giả Suhasini Haidar là Biên tập viên CNN-IBN, người dẫn chương trình “WorldView”. Bài viết đăng trên trang The Hindu (ngày 3/1)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...