Ngày 8/3, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, Tướng Lori Robinson phát biểu tại thủ đô Canberra, Úc rằng Mỹ và các đối tác phải “duy trì sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy” nhằm chống lại việc Trung Quốc “quân sự hóa” ở Biển Đông, đồng thời đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra sự cố bất ngờ hoặc do tính toán sai lầm ở khu vực này. Nếu được đặt căn cứ tại Lãnh thổ phương Bắc, máy bay ném bom tầm xa B-1 sẽ nằm trong khoảng cách không kích khu vực Biển Đông tranh cãi nóng bỏng, nơi Trung Quốc đã “khai hoang” các rạn san hô và biến chúng thành các hòn đảo kể từ năm 2013. 

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã từ chối bình luận về đàm phán máy bay B-1, nhưng nói với các phóng viên rằng điều đó “không có gì là bí mật” khi Úc có mối quan hệ an ninh gần gũi với Mỹ. Nhưng Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, với thương mại hai chiều có trị giá gần 153 tỷ USD trong năm 2014. 

“Mọi người đều muốn bơi ở Biển Đông” 

Một ngư trường giàu có được dự đoán có trữ lượng dầu lửa và khí đốt khổng lồ chưa được phát hiện, vùng biển này cũng được xem là một hành lang lớn cho tàu thuyền thương mại thế giới qua lại, ước tính trị giá 5 nghìn tỷ USD.

Vùng biển này là nơi tranh chấp chủ quyền của các nước xung quanh trong nhiều thế kỷ, và hiện có bốn nước - Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam - có những tuyên bố chủ quyền ở khu vực này mà không thể giải quyết được. 

Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền lớn nhất đối với vùng biển này kể từ năm 1947, dựa trên các bằng chứng lịch sử tranh chấp, và năm 2014 đã mở rộng tuyên bố chủ quyền với tấm bản đồ mới gần như "nuốt trọn" Biển Đông và Đài Loan. 

“Không ai chịu ai” 

Mọi thứ trở nên nóng hơn vào năm 2014 khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành các hoạt động khoan thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa, một động thái gây ra cuộc biểu tình quy mô lớn tại Việt Nam và trùng hợp với những căng thẳng tương tự với Philippines.

Mỹ đã và đang tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực và khuyến khích các quốc gia khác làm theo Mỹ. Tháng trước, nhiều nguồn tin khẳng định Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. 

Mỹ gần đây đã điều động tàu sân bay hạt nhân USS John C. Stennis và một số tàu chiến đến Biển Đông, một động thái mà người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng đó là hoạt động thường xuyên của tàu chiến và máy bay Mỹ ở khu vực này. Ông nói: “Chỉ tính riêng năm 2015, tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đã có khoảng 700 hải trình ở vùng biển này”. 

Cũng trong tháng 2 vừa qua, Đài Loan vốn bị Trung Quốc coi là một tỉnh ương bướng, đã có động thái hiếm hoi bình luận về sự tăng cường quân sự của Trung Quốc, khi Bộ Quốc phòng Đài Loan cảnh báo “các bên liên quan” tránh thực hiện các biện pháp đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này. 

“Vậy, tại sao Úc phải quan tâm?” 

Ngày 25/2, Úc đã công bố Sách Trắng Quốc phòng 2016, một bản tài liệu trong đó vạch ra kế hoạch lớn cho quân đội Úc trong vòng 20 năm tới hoặc xa hơn nữa, được dựa trên bối cảnh bản chất an ninh khu vực thay đổi, sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc gia tăng, cũng như Mỹ cụ thể hóa chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Lời lẽ thận trọng không coi Trung Quốc là mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Úc, mặc dù Sách Trắng phản đối việc "khai hoang" và quân sự hóa ở Biển Đông. 

Đó không phải là sự đối đầu hay ngăn chặn kiềm chế, Giáo sư Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc nói với tờ The Huffington Post: “Thực tế, Sách Trắng nhận ra rằng cho dù Úc làm gì ở khu vực này đều sẽ phải tiến hành trong bối cảnh các quan hệ đối tác, bao gồm cả đồng minh Mỹ, cũng như các đối tác châu Á”. 
Ở một số thời điểm, Trung Quốc đã đặt vấn đề về lập trường của Úc về Biển Đông, và cáo buộc Canberra duy trì “tâm lý chiến tranh lạnh” cùng với đồng minh Mỹ, và “kịch liệt phản đối những cáo buộc các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các đảo và đá ngầm ở Biển Đông”. 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đại tá Ngô Khiêm nói: “Chúng tôi kêu gọi phía Úc trân trọng đà phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, không tham gia hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào có thể làm tổn hại đến sự ổn định trong khu vực”. Cũng vào thời điểm đó, Tướng Mỹ, bà Robinson cho biết chính phủ của bà đang đàm phán với Úc về việc luân chuyển máy bay ném bom của Mỹ qua Darwin. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra quan điểm cứng rắn về tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng Biển Đông. Ông Nghị nói với các phóng viên tại Bắc Kinh sẽ không cho phép các quốc gia khác xâm phạm những gì Trung Quốc coi là quyền chủ quyền của mình trong khu vực chiến lược quan trọng này. Việc Trung Quốc phát triển các đảo nhân tạo là để phòng thủ và cáo buộc các quốc gia khác quân sự hóa. 

“Sự việc này đưa Úc đến đâu?” 

Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne đã quả quyết Úc sẽ tiếp tục bảo lưu quyền thực hiện tự do hàng hải và tự do bay qua phù hợp với luật pháp quốc tế, song Úc muốn có một bộ quy tắc ứng xử cho khu vực này. Thượng nghị sĩ Công đảng đối lập Stephen Conroy nói rằng Úc nên điều tàu chiến đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo tranh chấp, một động thái cựu Ngoại trưởng Công đảng Bob Carr phản đối. 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng thuộc đảng Xanh, Thượng nghị sĩ Peter-Wilson cho biết các căn cứ máy bay ném bom của Mỹ có thể đặt đất nước Úc vào tình thế rủi ro bởi một cuộc xung đột khu vực trong tương lai, và có nguy cơ tham gia một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. 

Chuyên gia chính sách Medcalf thì cho rằng trong khi không có lựa chọn thực tế nào để đảo ngược việc Trung Quốc xây dựng các hòn đảo, thì điều tốt nhất Úc có thể hy vọng là trung hòa các lợi ích mà Trung Quốc đang làm. Nếu Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một sự đã rồi trong tranh chấp lãnh thổ hoặc thậm chí ở các vùng biển quốc tế, thì về cơ bản Úc không thừa nhận thẩm quyền đó của Trung Quốc. Việc tốt nhất có thể hy vọng là hoạt động kinh doanh diễn ra như bình thường, các hoạt động tự do hàng hải của Úc ở Biển Đông không có nghĩa là phải xin phép hay thông báo cho Trung Quốc. Không chỉ có Úc làm như vậy, mà tất cả các nước trong khu vực cũng phải hành động như vậy. 

Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện nghiên cứu Lowy, Tiến sĩ Euan Graham phát biểu trên kênh ABC rằng không ai ở Úc hay Mỹ muốn khiêu khích Trung Quốc, “Úc là đồng minh của Mỹ, vì vậy với ý nghĩa đó, an ninh của Úc phải được bảo đảm. Trung Quốc đã có những hành động vô cùng hung hăng trong vài năm qua và tôi nghĩ khả năng máy bay B-1 sẽ mang lại là tín hiệu báo trước về quan hệ Mỹ và các đồng minh sẽ ngày càng trở nên khăng khít hơn”.

Theo The Huffington Post

Văn Cường (gt)