Sự gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông gần đây đang thu hút sự quan tâm không chỉ của khu vực mà còn của toàn thế giới. Thực tiễn đã chứng minh, nếu căng thẳng không được kiểm soát có thể dẫn đến xung đột vũ trang, dù ở cường độ thấp cũng làm cho khu vực rơi vào vòng xoáy mất ổn định. Xây dựng lòng tin và lòng tin chiến lược giữa các nước trong và ngoài khu vực là một trong những giải pháp cần được coi trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là trong tình hình hiện nay khi tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp.

Bài viết tập trung đề cập đến biện pháp xây dựng lòng tin gữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông, thông qua các cơ chế hợp tác quốc tế ở khu vực và thế giới. Củng cố lòng tin sẽ góp phần gìn giữ môi trường biển ở Biển Đông hoà bình, ổn định để phát triển các lĩnh vực kinh tế biển và giảm bớt các nguy cơ gây xung đột vũ trang ngoài tầm kiểm soát trong bối cảnh hiện nay.

Một số biện pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đông

Trong bối cảnh hiện nay, tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán giữa quốc gia ven Biển Đông có chiều hướng diễn biến phức tạp. Lòng tin giữa các quốc gia suy giảm bởi những hành động đơn phương diễn ra thường xuyên, dưới nhiều hình thức như ban hành lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương, xâm phạm ngư trường trái phép, bắt giữ và đối xử đối với ngư dân không theo chuẩn mực của luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia v.v... Trước thực trạng đó, đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết về chủ đề này với mục đích tìm kiếm những biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia hữu quan ở Biển Đông.

Xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực là yêu cầu cấp thiết, bởi vì lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế. Lòng tin là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được duy trì, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và thái độ chân thành.[1] Chính vì vậy, đã có nhiều cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông[2] nhằm tìm ra những ý tưởng từ các nhà khoa học để tham vấn cho các nhà hoạch định chính sách tham chiếu những giải pháp cơ bản đó. Các quốc gia cần ưu tiên xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường đối thoại và hợp tác, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 (UNCLOS), phát huy vai trò của các thể chế đa phương và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.[3] Có một số mô hình hợp tác để xây dựng lòng tin như sau:

Hợp tác tuần tra chung: Thực tế cho thấy, trước thập kỷ 80 của thế kỷ XX, các biện pháp xây dựng lòng tin hầu như không được đề cập đến, nhất là biện pháp xây dựng tin cậy, tăng cường sự hiểu biết giữa các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, ví dụ như hoạt động tuần tra chung chưa trở thành chủ để thảo luận rộng rãi, không có sự đồng thuận, nhất trí giữa các quốc gia hữu quan ở Biển Đông về các hoạt động nên được khuyến khích. Hiện nay, lực lượng chuyên trách của các quốc gia hữu quan trong khu vực đã và đang tiến hành nhiều hoạt động tuần tra chung trên biển có hiệu quả. Tuần tra chung giữa lực lượng hải quân, cảnh sát biển của các nước trong khu vực Biển Đông được xem là một trong những biện pháp quan trọng về xây dựng lòng tin góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và hữu nghị trên biển.

Hoạt động tuần tra chung được tổ chức thường niên sẽ góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm soát và đảm bảo an toàn hàng hải, giảm bớt nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Biển Đông. Hợp tác tuần tra chung là hành động thiết thực của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển giữa các quốc gia ở Biển Đông trong thời gian vừa qua, biện pháp này đã được một số quốc gia thiện chí phối hợp. Trong khi các giải pháp về tranh chấp chủ quyền biển đảo chưa được thực hiện một cách triệt để, thì hợp tác tuần tra chung trên biển được xem là biện pháp xây dựng lòng tin hữu hiệu ở Biển Đông và thực tế cho thấy biện pháp này đã dần dần trở thành nhu cầu cấp thiết.

Giảm bớt các hoạt động quân sự đơn phương: Tình hình Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp do những hành động đơn phương như vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, hành động diễn tập bắn đạn thật, tập trận quân sự chung với quốc gia ngoài khu vực mà không có thông báo trước cho các quốc gia trong khu vực.

Trong nhiều trường hợp, các phương tiện hoạt động trên biển xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa an ninh và an toàn trên biển. Các loại hình hoạt động này có chiều hướng ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp.

Do vị trí địa chiến lược quan trọng của Biển Đông, cũng như tính phức tạp vốn có và khó giải quyết của nhiều vấn đề liên quan, vì vậy các bên liên quan cần giảm bớt những hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình. Có như vậy, lòng tin giữa các quốc gia mới được xây dựng và phát huy vai trò vốn có của nó.

Hợp tác khai thác chung ở vùng biển có sự chồng lấn thực sự chiếu theo quy định của UNCLOS: Biển Đông vừa là nơi có lợi ích chung, vừa là nơi có vùng biển đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán riêng của các quốc gia trong khu vực. Chính vì vậy, việc tăng cường khả năng hợp tác cùng phát triển trên một số lĩnh vực kinh tế biển ở vùng biển có sự chồng lấn thực sự chiếu theo quy định của UNCLOS là nhu cầu cấp thiết đối với các bên liên quan. Hợp tác cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên biển ở các vùng biển chồng lấn thực sự sẽ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên, để tăng cường biện pháp xây dựng lòng tin, các bên cần xác định rõ việc khai thác chung chỉ diễn ra ở vùng biển có sự chồng lấn thực sự theo quy định của UNCLOS, mà ở đó các bên chưa ký kết hiệp định về phân định biển.

Các bên liên quan cần thống nhất xác định quyền tài phán, quy chế pháp lý các vùng biển của các cấu trúc địa lý như đảo đá, bãi chìm, bãi cạn và các nguồn tài nguyên duới đáy biển. Do vậy, cần phải căn cứ vào những quy định của UNCLOS để giải quyết. Thực tiễn cho thấy, cần phải có những giải pháp chung mang tính chia sẻ và có sự đồng thuận cao giữa các quốc gia hữu quan. Đây được xem là cơ sở hình thành quan điểm hợp tác khai thác chung ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng để góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định. Thực tiễn lịch sử cho thấy mô hình hợp tác khai thác chung đã diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới trong khi vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết dứt điểm. Do đó, khai thác chung không phải là ý tưởng mới trong quản lý các tranh chấp biển trên thế giới[4].

Hợp tác khai thác chung được xem là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nhằm chia sẻ nguồn tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Cơ sở của các thỏa thuận này chính là những quy định của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, nhất là quy định của UNCLOS. Những điều khoản của UNCLOS khuyến khích các nước liên quan tiến hành các bước đàm phán trực tiếp để dàn xếp tạm thời, trong khi chờ đàm phán để ký hiệp định cuối cùng về việc phân định ranh giới biển. Dàn xếp tạm thời có thể bao gồm các thỏa thuận cùng nhau khai thác thủy sản hoặc dầu mỏ và khí đốt ở trên các vùng chồng lấn thực sự. Mặt khác, thỏa thuận về khai thác chung được xem là giải pháp tạm thời nhằm giảm nguy cơ xung đột giữa giữa các bên tranh chấp và chỉ nhằm mục đích khai thác nguồn tài nguyên biển. Biện pháp này cũng không làm ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển. Như vậy, hợp tác khai thác chung sẽ góp phần làm giảm nguy cơ gây bất ổn và đảm bảo môi trường hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhiều hội thảo quốc tế về Biển Đông đã đề nghị áp dụng phương án hợp tác khai thác chung trên vùng biển chồng lấn, nhưng trên thực tế việc triển khai mô hình này còn ít và hạn chế.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hợp tác phân định biển: Trong thực tế, tại khu vực Biển Đông, đã có nhiều hiệp định phân định biển được ký kết trên tinh thần hòa bình, ổn định, hợp tác khai thác chung giữa các quốc gia liên quan. Việt Nam đã tiến hành hợp tác phân định biển với hầu hết các nước láng giềng có chung biên giới biển. Trong đó có thể kể tới Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc năm 2000, Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc năm 2000, Hiệp định phân định biển giữa Việt Nam với Thái Lan trong vịnh Thái Lan năm 1997, Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia năm 1982, Hiệp định phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia năm 2003, Thỏa thuận hợp tác khai thác chung Việt Nam - Malaysia về khu vực chồng lấn thềm lục địa năm 1992. Tuy nhiên, vấn đề phân định biển không phải ở khu vực nào cũng có thể tiến hành một cách dễ dàng được, bởi vì khó khăn nhất là ở vấn đề đàm phán để giải quyết về tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể như đảo đá, bãi cạn, bãi chìm cũng như quy chế pháp lý về vùng biển của các thực thể như lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Hiện nay, ở khu vực Biển Đông còn có nhiều vùng biển chồng lấn, tiếp giáp giữa các quốc gia chưa được phân định rõ ràng, đã dẫn đến hệ quả là việc xâm phạm ngư trường, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia vẫn diễn ra. Do vậy, các bên liên quan cần đẩy nhanh tiến trình hợp tác phân định biển, trên cơ sở đó nhằm tạo điều kiện cho việc cùng nhau hợp tác khai thác chung nguồn tài nguyên biển(ảo,.
㠰纱﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽khoa học đã có , đảm bảo nguyên tắc các bên cùng có lợi và phù hợp với luật biển quốc tế, nhất là quy định của UNCLOS.

Thực hiện nghiêm túc quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển và các thỏa thuận khu vực: Tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông hàm chứa nhiều vấn đề, trong đó có một số vấn đề về cạnh tranh địa chiến lược và địa quân sự xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nếu xung đột vũ trang nổ ra sẽ để lại hệ lụy cho toàn khu vực và thế giới. Do đó, cần áp dụng những cơ chế và giải pháp mang tính toàn khu vực và thế giới, quan trọng nhất là các bên liên quan cần phải tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, những quy định của UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy nhanh tiến độ thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thành lập các trung tâm chia sẻ thông tin song phương và đa phương: Thành lập các trung tâm chia sẻ thông tin song phương và đa phương để cùng nhau phối hợp xử lý có hiệu quả các vấn đề phát sinh trên biển, các lĩnh vực đảm bảo an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ và cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền là yêu cầu cấp thiết. Thực tế cho thấy, khi các trung tâm chia sẻ thông tin được thành lập sẽ góp phần phối hợp xử lý có hiệu quả và kịp thời về các vấn đề an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ và cứu nạn trên biển, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở Biển Đông. Thông qua biện pháp trao đổi thông tin sẽ góp phần tăng cường xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan, giảm nguy cơ căng thẳng trong quan hệ quốc tế ở khu vực Biển Đông.

Thành lập trung tâm kiểm soát an ninh hàng hải của khu vực: Trong bối cảnh khu vực Biển Đông đang rơi vào tình trạng căng thẳng về tranh chấp chủ quyền biển đảo, thì vấn đề kiểm soát tốt an ninh hàng hải sẽ góp phần làm giảm nguy cơ xung đột và va chạm trên biển, thúc đẩy các thành phần của kinh tế biển quốc tế phát triển. Trên cơ sở đó, tại các cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, nhiều học giả, các nhà khoa học đã có ý kiến đề nghị sớm thành lập trung tâm kiểm soát an ninh hàng hải của khu vực. Đây được xem là biện pháp mang tính chất xây dựng để đảm bảo an ninh tự do hàng hải, từ đó các quốc gia liên quan cùng nhau phối hợp hành động.

Thành lập cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột trên biển: Vấn đề tiềm ẩn nguy cơ xung đột ở Biển Đông vẫn còn hiện hữu, cụ thể là bất đồng, mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền biển đảo và tham vọng khai thác nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật cũng như triển khai chiến lược phát triển lực lượng hải quân và chấp pháp. Trong khi giữa ASEAN và Trung Quốc hiện chưa có cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột thực sự có hiệu quả ngoài DOC. Trên cơ sở nghiên cứu về tình hình khu vực Biển Đông, cũng như yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhiều học giả cho rằng giữa Trung Quốc và ASEAN cần sớm thành lập cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột trên biển, trước tiên các bên cần sớm thông qua COC.

Các bên có liên quan cần ký kết một văn bản cam kết không quân sự hóa ở khu vực Biển Đông: Quân sự hóa Biển Đông là vấn đề phức tạp và dễ dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang cũng như làm cho tình khu vực rơi vào tình trạng bất ổn. Chính vì vậy, các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tích cực theo dõi những động thái của các bên hữu quan ở Biển Đông để có những tham vấn kịp thời làm giảm nguy cơ xung đột quân sự. Để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, góp phần phát triển các lĩnh vực kinh tế biển quốc tế, yêu cầu thực tế khách quan và cấp thiết là các bên cần thảo luận cam kết không quân sự hóa Biển Đông, không triển khai các loại vũ khí, khí tài hạng nặng trên các thực thể cấu trúc địa lý như đảo đá. Một khi biện pháp này được các bên chân thành thực thi sẽ góp phần xây dựng lòng tin giữa các bên và đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực để cùng nhau phát triển kinh tế, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển.

Cần đối xử nhân đạo với ngư dân làm ăn trên biển: Đối xử nhân đạo theo chuẩn mực của luật pháp quốc tế đối với ngư dân làm ăn trên biển là yêu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng lòng tin giữa các quốc gia liên quan. Các lực lượng chuyên trách  thực thi nhiệm vụ trên biển của các quốc gia ở Biển Đông cần phải sử dụng biện pháp hợp pháp và nhân đạo để giải quyết các vụ việc ngư dân của các bên xâm phạm vùng biển của nhau để khai thác hải sản trái phép. Vấn đề đối xử nhân đạo với ngư dân làm ăn trên biển là phù hợp với chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, hơn nữa đó là biện pháp góp phần làm giảm căng thẳng ở khu vực. Không nên cho nổ tung tàu thuyền của ngư dân, bởi đây là phương tiện kiếm sống, là kế sinh nhai của ngư dân nghèo ở khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, lực lượng chuyên trách của các nước xung quanh Biển Đông cần xem xét áp dụng biện pháp đối xử nhân đạo với ngư dân làm ăn hợp pháp và hòa bình trên biển, như xử lý vi phạm hành chính  phạt tiền, cảnh cáo v.v…

Kết luận

Tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xuất phát từ quan điểm khác nhau về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Bài viết chỉ đưa ra những cách thức tiếp cận nhằm xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, đặc biệt là thông qua các thoả thuận về phối hợp hoạt động như trao đổi thông tin, tuần tra chung và diễn tập của các lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển, phối hợp kiểm soát an ninh và an toàn hàng hải. Các vấn đề liên quan đều rất phức tạp, còn có nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều lợi ích và mâu thuẫn lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Thực tế cho thấy, nhu cầu đối với các biện pháp xây dựng lòng tin trên biển ngày càng tăng. Do đó, các quốc gia hữu quan cần phải tiến hành hợp tác thiện chí để xây dựng lòng tin góp phần làm giảm nguy cơ xung đột.

Xây dựng lòng tin là yêu cầu của thực tiễn nhằm giảm bớt nguy cơ xung đột vũ trang và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên liên quan. Các hoạt động cụ thể gồm hợp tác trong việc kiểm soát an ninh và an toàn hàng hải, tuần tra chung, thao lược diễn tập, hợp tác bảo vệ vận tải biển, hợp tác nghiên cứu khoa học biển. Một số biện pháp xây dựng lòng tin trên biển được khởi xướng từ những cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông nhằm mục đích đạt đến sự hiểu biết chung, phối hợp hoạt động, góp phần gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Thực tế cho thấy Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng lòng tin ngày càng trở nên nhu cầu bức thiết. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ những động thái của các nước lớn đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông để đúc rút kinh nghiệm và xây dựng những giải pháp đối phó kịp thời với các hành vi chính trị cường quyền, hỗ trợ tốt nhất cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển./.

TS. Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.

-------

Tài liệu tham khảo: (ảo,.
㠰纱﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽khoa học đã có

1. R. Deyanov. “The Role and Security Objective of Confidence - Building Measures at Sea”, trong UN, Department for Disarmament Affairs, Naval Confidence - Building Measures” (1990).

2. Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc, ngày 8 tháng 6 năm 2011 tại thành phố Nha Trang, Khánh Hoà nhân kỷ niệm tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2011.

3. Bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10 tổ chức tại Singapore ngày 5 tháng 6 năm 2011.

4. Bài phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh tại Hội nghị lần thứ 21 của các quốc gia thành viên Công ước 1982 tổ chức tại NewYork, Mỹ từ ngày 13 đến 17 tháng 6 năm 2011.

5. Tài liệu tham khảo Kỷ yếu hội thảo quốc tế về Biển Đông (2010).

6. Tài liệu tham khảo Kỷ yếu hội thảo quốc gia lần thứ 2 về Biển Đông (2011).

7. Xem thêm Nguyễn Thanh Minh (2011) Các nguyên tắc cơ bản của Chiến lược biển Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số (8) năm 2011.

8. Nguyễn Thanh Minh (2011) Tiềm năng biển Việt Nam và chính sách hợp tác quốc tế về biển trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Nxb.Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.



[1] Trích trong bài phát biểu dẫn đề khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 tại Singapore ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

[2] Từ năm 2009 đến năm 2016, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã tổ chức thành công 8 cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, nhằm tìm kiếm giải pháp hữu hiệu góp phần làm giảm căng thẳng ở khu vực biển này.

[3] Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ diễn ra tại Sunnylands, Bang California, Hoa Kỳ, ngày 17-2-2016.

[4] Mô hình khai thác chung trên thế giới đã được thực hiện từ lâu, điển hình là Hiệp ước Svalbard ngày 19-12-1920, theo đó các bên tranh chấp công nhận chủ quyền của Na uy đối với quần đảo Svalbard, trong khi duy trì quyền tiếp cận hiện hữu của các quốc gia khác đối với quần đảo này nhằm mục đích thực hiện việc khai thác, săn bắt và các hoạt động kinh tế khác. Kể từ khi Hiệp ước này ra đời, trên thế giới đã có khoảng 20 điều ước quốc tế về mô hình hợp tác khai thác chung được ký kết, ví dụ như Thỏa thuận khai thác chung giữa Papua New Guinea và Australia năm 1978, Na uy và Anh ở biển Bắc, Arab Saudi và Sudan, Thailand và Malaysia, Australia và Indonesia, Việt Nam và Malaysia… Xem Hoàng Việt, “Giải pháp nào cho tranh chấp biển Đông?”, Tạp chí Thời đại mới, số 19, 7-2010. Http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai19/201019_HoangViet.htm.