Kính thưa ngài chủ tịch, các thành viên của Ủy ban,

Cảm ơn quý vị đã dành cho tôi cơ hội tại buổi điều trần này cùng với David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương về một vấn đề rất quan trọng và thời sự. Tôi cũng xin cảm ơn Ủy ban vì sự dẫn dắt của quý vị trong việc ủng hộ và khuyến khích tạo nên sự đồng thuận giữa hai đảng nhằm đẩy mạnh sự can dự của Mỹ với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thúc đẩy các lợi ích của Mỹ tại đây. Quý vị đã cho thấy rằng Ủy ban hiểu rõ tầm quan trọng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Trong vòng sáu năm qua, chính quyền Obama đã tạo dựng nên một “trạng thái mới” cho quan hệ của Mỹ với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm việc hợp tác sâu rộng với các đồng minh và đối tác Châu Á trong các vấn đề kinh tế, an ninh, và các vấn đề toàn cầu quan trọng khác, đồng thời đẩy nhanh nhịp độ can dự với khu vực qua các hoạt động của Tổng thống, Ngoại trưởng Kerry, tôi và các đồng sự trong bộ phận của tôi cùng với các quan chức cấp cao khác trong nội các. Chỉ trong năm nay, chúng ta đã tổ chức rất nhiều đối thoại và gặp gỡ cấp cao về một loạt vấn đề chính sách, trong đó có 41 cuộc song phương, 5 cuộc ba bên và 54 cuộc đa phương. Chúng ta đã tiếp đón Thủ tướng Abe vào tháng trước và cuối năm nay Tổng thống Obama sẽ còn tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo khác từ Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia.

Trong lúc chúng ta đang phải đối đầu với các cuộc khủng hoảng và thách thức đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, chúng ta vẫn triển khai một cách có hệ thống và toàn diện chiến lược ngoại giao, kinh tế và an ninh ở Châu Á. Trọng tâm của chiến lược tái cân bằng của chúng ta là quyết tâm bảo đảm rằng Châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là một khu vực tự do, rộng mở và thịnh vượng, được dẫn dắt bằng những chuẩn mực và quy tắc được thống nhất rộng rãi và tuân thủ pháp luật. Đây rõ ràng là lợi ích an ninh quốc gia của chính chúng ta, khi mà những diễn biến ở Châu Á vào thế kỷ 21 chắc chắn sẽ tác động đến thế giới và ngay cả nước Mỹ.

Suốt gần 70 năm, nước Mỹ, cùng với các đồng minh và đối tác, đã giúp duy trì ở Châu Á một cơ chế biển hoạt động dựa trên luật pháp quốc tế, là nền tảng tạo nên sự ổn định và phát triển kinh tế vượt bậc của khu vực. Luật pháp quốc tế đã phân định rõ ràng đâu là cơ sở pháp lý để các quốc gia có thể khẳng định các quyền trên biển của mình một cách hợp pháp và khai thác tài nguyên biển. Bằng cách tạo dựng nên trật tự trên các vùng biển, luật pháp quốc tế đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ các quyền và duy trì sự tự do cho tất cả các quốc gia bất kể lớn nhỏ hay sức mạnh quân sự đến đâu. Chúng ta có lợi ích lâu dài đối với tự do hàng hải và hàng không, cũng như các việc sử dụng biển hợp pháp khác liên quan đến các quyền tự do đó ở Biển Đông, Hoa Đông và trên khắp thế giới.

Biển Đông và Hoa Đông rất quan trọng đối với thương mại toàn cầu và ổn định khu vực. Tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của các vùng biển này cũng có nghĩa là việc các bên xử lý các vấn đề lãnh thổ và biển tại đây như thế nào sẽ có hệ quả kinh tế và an ninh với lợi ích quốc gia của Mỹ. Dù tranh chấp đã tồn tại hàng thập kỷ, căng thẳng trong vài năm gần đây đã tăng lên đáng kể. Một trong những quan ngại của chúng ta đó là khả năng một tính toán sai lầm hoặc một vụ việc va chạm có thể làm nảy sinh một vòng xoáy leo thang khó có thể tháo ngòi được. Hậu quả của một cuộc khủng hoảng như thế sẽ có thể tác động đến cả thế giới.

Điều này khiến Mỹ có một lợi ích không thể chối bỏ trong việc đảm bảo các vấn đề lãnh thổ và biển được xử lý một cách hòa bình. Chiến lược của chúng ta hướng đến mục tiêu giữ gìn không gian cho các giải pháp ngoại giao, bao gồm việc thúc đẩy tất cả các bên yêu sách kiềm chế, duy trì các kênh đối thoại, giảm bớt việc chỉ trích lẫn nhau, cư xử một cách có trách nhiệm trên biển, trên không và thống nhất rằng các quy tắc và chuẩn mực đều áp dụng chung cho tất cả các bên, không phân biệt mạnh yếu. Chúng ta cực lực phản đối việc đe dọa hay sử dụng sức mạnh hoặc cưỡng ép bởi bất cứ bên nào.

Biển Hoa Đông

Tôi xin bắt đầu từ tình hình Biển Hoa Đông. Tuy có các yêu sách chủ quyền mâu thuẫn nhau nhưng Nhật Bản đã quản lý quần đảo Senkaku kể từ năm 1972 khi Okinawa được trao trả về cho Nhật. Vì vậy, quần đảo này nằm trong phạm vi Điều V của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Với các tàu và máy bay hoạt động gần quần đảo Senkaku, sự cẩn thận cần đề lên rất cao để giảm nguy cơ xảy ra tai nạn hay va chạm. Chúng ta cực lực phản đối bất kỳ hành động nào ở Biển Hoa đông có thể gia tăng căng thẳng và khuyến khích việc sử dụng các biện pháp hòa bình và ngoại giao. Vì lẽ đó, chúng ta rất hoan nghênh các cuộc đối thoại cấp cao được nối lại gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản và việc tái khởi động các cuộc đối thoại về cơ chế quản lý khủng hoảng. Chúng ta hy vọng rằng các động thái này sẽ mang đến một môi trường hòa bình và ổn định hơn ở Biển Hoa Đông.

Biển Đông

Các tranh chấp liên quan đến chủ quyền các thực thể và quyền khai thác tài nguyên ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông, đã tồn tại từ lâu. Một số tranh chấp đã dẫn đến xung đột vũ trang, như các cuộc đụng độ ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và ở Đá Gạc Ma năm 1988. Tuy những năm gần đây chúng ta chưa phải chứng kiến một cuộc xung đột nào nữa như trên, nhưng tần suất các vụ va chạm ở Biển Đông cho thấy nhu cầu đối với tất cả quốc gia cần phải nhanh chóng tìm ra các cách tiếp cận hòa bình, ngoại giao để xử lý các tranh chấp này.

 Chúng tôi cho rằng điều này hoàn toàn có thể. Trong khu vực đã có những ví dụ cụ thể về việc các quốc gia láng giềng giải quyết tranh chấp về vùng biển chồng lấn. Ví dụ gần đây nhất chính là các cuộc đàm phán kết thúc thành công giữa Indonesia và Philippines nhằm phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và quyết định của Ấn Độ và Bangladesh chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài liên quan đến vùng EEZ chồng lấn của họ ở Vịnh Bengal. Ở khu vực cũng có trường hợp các bên yêu sách thống nhất gác tranh chấp và cùng tìm ra các biện pháp hòa bình để quản lý tài nguyên trong vùng biển chồng lấn. Tại Biển Hoa Đông, Đài Loan đã đạt được một thỏa thuận nghề cá với Nhật Bản thông qua cơ chế hợp tác xử lý tranh chấp. Những ví dụ này cần được học hỏi.

Tất cả tranh chấp về yêu sách ở Biển Đông cần được theo đuổi, xử lý và giải quyết một cách hòa bình. Theo quan điểm của chúng tôi, có rất nhiều cách thỏa đáng để các bên có thể xử lý những tranh chấp này. Thứ nhất, các bên cần sử dụng đàm phán để cố gắng giải quyết các yêu sách mâu thuẫn về chủ quyền đảo và tài nguyên biển. Tuy nhiên, thực tế là nếu mỗi bên đều tiếp tục khăng khăng giữ lập trường rằng yêu sách lãnh thổ và biển của mình là “không thể tranh cãi” thì sẽ không còn không gian để thỏa hiệp cho tất cả các bên. Hơn nữa, nếu các bên không theo đuổi yêu sách của mình dựa trên Luật Biển thì cũng sẽ khó tìm ra các giải pháp có thể chấp nhận được để cùng quản lý và khai thác tài nguyên biển.

Một lựa chọn hợp lý khác cho các bên đó là đưa yêu sách biển của mình ra tòa trọng tài để nhờ một bên thứ ba khách quan đánh giá giá trị pháp lý của yêu sách. Philippines đang tìm kiếm sự giải thích này từ một tòa trọng tài quốc tế về tính chính đáng trong yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc với tư cách là một yêu sách biển theo Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc, đồng thời làm rõ hơn về các quyền lợi biển mà một số thực thể địa lý ở Biển Đông được hưởng. Cách tiếp cận này không hướng đến việc giải quyết hoàn toàn tranh chấp chủ quyền, nhưng nó giúp làm rõ các yêu sách hiện tại và mở đường cho các giải pháp hòa bình khác.

Liên quan đến việc giải quyến tranh chấp chủ quyền của các bên, một loạt các cơ chế giải quyết tranh chấp với sự trợ giúp của bên thứ ba cũng có thể vận dụng được, bao gồm việc đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế.

Hoặc thay vì thật sự giải quyết các tranh chấp, vẫn còn một lựa chọn khác mà các nhà lãnh đạo trước đây của Trung Quốc đã kêu gọi, đó là đạt được một thỏa thuận tạm thời vô thời hạn giữa các bên hoặc cho đến khi điều kiện thuận lợi hơn để bắt đầu các cuộc đàm phán. Trong trường hợp Biển Đông, điều này có thể đạt được thông qua nhiều cơ chế, bao gồm bước đầu tiên là tạo dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử chi tiết và thực chất giữa ASEAN và Trung Quốc.

Song nếu bất cứ bên nào tìm cách thúc đẩy yêu sách bằng việc đe dọa hay sử dụng vũ lực hoặc bằng bất cứ hình thức cưỡng ép nào thì đây chắc chắn là hành động không thể chấp nhận được.

Trong bài điều trần của tôi trước Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện vào tháng 2/2014, tôi đã nêu lên quan ngại của Mỹ đối với một kiểu hành xử khá rõ ràng của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách đường chín đoạn ở Biển Đông, mặc cho sự phản đối của các nước láng giềng và sự mập mờ của bản thân yêu sách này. Hơn một năm sau, Trung Quốc vẫn có những hành động làm gia tăng căng thẳng và quan ngại trong khu vực về ý định chiến lược của nước này.

Cụ thể, trong vòng một năm rưỡi qua, các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở trên và xung quanh các thực thể rất nhỏ, một số còn chìm dưới mặt nước biển, đã tạo dựng nên một số đảo nhân tạo trên mặt nước biển. Ba trong số các công trình cải tạo này của Trung Quốc đã có diện tích lớn hơn bất kỳ đảo hình thành tự nhiên nào ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở trên các đảo mở rộng này, bao gồm ít nhất là một đường băng ở Đá Chữ Thập - có khả năng sẽ trở thành đường băng dài nhất ở quần đảo Trường Sa và có thể chứa máy bay quân sự. Trung Quốc cũng đang thực hiện cải tạo đảo ở quần đảo Hoàng Sa, nơi nước này đang chiếm đóng.

Luật quốc tế đã quy định rõ ràng bất kể quốc gia có nạo vét hoặc xây dựng bao nhiêu đi nữa, điều đó cũng không thể làm thay đổi hoặc tăng cường sức mạnh pháp lý trong yêu sách lãnh thổ của quốc gia đó. Bất kể bạn có đổ bao nhiêu cát lên trên một đảo đá nào ở Biển Đông, bạn cũng không thể tự tạo ra chủ quyền.

Vậy câu hỏi của tôi ở đây là: Trung Quốc định làm gì với các đảo này?

Trung Quốc đã đưa ra nhiều lời giải thích và đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau về mục đích của việc mở rộng các đảo và xây dựng các cơ sở trên đó, bao gồm việc tăng cường khả năng cứu trợ thiên tai, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khí tượng và các nghiên cứu khoa học khác, cùng với một loạt sự hỗ trợ khác dành cho những người sử dụng biển.

Tất nhiên các bên yêu sách khác cũng đã cải tạo đảo, đưa người và tiến hành các hoạt động dân sự và quân sự tương tự trên các đảo tranh chấp. Chúng ta đã kêu gọi các bên đóng băng các hoạt động như vậy. Nhưng quy mô hoạt động cải tạo của Trung Quốc vượt xa bất kỳ bên tranh chấp nào khác. Chỉ hơn một năm mà Trung Quốc đã nạo vét và đến nay chiếm đóng một diện tích gần gấp bốn lần toàn bộ diện tích của năm bên yêu sách khác cộng lại.

Thay vì bảo vệ môi trường, các hoạt động cải tạo này đã phá hủy các hệ sinh thái và san hô do việc nạo vét đáy biển một cách dồn dập. Với sức mạnh quân sự của mình, Trung Quốc có khả năng triển khai sức mạnh từ các đảo theo cách mà các bên yêu sách khác không thể làm được. Và có lẽ quan trọng nhất, các hoạt động này đi ngược lại với những cam kết trong Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, yêu cầu các bên từ bỏ những hành động “làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp”.

Gần đây, Trung Quốc đã nêu rằng Trung Quốc có thể sử dụng các đảo cho mục đích quân sự. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các đảo này sẽ cho phép Trung Quốc “bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ quốc gia và các quyền và lợi ích biển” và đáp ứng yêu cầu “phòng thủ quân sự”. Các tuyên bố này đã gây ra lo lắng cho các nước láng giềng, nhất là trong bối cảnh lợi thế sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc đối với các bên yêu sách và những va chạm trong quá khứ giữa họ với Trung Quốc. Như tuyên bố trong cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo ASEAN ở Malaysia đã khẳng định, hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông đang làm xói mòn lòng tin ở khu vực và đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Bên cạnh hoạt động cải tạo, sự mập mờ và phạm vi yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc đang dấy lên nhiều lo lắng ở Đông Nam Á. Điều quan trọng là tất cả các bên yêu sách phải làm rõ yêu sách biển của mình dựa trên luật pháp quốc tế, như được thể hiện trong Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Vào ngày 29/4, Đài Loan đã bày tỏ tiếng nói của mình trong quan ngại chung của khu vực bằng cách kêu gọi “các quốc gia khu vực tôn trọng các nguyên tắc và tinh thần của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc”. Các nước yêu sách trong ASEAN đã khẳng định yêu sách Biển Đông của họ xuất phát từ các thực thể đất liền. Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa cung cấp cho cộng đồng quốc tế một sự giải thích tương tự về việc yêu sách biển của mình sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế như thế nào. Loại bỏ sự mập mờ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giảm thiểu căng thẳng và rủi ro.

Theo lẽ thường tình thì căng thẳng và rủi ro có thể được giảm thiểu nếu tất cả các bên yêu sách cam kết dừng các hoạt động cải tạo và đàm phán về các hoạt động sử dụng được phép đối với các thực thể đã cải tạo như một phần của Bộ Quy tắc Ứng xử khu vực. Các cuộc thảo luận về bộ quy tắc này trong nhiều năm qua vẫn chưa đi đến kết quả, nhưng chúng ta chia sẻ quan điểm số đông của khu vực rằng một bộ quy tắc ràng buộc nên được hoàn tất cho kịp với cuộc họp Thượng đỉnh Đông Á năm 2015 ở Malaysia.

Thưa ngài chủ tịch, bây giờ tôi xin đi đến câu hỏi Mỹ nên làm gì để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Nước Mỹ có thể và đang đóng một vai trò chủ động ở Biển Đông để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ và các nguyên tắc luật pháp quốc tế. Mặc dù giải quyết tranh chấp là việc của các bên yêu sách, chúng ta vẫn sẽ đóng một vai trò tích cực và chủ động. Sự tham gia của Mỹ vào các diễn đàn khu vực là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo vấn đề Biển Đông và hợp tác biển luôn đứng đầu trong chương trình nghị sự của các diễn đàn đa phương trong khu vực và các vấn đề này là một nội dung chủ chốt trong các cuộc thảo luận với những quốc gia liên quan. Bằng cách đặt những vấn đề gai góc vào trung tâm của sự chú ý, bao gồm cả hoạt động cải tạo đảo ồ ạt của Trung Quốc, Mỹ đã giúp đảm bảo rằng các cư xử không đúng mực, nếu không thể ngăn chặn được, cũng sẽ bị phơi bày và lên án.

Chúng ta cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đồng thuận khu vực xung quanh các quy tắc và những thực tiễn có thể chấp nhận được liên quan đến các vấn đề biển và lãnh thổ. Chúng ta bảo vệ việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp pháp lý mà các quốc gia có thể viện dẫn - bao gồm biện pháp trọng tài theo Công ước Luật Biển - khi các cuộc đàm phán ngoại giao không đem lại kết quả gì.

Tôi muốn nêu hai điểm liên quan đến Công ước Luật Biển. Thứ nhất, liên quan đến biện pháp trọng tài, dù Trung Quốc đã lựa chọn không tham gia vào vụ kiện do Philippines khởi xướng, Công ước Luật Biển đã nêu rõ rằng “sự vắng mặt của một bên và việc một bên không thể bảo vệ lập trường của mình không ảnh hưởng đến quá trình phân xử”. Công ước cũng nêu rõ rằng quyết định của tòa trọng tài sẽ ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines. Cộng đồng quốc tế trông đợi rằng cả Philippines và Trung Quốc đều phải tôn trọng phán quyết, bất kể kết quả có ra sao.

Thứ hai, tôi xin trân trọng đề nghị Thượng viện xem xét việc phê chuẩn Công ước Luật Biển của nước Mỹ. Việc phê chuẩn này đã được tất cả các chính quyền từ Cộng hòa đến Dân chủ ủng hộ từ khi nó được đệ trình lên Thượng viện năm 1994. Quân đội Mỹ, các ngành công nghiệp, các nhóm hoạt động môi trường và các chủ thể liên quan khác cũng đều ủng hộ việc này. Tôi phát biểu tại đây vì lợi ích của nước Mỹ ở Biển Đông khi yêu cầu Thượng viện chấp nhận việc phê chuẩn Công ước. Làm được điều đó sẽ giúp Mỹ bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia và tăng thêm uy tín đối với các nỗ lực của Mỹ trong việc buộc các nước khác có trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của mình theo Công ước vô cùng quan trọng này.

Một nỗ lực khác mà chúng ta đang tiến hành đó là thắt chặt quan hệ đối tác với các quốc gia ven biển Đông Nam Á để tăng cường nhận thức biển của họ, để họ có một bức tranh rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra trên các vùng biển ngoài khơi. Chúng ta đang làm việc với các đồng minh như Nhật Bản và Úc để phối hợp và tối đa hóa những tác động từ sự hỗ trợ của chúng ta và đảm bảo rằng chúng ta không hoạt động chồng chéo lẫn nhau. Bằng cách tạo dựng ra một bức tranh hoạt động chung, các bên yêu sách có thể hợp tác với nhau để tránh các leo thang ngoài ý muốn và nhận diện các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Chúng ta cũng đã khuyến khích việc trao đổi thông tin và tăng cường phối hợp giữa các bên yêu sách và các nước khác ở khu vực để bảo đảm rằng tất cả các quốc gia có lợi ích trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông đều biết rõ các sự kiện ở đây và biết những bên khác đang làm gì.

Đồng nghiệp của tôi, Trợ lý Bộ trưởng David Shear, sẽ phát biểu tiếp theo về những hệ lụy quân sự của những diễn biến gần đây và những nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định. Tôi tin rằng sự có mặt thường xuyên của Hạm đội 7 và các di chuyển lực lượng của chúng ta gần đây là những yếu tố quan trọng trong việc đẩy lùi xung đột giữa các bên yêu sách. Tranh chấp ở Biển Đông tuy có nóng lên, nhưng chưa đến mức sục sôi và gây ra xung đột vũ trang.

Tuy dựa trên nền tảng của sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và lâu dài của Mỹ - điều mà đông đảo các quốc gia ở khu vực rất hoan nghênh - nhưng ngoại giao vẫn sẽ công cụ tuyến đầu của chúng ta. Chúng ta đang hợp tác mạnh mẽ với tất cả các bên yêu sách. Chúng ta làm điều này tại các cuộc gặp đa phương chủ chốt như Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN và chúng ta cũng hợp tác ở kênh song phương như những gì Tổng thống Obama đã làm ở Bắc Kinh cuối năm ngoái. Tuần tới, tôi sẽ đón tiếp các đồng nghiệp từ 10 nước ASEAN ở Washington và sau đó sẽ tháp tùng Ngoại trưởng Kerry đến Trung Quốc trước thềm cuộc Đối thoại Chiến lược và kinh tế mà Ngoại trưởng sẽ chủ trì vào mùa hè này. Trong mỗi cuộc gặp, chúng ta đều sẽ yêu cầu các bên kiềm chế và phản đối các hành vi gây bất ổn; chúng ta sẽ thúc đẩy việc tôn trọng luật lệ và phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng.

Thưa ngài chủ tịch, kết quả của những gì chúng ta làm được ở Biển Đông đó là một sự quan tâm lớn hơn của khu vực đối với việc giữ gìn nguyên trạng một trật tự dựa trên luật lệ, kèm theo đó là mong muốn lớn hơn về vai trò dẫn dắt của Mỹ trong các vấn đề an ninh khu vực.

Mặc cho những khác biệt về quan điểm trong vấn đề Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang cố gắng để mở rộng hợp tác và tạo dựng các kênh đối thoại hiệu quả nhằm quản lý những khác biệt này. Chính quyền Obaam đã rất rõ ràng và nhất quán trong việc hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn trong việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu. Điều này được thể hiện khá rõ qua tuyên bố chung của hai quốc gia về các mục tiêu khí hậu và các biện pháp xây dựng lòng tin quân sự vào tháng 11 ở Bắc Kinh. Chúng ta đang làm việc rất tích cực với Trung Quốc trong nhiều vấn đề an ninh và các thách thức khác - như vấn đề Bắc Triều Tiên, Iran, biến đổi khí hậu và an ninh sức khỏe toàn cầu. Hơn thế, chúng ta cũng khuyến khích tất cả các quốc gia duy trì quan hệ tích cực với Trung Quốc, cũng giống như việc chúng ta kêu gọi Trung Quốc có những hành động trấn an khu vực về những ý định chiến lược hiện tại và tương lai của mình. Như lời Tổng thống Obama phát biểu gần đây, trong sự trỗi dậy của Trung Quốc có rất nhiều điều đáng ngưỡng mộ và có nhiều triển vọng lạc quan để tin vào hợp tác. Nhưng Tổng thống cũng ghi nhận rằng chúng ta không thể bỏ qua hành động của bất kỳ quốc gia nào “cố gắng sử dụng sức mạnh và vũ lực để ép các nước khác vào vị thế bất lợi hơn”, bao gồm ở Biển Đông. Đối với cả Tổng thống và Ngoại trưởng, vấn đề biển luôn chiếm vị trí hàng đầu trong nghị trình của chính quyền đối với Bắc Kinh. Chúng ta đã nhất quán nêu quan ngại của mình rất thẳng thắn với lãnh đạo Trung Quốc và thúc giục Trung Quốc quản lý và giải quyết tranh chấp với láng giềng một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta cũng đã nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không do dự trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và tôn trọng các cam kết với các đồng minh và đối tác ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Điểm mấu chốt là các vấn đề an ninh biển này không phải chỉ là về các đảo đá, mà là về vấn đề luật lệ. Câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia có ủng hộ các luật lệ và chuẩn mực quốc tế, hay họ sẽ phá vỡ chúng. Liệu họ có hợp tác cùng nhau để bảo vệ hòa bình và ổn định hay sẽ sử dụng cưỡng ép và đe dọa để bảo vệ lợi ích của mình.

Việc quản lý và giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông là một vấn đề cực kỳ quan trọng với Mỹ, với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Đây là một thách thức chiến lược chủ chốt của khu vực. Và tôi muốn khẳng định hôm nay rằng chúng ta sẽ tiếp tục ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không và các việc sử dụng biển hợp pháp khác liên quan đến các quyền tự do trên, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình tranh chấp.

Thưa ngài chủ tịch, tôi cảm ơn ngài hôm nay đã cho tôi cơ hội thảo luận chủ đề quan trọng này. Tôi rất sẵn lòng trả lởi bất kỳ câu hỏi nào của quý vị./.

Xem nguyên văn bài điều trần tại đây.

Người dịch: Minh Ngọc