scs-400x300(3).jpg 

Chính phủ Thủ tướng Tony Abbott dường như đã rơi vào cách tiếp cận ngoại giao đa phương thụ động. Khi những căng thẳng ở Biển Đông tăng lên, người dân Úc cần được biết lý do tại sao chính sách ngoại giao khu vực của Úc đột nhiên có thể rơi vào trạng thái quân sự. Nếu điều này xảy ra, chính phủ Úc cần phải thể hiện rằng chính sách ngoại giao của mình đã được cân nhắc một cách nghiêm túc và thận trọng. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy chính sách ngoại giao đa phương của Úc đã không được tiến hành một cách chắc chắn và mạnh mẽ.

Ngày 2/6, một số bản báo cáo cho thấy Úc đang có kế hoạch điều máy bay P-3 đến Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải. Sự việc này diễn ra sau khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là Chủ tịch Ban soạn thảo Sách Trắng quốc phòng Peter Jennings kêu gọi chính phủ Úc chuẩn bị điều các phương tiện quân sự đến Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát các tuyến đường biển ở khu vực này. Việc Úc điều động máy bay quân sự trong bối cảnh hiện nay sẽ là một bước tiến lớn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có khả năng xảy ra va chạm và thậm chí còn tồi tệ hơn.

Trước đây, chính sách ngoại giao của Úc về Biển Đông dường như giới hạn ở những kêu gọi các bên tranh chấp phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, duy trì nguyên trạng và sớm thúc đẩy hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử (COC). Úc nhận thức rằng tranh chấp lãnh thổ là vấn đề của Trung Quốc và các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền. Úc không có quyền lợi lãnh thổ và do đó không có quan điểm rõ ràng đối với các tuyên bố chủ quyền. Tại Đối thoại Shangri-La tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews đã kêu gọi ngừng các hoạt động cải tạo đất. Tuy nhiên, một số diễn biến đã bất ngờ làm thay đổi chính sách ngoại giao của Úc với việc cân nhắc triển khai quân sự. Các cuộc đàm phán về COC đã gây thất vọng do Trung Quốc cố tình cản trở. Nhiều nước lo ngại rằng các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc là một bước chuẩn bị để nước này công bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực.

Ít nhất từ năm 2010, Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích sống còn của họ. Tuy nhiên, trước tình hình nghiêm trọng như vậy, không hiểu tại sao Úc lại không thúc đẩy chính sách khu vực một cách mạnh mẽ? Câu trả lời có thể là: việc Ngoại trưởng Julie Bishop phản đối tuyên bố của Trung Quốc về một ADIZ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Trung Quốc và tạo nguy cơ Hiệp định Thương mại Tự do song phương sẽ bị chệch hướng. Úc cũng lo ngại rằng khi nước này làm việc với các nước ASEAN để tìm kiếm một quan điểm chung sẽ gây áp lực nhiều hơn với Trung Quốc và khiến Bắc Kinh cho rằng Úc đang cố ngăn cản họ. Kết quả là giới lãnh đạo và phương tiện truyền thông Úc nhiều lần dường như bị “thôi miên” trước sự lựa chọn Trung Quốc và bị mắc kẹt giữa “sự sợ hãi và tham lam”.

Úc cần phải tìm kiếm một con đường trung lập thông qua chính sách ngoại giao đa phương. Úc nên hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng ASEAN và Trung Quốc để tìm kiếm những quan điểm chung; chứ không nên gắn chặt với những món hời lớn. Úc nên tiến hành tiếp cận thực dụng từng phần, tìm cách giải quyết các vấn đề một cách riêng biệt. Úc không nên bỏ qua hai yếu tố ngoại giao và phát triển.

Năm 2014, các chuyên gia Nick Bisley và Malcolm Cook đã xem xét nguyên nhân khiến Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) không phù hợp với tiềm năng của nó. Họ kết luận rằng hỗ trợ thể chế là cần thiết để bảo đảm EAS có thể duy trì xung lượng trong các hội nghị thượng đỉnh và có các phương tiện để phát triển các sáng kiến chính sách. Úc có thể đóng góp nhiều hơn vào vấn đề này. Thư ký Bộ Quốc phòng Úc Dennis Richardson lưu ý rằng nước này đứng thứ 13 hay 14 toàn cầu về kinh tế, và đứng thứ 12 hay 13 về ngân sách quốc phòng.

Úc cũng cần đóng góp ý tưởng. Năm 2013, cựu Ngoại trưởng Bob Carr đã đưa ra ý tưởng chia sẻ nguồn tài nguyên. Điều này sẽ liên quan đến một thỏa thuận chia sẻ tài nguyên mà không giải quyết các mâu thuẫn chủ quyền. Hiệp ước châu Nam Cực năm 1961 là một ví dụ tốt để các nước có thể đặt các vấn đề chủ quyền sang một bên vì lợi ích chung.

Chính sách ngoại giao khu vực của Úc dưới thời chính phủ Abbott chủ yếu tập trung vào các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và ủng hộ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc. Kế hoạch Colombo mới của Úc sẽ rất quan trọng trong việc xây dựng các mối liên kết chặt chẽ trong khu vực, mặc dù kế hoạch này không đặt mục tiêu cao và lợi ích nó mang lại sẽ không được thấy rõ trong một thời gian.

Trước đây, Úc đã tích cực giúp giải quyết các vấn đề nghiêm trọng ở khu vực như việc giải quyết hòa bình Campuchia năm 1990-1993. Chuyên gia Michael Wesley và Allen Gyngell nhấn mạnh rằng đây là vấn đề Úc có lợi ích chính sách đáng kể. Cựu Ngoại trưởng Gareth Evans sau đó miêu tả vai trò của Úc không phải là “người cầm lái hay ngồi phía sau mà với vai trò thuyết phục và vẽ lộ trình. Cách tiếp cận này khôn ngoan hơn là sử dụng vai trò chính trị hay quân sự”.

Giải quyết vấn đề Biển Đông chắc chắn ít nhất cần phải có nỗ lực ngoại giao. Hành động của Úc trong thời gian tới nên hướng đến cách tiếp cận độc lập, ưu tiên sử dụng biện pháp ngoại giao. Úc nên hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các đối tác khu vực để đẩy lùi chủ nghĩa đơn phương, tránh leo thang căng thẳng dẫn tới sử dụng vũ lực.

Theo "East asia Forum" (ngày 24/6)

Hương Trà (gt)