20/06/2011
Mạng tin "Địa chính trị" mới đây đăng bài nghiên cứu về Biển Đông của tác giả Jure Vujić, luật sư, nhà địa chính trị, nhà văn mang hai quốc tịch Pháp và Crôatia. Nghiên cứu Biển Đông (NCBĐ) xin giới thiệu nội dung của bài viết như sau: Trong những thập kỷ tới, nước nào có sức mạnh sẽ giành được bá quyền tại khu vực này, đồng thời sẽ tạo được ảnh hưởng lên các dân tộc và hai khu vực kinh tế giàu nhất và sinh lời nhất thế giới là Tây Âu và Đông Nam Á.
Một mặt, sự quan tâm đầu tiên là khoảng cách địa lý gần gũi của lục địa Á-Âu. Sức mạnh của châu lục Á-Âu cũng sẽ ảnh hưởng tới châu Phi và Trung Đông. Trung Quốc và Ấn Độ với tư cách là cường quốc mới nổi, đế chế Nga phục hưng với tư cách là nước bá quyền khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc đang nổi lên nằm trong cuộc chơi của các cường quốc. Tất cả các nước trên đang cho thấy sẽ có một sự phân chia lại bản đồ địa chính trị trong khu vực. Tây Âu mặc dù phụ thuộc vào những mệnh lệnh của Mỹ thông qua NATO song có chiến lược phòng thủ riêng và ý thức được thách thức địa chính trị của lục địa Á-Âu.
Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) muốn khuyến khích các nước thành viên và các nước khu vực Á-Âu tăng cường hiệu quả hơn nữa chủ nghĩa đa phương để tránh EU bị chia cách khỏi khu vực này và bị cô lập bởi chính sách láng giềng và một Liên minh Địa Trung Hải hoàn toàn mới. Những lợi ích địa kinh tế và tài chính của EU trong khu vực này và những được mất từ quá trình toàn cầu hóa là rất lớn. Các cường quốc khu vực tại lục địa Á-Âu có thể gạt EU ra ngoài cuộc chơi. Ngày nay rất rõ là Mỹ và các cường quốc khác tại khu vực Đại Tây Dương có tham vọng hoàn thiện chiến lược phòng thủ nổi tiếng, gồm tăng cường kiểm soát các vùng biển và khu vực ven biển kéo dài từ Kênh đào Xuyê đến Thượng Hải và đặc biệt do sự nổi lên của các nước mới tầm cỡ trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Chính vì triển vọng này mà các chính quyền mới của các nước thuộc lục địa Á-Âu đang tăng cường sức mạnh hải quân dưới hình thức xây dựng các căn cứ quân sự để giúp họ bảo vệ mọi lợi ích kinh tế, mọi tuyến đường biển chiến lược và để mở rộng khu vực ảnh hưởng.
Chiến lược của Mỹ bao vây Trung Quốc
Từ nhiều thập kỷ nay và đặc biệt kể từ sau Chiến trạnh Lạnh, Mỹ giành quyền thống trị trên biển Nam Á. Để cải thiện vị trí bá quyền trong khu vực và làm nản chí mọi quốc gia mới nổi tại Trung Á, hệ thống an ninh hải quân Mỹ hiện nay dựa vào các khu vực an ninh trụ cột: thứ nhất, qua kênh đào Panama nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương; thứ hai, tuyến hàng hải nối các căn cứ hải quân Mỹ từ San Diego tới Haoai và Guam, rồi từ Guam tới Nhật Bản và Hàn Quốc; thứ ba, tuyến vòng cung kéo dài khu vực ven biển Đông Nam Á. Nhờ vào vòng cung kéo dài từ phía Bắc đảo Bornéo đến Xinhgapo này, Mỹ đảm bảo duy trì sự hiện diện địa chiến lược tại Đông Nam Á.
Hệ thống an ninh hải quân Mỹ gồm hai đầu cầu chiến lược là Đài Loan và Nhật Bản. Tháng 10/2008, Mỹ đã ký một thỏa thuận bán tên lửa đánh chặn và trực thăng Apache trị giá 4,4 tỷ euro cho Đài Loan. Với vai trò là nước "canh gác" vòng cung an ninh hàng hải, Đài Loan đã đặt Trung Quốc vào một vị trí phải phòng thủ. Đầu cầu thứ hai trong cách bố trí hệ thống phòng thủ của Mỹ là Nhật Bản, nước có căn cứ hải quân mạnh nhất của Mỹ là hạm đội 7 và một lực lượng quân đội Mỹ hùng hậu. Việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Hàn Quốc đã buộc giới chức quân sự và chiến lược Nhật Bản suy nghĩ lại về học thuyết quân sự của họ. Chính vì điều này mà Phó Đô đốc Hideaki Kaneda, người đứng đầu Lực lượng phòng vệ ven biển của Nhật Bản (JMSDF), khẳng định Trung Quốc đã chuyển đổi chiến lược phòng thủ hải quân sang chiến lược cường quốc quân sự biển có tính hung hăng hơn. Điều này đã buộc Nhật Bản phải xem lại chiến lược hải quân quốc gia của mình. Quân đội Nhật Bản vừa trang bị các loại vũ khí tối tân, như các tàu khu trục mang trực thăng Hyuga để tăng cường khả năng tác chiến của hải quân Nhật Bản. Nhật Bản cũng sử dụng JMSDF để hỗ trợ các chiến dịch tại Ápganixtan và Irắc. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có được một lực lượng tấn công mới khi phát triển lực lượng bảo vệ bờ biển mà nước này cam kết trong chính sách ngoại giao hàng hải với các đối tác Đông Nam Á.
Hàn Quốc, đồng minh chiến lược được Mỹ sử dụng trong vòng cung hải quân, vừa xây dựng các căn cứ hải quân rất gần Trung Quốc và Nhật Bản. Hàn Quốc, nước dành ngân sách nhiều nhất cho quốc phòng tính theo GDP/người, vừa tái cơ cấu và hiện đại hóa quân đội với việc thành lập ba đại đội lưu động chiến lược sẽ tác chiến vào năm 2020 và được trang bị các đội tàu chiến sử dụng hệ thống rađa Aegis.
Thời gian tới, Nhật và Hàn Quốc sẽ có một số tự chủ về quân sự bên cạnh Mỹ, song sẽ tiếp tục là vị trí ưu tiên trong sơ đồ bố trí vòng cung hải quân lớn của Mỹ.
Chiến lược "Chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc
Trung Quốc chắc chắn tiếp tục là một mối đe dọa địa chính trị đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tăng trưởng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990. Để duy trì tốc độ tăng trưởng này, Trung Quốc sẽ phải tăng cường nhập khẩu dầu lửa thêm 150% từ nay đến năm 2020. Hiện có hơn 6000 tàu của trung Quốc sử dụng Ấn Độ Dương để vận chuyển dầu. Từ nay đến năm 2025, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu từ Trung Đông và châu Phi. Các chính sách địa chiến lược hàng hải của Mỹ và Nhật Bản chỉ nhằm triệt hạ duy nhất tuyến đường hàng hải của Trung Quốc, từ biển Trung Quốc đến các nhánh dọc eo biển Malắcca. 80% các chuyến tàu vận chuyển dầu sử dụng tuyến đường biển huyết mạch trên. Để bảo đảm an toàn các tuyến đường biển vận chuyển năng lượng, Trung Quốc sẽ phải tránh Mỹ và Nhật Bản ở phía Đông. Nga tập trung sức mạnh hải quân ở phía Bắc. Ấn Độ kiểm soát mạn Nam Ấn Độ Dương. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ phải tăng cường khả năng độc lập và sức mạnh hải quân, đặc biệt tại Ấn Độ Dương. Chiến lược hải quân của Trung Quốc gồm hai mặt: thứ nhất, chống lại sự hiện diện của Mỹ tại eo biển Đài Loan; thứ hai, trong tương lai, Trung Quốc sẽ bành trướng hải quân ra Ấn Độ Dương để bao vây Ấn Độ.
Để thực hiện chiến lược hải quân mới này, Trung Quốc đã trang bị các tàu ngầm lớp Kilo. Phần thứ hai trong chương trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc và thiết lập vòng vây chiến lược xung quanh Ấn Độ là cái mà người ta gọi là "chuỗi ngọc trai các đảo". Chuỗi ngọc trai này nối các căn cứ hải quân của Trung Quốc tại Tam Á ở phía
Phá thế bao vây của Ấn Độ và kế hoạch Ấn-Mỹ
Như Trung Quốc, Ấn Độ cũng rất phụ thuộc vào các tuyến mậu dịch hàng hải. 77% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Trung Đông và châu Phi. Giám đốc Viện United Service Institution của Ấn Độ, Lữ đoàn trưởng Arun Sahgal coi chính sách địa chính trị của Trung Quốc là chiến lược bao vây. Phía Bắc Ấn Độ là nước láng giềng Trung Quốc; phía Tây là đối thủ khu vực Pakixtan đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc; phía Đông là Bănglađét thân Trung Quốc và chính quyền quân sự Mianma, trong khi phía Nam là chuỗi ngọc trai các đảo của Trung Quốc bao vây Ấn Độ như một con rắn biển địa chiến lược. Chỉ có một liên minh lớn các nhà nước ven biển đảo mới cho phép phá thế bao vây của Trung Quốc. Chiến lược Ấn-Mỹ nêu trên gồm liên kết các nước châu Á ven biển: Ấn Độ ở phía Tây Nam Trung Quốc; Hàn Quốc ở phía Đông Bắc; Nhật Bản và Đài Loan ở phía Đông; Philíppin và Guam ở phía Đông Nam, sẽ buộc Trung Quốc phải lựa chọn thế địa chiến lược phòng thủ.
Về lâu dài, chiến lược này của Ấn Độ-Mỹ có thể sẽ đe dọa việc xây dựng một liên minh Á-Âu chiến lược về hàng hải và trên lục địa.
Ấn Độ đã đề phòng mối đe dọa Pakixtan và Trung Quốc tăng cường quan hệ nên đã bắt đầu thực hiện bước xâm nhập địa chiến lược tại Trung Á. Năm 2006, Ấn Độ đã mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này của lục địa Á-Âu bằng cách mở sân bay đầu tiên của Ấn Độ tại Tátgikixtan. Điều này tạo cho Ấn Độ một cầu nối tiền tiêu trong khu vực.
Ấn Độ đang tăng cường tiềm lực hải quân chiến lược tại Karwar, phía Tây Nam nước này cũng như một căn cứ hàng không-hàng hải mới tại Uchipuli ở phía Đông Nam và một căn cứ quan sát tại Mađagaxca cho phép tập trung chỉ huy hải quân tại các đảo Andaman. Ấn Độ cũng đã xâm nhập vùng biển Đông khi thăm vịnh Cam Ranh của Việt Nam, nơi này mở ra cho Ấn Độ khả năng thực hiện một sự phối hợp địa chiến lược hải quân và không quân cho phép Ấn Độ phát động tấn công từ biển Arập, vịnh Bengan, dọc Ấn Độ Dương và phần Tây Thái Bình Dương.
Ý thức được những mối đe dọa bao vây và chống bao vây từ trong lục địa Á-Âu đến các vùng ven biển thuộc châu Âu và châu Á, Nga đã tái triển khai chiến lược quân sự dọc ven biển lục địa Á-Âu và châu Phi. Điều này giải thích việc Nga quyết định mở các căn cứ hải quân tại Xyri, Libi và Yêmen. Các quyết định trên đi kèm với một chương trình hiện đại hóa hải quân quy mô, thông qua các dự án chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ mới và việc tăng cường khả năng công nghệ và hậu cần.
(Còn tiếp)
NCBĐ (giới thiệu)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...