2013-01-07_230033.jpg 

Nhưng chuyến bay của máy bay Poseidon P-8A thuộc Hải quân Mỹ, chở theo đoàn làm phim của kênh truyền hình CNN, qua các vùng nước tranh chấp tại Biển Đông vào tháng 5, đã nêu bật tiềm năng của sức mạnh trên không – đặc biệt là máy bay tuần tra biển (MPA) – trong việc thực hiện các nhiệm vụ tuần tra chung. Để đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông, điều quan trọng là trước hết phải hiểu rõ những khác biệt thường bị bỏ qua trong các nhiệm vụ, địa điểm và khái niệm.

Nhìn chung, các nhiệm vụ tuần tra chung trên không được đề xuất rơi vào hai phạm trù. Phạm trù thứ nhất nhằm mục đích chống lại các yêu sách quá mức và không phù hợp với luật pháp quốc tế (ví dụ như tự do hàng hải của các hoạt động trên biển và trên không, hay Freedom of Navigation and Overflight - FON). Phạm trù thứ hai, được minh họa bởi sáng kiến Eyes-in-the-sky - EiS) một bộ phận của hoạt động Tuần tra eo biển Malacca (Malacca Strait Patrol - MSP), hướng tới việc tăng cường nhận thức khu vực trên biển (Maritime Domain awareness - MDA) và thực thi luật pháp.

Ngoài các mục tiêu, điều quan trọng là phải hiểu được các khu vực tác chiến được đề xuất. Dzirhan Mahadzir, một nhà báo quốc phòng tại Malaysia, lưu ý “nhiều người quên rằng Biển Đông là một khu vực trải rộng. Mọi người khá hào hứng tại Triển lãm quốc phòng biển quốc tế (IMDEX) vào tháng 5/2015 khi Đô đốc Hải quân Singapore kêu gọi tổ chức các cuộc tuần tra trên Biển Đông để ngăn chặn nạn cướp biển, nhưng ông chỉ nói tới một khu vực nhỏ ngoài khơi bang Johor (Malaysia) và Singapore.

Các địa điểm tuần tra chung trên không cũng có thể gặp những khó khăn do các yêu sách chủ quyền chồng lấn và, ở mức độ thấp hơn, liệu khu vực được đề xuất có thực sự đem lại một cơ hội mang tính hiệu quả về chi phí để thực hiện nhiệm vụ MDA hoặc FON hay không, trong trường hợp mục tiêu thật sự của các cuộc tuần tra chung là răn đe hay ra dấu hiệu nhắm tới một bên thứ ba.

Trên thực tế, nhiều thách thức có thể gây trở ngại cho các cuộc tuần tra chung trên biển, như thiếu khả năng phối hợp tác chiến, năng lực, quyết tâm chính trị và các thỏa thuận chia sẻ thông tin, cũng là thách thức đối với các cuộc tuần tra trên không trong tương lai. Nhưng một cách tiếp cận trên không cũng đem lại những thách thức rất riêng.

Bản chất của các cuộc tuần tra trên không cho thấy tầm quan trọng của khả năng hoạt động bền bỉ và phạm vi hoạt động của các phương tiện, khi tuần tra này chỉ tính bằng giờ thay vì một cuộc tuần tra trên biển kéo dài nhiều ngày hay hàng tuần, cũng như giá trị của các cơ sở ở các nước láng giềng – mà trong trường hợp này là các đường băng – giúp kéo dài thời gian tuần tra. Một thực tế thú vị hơn là những nước quan tâm nhưng không liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản và Úc nhìn chung có năng lực MPA tốt hơn các nước có tranh chấp chủ quyền, trong khi các nước tranh chấp có những căn cứ không quân gần Biển Đông.

Kết quả đã là một sự kết hợp giữa hai bên. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều chuyến tuần tra sử dụng máy bay P-8A của Mỹ trên Biển Đông, chuyến bay vào tháng 5 đã cất cánh từ căn cứ không quân Clark của Philippines. Tương tự, các chuyến bay do thám bằng máy bay P-3C của Không quân Hoàng gia Úc ở các khu vực phía Nam của Biển Đông đã cất cánh từ căn cứ Butterworth của Không quân Hoàng gia Malaysia trên bán đảo Malay như là một phần của Chiến dịch Cửa ngõ (Operation Gateway) kéo dài trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sự kết hợp này có nghĩa là việc cho thuê và sử dụng các căn cứ này – bao gồm cả các cuộc tuần tra chung – đều phụ thuộc vào nền chính trị của nước chủ nhà.

Bản chất cộng sinh của các bên tham gia trong hoạt động tuần tra trên không “đơn phương” ở Biển Đông đã minh họa một sắc thái thứ ba, đó là các thành phần cốt yếu cần cho việc thực hiện một “cuộc tuần tra chung” có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Khởi đầu bằng việc tham gia. Một cuộc tuần tra chung trên không cổ điển thường bao gồm hai máy bay có người lái bay hộ tống nhau. Tuy nhiên, Giáo sư Alex Calvo thuộc Đại học Nagoya cho rằng một định nghĩa bao quát có thể bao gồm điều khoản về các cơ sở hạ cánh khẩn cấp, chia sẻ thông tin tình báo, nhân sự đi kèm, và cuối cùng là máy bay có người lái – bao gồm cả việc tiếp nhiên liệu trên không và các phương tiện do thám không người lái. Ví dụ, theo Chuẩn Đô đốc James Goldrick thuộc Hải quân Hoàng gia Úc (đã nghỉ hưu), Chiến dịch Cửa ngõ có đủ điều kiện vì nó là “một thỏa thuận song phương với Malaysia và liên quan tới việc chia sẻ dữ liệu chuyến bay để đổi lấy việc tiếp cận các căn cứ.”

Hơn nữa, ông Dzirhan lưu ý rằng thay vì định nghĩa cổ điển về tuần tra chung, sáng kiến EiS bao gồm “các cuộc tuần tra phối hợp, trong đó máy bay của mỗi nước tuần tra các khu vực riêng biệt bên trong lãnh thổ của riêng họ”, mặc dù chở các sĩ quan liên lạc của các nước. Trong những nhiệm vụ MDA như vậy, việc tập trung các nguồn lực trong tuần tra chung có thể phản tác dụng. Các chuyến bay FON phù hợp hơn cho việc tuần tra chung trên không do tính biểu tượng mạnh mẽ của việc nhiều quốc gia thể hiện sự không đồng tình đối với một tuyên bố chủ quyền. Vì vậy, điều quan trọng là phải làm rõ liệu một đề xuất đang thảo luận sẽ là tuần tra chung trên không truyền thống hay tuần tra trên không có sự phối hợp. Sau khi thu thập thông tin, EiS và Tuần tra eo biển Malacca cho thấy một bức tranh hoạt động chung cho các nước tham gia tại Trung tâm tổng hợp thông tin của Singapore (IFC).

Cho dù hoạt động tuần tra thường xuyên là cần thiết cho các hoạt động chấp pháp và MDA hiệu quả, các chuyến bay không thường xuyên mang tính biểu tượng là đủ cho các hoạt động tác chiến FON theo quan điểm luật pháp quốc tế – cho dù chúng có thể không đáp ứng mong muốn duy trì áp lực đối với bên xâm phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Tuần tra không thường xuyên cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng quan hệ hợp tác. Ví dụ, vào cuối tháng 6/2015 Nhật Bản đã thực hiện một cuộc tuần tra chung trên không với Philippines như là một phần của một cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn ở các vùng nước Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong đó một máy bay P-3C của Nhật Bản cất cánh từ đảo Palawan chở phi hành đoàn người Philippines và đi cùng một máy bay của Philippines.

Hoạt động tuần tra phối hợp ở Biển Đông

Với những khác biệt này, một cách tiếp cận hai tầng nấc dường như thích hợp cho hoạt động tuần tra trên không phối hợp ở Biển Đông nhằm mục đích nâng cao MDA. Các lực lượng MPA có năng lực hơn như Mỹ, Mỹ và Nhật Bản có thể hình thành nền tảng cho một tầng đầu tiên và ban đầu sẽ tập trung tuần tra bên trên các khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) đang tranh chấp, bao gồm phần lớn Quần đảo Trường Sa. Scott Bentley, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Học viện quốc phòng Úc, cho biết: “Thông tin thu thập được từ các cuộc tuần tra này cũng có thể được sử dụng để tăng cường tính minh bạch liên quan đến hiện nay ở Biển Đông”. Tầng thứ hai có thể được hình thành bao gồm lực lượng đặc nhiệm của các nước có tuyên bố chủ quyền, khi có thể, để tiến hành các cuộc tuần tra trên các khu vực EEZ của chính họ và cung cấp các đơn vị liên lạc và cơ sở hàng không.

Ngoài việc dẫn đầu nhiệm vụ MDA, ông Calvo lưu ý rằng các lực lượng thuộc tầng thứ nhất có thể “tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra chung trên không truyền thống, tích cực đối phó với các hành động khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” vốn vượt ra ngoài các quy định của luật pháp quốc tế. Nhật Bản đã công khai thảo luận về vấn đề này. Theo như quan điểm của Thủ tướng Nhật Bản Abe, điều đó nhấn mạnh vấn đề pháp trị trên biển và tạo điều kiện dễ dàng cho công chúng trong và ngoài nước thấy rằng chính Bắc Kinh, chứ không phải là Tokyo, là “kẻ khác biệt lạc lõng.” Trong khi Úc có thể không nỗ lực tham gia, Andrew Davies, một nhà phân tích cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc cho rằng: “Tôi nghĩ nếu Mỹ đẩy tới một chút, Úc sẽ tham gia”. Tuy nhiên, điều quan trọng sẽ là các cuộc tuần tra chung này cần độc lập với sáng kiến tuần tra phối hợp để không khiến các bên tham gia tầng thứ hai lo ngại vì bị coi là đối đầu với Trung Quốc.

Ông Davies chỉ ra rằng phối hợp tác chiến cũng quan trọng không kém “cơ chế giám sát chung và khả năng chia sẻ dữ liệu giữa các đối tác tin cậy.” Cho dù việc này chủ yếu diễn ra giữa Nhật Bản-Mỹ và Mỹ-Úc, sáng kiến MDA sẽ cần phát triển hinh thức kết nối để chia sẻ dữ liệu thu thập giữa hai tầng. Vai trò của Singapore như là một bên trung gian trung thực tại IFC cho EiS/MSP có thể lần nữa đóng vai trò là một hình mẫu – hoặc bản thân IFC có thể đóng cho chia sẻ dữ liệu MDA. Tại đây, dữ liệu tuần tra trên không sẽ cung cấp tình hình tác chiến chung cho từng nước và được điều chỉnh theo sự tham gia của họ trong các sáng kiến khác nhau.

Các bên tham gia tầng thứ nhất cũng có thể tạo ra những thách thức. Ông Dzirhan cho biết: “Singapore có xu hướng thường đứng ngoài các vấn đề và hành động của khu vực mà nước này không có lợi ích trực tiếp trong đó”, vì vậy sự tham gia của nước này cần phải được thúc đẩy nhiều hơn đồng thời đảm bảo rằng sáng kiến không “nhắm” vào Trung Quốc. Với Nhật Bản, việc duy trì hoạt động tuần tra phối hợp sẽ kéo ảnh hưởng tới năng lực MPA của nước này khi xét tới các yêu cầu hiện nay ở Biển Hoa Đông. Và xác định ai sẽ người chi trả các chi phí cần thiết sẽ là một vấn đề nan giải trong bất cứ thỏa thuận nào.

Các bên tham gia tầng thứ nhất có khả năng là Indonesia và Ấn Độ. Indonesia đã ủng hộ “các cuộc tuần tra hòa bình” đa phương trong khu vực, trong khi theo Darshana Baruahm, một thành viên sơ cấp của tổ chức Observer Research Foundation, “một cuộc tuần tra chung trên không với các quốc gia có cùng mục tiêu sẽ giúp Ấn Độ củng cố hình ảnh của mình và hình thành một vai trò đáng tin cậy như một bên tham gia an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương.”

Nhưng một lần nữa, điều có quan trọng là liệu sáng kiến tuần tra trên không phối hợp có được coi là một nỗ lực đối đầu với Trung Quốc không. Ông Baruah cho biết: “Không có khả năng Ấn Độ sẽ tham gia ngay lập tức một nỗ lực như vậy. New Delhi vẫn đang cởi bỏ chính sách không liên kết dù chúng tôi đã ký kết văn kiện Tầm nhìn chiến lược chung với Mỹ, một sự hợp tác trực tiếp để đối phó các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông mà ít có khả năng xảy ra đối với Ấn Độ”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia gợi ý mời Trung Quốc tham gia vào các cuộc tuần tra hòa bình.

Như vậy, Trung Quốc có cơ hội tham gia vào sáng kiến hợp tác tuần tra trên không như các bên tầng thứ hai khác, và với các điều kiện tương tự như những nước khác. Đây là một cơ hội cho Mỹ sử dụng phán quyết có thể có trong vụ kiện của Philippines như là đòn bẩy. Các bên tham gia sáng kiến tuần tra có thể được yêu cầu tuân thủ mọi phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực tại La-Hay. Kết quả là Trung Quốc tuân thủ bất cứ phán quyết nào của tòa hoặc nước này từ chối lời mời tham gia sáng kiến, và như vậy Mỹ vừa thể hiện sáng kiến là “cởi mở” với Trung Quốc, thúc đẩy sự tham gia của các đối tác không muốn sự đối đầu, đồng thời cho thấy Trung Quốc là một người chơi không tuân theo luật pháp quốc tế.

Philippines sẽ là nước sẵn sàng nhất tham gia tầng thứ hai, trong khi Malaysia, Việt Nam và Brunei đều có thể tham gia. Ngoài việc cung cấp các căn cứ không quân có giá trị chiến lược, một số nước còn có thể sớm triển khai các năng lực MPA đã được cải thiện. Ví dụ, nhà quan sát quân sự người Philippines ông Armando Heredia nói rằng việc mua “máy bay tuần tra tầm xa hiện đại là một phần trong giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào năm 2017 của Kế hoạch Quốc phòng Ba giai đoạn của Philippines”. Phóng viên Trevor Moss của tờ Wall Street Journal cho biết “vụ các phiến quân Philippines xâm nhập khu vực Đông Malaysia năm 2013 và vụ mất tích máy bay MH370 cùng những chiến dịch tìm kiếm sau đó đã khiến Malaysia nhận thức được năng lực tuần tra biển yếu kém của mình” và “có ý định mua 6 tới 8 máy bay do thám trong tương lai gần.”

Việc giới hạn bước đầu sáng kiến tuần tra trên không sẽ loại bỏ những rắc rối bắt nguồn từ các tàu thực thi luật pháp tại các khu vực EEZ và vùng biển tranh chấp, nhưng đồng thời hạn chế tiềm năng các hoạt động phối hợp chung. Đến một thời điểm nào đó, các bên tham gia có thể sẽ phải quyết định liệu gạt sang một bên các vấn đề chủ quyền hoặc tiến tới một giải pháp sáng tạo được nhất trí chung, ví dụ như giới hạn các tàu thực thi nhiệm vụ của sáng kiến chỉ tuần tra ở các khu vực EEZ không bị tranh chấp, như vậy tránh được rắc rối về “đường 9 đoạn” khi mà đường này vẫn chưa được Trung Quốc làm rõ.

Một khó khăn khác là khả năng Đài Loan có thể tham gia sáng kiến với đường băng trên đảo Ba Bình và máy bay P-3C. Trung Quốc có thể sẽ phản đối việc Đài Loan tham gia, nhưng không nhất thiết như vậy, nếu sáng kiến chú trọng vào MDA cho an ninh biển khu vực và nhấn mạnh tới các khía cạnh quân sự. Tuy vậy, một lời mời Đài Loan, ví dụ như các điều kiện để tham gia, có thể biến sáng kiến thành một “viên thuốc độc” đối với Trung Quốc, nhưng lại có vẻ đủ hợp lý để xoa dịu những lo ngại của các bên tham gia không muốn đối đầu như Indonesia, Singpore, Việt Nam và Malaysia./.

Theo “National Interest

Nhật Linh (gt)