Ngoại trừ công trình của một số nhà nghiên cứu như Carl Thayer, Daniel Schaeffer và Leszek Buszynski, vai trò của chiến tranh tàu ngầm và chiến tranh dưới đáy biển ở khu vực tranh chấp Trường Sa cơ bản đã bị lãng quên. Để hiểu thêm về khía cạnh này của tranh chấp, cần phải xoá tan huyền thoại cho rằng khu vực Trường Sa là một vùng biển nông, đặc biệt nguy hiểm đối với hàng hải và cần phải tránh bằng mọi giá. Nhận thức đó, phổ biến trước thập kỷ 1920, đáng ra đã phải biến mất sau những chuyến thám hiểm bí mật của các cường quốc thực dân.

Bộ Hải quân Anh đã tổ chức một vài chuyến khảo sát thuỷ văn học trong khoảng từ năm 1925 đến 1938, đã vẽ lại chi tiết bản đồ của khu vực đã được biết đến với cái tên “Vùng Nguy Hiểm” (Dangerous Ground). Vào năm 1934, họ đã phát hiện ra một tuyến đường biển an toàn, đi qua khu vực này từ bắc xuống nam. Hải quân Nhật Bản tiến hành thám hiểm khu vực trong khoảng từ năm 1936 đến năm 1938 và vẽ lại các hải đồ bí mật, đặc biệt là của là đảo lớn nhất ở khu vực này, đảo Ba Bình. Hải quân Mỹ có căn cứ đóng tại Cavite, Philippines, cũng đã thám hiểm ra Vùng Nguy Hiểm này và vẽ lại một biểu đồ đo độ sâu cho riêng họ trong khoảng thời gian từ năm 1935 đến năm 1937 và đồng thời phát hiện ra một tuyến đường biển khác, nối từ phía đông tới phía tây của khu vực.

Tháng 5/1939, sĩ quan chỉ huy Nhật Bản Unosuke Kokura đã tóm tắt một cách súc tích khác biệt giữa nhận thức dân sự và quân sự về Trường Sa như sau:

Một thực tế đáng ghi nhận là toàn bộ quần đảo Trường Sa có thể được coi như một khu vực được bất khả xâm phạm vì nó được biết tới là một vùng nguy hiểm trên tất cả các bản đồ của thế giới. Nhưng nhờ công lao của Hải Quân Nhật Bản, khu vực này giờ đây đã không còn nguy hiểm đối với chúng ta [người Nhật]. Tàu chiến và tàu thương mại của chúng ta có thể di chuyển tự do qua các nhóm các đảo cũng như có thể dừng nghỉ sau các bãi đá ngầm tại đây.

Những nghiên cứu thuỷ văn bí mật trong suốt những năm 1930 đã giúp lực lượng hải quân từ các quốc khác nhau hiểu được vùng lãnh thổ biển rộng lớn này là một quần đảo che dấu các đường biển bí mật. Các đảo Trường Sa, từ lâu vốn được coi như một khu vực nguy hiểm cần tránh, đã được xác định lại như là một lãnh thổ chiến lược mà từ đó các cường quốc biển có thể kiểm soát tuyến đường hàng hải trên Biển Đông. Trong suốt Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, các tàu ngầm Mỹ đóng tại Úc đã tuần tra trên Biển Đông và thường xuyên đi qua Vùng Nguy Hiểm qua các tuyến đường biển này. Họ cũng tiến hành các nghiên cứu khoa học xung quanh Trường Sa, đặc biệt là nghiên cứu các lớp loại muối có độ đậm đặc cao trong nước – điều kiện cho phép các tàu ngầm Mỹ thoát khỏi sự phát hiện của các thiết bị định vị thuỷ âm của của Nhật Bản.

Một tàu ngầm hạt nhân trong Vùng Nguy Hiểm

Những nghiên cứu khoa học bí mật này được phía Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện trong năm 1955 – 1956 khi Mỹ bắt đầu thay thế Pháp trong chiến tranh Việt Nam. Nghiên cứu này được thực hiện kỹ lưỡng tới mức các tàu ngầm hạt nhân Mỹ sau đó đã có thể di chuyển được trong Vùng Nguy Hiểm mà không gặp trở ngại nào.

Rất có thể những chuyến đi đầu tiên qua Vùng Nguy Hiểm được thực hiện bởi các tàu ngầm hạt nhân đã diễn ra vào tháng 4/1972. Tàu USS Sculpin, do Thuyền trưởng Harry Mathis chỉ huy đã thực hiện nhiệm vụ theo dõi các di chuyển của tàu cá Việt Nam. Những tàu này chuyên chở chất đầy vũ khí, đạn dược đã rời Đảo Hải Nam, Trung Quốc và di chuyển dọc theo Biển Đông để tránh các vùng mà Mỹ phong toả trước khi dỡ hàng hoá ở phía Nam. Tuyến đường đó đưa họ đi qua Vùng Nguy Hiểm trước khi tới Việt Nam.

Rất có thể chuyến hành trình xuyên Trường Sa của tàu Sulpin cũng có các mục đích khác hơn là đơn thuần là chỉ theo dõi các tàu cá buôn lậu vũ khí của Việt Nam. Trên thực tế, máy bay tuần tra P-3 Orion đã hộ tống tàu ngầm này. Hải Quân Mỹ sẽ không chấp nhận rủi ro tới mức sử dụng cả một chiếc tàu hạt nhân với mục đích tầm thường như vậy. Có lẽ sẽ hợp lý hơn khi tin rằng tàu Sculpin đã thực hiện nhiệm vụ thu thập thêm các dữ liệu khoa học về Vùng Nguy Hiểm hoặc thử nghiệm kết quả của các nghiên cứu trước.

Nếu một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có khả năng đi qua Trường Sa mà không gặp trở ngại nào, thì tàu của các quốc gia khác cũng có thể đã làm điều tương tự. Lo ngại có tính chiến lược này được Bộ Quốc phòng Philippines thể hiện khá rõ trong một ấn phẩm của mình vào năm 1982:

“Khu vực này chưa bao giờ được khảo sát hoặc vẽ sơ đồ đầy đủ nhưng có thể thấy nó bao gồm nhiều đảo, bãi ngầm và đá, bãi cạn, và cồn được ngăn cách bởi các tuyến đường biển có độ sâu lớn. Nếu một quốc gia hiếu chiến nào đó có thể sơ đồ hoá khu vực ở mức độ có thể cho phép các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đi qua mà không hề bị mắc cạn trong khi di chuyển, thì quốc gia đó có thể đặt tàu ngầm loại Polaris tại quần đảo này và có thể sẽ kiểm soát hoặc đe doạ toàn khu vực trải dài với bán kính khoảng 4000km, gồm 1/3 dân số thế giới và bao phủ toàn bộ các quốc gia ASEAN. Độ sâu của khu vực khiến cho việc phát hiện tàu ngầm, và từ đó là khả năng đánh trả gần như là bất khả thi.”

Kiểm soát các tuyến đường biển bên trong Vùng Nguy Hiểm

Vùng biển Vùng Nguy Hiểm được tạo nên bởi các tuyến đường biển bên trong, với hai trục chính (Bắc – Nam và Đông – Tây). Việc chọn đảo nào trong nhóm đảo Trường Sa để chiếm đóng dường như liên quan tới việc kiểm soát các đường tuyến biển bên trong các đảo này. Vì vậy, sau khi Đài Loan chiếm đóng đảo lớn nhất Ba Bình vào năm 1956, các lực lượng Việt Nam đã đồn trú tại các đảo và đá kiểm soát cửa phía tây của trục Đông – Tây. Vào cuối những năm 1960, Philippines quan tâm tới việc kiểm soát cực Bắc của tuyến đường biển theo trục Bắc – Nam.

Trung Quốc, quốc gia đến sau cùng tại Trường Sa, đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiểm soát các bãi cạn chứ chưa được là các đảo nhỏ. Bằng cách chiếm đóng Đá Chữ Thập vào năm 1988, các lực lượng của Trung Quốc đã có thể kiểm soát các di chuyển ở phần phía Tây của đường biển trên trục Đông – Tây. Và bằng cách kiểm soát Đá Vành Khăn vào năm 1995, nơi được coi là khu vực lõi trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Trung Quốc đã có thể giám sát và thậm chí là ngăn chặn với các lực lượng Philippines di dọc theo tuyến đường biển Bắc – Nam. Các hành động cải tạo đảo gần đây của Trung Quốc cho phép quốc gia này tăng cường sự hiện diện dọc theo tuyến đường biển Bắc Nam (Đá Gaven trên Cụm Nam Yết và Đá Gạc Ma và Đá Tư Nghĩa trên Cụm đảo Sinh Tồn) và tuyến đường biển Đông Tây (đá Châu Viên trên bãi cạn Lan Đao)

Vị trí chiến lược của quân đội Trung Quốc tại Trường Sa đủ mạnh để có thể phong toả nguồn tiếp tế cho các đơn vị đồn trú Philippines, hầu như đóng quân tại phía bắc cuả quần đảo. Vào đầu năm 2014, các tàu Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn nguồn tiếp tế cho lực lượng lính thuỷ đánh bộ Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây ở khu vực phía Nam. Các động thái này này đã tạo ra tình hình mới, ngăn chặn tự do hàng hải tại khu vực trung tâm ở Trường Sa.

Phía Mỹ luôn đóng vai trò trung lập trong câu hỏi về chủ quyền tại Trường Sa. Tuy nhiên, nước này cũng luôn nhấn mạnh vào vấn đề tự do hàng hải và hàng không tại khu vực. Vào tháng 10 năm 2015, Hải quân Mỹ đã khôi phục các hành động tự do hàng hải của mình ở gần một số thực thể tại Vùng Nguy Hiểm. Những hoạt động này đã làm gia tăng nguy cơ va chạm giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc

Kết luận

Các hành động trong quá khứ do hải quân một số nước thực hiện đã thể hiện rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát tuyến đường biển bên trong khu vực Trường Sa. Những tuyến đường biển này được giữ kín quá lâu dù chúng có tầm quan trọng chiến lược. Việc kiểm soát các tuyến đường này sẽ cho phép một cường quốc biển có thể đe doạ trực tiếp một khu vực quan trọng trên thế giới. Vì vậy, sau phán quyết của toà trọng tài thường trực La Haye, các quốc gia nên trung tính hoá các không gian biển bằng cách đảm bảo tự do hàng hải và ký một hiệp định phi hạt nhân hoá Trường Sa (như một bước đi đầu tiên trước khi mở rộng ra toàn bộ khu vực Biển Đông). ASEAN, cùng với các thể chế khác, nên đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.

Francois-Xavier Bonnet là một nhà địa lý học công tác ở Manila, và là nghiên cứu viên liên kết của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC).

Bản gốc của bài báo được xuất bản bằng tiếng Pháp với tự đề:“Le dangerous Ground et les Spratlys: une géopolitique des routes maritimes secrètes,” xuất hiện trên tờ Regards Géopolitiques, Tập san của Conseil Québécois d’études géopolitiques, kỳ 2 số 2 và được đăng lại trên Asian Maritime Transparence Initiative của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS).

Biên dịch: Lê Hà, Hiệu đính: Đỗ Hải

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.