Tuy nhiên, nếu coi khu vực duyên hải Đông Nam Trung Quốc là khởi điểm của con đường tơ lụa trên biển, những điểm yếu của Trung Quốc tại Eo biển Malacca vẫn sẽ trở thành nút cổ chai ràng buộc sự phát triển của tiến trình này. Do vậy, Trung Quốc cần phải bắt tay tăng cường hợp tác với khu vực tiểu vùng sông Mê Công, xây dựng bờ Tây của bán đảo Trung Nam trở thành con đường ra biển của Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương mà không cần phải đi qua Eo biển Malacca. Xét theo góc độ này, Trung Quốc phải tăng cường hoạt động tại bán đảo Trung Nam nhằm tìm kiếm điểm đột phá, xây dựng điểm tựa chiến lược, từ đó để có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong bối cảnh hiện nay, so với các quốc gia khác tại bán đảo Trung Nam, Thái Lan được coi là sự lựa chọn đầu tiên cho chiến lược này.

Tác giả cho rằng thực tế truyền thống lịch sử và văn hóa ngoại giao của Thái Lan cho thấy nước này không thể trở thành đồng minh chiến lược vững chắc. Trong 150 năm qua, Thái Lan luôn lấy phương pháp ngoại giao linh hoạt để duy trì độc lập quốc gia, tránh được các cuộc chiến tranh tàn phá. Trong thời kỳ thực dân, Thái Lan là quốc gia vùng đệm hòa hoãn của các cường quốc Anh, Pháp. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thái Lan lại là đồng minh chống cộng sản của Mỹ và sau vụ khủng bố 11/9, Thái Lan càng trở thành đồng minh chủ yếu ngoài NATO của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không mưu cầu bá quyền trên bán đảo Trung Nam, không có nhu cầu hình thành quan hệ đồng minh chiến lược mang tính biệt lập với bất cứ quốc gia nào, mà muốn thúc đẩy hợp tác đa phương theo hình thức cởi mở.

Là điểm tựa chiến lược khu vực, trong quá trình Trung Quốc thúc đẩy hợp tác khu vực trên bán đảo Trung Nam, Thái Lan chủ yếu sẽ phát huy ba vai trò sau: 

Thứ nhất, đóng vai trò bức tường lửa tăng cường lòng tin, xóa bỏ nghi ngờ. Trung Quốc phát huy vai trò trực tiếp tại bán đảo Trung Nam, dễ dẫn đến sự nghi kỵ và cảnh giác của Mỹ, Nhật Bản, trong khi đó Thái Lan có quan hệ mật thiết với cả ba nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, do đó Thái Lan gián tiếp phát huy vai trò sẽ có lợi cho việc xóa bỏ nghi ngờ, tránh nảy sinh phán đoán nhầm mang tính chiến lược của Mỹ, Nhật Bản đối với Trung Quốc. 

Thứ hai, đóng vai trò dẫn dắt và thúc đẩy đối với các nước khác tại bán đảo Trung Nam. Các nước trong khu vực đều tỏ ra lo ngại trong vấn đề hợp tác với Trung Quốc. Hai nước Trung-Thái đi tiên phong một bước trong hợp tác khu vực, lấy lợi ích thiết thực thu được để thể hiện phương châm hợp tác cùng có lợi, cùng thắng, từ đó xóa bỏ mọi nghi ngờ, thúc đẩy các nước khác tích cực đi theo “đoàn xe thuận gió” của Trung Quốc. 

Thứ ba, giữ vai trò tiên phong tìm kiếm phương thức hợp tác khu vực có hiệu quả. Mức độ tin cậy chính trị giữa hai nước Trung-Thái tương đối cao, trình độ phát triển kinh tế tương đồng, sẽ có lợi cho việc đổi mới mô hình hiệu quả trong hợp tác khu vực, cung cấp một con đường hợp tác đáng tin cậy cho các nước khác. Trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc hai nước Trung-Thái, phương thức thanh toán mang tính sáng tạo là lấy hàng nông sản chi trả cho một phần của đầu tư dự án đã giải quyết một cách ổn thỏa vấn đề thiếu vốn xây dựng cơ bản của Thái Lan.

Ngoài ra, mặc dù Thái Lan vẫn chưa thể hạ quyết tâm triển khai xây dựng kênh đào Kra, nhưng về lâu dài, kênh đào thông Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương mà không cần đi qua Eo biển Malacca có thể sẽ trở thành hiện thực. Nếu Trung Quốc có thể tham gia dự án này và phát huy vai trò quan trọng, những điểm yếu của Trung Quốc tại Eo biển Malacca sẽ bị hóa giải, không còn trở thành nút cổ chai chiến lược cản trở lực lượng trên biển của Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương. 

Tác giả Châu Phương Dã, Phó Chủ nhiệm Phòng Chính trị, Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đăng trên "Thời báo Hoàn Cầu".