05/02/2013
Biển chiếm khoảng 70% diện tích trái đất, chứa đựng ít nhất trên 65% nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái trất, là nguồn năng lượng và khoáng sản quan trọng nhất trong tương lai gần của con người. Sự sinh tồn và phát triển của con người trong tương lai cho thấy biển vô cùng quan trọng, có thể nói “có biển sẽ hưng thịnh, mất biển sẽ suy vong”.
Mặc dù Trung Quốc là một nước lớn có cả biển và đất liền, có hơn 18.000 km bờ biển và hơn 6.000 đảo, song do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, lâu nay quyền lực trên đất liền tương tối mạnh, quyền lực trên biển tương đối yếu thế. Xét về góc độ chiến lược, chiến lược biển của Trung Quốc luôn ở trong tình cảnh tương đối bị động. Vì vậy, tình cảm của người dân Trung Quốc đối với biển vô cùng phức tạp, vừa yêu vừa hận. Xét từ góc độ lịch sử, biển vừa mang lại sự giàu có và vinh quang, vừa mang đến tai họa và sỉ nhục cho người Trung Quốc, còn xét từ hiện thực và tương lai thì đầy rẫy cơ hội và thách thức.
Sự khó xử của nước lớn: Góc độ hiện thực
Việc nước Trung Quốc mới được thành lập năm 1949 đánh dấu một đất nước chịu đủ nỗi khổ về biển kể từ cận đại tới nay cuối cùng đã đứng dậy, giành được độc lập theo ý nghĩa thật sự. Việc giành được ghế chính thức của Liên Hợp Quốc năm 1971 đánh dấu sự thừa nhận phổ biến của cộng đồng quốc tế đối với chủ quyền của Trung Quốc (bao gồm quyền lực trên biển). Hơn 60 năm qua, Trung Quốc luôn dốc sức thay đổi cục diện lạc hậu bế quan tỏa cảng, không coi trọng biển trước đây, cũng đã đạt được những thành tựu khiến người khác ngưỡng mộ, song do hàng loạt nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong các vấn đề liên quan đến biển, Trung Quốc vẫn chưa thể thoát khỏi tình thế bế tắc về chiến lược, vẫn là một nước lớn còn khó xử. Sự khó xử này thể hiện ở hai mặt sau: Một là xét địa vị thực lực khách quan, Trung Quốc nên là một nước lớn về biển, song lại là một nước nhỏ về quyền lực trên biển, ít có quyền phát ngôn đối với các vấn đề về biển, điều này rất không tương xứng với địa vị nước lớn của Trung Quốc. Hai là quyền và lợi ích trên biển (bao gồm lãnh thổ biển) liên tục xảy ra tranh chấp, bất cứ nước nào dường như cũng đều dám bắt nạt, thách thức Trung Quốc, Trung Quốc dường như luôn rơi vào trạng thái đối phó bị động, phòng ngự tiêu cực. Sự hình thành tình thế khó xử này chủ yếu có nhân tố khách quan bên ngoài và nguyên nhân chủ quan bên trong.
Xét nhân tố khách quan bên ngoài, chủ yếu có ba điểm:
Thứ nhất, môi trường địa-chính trị biển của Trung Quốc rất xấu. So với các nước lớn trên thế giới hiện nay, môi trường địa-chính trị biển của Mỹ tốt nhất, nó không gặp bất cứ trở ngại nào, tiếp giáp với ba đại dương (Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương), các tuyến đường chiến lược trên biển vô cùng thông suốt; thứ hai là Nga, tiếp giáp với hai đại dương (Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương); môi trường địa-chính trị biển của Trung Quốc xấu nhất, chỉ tiếp giáp với một đại dương (Thái Bình Dương), hơn nữa trên các tuyến đường chiến lược hướng ra đại dương bị ngăn trở bởi nhiều quốc gia và khu vực có chế độ chính trị và ý thức hệ khác nhau, tuyến đường chiến lược trên biển vô cùng chật hẹp, dễ bị nước khác kiềm chế. Xét từ góc độ nào đó, với mặt hướng ra biển nhỏ hẹp như vậy, có thể nói Trung Quốc “có biển mà không có đại dương”.
Thứ hai, còn nhiều vấn đề tàn dư của lịch sử, mâu thuẫn liên quan tới nhiều mặt. Đài Loan hiện vẫn nằm ở nước ngoài, trở thành khiếm khuyết của quyền lực trên biển phía Đông Trung Quốc; ở Đông Hải (Biển Hoa Đông), Trung Quốc còn có tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản; ở Hoàng Hải tranh chấp với Hàn Quốc về bãi đá ngầm Socotra; ở Biển Đông tranh chấp các đảo với nhiều quốc gia; hơn nữa, tranh chấp về các đảo san hô này ngày càng có xu thế gay gắt, “sự kiện đảo Hoàng Nham” và “làn sóng đảo Điếu Ngư” xảy ra gần đây chính là ví dụ.
Thứ ba, sức ép của hệ thống quốc tế do sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại. Trung Quốc trỗi dậy là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng quốc tế gần 30 năm qua, nó có những ảnh hưởng to lớn tới cục diện và trật tự quốc tế, song cũng khó tránh khỏi đứng trước sức ép lớn của hệ thống quốc tế. Đặc biệt là 2, 3 năm gần đây, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhịp độ trỗi dậy của Trung Quốc đã bị “đẩy nhanh” nên dẫn tới sức ép của hệ thống quốc tế cũng tăng lên chưa từng có. Hiện sức ép lớn nhất đối với Trung Quốc là đến từ Mỹ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, bá quyền đơn cực Mỹ suy yếu nhanh, mặc dù Mỹ vẫn có ảnh hưởng và sự kiểm soát lớn ở châu Á, song cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Á, cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc về lợi ích hiện thực, địa chính trị và tranh giành quyền chủ đạo khu vực cũng trở nên gay gắt hơn, việc Mỹ đẩy mạnh mức độ kiềm chế đối với Trung Quốc đã hình thành sự phối hợp công khai với kiểu “dựa vào Mỹ kiềm chế Trung Quốc” của các nước xung quanh. “Chuỗi đảo thứ nhất, chuỗi đảo thứ hai” được Mỹ dày công xây dựng nhằm vào Trung Quốc hơn 60 năm trước lại phát huy tác dụng, các nước đồng minh của Mỹ trong chuỗi đảo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin, Inđônêxia và Xinhgapo v.v… tự nhiên được đẩy lên tuyến đầu. Không chỉ có vậy, một số trong những quốc gia này lại có tranh chấp quyền và lợi ích biển hoặc có xung đột lợi ích lớn về biển với Trung Quốc, điều này đã tạo những cơ hội quý báu để Mỹ “gây hấn có định hướng” các chuỗi đảo, và tín hiệu trực tiếp của việc “gây hấn có định hướng” chính là “chiến lược dịch chuyển về phía Đông” và “quay trở lại châu Á” mà Mỹ cao giọng nhấn mạnh. Vì vậy, sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ lần này cũng trở thành nguyên nhân quan trọng nhất khiến các vấn đề biển xung quanh Trung Quốc hiện liên tiếp xảy ra.
Về nhân tố chủ quan bên trong, chủ yếu có hai điểm:
Thứ nhất, nhận thức tổng thể về biển của Trung Quốc tương đối kém, quan niệm về quyền lực trên biển mờ nhạt. Do chịu ảnh hưởng của văn hóa quyền lực trên đất liền truyền thống, cộng với đóng cửa đất nước hàng trăm năm, người dân Trung Quốc vẫn khá xa lạ đối với biển, thiếu “tình cảm mãnh liệt” cần có. Người dân Trung Quốc có tình cảm rất sâu đậm đối với đất đai trên đất liền mà tổ tiên đã phải dùng mồ hôi và sinh mệnh để khai khẩn, ý thức gìn giữ đất đai vô cùng mạnh mẽ, song thiếu sự quan tâm đúng mức đối với lãnh thổ biển, quyền và lợi ích biển, thiếu “cảm giác đau khổ” cần có đối với phần lãnh thổ biển bị mất và quyền lợi biển bị xâm phạm. Ví dụ, trong cuộc điều tra năm 2010 của Cục Hải dương quốc gia có một câu hỏi như sau: “Trung Quốc có lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên phong phú, hơn nữa duy trì mối quan hệ hòa thuận với các nước láng giềng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tạo ra môi trường bên ngoài tốt đẹp để phát triển kinh tế, vì vậy, việc tranh giành một số đảo nhỏ ở xa, không có người ở, khai thác gặp nhiều khó khăn không có mấy ý nghĩa”. Trên 60% số người được hỏi giữ thái độ trung lập và ủng hộ đối với vấn đề này, cho thấy ý thức bảo vệ của mọi người đối với lãnh thổ biển hết sức mờ nhạt. Ngoài ra, trong số những người được hỏi, chỉ có 10,7% biết đất nước có vùng biển quản lý rộng khoảng 3 triệu km 2 ; 13% biết tổng chiều dài bờ biển; chỉ có 10,5% biết có trên 6.500 đảo trên 500 m 2 ; lần lượt có 5,4%, 4% và 4,2% hiểu chính xác các khái niệm như lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; phần lớn mọi người đều không hiểu nhiều về “Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển”; chỉ có 16,7% biết rõ biển chiếm khoảng 70% diện tích trái đất. Trong ý thức của nhiều người Trung Quốc, biển cách chúng ta rất xa, Tam Á ở Hải Nam đã là “chân trời góc biển”, thật không ngờ chúng ta còn có bãi ngầm Tăng Mẫu ở xa hơn. Sự mờ nhạt về ý thức biển dẫn tới việc xem nhẹ đối với quyền lực trên biển; sự xem nhẹ đối với quyền lực trên biển lại làm cho Trung Quốc chưa thật coi trọng việc xây dựng năng lực kiểm soát đối với biển (ví dụ xây dựng hải quân, thành lập cơ quan quản lý giám sát biển), và đây chính là điều chí mạng.
Thứ hai, chưa nắm bắt tốt một số thời cơ chiến lược nào đó. Do thiếu chiến lược lớn về biển có hệ thống, cộng thêm tư tưởng coi trọng quyền lực trên đất liền làm cho Trung Quốc đánh mất một số thời cơ chiến lược nào đó trong việc giành được và bảo vệ quyền và lợi ích biển, điều này lại làm cho tình cảnh khó khăn ở biển của Trung Quốc hiện nay thêm trầm trọng. Ví dụ, trong vấn đề đảo Điếu Ngư ở Đông Hải, Trung Quốc từng có cơ hội lợi dụng sự chủ động chiến lược và ưu thế được hình thành nhân chuyến thăm bí mật của Nixon tới Trung Quốc năm 1972, dựa vào việc nhà cầm quyền Nhật Bản năm đó muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc để đưa ra đúng lúc vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc, vì sự hữu nghị lâu dài của nhân dân Trung-Nhật, Trung Quốc đã chủ động từ bỏ khoản bồi thường sau chiến tranh của Chính phủ Nhật Bản, do đó năm 1972 đã trở thành cơ hội tuyệt vời để giải quyết vấn đề Đảo Điếu Ngư. Trong vấn đề đảo san hô ở Nam Sa (Trường Sa), Trung Quốc cũng có 3 cơ hội giải quyết vấn đề này với Việt Nam. Ba thời cơ này lần lượt là vào năm 1974, 1979 và 1988. Thời cơ đầu tiên là nhân uy lực còn lại của chiến thắng ở Tây Sa (Hoàng Sa), tiến về phía Nam giành lại các bãi đá san hô ở Nam Sa; thời cơ thứ hai là có thể lợi dụng cuộc phản kích tự vệ đối với Việt Nam năm 1979, thu hồi Nam Sa; thời cơ thứ ba là nên mở rộng đúng lúc thành quả chiến đấu của cuộc hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988, đánh vào sự khiêu khích kiêu ngạo của Việt Nam, thu lại nhiều đảo san hô bị xâm chiếm. Trong khu vực các đảo san hô có tranh chấp, quyền kiểm soát thực tế có ý nghĩa hiện thực hết sức to lớn, nó có thể đảm bảo cho các cuộc đàm phán của đất nước. Song do hàng loạt nguyên nhân, Trung Quốc chưa nắm được những thời cơ chiến lược tốt có thể giải quyết tình thế bế tắc ở biển.
Duy trì và tăng cường quyền lực trên biển để kiểm soát biển: bước đột phá tiếp theo
Biển là ngôi nhà của nhân loại, là sân chơi quan trọng cho sự phát triển của các nước trên thế giới trong tương lai. “Có biển thì hưng thịnh, mất biển sẽ suy vong” đã trở thành nhận thức chung của nhiều nước. Được coi là nước lớn về biển trên thế giới hiện nay, Trung Quốc cần rút kinh nghiệm của lịch sử, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của biển, phá vỡ tình cảnh tiến thoái lưỡng nan ở biển bấy lâu nay.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và bồi dưỡng tình cảm của người dân đối với biển, nỗ lực phát huy vai trò của người dân trong việc bảo vệ quyền và lợi ích trên biển. Nâng cao nhận thức của người dân đối với biển là một công trình hệ thống, cần sự nỗ lực chung của chính phủ và các bên trong xã hội. Nhìn chung, nhận thức của người dân Trung Quốc về biển tương đối thấp, trình độ nói chung cần được nâng lên, mức độ hiểu biết của phần đông người dân đối với biển khá thấp, thiếu nhận thức cơ bản đối với khoa học biển, điều này không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, cũng không phù hợp với yêu cầu thực thi chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc. Để thay đổi tình trạng này, Trung Quốc cần phải ra sức tăng cường xây dựng văn hóa biển, phổ biến rộng rãi kiến thức về biển, nâng cao “tình cảm mãnh liệt” của người dân đối với biển. Mấy năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, mức độ quan tâm của người dân đối với biển được nâng lên nhiều, ngày càng có nhiều người bày tỏ ý thức và tình cảm mãnh liệt trong việc bảo vệ quyền và lợi ích biển. Đây là cơ sở tốt để Trung Quốc phát huy sức mạnh của lực lượng quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ quyền và lợi ích biển. Xét thực tiễn ngoại giao hiện đại, các lực lượng quần chúng nhân dân đóng vai trò vô cùng đặc biệt trong các cuộc tranh chấp quốc tế, có lúc có thể đóng vai trò đặc biệt mà chính phủ không làm được. Trong các tranh chấp quyền và lợi ích biển cũng vậy, Trung Quốc có thể cân nhắc áp dụng phương pháp kết hợp giữa chính phủ và quần chúng nhân dân để kiện tụng và bảo vệ đối với phần lãnh thổ có tranh chấp. Ví dụ, có thể nhân nhắc học hỏi các mô hình như “công trình hy vọng”, “công trình yêu nước” (gương điển hình người tốt việc tốt-ND), thiết lập “công trình Nam Sa”, phát huy hết mức sức mạnh yêu nước trong dân chúng, một số đảo san hô không có người ở của Nam Sa do các lực lượng quần chúng nhân dân quyên góp tiền “đỡ đầu” được gọi tên bằng các địa danh. Ví dụ, đảo san hô được lực lượng quần chúng ở Bắc Kinh, Quảng Châu “đỡ đầu” có thể gọi là “đảo Bắc Kinh”, “đảo Quảng Châu”, người dân các khu vực có thể định kỳ tổ chức quyên góp tiền để tới các đảo san hô này tiến hành các hoạt động bảo vệ môi trường biển hoặc khảo sát khoa học biển. Phương thức hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các lực lượng quần chúng nhân dân phù hợp với phương thức tham gia các công việc quốc tế của các tổ chức quốc tế với thế giới hiện nay (ví dụ “Tổ chức hòa bình xanh”, “Tổ chức cấm đánh bắt cá voi quốc tế” v.v…), dễ nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, Trung Quốc còn có thể thông qua phương thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp này tiến hành giáo dục chủ nghĩa yêu nước đối với người dân, để tình cảm yêu nước của người dân tìm được chỗ gửi gắm.
Thứ hai, vạch ra chiến lược lớn về biển phù hợp với tình hình đất nước, khiến Trung Quốc trong tương lai có phương hướng chiến lược đúng đắn rõ ràng đối với việc khai thác sử dụng biển. Về mặt khách quan, Trung Quốc có khiếm khuyết địa lý biển tự nhiên, phía Bắc tính từ quần đảo Aleutian, “chuỗi đảo thứ nhất” tính từ phía Nam tới Xinhgapo “ôm chặt” đất nước Trung Quốc, về tổng thể, Trung Quốc ở trong trạng thái bị bao vây. Muốn phá vỡ tình thế này, Trung Quốc phải có chiến lược lớn về biển lâu dài, giống như Peter Đại đế của nước Nga năm đó khăng khăng tìm đường ra biển, thực hiện mục tiêu chiến lược biển của Trung Quốc bằng sự nỗ lực của một hoặc bao thế hệ, thực hiện sự chuyển đổi từ nước lớn về biển thành cường quốc biển. Chiến lược lớn về biển cần bao gồm nhiều mặt, gồm các mục tiêu chiến lược như chính trị, kinh tế và quân sự, trong đó nhất định phải có sự thiết kế chiến lược phá vỡ vòng vây của “chuỗi đảo thứ nhất”. Trung Quốc phải nói rõ với thế giới rằng “chuỗi đảo thứ nhất” không phải là chuỗi đảo phong tỏa Trung Quốc mà là tuyến phòng thủ thứ nhất để Trung Quốc bảo vệ an ninh lãnh thổ phía Đông, có thể gọi nó là “vòng cung an ninh Đông Á”, vị trí của nó cơ bản trùng hợp với “chuỗi đảo thứ nhất”. Mục đích của việc lập “vòng cung an ninh Đông Á” là để xây dựng chiều sâu phòng ngự chiến lược, bảo vệ an ninh lãnh thổ phía Đông Trung Quốc vì phần lãnh thổ này tập trung trên 60% của cải và là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng nhất của đất nước (ví dụ Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu). Trong tương lai, các lực lượng trên biển của Trung Quốc sẽ thường xuyên hoạt động gần “chuỗi đảo thứ nhất” để các nước phương Tây đặc biệt là Nhật Bản thích ứng với sự thực này, chớ nên luôn kinh ngạc rằng “hải quân Trung Quốc lại một lần xuyên qua chuỗi đảo thứ nhất rồi!”
Cuối cùng, ra sức duy trì và tăng cường quyền lực trên biển, tăng cường sức cạnh tranh trên biển. Quyền lực trên biển là nền tảng của cường quốc biển, không có quyền lực trên biển lớn mạnh thì không thể đảm bảo quyền và lợi ích biển của đất nước. Nhìn tổng quát lịch sử thế giới cận đại, các nước lớn đã trỗi dậy cơ bản đều là các cường quốc có quyền lực trên biển, trong cuộc tranh giành lợi ích quốc gia, các cường quốc có quyền lực trên biển luôn đạt được nhiều lợi ích nhất. Những kỳ tích Trung Quốc đạt được trong 30 năm cải cách mở cửa ở chừng mực rất lớn đều được lợi từ biển, bất kể thương mại, đầu tư quốc tế hay là đặc khu kinh tế ven biển đều không tách rời nguyên tố biển, và những điều này đều cần được bảo vệ bằng quyền lực trên biển hùng mạnh. Xét xu thế phát triển của Trung Quốc trong tương lai, nguồn tài nguyên trong nước hiện nay không thể đáp ứng yêu cầu cải thiện điều kiện sống của 1,4 tỷ người, vì vậy rất cần nguồn tài nguyên của bên ngoài và việc giành được nguồn tài nguyên bên ngoài cũng cần sự bảo vệ của quyền lực trên biển.
Xây dựng hải quân là bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong sự cấu thành quyền lực trên biển. Từ khi nước Trung Quốc mới được thành lập đến nay, lực lượng hải quân đã giành được những thành tựu rất lớn, song vẫn chưa thật tương xứng với địa vị nước lớn về biển của Trung Quốc, vẫn còn khoảng cách lớn so với cường quốc hải quân số 1 thế giới. Đối với Trung Quốc, việc phát triển lực lượng hải quân hùng mạnh có hai ý nghĩa: Một là chọc thủng vòng vây chuỗi đảo, giành được tuyến đường chiến lược ở biển xa, là bộ phận cấu thành quan trọng tạo thành “vòng cung an ninh Đông Á”; hai là hình thành khả năng răn đe lớn, “khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu”, bảo vệ hòa bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vì lý do đó, về mặt tư tưởng chiến lược, Trung Quốc phải thay đổi sách lược phòng ngự tiêu cực ở biển gần, xây dựng hải quân thành lực lượng có khả năng hoạt động ở biển xa. Đại tướng Tiêu Kình Quang, một trong những người sáng lập hải quân Trung Quốc từng đưa ra ý tưởng chiến lược thành lập hạm đội Thái Bình Dương, nguyên Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Thượng tướng Lưu Hoa Thanh cũng từng đề ra mục tiêu lớn lao hải quân Trung Quốc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, chuỗi đảo thứ hai, tiến vào Thái Bình Dương. Từ lý luận quyền lực trên biển cho thấy những ý tưởng chiến lược này đều có tầm nhìn xa trông rộng, hải quân Trung Quốc quả thực phải có sự thiết kế chiến lược như vậy, nếu không sẽ có khả năng bị trói buộc ở biển gần. Người viết cho rằng bán kính tác chiến của hải quân Trung Quốc trong tương lai ít nhất nên mở rộng tới ngoài chuỗi đảo thứ nhất, phía Bắc nên tới quần đảo Ogasawara, phía Đông tới quần đảo Micronêxia, phía Tây tới biển Adaman. Đây không chỉ nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia Trung Quốc mà còn là nhu cầu bảo vệ hòa bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chỉ khi thực lực của hải quân Trung Quốc đạt tới bước tương xứng với sức mạnh đất nước thì mới có thể đạt được hiệu quả “không đánh mà chiến thắng kẻ địch”. Đặc biệt là trong vấn đề Nam Hải, chỉ khi Hạm đội Nam Hải có ưu thế tuyệt đối thì mới có thể mạo hiểm khiêu khích các nước có tranh chấp với Trung Quốc, nếu ưu thế không rõ rệt sẽ kích động dã tâm chạy đua vũ trang của họ, tìm cách dựa vào phương pháp mấy chiếc tàu chiến để khiêu khích Trung Quốc, tiếp tục xâm chiếm thậm chí tăng cường xâm chiếm lãnh thổ biển của Trung Quốc.
Nhà hàng hải nổi tiếng Trung Quốc Trịnh Hòa từng nói “muốn đất nước giàu mạnh thì không thể không quan tâm đến biển, của cải đến từ biển, mối đe dọa cũng đến từ biển, nếu nước khác chiếm trước được Nam Dương (tức biển Đông Nam Á), Hoa Hạ sẽ lâm nguy ”. Sau khi khảo sát các nước phương Tây, Tôn Trung Sơn cũng đưa ra kết luận: “Từ sự thay đổi của tình hình thế giới cho thấy sự thịnh suy mạnh yếu của thực lực đất nước thường đến từ biển chứ không phải trên đất liền, khi có quyền lực trên biển, thực lực đất nước thường luôn hùng mạnh”. Thế kỷ 21 là thế kỷ của biển, Trung Quốc phải nghiêm túc tiếp thu bài học kinh nghiệm của lịch sử, coi trọng biển, xây dựng chiến lược lớn về biển, dốc sức duy trì và tăng cường quyền lực trên biển, phá bỏ hoàn toàn tình thế bế tắc ở biển, nỗ lực thực hiện sự chuyển đổi từ nước lớn về biển sang cường quốc biển.
Tạp chí "Ngoại giao Trung Quốc"
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...