Quan điểm và những mối quan ngại của Trung Quốc

Theo chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong giải quyết vấn đề Trường Sa, như được nhắc đến trên đây, hai sự đồng thuận cơ bản có vẻ như đã xuất hiện ở Trung Quốc trong thời kỳ sau Đặng Tiểu Bình. Sự đồng thuận thứ nhất là Trung Quốc có quyền chủ quyền không thể tranh cãi đối với Biển Đông từ góc nhìn lịch sử và luật quốc tế.[1] Sự đồng thuận thứ hai là, với điều kiện Trung Quốc sẽ theo đuổi những tuyên bố chủ quyền của mình nếu và khi vấn đề này được đưa ra, Trung Quốc xem cùng khai thác là chính sách khả thi nhất để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa.[2] Đối với sự đồng thuận thứ hai, phải chú ý rằng đây là một định hướng rất chung chung và mơ hồ, và có thể có rất nhiều quan điểm về định hướng này, trong đó một vài quan điểm khó nhận thấy hơn các quan điểm khác trong nội tại Trung Quốc. Về vấn đề này, sẽ là hữu ích nếu xem xét quan điểm của giới lãnh đạo trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) và chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng này như quân đội, chính quyền địa phương và các công ty dầu lớn ở Trung Quốc. Mặc dù giới lãnh đạo trung ương có vai trò quan trọng trong việc quyết định và điều chỉnh các chính sách của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, và các chủ thể khác như quân đội, chính quyền địa phương và các công ty dầu liên quan, thực hiện những chính sách này, những chủ thể khác này cũng có thể thể hiện quan điểm, ý tưởng và các mối quan ngại ảnh hưởng đến việc đưa ra chính sách của trung ương. Bởi vì những động thái đầu tiên đối với việc cùng khai thác chủ yếu là về lĩnh vực năng lượng, nên phần còn lại của chương này  sẽ tập trung vào quan điểm của Trung Quốc về năng lượng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng.

Giới lãnh đạo trung ương Trung Quốc có ít nhất hai mối quan ngại về vấn đề phân loại an ninh năng lượng của Biển Đông đối với Trung Quốc. Mối quan ngại thứ nhất liên quan đến kết quả của sự tăng trưởng GDP hai con số trong hai thập niên vừa qua, đó là mối quan tâm mới nổi lên của Trung Quốc đến tài nguyên nhiên liệu hóa thạch, cụ thể là dầu. Thực tế là từ năm 1993, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của mình, Bắc Kinh đã cố gắng mở rộng nguồn cung cấp dầu và khí ở trong nước và nước ngoài bằng mọi phương tiện có thể. Trung Quốc cũng đã cố gắng nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã từ lâu muốn trở thành quốc gia tự cung tự cấp trong sản xuất năng lượng.[3] Theo đó, khai thác các nguồn tài nguyên dầu và khí trong nước được xem là một cách đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia này. Bởi đa số nguồn dầu gần bờ ở phía Đông Trung Quốc đã quá lâu đời và bắt đầu giảm sút sản lượng, từ cuối những năm 1990 hay thậm chí sớm hơn, Bắc Kinh đã chuyển mối quan tâm qua thăm dò năng lượng ở phía tây Trung Quốc và các vùng xa bờ.[4] Đối với năng lượng xa bờ, vùng nước ven biển Trung Quốc được cho là có tiềm năng lớn về dầu và khí chất lượng cao và ở gần với các trung tâm tiêu thụ. Dầu và khí thô từ Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc cân bằng năng lượng trong tương lai gần.

Biển Đông được một số người Trung Quốc miêu tả là “Vịnh Ba Tư thứ hai” bởi Biển Đông được cho là vùng sở hữu nguồn tài nguyên dầu, khí và chất đốt dồi dào. Theo Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, có hơn 200 cấu trúc dầu và các chất tương tự khí và 180 điểm khai thác dầu và khí ở Biển Đông. Trữ lượng dầu ở các điểm khai thác nói trên được ước tính có thể đạt 23 đến 30 tỉ tấn, chiếm một phần ba tổng tài nguyên dầu và khí của Trung Quốc.[5] Trữ lượng dồi dào về chất đốt, một nguồn năng lượng sạch mới sẽ được khai thác trong tương lai, cũng đã được phát hiện ở khu vực này.[6] Những dự đoán lạc quan này chắc chắn đã củng cố lập trường vững chắc của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông.

Hình 10.1: Nhập khẩu dầu của Trung Quốc, 1993-2006

 

Bảng 10.1 Những nguồn nhập khẩu dầu thô chính của Trung Quốc

Vùng

1995

2003

Trung Đông

43,3 %

47,2 %

Châu Phi

7,2 %

30,2 %

Đông Nam Á

38,8 %

7,4 %

Trung Á và Nga

0,2 %

11,1 %

Nam Mỹ

0,0 %

3.4 %

Các vùng khác

10,5 %

4.0 %

Tổng

100 %

100 %

Tổng nhập khẩu (tỉ tấn)

17,079

126818

Nguồn: số liệu năm 1995: ban biên tập niên giám Quan hệ Đối ngoại Kinh tế và Thương mại Trung Quốc, Almanac of China’s Foreign Economic Relations and Trade 1997/98, Beijing: China National Economy Publishing House Economic Information & Agency, 1997; số liệu năm 2005: Ban biên tập niên giám Thương mại Trung Quốc, China Commerce Yearbook 2007, Beijing: China Commerce and Trade Press, 2007.

Mối quan ngại thứ hai liên quan đến ảnh hưởng của Biển Đông đối với an ninh vận chuyển năng lượng của Trung Quốc. Như được thể hiện ở hình 10.1, tỷ lệ nhập khẩu dầu trong tổng lượng dầu tiêu thụ ở Trung Quốc đã tăng từ 43% năm 2000 lên đến 56% năm 2006. Nhập khẩu dầu tử Trung Đông và châu Phi tăng mạnh từ 50% lên 77% trong tổng lượng dầu nhập khẩu lần lượt trong các năm 1995 và 2005 như được thể hiện trong Bảng 10.1. Người ta ước tính rằng 70% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc phải vượt qua eo biển Malacca và đi theo các đường biển ở Biển Đông. Theo một vài nguồn tin từ Trung Quốc, gần 60% số lượng các tàu đi qua vùng biển này mỗi ngày là tàu Trung Quốc.[7] Với lượng dầu nhập khẩu ngày càng tăng và sự lệ thuộc ngày càng lớn đối với đường biển, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc. Cũng như Nhật Bản và một số quốc gia nhập khẩu dầu khác, con đường này được xem như đường máu của Trung Quốc và sự an toàn trong việc vận chuyển dầu của Trung Quốc sẽ bị đe dọa nếu Biển Đông bị kiểm soát bởi các quốc gia khác.[8]

Để bảo vệ an ninh giao thông liên lạc đường biển, phục vụ cho việc nhập khẩu dầu của chính quốc gia mình, Trung Quốc đã tìm kiếm các con đường thay thế khác. Đáng chú ý là Trung Quốc đang xem xét việc xây dựng các cảng có thể giúp vận chuyển dầu. Những cảng đang được xây dựng với sự giúp đỡ và cố vấn từ Trung Quốc bao gồm cảng Gwadar ở Pakistan, cảng Shitte ở Myanmar, cảng Chittagong ở Bangladesh và cảng Hambantota ở Srilanka.[9]  Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm đến việc xây dựng kênh Kra ở Thái Lan.[10]

Xem xét tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với an ninh năng lượng, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Trung Quốc, rõ ràng là Trung Quốc sẽ không từ bỏ những yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông. Ngoài ra, chủ nghĩa dân tộc đang lên của người Trung Quốc, đặc biệt khi nhắc đến vấn đề lãnh thổ, sẽ làm giới lãnh đạo trung ương trở nên thận trọng trong việc nhượng bộ đối với những tranh chấp về biển. Theo Trung Quốc, nguyên nhân chính cho việc các quốc gia Đông Nam Á, mà đặc biệt là Việt Nam đòi chủ quyền ở Biển Đông và thay đổi lập trường trước đây, không tiếp tục thừa nhận chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông là nguồn lợi dầu và khí.[11]

Về vấn đề quân đội Trung Quốc, Quân giải phóng nhân dân (PLA) là thế lực đứng sau chính phủ Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông. Tất nhiên luôn có những quan điểm ủng hộ cùng khai thác ở Trường Sa. Tuy vậy, cũng có những thế lực diều hâu khác ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giành lại Trường Sa. Đây cũng chính là một phương pháp được Đặng Tiểu Bình đề xuất. Những người thuộc phe diều hâu khó mà chấp nhận sự thật rằng các nước khác cũng đang rất chú ý khai thác dầu và khí từ những nguồn mà họ cho là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.[12] Thực tế là Lưu Hoa Thanh, khi còn là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã muốn phát triển hải quân Trung Quốc. Cụ thể, vào đầu những năm 1990, ông đã khẳng định rằng, đối với Trung Quốc, nơi có khả năng xảy ra chiến tranh nhất trong vòng 10 năm tới là Biển Đông, và do đó Trung Quốc cần có các tàu chuyên chở chiến đấu. Ông Lưu nhấn mạnh rằng một lực lượng tàu chuyên chở chiến đấu không phải là để đấu với Mỹ hay Nga, mà là để chiến đấu với Đài Loan và trong những xung đột về lãnh thổ ở Biển Đông và để bảo vệ những quyền lợi về biển của Trung Quốc.[13] Với việc tăng cường ngân sách cho quân sự những năm gần đây, không hề ngạc nhiên là đã có những lời kêu gọi cho việc đổ thêm tiền để hiện đại hóa hải quân Trung Quốc, bao gồm cả việc xây dựng các tàu chuyên chở chiến đấu để bảo vệ an ninh năng lượng và hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và các hoạt động khác của Trung Quốc.[14]

Cuối cùng, phải chú ý rằng một vài chính quyền địa phương ở Trung Quốc, cụ thể là những tỉnh tiếp giáp biển Đông như Hải Nam, vùng tự trị Quảng Tây, và các công ty dầu Trung Quốc rất muốn tiến hành khai thác và sản xuất dầu ở Biển Đông. Thực tế, những mong muốn trên càng trở nên mạnh mẽ trong bối cảnh những thỏa thuận Trung Quốc-ASEAN được ký kết nhằm thiết lập ACFTA trong vòng mười năm như đã được nhắc đến trước đây cùng với việc giá dầu ngày càng tăng. Hải Nam và vùng tự trị Quảng Tây, hai tỉnh ven bờ Biển Đông, là những tỉnh sẽ phải chịu ảnh hưởng nếu mâu thuẫn và căng thẳng xảy ra ở Biển Đông. Những tranh chấp này không những ngăn cản giới lãnh đạo trung ương Trung Quốc chấp thuận những kế hoạch phát triển đầy tham vọng mà còn làm giảm đầu tư nước ngoài. Được ủy quyền quản lý một số phần của Biển Đông, Hải Nam và Quảng Tây đã cố gắng tận dụng nguồn dầu và khí xa bờ để nâng tầm phát triển kinh tế của tỉnh. Thực tế, đối với trường hợp của Hải Nam, nguồn năng lượng sản xuất xa bờ đã giúp tỉnh này tự cung tự cấp về dầu và khí. Hải Nam có tham vọng trở thành trung tâm hóa dầu của Trung Quốc. Là tỉnh được Trung Quốc giao quản lý đa số phần Biển Đông, Hải Nam sẽ là bên có lợi nhất nếu các dự án cùng khai thác có thể được tiến hành trong khu vực. Về vấn đề này, Hải Nam đã đề xuất lên Quốc hội Trung Quốc năm 2002 là Trung Quốc nên đưa ra một kế hoạch toàn diện để phát triển Biển Đông.[15] Đảo này xem việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là có lợi cho việc phát triển năng lượng chung. Do đó, Hải Nam rất hoan nghênh việc ký Hiệp định giữa ba quốc gia Trung Quốc, Việt Nam và Philippines trong việc tiến hành khảo sát địa chất chung trên Biển Đông và người đứng đầu đảo Hải Nam, ông Vệ Lưu Thành đã phát biểu tại Diễn đàn Boao năm 2005 rằng Hải Nam sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác năng lượng vùng và liên khu vực.[16]

Tương tự, Quảng Tây cũng rất tích cực trong việc thúc đẩy cùng khai thác trên Biển Đông bởi đây là vùng gần nhất với Đông Nam Á về mặt địa lý. Vùng này đang thúc đẩy việc thành lập Chương trình hợp tác kinh tế vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng bao gồm Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Brunei. Đề xuất của Trung Quốc, nhắc đến tất cả các quốc gia tranh chấp, là một phần của nỗ lực phát triển vùng ven biển thành nhà máy năng lượng của Trung Quốc.[17] Được tán thành bởi chính phủ Trung Quốc, đề xuất sẽ bao gồm những hoạt động hợp tác trong lĩnh vực năng lượng biển, môi trường biển và hoạt động kết nối các cảng,v.v…giữa các quốc gia Biển Đông.

Đối với các công ty dầu Trung Quốc, Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) là nhân vật chính trong sản xuất dầu xa bờ. Được thành lập năm 1992 với mục đích thu hút đầu tư nước ngoài, CNOOC đã độc quyền hóa quyền khai thác và sản xuất dầu xa bờ cho đến gần đây. Những nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia vào việc khai thác và sản xuất dầu xa bờ với điều kiện là họ phải hợp tác với CNOOC. Những khai thác và sản xuất ban đầu ở Biển Đông do CNOOC và các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành mang lại kết quả khá là đáng thất vọng. Việc khai thác và sản xuất sau đó của CNOOC phần lớn tập trung vào vùng nước nông ven bờ, đáng chú ý là những vùng ở vịnh Bắc Bộ và phía nam vùng lòng chảo sông Châu Giang. Tuy nhiên, với những báo cáo đầy lạc quan về triển vọng khai thác dầu ở Biển Đông, nhất là báo cáo của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, như đã nhắc tới ở trên, thì việc CNOOC có những quyền lợi mới khi tham gia khai thác sâu và sản xuất dầu ở Biển Đông là hoàn toàn tự nhiên.

Có những lý do để cho rằng CNOOC tiếp thu nhanh việc cùng khai thác với các quốc gia tranh chấp. Trước hết, CNOOC không có các phương tiện kỹ thuật dưới nước ngay cả sau nhiều năm hợp tác với các công ty dầu. Vào khoảng năm 2005, CNOOC bị cho là không thể thăm dò dầu ở độ sâu hơn 350m.[18] Do đó, CNOOC phải phụ thuộc vào các công ty nước ngoài nếu muốn khai thác và sản xuất dầu ở dưới nước sâu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài lại thấy việc đầu tư vào vùng đang tranh chấp ở Biển Đông là quá mạo hiểm. Ví dụ, CNOOC ký hợp đồng với công ty Năng lượng Creston trụ sở ở Denver để khai thác dầu ở phía đông nam quần đảo Trường Sa (Lô 21-Wan’an Bei) vào năm 2002. Vùng này chồng lần với vùng đã được Việt Nam giao cho ConocoPhilips. Cuối cùng, không có hợp đồng nào tiếp tục được.[19] Do đó, việc cùng khai thác giữa các quốc gia tranh chấp sẽ giúp xoa dịu các mối quan ngại của nhà đầu tư, mặc dù việc cùng khai thác cũng phải đưa ra các công thức chia sẻ chiến lợi phẩm.

Thứ hai, các bên tranh chấp, trừ Trung Quốc đã khoan hơn 1000 giếng dầu ở Trường Sa cho đến cuối những năm 1990. Rõ ràng là các bên tranh chấp đó đã thu một nguồn lợi kinh tế khổng lồ từ hàng trăm triệu tấn dầu thô được sản xuất hàng năm. Tuy nhiên, cho đến hiện tại Trung Quốc vẫn không nhận được một giọt dầu nào từ Trường Sa và các công ty dầu Trung Quốc đã bị các bên tranh chấp như Việt Nam, Malaysia cấm đấu thầu các hợp đồng khai thác và sản xuất dầu. Do đó, cùng khai thác ở Trường Sa hi vọng sẽ cho các công ty dầu Trung Quốc, đặc biệt là CNOOC một cơ hội chia sẻ nguồn tài nguyên năng lượng ở Trường Sa.

Thứ ba, về mọi mặt, chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy sản xuất dầu và khí xa bờ. Theo CNOOC, trữ lượng dầu xa bờ và tài nguyên khí của Trung Quốc lần lượt là 27,53 tỉ tấn và 10,600 tỉ mét khối. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện lần lượt chỉ là 18,5% và 9,2%. Do đó, dầu xa bờ, bao gồm dầu ở Biển Đông, có thể là nguồn năng lượng chính cho Trung Quốc.[20] Để khuyến khích việc khoan giếng dầu xa bờ, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) đã được cấp giấy phép khai thác và sản xuất dầu vào năm 2004. Đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn, CNOOC đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm duy trì vị trí dẫn đầu trong khai thác và sản xuất dầu xa bờ. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là quyết định nâng cấp kỹ thuật và năng lực khai thác ở nước sâu. CNOOC dự kiến chi 10 tỷ nhân dân tệ phát triển hạ tầng khai thác dầu ở vùng nước sâu năm 2007 và thiết bị khai thác vùng nước sâu đầu tiên dự kiến sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2010.[21] Với tình hình khai thác và sản xuất dầu trên cạn cũng như ở vùng nước nông ngày càng khó khăn, trong khi kỹ thuật khai thác ở vùng nước sâu ngày càng tân tiến, có vẻ như CNOOC hiện đang muốn phát triển khả năng khoan dầu và khí ở vùng nước sâu. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh giá dầu tăng cao và những vùng biển sâu đang được cho là những vùng chủ yếu có thể tìm thấy trữ lượng lớn dầu và khí trong tương lai. Tuy nhiên, CNOOC có thể sẽ không muốn khai thác và sản xuất một mình ở Biển Đông vì có quá nhiều tuyên bố chủ quyền ở vùng này. Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu CNOOC cùng tham gia cùng khai thác với các công ty dầu khác của các quốc gia đang tranh chấp nhằm làm dịu bớt căng thẳng và, có lẽ quan trọng hơn, chia sẻ những nguy cơ về đầu tư và tài chính trong khai thác và sản xuất dầu ở vùng nước sâu.


(Xem tiếp phần cuối)

 PGS. Lee Lai To,Khoa Chính trị học, Đại học Quốc gia Sinh-ga-po

TS. Chen Shaofeng, nghiên cứu viên Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Sinh-ga-po

 

Người dịch:  Hồ Thị Hiếu Minh

Hiệu đính: Lê Quang Hưng

 

Bài viết trích trong " Security and International Politics In the South China Sea ",

Chủ biên: Sam Bateman, Ralf  Emmers, năm 2009.

Bản gốc tiếng Anh "China and  joint development in the South China Sea An energy security perspective"

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)


[1] Xem, ví dụ, “The issue of South China Sea,” một tuyên bố do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tháng 6 năm 2000 tại www.fas.org/news/china/2000/china000600.htm, truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008.

[2] Xem, ví dụ, Shijun Li, “Woguo de Xisha, Nansha, Zhongsha Qundao” (China’s Paracels, Spratlys, and Macclesfield Banks), Hainan Tongji (Hainan Statistics), tháng 6 năm 1996, có thể xem tại www.nansha.org.cn/publications/2/05.htm, truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008.

[3] Erica S. Downs, “The Chinese Energy Security Debate.” China Quarterly 177 (tháng 3, 2004), tr. 24-29.

[4] “Li Peng Zongli tan Zhongguo shiyou gongye de fazhan” (Thủ tướng Lý Bằng nói về sự phát triển của nền công nghiệp dầu Trung Quốc), Liaowang (Outlook) 41 (13 tháng 10 năm 1997), tr. 4-5.

[5] Jia Quanxin, “Zhongguo Nanhai Shiyou chuliang keguan, Zhonghaiyou Meiguo Danwen xieshou kaifa” (trữ lượng dầu ở Biển Đông có triển vọng khai thác rất lớn, CNOOC đã hợp tác với công ty dầu Daven của Mỹ để phát triển tiềm năng này), Zhongguo Xinwenshe (China News Agency), 7 tháng 12 năm 2005, có thể xem tại www.chinanews.com.cn/2005/2005-12-07/8/661981.shtml, truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2008.

[6] “Xin kangtan jieguo xianshi-Nanhai keranbing chuliang da lushang shiyou yibang” (New prospecting results show-reserves of Combustible ice reach one half of onshore oil reserves in South China Sea), Zhongguo Shiyou Wang (China Oil News), ngày 18 tháng 3 năm 2004, có thể xem tại www.cnooc.com.cn/zhyww/xwygg/208290.shtml, truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008.

[7] Xem, ví dụ, Wang Yiwei, “Yuan you jin lu kunrao Zhongguo shiyou, 2020 nian duiwai yicundu jiejin 60 percent” (Worrying about China’s oil, foreign dependency rate approximates 60 percent by 2020), Zhongguo Gongshan Shibao (China Business Times), 27 tháng 8, 2004, có thể xem tại http://news.xinhuanet.com/fortune/2004-08/27/content_1897776.htm, truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2008.

[8] “Pinglun: Mei yu kongzhi Maliujia, nanhai hui fasheng chongtu?” (Review: The US wants to control the Strait of Malacca, Will any conflict come about in the South China Sea), Guofang Zhishi Bao (National Defense Knowlwdge), 13 tháng 4, 2004; Du Wenlong and Shi Zhikun. “Nansha qundao-yaoyuan de lanse guotu” (The Spratly Islands, Our distant blue territory), Bingqi Zhishi (Weaponry Knowledge), 1 (2008), tr. 25-28.

[9] Bill Gertz, “China Builds up Strategic Sea-Lanes,” Washington Times, 18 tháng 1 năm 2005.

[10] Xem, ví dụ, Franz Schurmann, “China’s Demand for Oil May Make Thailand Canal a Reality,”, at http.//news.pacificnews.org/news/view_article.html?article_id=101ae63f, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2008.

[11] Tan Zaiwen, “Nanhai gongtong kaifa de guoji zhengzhi jingjixue” (International political economy of the joint development in South China Sea), Nanyang Wenti Yanjiu (South East Asian Affairs) 3 (2005), tr. 10.

[12] Xem, ví dụ, Du Wenlong and Shi Zhikun, “Nansha qundao-yaoyuan de lanse guotu.”

[13] “nanhai wenti de yuanyin ji muqian de Nanhai jushi” (Sources of South China Sea problem and the current situation on the South China Sea)” tại www.smxpt.cn/dyw/Article_Show.asp?ArticleID=271, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2008, không có tác giả.

[14] Xem, ví dụ, Du Wenlong and Shi Zhikun, “nansha qundao-yaoyuan de lanse guotu”; Mengxia Wang, “’Haiyang quanyi’:yige mingan er chenzhong de huati”(Marine rights: a sensitive but distressing topic), Zhongguo Chuanjian (China Ship Survey) (tháng 4 năm 2004), tr. 4-7; “Zhonghe pingshu” Comprehensive Review), Xiandai Jianchuan (Modern Vessel) 12 (2004), tr. 4-7; Lu Xiangyang, “Fennu hou de sisuo! Qian tan Woguo haiyang quanyi de baohu” (Refelections after anger: Preliminary analysis of protecting China’s marine rights), Shipborne Weapons (tháng 10, 2004), tr. 12-16.

[15] “Jinnian Renda shoudao she hai yu’an er shi si jian” (People’s Congress received 24 sea-related proposals this year), Zhongguo Haiyang Bao (China Oceans Newspaper), 19 tháng 3 năm 2002.

[16] Pu Yuntong, “Wei Liucheng:Hainansheng ke wei Nanhai nengyuan hezuo duihua tigong pingtai” (Wei Liucheng: Hainan can provide platform for energy cooperation and dialogue in the South China Sea), Xinghua Wang, 22 tháng 4 năm 2005, có thể thấy tại www.cnooc.com.cn/zhy.

[17] Li Mingjiang, “Making a ‘lake’ of South China Sea,” Straits Times, 15 tháng 1 năm 2008.

[18] “Zhonghaiyou lianshou Mei Jia gongsi kaifa Nanhai youtian” (CNOOC collaborated with American and Canadian companies to develop oilfields in SCS), Guoji Shang bao (International Business Newspaper), 13 tháng 12 năm 2005

[19] Alan Boyd, “South China Sea: It’s not all about oil.” Asian Times, 6 tháng 9 năm 2003.

[20] CNOOC, “Woguo zixing sheji jianzao dunwei fushi shengchan chuyouchuan wenshi” (“The largest floating production oil tanker designed and manufactured by China was in place”), 9 tháng 6 năm 2004, có thể xem tại www.cnooc.com.cn.

[21] “Zhongguo shiyue jiang shouci duli kang you” (China would independently conduct oil exploration in deep sea in October), Beijing Chenbao (Beijing Morning Daily), 20 tháng 8 năm 2007.