Giới thiệu

Nếu muốn biết nguồn gốc đề xuất cùng khai thác ở Biển Đông của Trung Quốc, có thể quay lại thời kỳ Đặng Tiểu Bình vào cuối những năm 1970. Khi đó, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình đã phải đối mặt với một số tranh chấp lãnh thổ, bao gồm tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và một tranh chấp khác phức tạp hơn với các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông.

Trong khi Trung Quốc một mực khẳng định rằng nước này có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các lãnh thổ nói trên, Đặng Tiểu Bình đã đủ thực dụng khi chỉ ra rằng Trung Quốc sẵn sàng gác qua một bên tranh chấp lãnh thổ vì hòa bình, phát triển và tình hữu nghị. Các nhà phân tích Trung Quốc có thể cho rằng ý tưởng gác lại tranh chấp được đưa ra đầu tiên bởi Đặng Tiểu Bình khi trả lời cho một câu hỏi về xung đột Trung Quốc-Nhật Bản về đảo Diaoyu (Quần đảo Senkaku theo tiếng Nhật Bản) tại một cuộc họp báo ở Tokyo vào cuối năm 1978.[1]

Sau đó, vào đầu năm 1984, Đặng Tiểu Bình lần đầu tiên đưa ra ý kiến trong một cuộc nói chuyện với đoàn đại biểu từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược thuộc Đại học Georgetown tại Washington DC,[2] rằng trong việc cố gắng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, các quốc gia liên quan nên “cùng phát triển vùng tranh chấp trước khi thảo luận vấn đề chủ quyền”. Quan trọng hơn, Đặng Tiểu Bình đề xuất trong một phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Cố vấn Trung ương, Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 1984 rằng “những giải pháp mới giải quyết những tranh chấp quốc tế được đưa ra để đáp ứng tình hình và các vấn đề mới nảy sinh.”[3] Tiếp sau nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, Đặng Tiểu Bình đề xuất rằng chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” có thể được áp dụng trong một vài trường hợp và chính sách “cùng khai thác” trong một vài trường hợp khác.[4] Chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” sẽ được áp dụng cho Hồng Kông và Đài Loan và chính sách “cùng khai thác” sẽ được áp dụng cho quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Cũng nên chú ý rằng Đặng Tiểu Bình đã nỗ lực cụ thể hóa đề xuất “cùng khai thác” trong phát biểu nêu trên bằng việc nhắc lại rằng ông đã đề xuất Trung Quốc và Nhật Bản nên gác lại tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Diaoyu và cùng phát triển vùng tranh chấp trong một cuộc họp báo trong chuyến thăm Nhật của ông năm 1978. Đặng Tiểu Bình cho rằng cùng khai thác của vùng đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản là nhằm phục vụ cho việc thăm dò dầu dưới biển vì lợi ích chung. Đối với trường hợp quần đảo Trường Sa, Đặng Tiểu Bình luôn cho rằng quần đảo này là của Trung Quốc, tuy nhiên cũng lưu ý rằng Đài Loan đã chiếm đóng một trong số các đảo thuộc Trường Sa và Phillippines, Việt Nam và Malaysia cũng đã chiếm một số đảo khác.

Đặng Tiểu Bình tiếp tục với câu hỏi có thể làm được điều gì trong tương lai. Thật thú vị là Đặng Tiểu Bình lại coi việc Trung Quốc đòi lại tất cả những đảo nãy bằng vũ lực là một giải pháp, và một giải pháp khác có thể là gác lại vấn đề chủ quyền và cùng phát triển vùng tranh chấp.[5] Theo Đặng Tiểu Bình, vì Trung Quốc muốn và hi vọng sẽ dùng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, ông sẽ lựa chọn giải pháp “cùng khai thác” để giải quyết vấn đề Trường Sa, và giải pháp “một quốc gia, hai hệ thống” để giải quyết vấn đề Hồng Kông và Đài Loan.[6]

Như nhiều phát biểu và đề xuất từ những lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc thì kiến nghị “gác lại vấn đề chủ quyền và cùng khai thác” ở vùng tranh chấp của Đặng Tiểu Bình đã trở thành nguyên tắc hay chính sách định hướng cho Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông. Mục đích của chương này là xem xét việc thực hiện kiến nghị này của Trung Quốc. Vì những dấu hiệu đầu tiên của cùng khai thác chỉ xuất hiện trong thời kỳ chuyển giao giữa hai thế kỷ, nghiên cứu này chủ yếu là về vai trò và tư duy của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Một trong những mối quan tâm chính nhất, nếu không phải là mối quan tâm chính nhất của Trung Quốc cũng như các quốc gia trong tranh chấp khác khi tham gia thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên chung rõ ràng là dầu và khí ở Biển Đông. Do đó, nghiên cứu về cùng khai thác dưới dây sẽ tập trung vào an ninh năng lượng, và chủ yếu tập trung vào Trung Quốc. Chương này sẽ nghiên cứu kỹ không chỉ những quan điểm của Trung Quốc mà còn những lo ngại và vấn đề của Trung Quốc về việc hiện thực hóa cùng khai thác, đặc biệt là về vấn đề dự trữ dầu và khí. Cuối cùng, chương này sẽ đề cập đến vấn đề liệu cùng khai thác với trọng tâm là thăm dò và khai thác dầu và khí ở Biển Đông có phát triển mạnh mẽ được không. Để làm nền tảng cho nghiên cứu này, sẽ thật hữu ích nếu chú ý một chút đến những tiến bộ, hoặc những mặt chưa tiến bộ trong việc thực hiện đề xuất của Đặng Tiểu Bình đối với quần đảo Trường Sa trước khi bước sang thế kỷ mới.

Những hành động tiếp theo

Toàn thể lãnh đạo Trung Quốc đều tuân theo đề xuất cùng khai thác của Đặng Tiểu Bình trong những cuộc đối đầu với các quốc gia tranh chấp khác ở Biển Đông. Do đó, Đặng Tiểu Bình đã chuyển đề xuất này tới Phillipines trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Romulo và Tổng thống Aquino lần lượt vào các năm 1986 và 1988.[7] Thêm vào đó, Lý Bằng, Chủ tịch Trung Quốc sau đó, cũng đã đại diện cho chính phủ Trung Quốc đưa ra đề xuất tương tự trong chuyến thăm Singapore năm 1990. Cuối cùng, khi Điền Kỳ Thâm, người sau này trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bắt đầu tham gia quá trình đối thoại ASEAN vào những năm 1990, ông cũng chuyển tải thông điệp tương tự về vấn đề giải quyết tranh chấp.[8] Từ đó có thể thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau Đặng Tiểu Bình cũng đã trung thành với nguyên tắc định hướng này. Đáng chú ý hơn cả là Thủ tưởng Giang Trạch Dân, trong khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ASEAN lần thứ 2 ở Kuala Lumpur tháng 12 năm 1997 đã khẳng định rằng nếu những bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN không thể giải quyết được thì chúng nên được gác lại tạm thời để có thể tìm kiếm những điểm chung.

Thông cáo chung ký bởi Trung Quốc và ASEAN ở hội nghị thượng đỉnh trên tuyên bố rằng cả hai bên đồng ý “không cho phép những bất đồng đang tồn tại ngăn cản sự phát triển mối quan hệ và hợp tác thân thiện.”[9] Bước đi quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau Đặng Tiểu Bình chính là việc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông với ASEAN tại Phnom Penh tháng 11 năm 2002. Mặc dù Tuyên bố không ràng buộc về mặt pháp lý, nó khẳng định rằng “các bên liên quan có thể khai phá hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác” trong một số lĩnh vực, hoãn việc giải quyết tranh chấp và Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng phối hợp để cho ra bộ nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông.[10] Một nhóm làm việc chung bao gồm những cán bộ cấp cao của Trung Quốc và ASEAN lập ra tháng 12 năm 2004 sẽ giúp hiện thực hóa những điều khoản trong Tuyên bố chung.[11] Cũng phải chú ý rằng những tuyên bố trên đây chủ yếu là những tuyên bố về ý định và những biện pháp cụ thể cho cùng khai thác giữa Trung Quốc-ASEAN vẫn còn rất khó nắm bắt, mặc dù rất nhiều kiến nghị được đưa ra bởi nhiều bên, đáng chú ý là những đề xuất của hội thảo không chính thức về “Giải quyết những tranh chấp có thể xảy ra tại Biển Đông” do Indonesia tổ chức vào những năm 1990.[12]

Cùng lúc đó, cũng nên chú ý rằng trong khi ý định xem xét những hoạt động hợp tác đã được đưa ra bởi các bên tranh chấp, những sự phát triển ở Biển Đông trong những năm 1980 và 1990 không phải là dấu hiệu tốt cho cùng khai thác. Có sự canh tranh giữa các bên tranh chấp để củng cố lập trường đối với các vấn đề đang tranh chấp bằng việc xây dựng bãi đáp, hải đăng, cảng cá và phối hợp với các công ty dầu nước ngoài thăm dò dầu và khí ở vùng nước ven biển gần kề. Đối với Trung Quốc và quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh đã nỗ lực khẳng định sự hiện diện của mình ở khu vực này từ nửa sau những năm 1980. Do đó, Trung Quốc đụng độ với Việt Nam gần Đá Gạc Ma (Johnson Reef-nd) và đã kiểm soát nhiều bãi đá và đảo nhỏ năm 1988. Thêm vào đó, Trung Quốc giành Bãi Đá Vành Khăn (Mischief Reef-nd), bãi đá này cũng được Phillipines tuyên bố chủ quyền, vào năm 1995 và củng cố việc nắm giữ năm 1998 mặc dù một bộ hành vi ứng xử song phương giữa Bắc Kinh và Manila đã được ký kết năm 1995. Trung Quốc cũng củng cố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, một nhóm Đảo và đá mà Trung Quốc đã chiếm được năm 1974 từ miền Nam Việt Nam. Trung Quốc đã đóng quân ở đảo Woody, đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa. Một đường bay cũng được xây dựng trên đảo này.[13]

Bước sang thế kỷ mới, mặc dù bối cảnh chính trị chung giữa Trung Quốc và ASEAN đã được cải thiện, nhưng theo những phân tích sau đây, quyết tâm theo đuổi những tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông bằng tất cả những phương tiện có thể của Trung Quốc là không giảm sút. Theo một số báo cáo, một kế hoạch phát triển du lịch cho Biển Đông, bao gồm những chuyến thăm Hoàng Sa, đã được thông qua năm 2007.[14] Về mặt hành chính, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Hải Nam, Trung Quốc. Trong một động thái rõ ràng nhằm nâng cao tầm quan trọng của Biển Đông và các đảo của Trung Quốc, Tam Sa, một thành phố cấp hạt đã được thành lập, đóng tại đảo Woody vào cuối năm 2007. Theo trang web chính thức của Thành phố Tam Sa, bộ phận hành chính mới được thành lập bởi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tháng 11 năm 2007. Thành phố này bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bờ sông Macclesfield [TQ: Zhongsha Qundao-nd].[15]

Thay đổi môi trường chính trị trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN

Mặc dù Biển Đông đang là một vấn đề gai góc trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN, vấn đề này không nên được chú ý quá mức bởi nó có thể làm hỏng chương trình nghị sự của Trung Quốc, hoặc ASEAN, bởi hai bên làm việc quá gắn bó với nhau. Thực tế là quan hệ Trung Quốc-ASEAN nhìn chung đã được cải thiện từ những năm 1990. Trong chính sách đối ngoại của mình, Trung Quốc đã chú ý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có láng giềng thân thiện như là một phần của chiến lược tập trung vào phát triển chính quốc gia này, đáng chú ý nhất là chương trình Bốn Hiện đại hóa. Như vậy, Đông Nam Á và ASEAN, tổ chức khu vực bao gồm tất cả các quốc gia trong khu vực, đương nhiên trở thành một vùng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ cho mục tiêu kinh tế mà còn vì lý do an ninh.[16]

ASEAN cũng đã có những nỗ lực đầy thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc bắt đầu với việc mời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Điền Kỳ Thâm tham dự Cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với tư cách khách mời năm 1990. Cuối cùng, Trung Quốc đã trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), là đối tác đối thoại của Hội nghị sau Bộ trưởng ASEAN (PMC) và là thành viên của tiến trình ASEAN+3 (APT) vào những năm 1990. Đối với ASEAN, việc thu hút Trung Quốc vào các cuộc đối thoại an ninh và dựa vào chương trình Bốn Hiện đại hóa của nước này là rất quan trọng và hữu ich.

Trên thực tế, việc ASEAN nói về an ninh mà không có sự hiện diện của Trung Quốc là không có ý nghĩa. Rõ ràng là Trung Quốc tiếp thu nhanh những đề xuất của ASEAN. Mặc dù Trung Quốc có xu hướng hợp tác song phương, nước này cũng sẵn sang tham gia vào các quá trình đa phương của ASEAN. Từ những điều trên có thể kết luận là Trung Quốc hoàn toàn thoải mái với đường lối của ASEAN. Việc ASEAN luôn nhấn mạnh cách tiếp cận liên ứng và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau rất phù hợp với đường lối của Trung Quốc. Cách tiếp cận liên ứng cho phép Trung Quốc dần dần đi vào các vấn đề an ninh và phủ quyết bất kỳ động thái nào được xem là quá vội vàng hoặc ảnh hưởng xấu đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ thì rõ ràng trùng hợp với niềm tin tôn giáo của Trung Quốc trên thực tế.

Trung Quốc cũng có thể thấy quan hệ của nước này với ASEAN dễ kiểm soát hơn quan hệ với Mỹ và các chủ thể khác trong chính trị quốc tế. Và cũng có vẻ như ASEAN cũng đã quan tâm đúng mức đến vị thế của Trung Quốc trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Theo đó, Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ ASEAN với tư cách là động lực cho ARF, APT, và sau đó là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Cộng đồng Đông Á đang nằm trong dự thảo. Tuy nhiên, khi tham gia vào cơ chế đa phương do ASEAN dẫn đầu, Trung Quốc nhấn mạnh rằng các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông sẽ không được thảo luận ở những diễn đàn hay hội nghị như vậy nhằm tránh việc quốc tế hóa các tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc không phản đối việc thảo luận các vấn đề liên quan đến hòa bình và ổn định của khu vực trong các hội nghị khu vực và quốc tế nói trên.[17]

Thêm vào đó, cũng phải chú ý rằng  Trung Quốc đã được xem là giúp ích được cho ASEAN trong lĩnh vực tài chính và kinh tế. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc đã không làm mất giá đồng nhân dân tệ sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á nhằm làm giảm các thách thức kinh tế và tài chính đối với các quốc gia Đông Á láng giềng. Quan trọng hơn, Trung Quốc đã có những nỗ lực cẩn trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư gần gũi hơn với ASEAN trong khi ASEAN vốn không phải là đối tác kinh tế chính của nước này, đặc biệt khi so sánh với Mỹ,  Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Tỉ lệ ngoại thương của Trung Quốc với ASEAN đã tăng từ một con số lên hai con số (11%) vào năm 2003. Quan trọng hơn cả, Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chu Dung Cơ, đã là quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện tháng 11 năm 2001, lập khu vực thương mại tự do với tên gọi Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) trong vòng mười năm. Trong lĩnh vực an ninh, dường như Trung Quốc đã làm nhiều hơn cho ASEAN tại thời điểm bước sang thế kỷ mới. Một trong số những dẫn chứng cho điều này là việc ký kết Tuyên bố chung Trung Quốc-ASEAN về Hợp tác trong lĩnh vực các vấn đề an ninh phi truyền thống, và một tuyên bố liên quan đến chương này hơn, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc là cường quốc đầu tiên ngoài khu vực Đông Nam Á tham gia Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 2003 và trở thành đối tác chiến lược của ASEAN với việc ký Tuyên bố chung giữa nguyên thủ quốc gia các nước ASEAN và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng cùng trong năm này. Cuối cùng, các cuộc tham vấn đang được thực hiện về việc liệu Trung Quốc có tham gia Nghị định thư về Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân hay không.

Mặc dù các thỏa thuận về an ninh nêu trên có thể phải có thời gian để có hiệu lực, chúng thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với ASEAN của Trung Quốc và ngược lại với việc gác lại những bất đồng trong quá khứ và cùng nhau hướng tới một nền an ninh mang tính hợp tác. Cũng có thể thấy rằng, mặc dù ASEAN không phải là một cường quốc lớn và vẫn có sự cạnh tranh về thị trường và đầu tư nước ngoài giữa Trung Quốc và ASEAN, Bắc Kinh đang có những động thái cẩn trọng và chiến lược nhằm nhấn mạnh và nâng cao tầm quan trọng của ASEAN. Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế mới hình thành của mình để đưa ASEAN vào phạm vi sức mạnh của mình, và nếu có thể, làm cho ASEAN không còn phụ thuộc nhiều vào phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nếu điều này là có thật, bằng cách nào và đến mức nào Trung Quốc sẽ hiện thực hóa kế hoạch cùng khai thác đối với các quốc gia ASEAN khác trong tranh chấp ở Biển Đông trong thế kỷ 21?

Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy rằng Trung Quốc đang từng bước thực hiện chính sách cùng khai thác với các quốc gia tranh chấp khác trong lĩnh vực thăm dò dầu và khí. Điều này được thể hiện bằng các kế hoạch liên doanh giữa Trung Quốc và Philippines ở Trường Sa năm 2004 và giữa Trung Quốc và Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ bắt đầu vào năm 2005. Quan trọng hơn, có lẽ Trung Quốc đã đồng ý với Philippines và Việt Nam về việc tiến hành khảo sát địa chất ở một số vùng ở Trường Sa trong vòng ba năm bắt đầu từ năm 2005. Liệu những kế hoạch cùng khai thác ban đầu này có giúp thúc đẩy những dự án hợp tác vì lợi ích chung hay không? Nhắc tới việc thăm dò dầu và khí chung với các bên tranh chấp khác, hoặc về an ninh năng lượng của ở Biển Đông, quan điểm và những mối quan ngại của Trung Quốc trong môi trường khu vực và quốc tế mới như được phân tích trước đây là gì?

 

(Xem tiếp phần II)

 PGS. Lee Lai To,Khoa Chính trị học, Đại học Quốc gia Sinh-ga-po

TS. Chen Shaofeng, nghiên cứu viên Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Sinh-ga-po

Người dịch:  Hồ Thị Hiếu Minh

Hiệu đính: Lê Quang Hưng

 

Bài viết trích trong " Security and International Politics In the South China Sea ",

Chủ biên: Sam Bateman, Ralf  Emmers, năm 2009.

Bản gốc tiếng Anh "China and  joint development in the South China Sea An energy security perspective"


 



[1] Xem, ví dụ, Lin Zhong, “Zhongguo yu gongtong kaifa de xueshu tantao” (An academic treatise on China and joint development), Xian Faxue (Contemporary Law) 1 (1998), tr. 74.

[2] Deng Xiaoping, Fundamental Issues in Present Day China (Beijing, Foreign Languages Press, 1987), tr. 42.

[3] Tlđd, tr. 74

[4] Tlđd.

[5] Deng Xiaoping, Deng Xiaoping Wenxuan (Selected Works of Deng Xiaoping), Tập 3 (Beijing: Renmin Chubanshe (People’s Press), 1993, tr.87. Một điều thú vị là phần nói về Điếu Ngư và quần đảo Trường Sa trong bản dịch tiếng Anh của bài phát biểu này đã bị xóa. Xem Deng Xiaoping, Fundamental Issues, tr. 74-76.

[6] Tlđd.

[7] Liu Xueming, “Gezhi zhengyi, gongtong kaifa” (Shelve the disputes and develop jointly) in Zhongkung Yannan Shengwei Deng Xuebao (Journal of the Party School of Yunnan Provincial Communist Party Committee) 2 (2001), tr. 21

[8] Lin Zhong, “Zhonggui yu gongtong kaifa de xueshu tantao.” Tr. 75.

[9] Lee Lai To, China and the South China Sea Dialogues (Westpost, CT : Praeger Publishers, 1999), tr. 51-52.

[10] Xem www.aseansec.org/13163.htm, truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2008.

[11] Xem www.aseansec.org/16888.htm, truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2008

[12] Để biết thêm về hội thảo không chính thức này, xem Lee Lai To, China and the South China Sea Dialogues, tr. 59-89.

[13] Xem, ví dụ, www.thefreelibrary.com/The+South+China+Sea+disputes:+implication, truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2008.

[14] China Daily, ngày 10 tháng 8 năm 2007.

[15] www.shanshashi.com, truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2008.

[16] Ý sau đây được trích từ Lee Lai To, “ASEAN, China and the East Asian Community,” dịch qua tiếng Trung Quốc ở Chu Yun-han và Jia Qingguo (các ấn bản), Cong Guoji Guanxi Lilun Kan Zhongguo Jueqi (An examination of the rise of China from the perspective of international relations theory) (Taipei: Wunan Book Publishing Company, 2007), tr. 262-264

[17] Lee Lai To, China and the South China Sea Dialogues, tr. 51-52.