Phát triển chung ở Biển Đông trong thế kỷ 21?

Trước khi xem xét những động thái của Trung Quốc nhằm tiến hành việc cùng khai thác ở Biển Đông, cần đặt ra câu hỏi là liệu Trung Quốc có sử dụng vũ lực để lấy lại những vùng mà nước này tuyên bố chủ quyền không, trong khi Trung Quốc luôn cho là nước này có quyền chủ quyền đối với Biển Đông, cũng như luôn nhận thức được tầm quan trọng chiến lược và nguồn tài nguyên dồi dào của quần đảo Trường Sa. Cũng có thể nhắc lại rằng đó thật sự là một lựa chọn đã từng được Đặng Tiểu Bình và những người thuộc phe diều hâu nghĩ đến, như đã nhắc tới trước đây. Thực tế, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm Hoàng Sa năm 1974 và đã có những cuộc giao tranh nhỏ nhằm mục đích thiết lập sự kiểm soát của Trung Quốc đối với một vài đảo thuộc quần đảo Trường Sa và một số đảo san hô vòng xảy ra vào những năm 1980, 1990.

Cùng với sự kiểm soát vững chắc và liên tục được củng cố của Trung Quốc tại Hoàng Sa cũng như sự hiện diện của nước này tại Trường Sa, đã có những tranh cãi rằng không nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để giành lại Trường Sa trong tương lai gần. Hầu hết, nếu không phải là tất cả các đảo nhỏ, đảo san hô vòng và bãi đá có thể chiếm được đều đã bị chiếm đóng bởi các quốc gia tranh chấp khác nhau. Quan trọng hơn, quan hệ Trung Quốc-ASEAN trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết kể từ Thế chiến II và Trung Quốc muốn duy trì một không khí hòa bình và quan hệ thân thiện với các quốc gia láng giềng và khu vực để có thể tập trung phát triển kinh tế, do đó Trung Quốc ít có khả năng mở một cuộc thám hiểm để giành lại Trường Sa. Ngay cả một chiến dịch “nhanh, chính xác và không thương xót” như được ủng hộ bởi phe diều hâu cũng có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ không chỉ với các bên tranh chấp liên quan mà còn đối với “quan hệ đối tác chiến lược” Trung Quốc-ASEAN.[1] Việc sử dụng vũ lực cũng có thể lôi kéo các cường quốc ngoài khu vực vào như Mỹ, Nhật Bản; Nhật Bản quan tâm đến việc giữ gìn hòa bình và ổn định  ở Biển Đông vì những mục đích riêng của nước này. Cuối cùng, việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông có thể là cái cớ cho những ai đã từng nói về “mối đe dọa Trung Quốc” bảo vệ lập luận của mình. Nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với hình ảnh của Trung Quốc và sẽ ngăn cản quá trình “trỗi dậy hòa bình” của quốc gia này.

Cũng phải chú ý rằng khả năng dự đoán không thật xuất sắc của PLA, ít nhất ở thời điểm này, điều đó sẽ ảnh hưởng đến thành công của Trung Quốc trong việc khởi đầu chiến dịch quân sự vào Trường Sa.[2] Ngay cả khi Trung Quốc có thể dùng vũ lực để đòi lại nhiều đảo nhỏ và bãi đá hơn, Trung Quốc cũng sẽ gặp phải những khó khăn đáng kể, cả về mặt quân sự lẫn tài chính trong việc duy trì và quản lý các đảo và bãi đá nói trên, bởi Trường Sa cách xa Trung Quốc và diện tích phù hợp cho con người sinh sống là rất hạn chế.

Thêm vào đó, phải lưu ý rằng khi nhắc đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, mối quan tâm chính của Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Trong khi Đài Loan và Biển Đông được xem là lãnh thổ của Trung Quốc, Trung Quốc rõ ràng ưu tiên cho việc khôi phục Đài Loan và việc hợp nhất Đài Loan-Trung Quốc là “lợi ích trung tâm” của Trung Quốc. Thêm nữa, trong bối cảnh đã có những động thái về vấn đề độc lập của Đài Loan, xử lý vấn đề Đài Loan càng trở nên cấp thiết đối với Trung Quốc. Để ngăn cản Đài Loan giành độc lập, Trung Quốc đang cố gắng, ngoài những vấn đề khác, giành được nhiều sự ủng hộ hơn từ các nước khác, bao gồm các quốc gia ASEAN. Việc đối đầu với, chưa nói đến việc sử dụng vũ lực chống lại các bên tranh chấp khác về vấn đề Biển Đông có thể làm chệch hướng chính sách “ngoại giao mỉm cười” của Trung Quốc đối với ASEAN. Điều này cũng có thể làm cho ASEAN tiếp thu nhanh hơn chính sách “hướng nam” của Đài Loan với việc có được nhiều sự ủng hộ hơn từ các nước Đông Nam Á, từ đó ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ việc giành lại Đài Loan của Trung Quốc.[3]

Như một số nhà phân tích Trung Quốc đã nhấn mạnh, chính sách của Trung Quốc về Biển Đông nên phụ thuộc vào chiến lược nuôi dưỡng và duy trì quan hệ hợp tác với ASEAN. Do đó, những mâu thuẫn về Biển Đông không nên ảnh hưởng đến quan hệ chính trị và kinh tế gần gũi giữa Trung Quốc và ASEAN. Chiến lược chính trị đúng đắn cho tình hình hiện tại là tìm kiếm một giải pháp “đôi bên cùng có lợi” và trung thành với chính sách “qiutong cunyi” (tìm kiếm tiếng nói chung đồng thời chấp nhận sự khác biệt). Chiến lược trước mắt cho vấn đề Trường Sa nên là tối đa hóa lợi ích kinh tế của Trung Quốc bằng cách nỗ lực thúc đẩy cùng khai thác với các quốc gia tranh chấp khác trong khu vực.[4] Đề xuất này dường như đang được Trung Quốc lên kế hoạch ở thời điểm hiện tại và có thể là cả trong tương lai gần. Chính sách cùng phát triển Trường Sa có thể kết hợp với chiến lược lớn của Trung Quốc, nhấn mạnh hòa bình, phát triển và hợp nhất Trung Quốc bằng cách giảm bớt sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về vấn đề độc lập cho Đài Loan nói chung, và quan hệ thân thiện giữa Đài Loan với các vùng lân cận như ASEAN nói riêng. Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp khác được hi vọng sẽ hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu và khí, từ đó thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực cũng như sự tin tưởng lẫn nhau.

Như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo sau khi ký kết thỏa thuận ba bên về việc tiến hành khảo sát địa chất ở Biển Đông năm 2005, Trung Quốc sẽ làm việc với các quốc gia ASEAN có liên quan để biến Biển Đông thành “biển tình bạn” và “biển hợp tác”[5]. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, trong khi tiến hành cùng khai thác với các quốc gia tranh chấp khác, Trung Quốc chủ yếu nói về những dự án kinh doanh ở vùng đang tranh chấp ở Trường Sa chứ không phải ở vùng nước nông gần Trung Quốc, cũng không phải ở những vùng thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc như những vùng gần Hoàng Sa. Thêm vào đó, đối với Trung Quốc, việc cùng khai thác sẽ được tiến hành bằng cách gác lại những tranh chấp chủ quyền. Bất kỳ một đề xuất hay hình mẫu nào nhằm phân chia chủ quyền Biển Đông của các quốc gia tranh chấp đều sẽ không được Bắc Kinh chấp nhận.[6] Trên thực tế, một khi vấn đề chủ quyền được đưa ra, Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài khẳng định quyền chủ quyền của mình ở Biển Đông.

 Vấn đề và triển vọng

Khi Trung Quốc nhìn lại tình hình ở Biển Đông, Trung Quốc không thể không chú ý rằng các quốc gia tranh chấp khác đang không ngừng hết sức củng cố chủ quyền và sự kiểm soát thực sự đối với Trường Sa mặc dù các quốc gia này đã thể hiện mong muốn cùng khai thác ở khu vực này. Việc khai thác và sản xuất dầu và khí trên quy mô lớn cũng đã được thực hiện bởi những bên tranh chấp này trong một số vùng nước nhất định gần Trường Sa. Ngược lại,trong khi củng cố sự kiểm soát đối với một số đảo nhỏ và bãi đá ở Trường Sa, Trung Quốc chưa hề khoan một giếng dầu nào hay chưa hề kiểm soát một khu vực khí hay dầu nào hết.[7] Bắc Kinh lo lắng rằng các đối thủ có thể không thật sự quan tâm đến việc chia sẻ nguồn tài nguyên dựa trên việc cùng khai thác và ngay cả trong trường hợp những nước này có như thế, các nước này cũng sẽ lợi dụng những cuộc đàm phán kéo dài về cùng khai thác để làm mạnh hơn việc kiểm soát thực sự và chiếm hữu hợp pháp ở các đảo nhất định ở Trường Sa. Do đó, có lý do để cho rằng Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ lựa chọn chính sách cùng khai thác, ít nhất là ở một số đảo ở Trường Sa.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải cẩn thận trong việc tham gia vào cùng khai thác ở Biển Đông bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự e dè và thậm chí phản đối ở trong nước.[8] Ngoài ra, Trung Quốc cũng lo ngại rằng tranh chấp Biển Đông cũng có thể bị quốc tế hóa. Hầu hết các quốc gia tranh chấp, kể cả Trung Quốc, đều đã mời các công ty dầu nước ngoài vào tiến hành hoạt động khai thác và sản xuất dầu. Theo đó, đã có “sự quốc tế hóa ở một mức độ nào đó” đối với vấn đề Biển Đông. Điều làm Trung Quốc, và có thể một số quốc gia tranh chấp khác, quan ngại là chính phủ của các công ty dầu nói trên có thể can thiệp vào tranh chấp Biển Đông trên danh nghĩa bảo vệ quyền lợi của các công ty trên. Quan trọng hơn, đã có những đề xuất về việc trình vấn đề Biển Đông lên các hội nghị và tổ chức quốc tế để thảo luận và/hoặc phân xử. Đã có một số động thái về vấn đề này như việc Philippines nhờ Mỹ để bảo vệ cho yêu sách của mình hoặc để chống lại những ảnh hưởng của Trung Quốc. Mặc dù đã có những nghi ngờ rằng liệu Mỹ, hay Nhật Bản, Ấn Độ có muốn dính líu trực tiếp đến đầm lầy Biển Đông, hoàn toàn có lý do để tin rằng các cường quốc ngoài khu vực này quan tâm đến việc duy trì tự do và an ninh cho tuyến giao thông ở eo biển Malacca và Biển Đông. Do đó, các căng thẳng hay tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh khu vực này có thể dẫn đến việc các cường quốc tham gia vào việc tìm kiếm hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Hiện thực hóa chính sách cùng khai thác cũng đi kèm với việc tìm ra một khu vực cho cùng khai thác, cụ thể hóa nhiệm vụ của công ty liên doanh, thống nhất một công thức để chia sẻ chi phí và tài nguyên nếu có, chỉ định bộ phận quản lý, và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thực tiễn khác. Đối với Trung Quốc, có vẻ như nước này quan tâm trước hết đến thực hiện cùng khai thác ở những vùng tranh chấp ở Trường Sa chứ không phải ở những vùng nước nông gần Trung Quốc cũng như những vùng nước đang nằm trong tầm kiểm soát của nước này, như đã được nhắc đến trước đây. Do đó, vùng được chọn để tiến hành khảo sát địa chất bởi công ty CNOOC của Trung Quốc, PetroVietnam của Việt Nam và Công ty dầu quốc gia Philippines nằm trong vùng phía đông Trường Sa (xem hình 10.2) và tương đối xa Trung Quốc so với Philippines và Việt Nam.

Vấn đề khó giải quyết nhất vẫn là vấn đề chủ quyền. Trung Quốc đã tuyên bổ rằng cùng khai thác phải được dựa trên sự công nhận của các quốc gia tranh chấp khác rằng chủ quyền Biển Đông thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, bởi vì đây là một điều khó có thể trở thành hiện thực, có vẻ như Trung Quốc đã sẵn sàng tạm thời gác qua một bên tranh chấp về chủ quyền và tập trung vào khai thác tài nguyên đáy biển ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không được thừa nhận hoàn toàn bởi các quốc gia khác. Ví dụ, Philippines, quốc gia có vẻ ít có vấn đề với cách tiếp cận Trung Quốc, vẫn thấy khó để gác lại hoàn toàn vấn đề chủ quyền khi bàn đến cùng khai thác. 

Hình 10.2 Vùng tiến hành khảo sát địa chất ba bên (màu đen)

Một trường hợp cụ thể là thỏa thuận ba bên giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines ký năm 2005 về tiến hành khảo sát địa chất phần phía Đông Trường Sa. Đến năm 2008, nếu không phải sớm hơn, giai đoạn đầu tiên hay “giai đoạn thăm dò” tài nguyên trong vùng đã hoàn tất và “giai đoạn phát triển” đã sẵn sàng bắt đầu. Trong một cuộc gặp với Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo tại Singapore cuối năm 2007, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã bày tỏ hi vọng rằng những hợp tác trong tương lai giữa ba quốc gia sẽ được tiếp tục.[9] Về vấn đề này, người phát ngôn của Philippines Jose C. de. Venecia Jr đã thông báo rằng thỏa thuận ba bên nên được xúc tiến và hoàn thành để mở đường cho các công ty dầu Trung Quốc, Philippines và Việt Nam tiến hành hoạt động khoan thăm dò dầu.[10] Vấn đề là Giám đốc Công ty dầu quốc gia Philippines, ông Antonio M Cailao đã tuyên bố Philippines sẽ viện dẫn “quyền chủ quyền” đối với Biển Đông  và Philippines có quyền quyết định ai được tham gia vào dự án. Trên thực tế, ông này khẳng định rằng Philippines sẽ khẳng định chủ quyền và chính phủ Philippines “sẽ viện dẫn quyền của mình để phát triển thăm dò dầu/khí bởi vùng dầu khí nằm trong vùng mà Philippines có thẩm quyền.”[11] Nếu Manila tiếp tục khẳng định quyền chủ quyền trên Biển Đông, nước này đã không tiên đoán tốt cho những sự phát triển tiếp sau đó của khu vực. Tương tự, vấn đề chủ quyền cũng gây ra một số vấn đề khi vào năm 2007, Trung Quốc quyết định thành lập Thành phố Tam Sa để quản lý Hoàng Sa, Bờ biển Macclesfield và Trường Sa. Quyết định này đã dẫn đến những cuộc biểu tình chưa từng có chống lại Trung Quốc ở Việt Nam.[12]

Cùng khai thác, đặt biệt thăm dò và sản xuất dầu khí ở Biển Đông đòi hỏi trí tuệ và ý chí chính trị mạnh mẽ, đồng thời cũng không thể tránh khỏi việc được và mất dựa trên những tính toán thực dụng của những nhà lãnh đạo chính trị có liên quan một khi muốn kế hoạch nói trên thành công. Chặng đường cùng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phía trước vẫn còn dài và nhiều khó khăn.

HẾT

 

PGS. Lee Lai To,Khoa Chính trị học, Đại học Quốc gia Sinh-ga-po

 

TS. Chen Shaofeng, nghiên cứu viên Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Sinh-ga-po

 

Người dịch:  Hồ Thị Hiếu Minh

 

Hiệu đính: Lê Quang Hưng

 

 

Bài viết trích trong " Security and International Politics In the South China Sea ",

Chủ biên: Sam Bateman, Ralf  Emmers, năm 2009.

Bản gốc tiếng Anh "China and  joint development in the South China Sea An energy security perspective"

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)




[1] Để biết thêm thông tin về phe diều hâu, xem, ví dụ, Zhongguo Heping Luntan (China Peace Forum), “Zhongguo shifou yinggai zai Nanhai dui Yuenan dongshou? (Should China taken action against Vietnam in the South China Sea/” tại http://forum/Chia.com.cn/CIICBBS/read.phptid=287037, truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2008.

[2] Lu Minghui, “Nanhai zhengduan yu Dongnanya guojia de kuojun” (South China Sea dispute and military expansion of South East Asian countries), Nanyang Wenti Yanjiu (South East Asian Affairs) 4 (2006), tr. 35-42.

[3] Xem, ví dụ, yang Qing, “Zhengque renshi he chuli Nanhai quanyi zhengduan” (Correctly understand and manage the disputes on oceanic rights and benefits in the South China Sea), tại http://politics.people.com.cn/GB/30178/4030534.html, truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2008.

[4] Tian Xinjian and Yang Qing, “Zhengque renshi he chuli Zhongguo yu Dongmeng de haiyang quanyi zhengduan” (Correctly understand and manage the disputes on oceanic rights and benefits in the South China Sea), tại www.comra.org/dyzl/050614.htm , truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2008.

[5] Hainan Rihbao (Hainan Daily), 16 tháng 3 năm 2005, tại www.cnooc.com.cn/zhyww/xwygg/212697.shtml , truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2008.

[6] Đối với phân tích về thái độ của Trung Quốc đối với việc áp dụng các hình mẫu này đối với Biển Đông, xem, ví dụ, Guo Peiqing, “’Nanji moshi’ neng yongyu Nanshaqundao ma” (Can the “Antarctic model” be applied to the Spratlys?) Haiyang Kaifa yu Guanli (Ocean Development and Management) 3 (2004), tr. 34-36; Lin Zhong, “Zhongguo yu gontong kaifa de xueshu tantao” (Scholarly exploration of China and joint development), Xiandai Fazue (Modern Law) 1 (1998), tr. 73-79.

[7] Xu Longdi, “21 shiji diyuan zhengzhi zhong de Nansha qundao” (Geopolitics and Nansha Islands in the twenty first century), Shanghai Jiaotong Dazue Xuebao (Journal of Shanghai Jiao Tong University; Philosophy and Social Science) 13, 5 (2005), tr. 42.

[8] Một trong các số ít kênh cho dư luận Trung Quốc phát biểu ý kiến là các diễn đàn trên Internet, ở đó có thể thấy một vài quan điểm cực đoan về vấn đề Biển Đông. Xem, ví dụ, Zhongguo Heping Luntan (China Peace Forum), “Zhongguo shifou yinggai zai Nanhai dui Yuenan Dongshou?” (Should China use force against Vietnam in the South China Sea?), gửi lên ngày 4 tháng 2 năm 2008, có thể xem tại http://forum.china.com.cn/CIICBBS/read.php?tid=287037, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2008.

[9] Asia Pulse, ngày 21 tháng 11 năm 2007.

[10] Business World, ngày 10 tháng 1 năm 2008.

[11] Manila Bulletin, ngày 6 tháng 1 năm 2008.

[12] Xem, ví dụ, Andrew Symon, “China, Vietnam Churn Diplomatic Waters,” tại www.atimes.com/China/IL20Ad01.html, truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2008.