Từ ngày 3 đến ngày 5/6, Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 (còn gọi là Đối thoại Shangri-La 10) đã được tổ chức tại Xinhgapo. Đối thoại Shangri-La 10 không chỉ có quy mô lớn nhất mà lần đầu tiên còn chứng kiến sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Nhiều năm lại đây, Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) đã trở thành vấn đề khó tránh được tại Đối thoại Shangri-La và năm nay cũng không là ngoại lệ. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt nhấn mạnh Trung Quốc nỗ lực vì hòa bình và ổn định của Biển Đông cho thấy “sách lược hai cánh tay” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã dần được thành hình. 

Hai nhân tố quyết định tính phức tạp của vấn đề Biển Đông 

Tránh không để vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp hơn là một mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng của nền ngoại giao Trung Quốc nhiều năm nay. Việc này đương nhiên là chịu ảnh hưởng của vấn đề sức mạnh quốc gia, đặc biệt là sức mạnh của hải quân và không quân chưa được như ý muốn, nhưng cũng liên quan tới chiến lược ngoại giao phát triển toàn cục của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, việc có thành công hay không trong sách lược tránh không để vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp hơn phụ thuộc vào hai nhân tố sau. 
Thứ nhất, thế lực bên ngoài, đặc biệt là Mỹ có can dự vào vấn đề Biển Đông hay không. Là siêu cường thế giới, Mỹ không những có đồng minh và các căn cứ quân sự quan trọng nhất ở khu vực Đông Á, mà còn được nhiều nước trong khu vực dựa vào để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Do đó, vấn đề Biển Đông có trở nên phức tạp hơn hay không, thái độ và chính sách của Mỹ đóng vai trò rất quan trọng. Một khi Mỹ thay đổi thái độ duy trì hiện trạng trong vấn đề Biển Đông, trắc trở và bất ngờ sẽ nảy sinh. 

Lâu nay, trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ lần lượt đặt ở châu Âu và vấn đề chống khủng bố. Tại khu vực Đông Á, Mỹ quan tâm nhiều tới các nước đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Đối với Đông Nam Á, Mỹ dường như không có thời gian để quan tâm tới khu vực này. Mãi tới năm 2010, Mỹ mới lớn tiếng tuyên bố trở lại Đông Nam Á. Trước đó, Mỹ thiên về xu hướng duy trì hiện trạng trong vấn đề Biển Đông hay nói một cách khác là Mỹ giữ lập trường “trung lập” trong vấn đề này. Và bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội vào tháng 7/2010 đã đánh dấu sự chuyển biến trong thái độ của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông, từ “trung lập” sang “can dự”. Sự thay đổi về thái độ của Mỹ đã giúp các nước như Việt Nam và Philíppin nhìn thấy hy vọng, trở nên mạnh mẽ hơn trong cả lời nói lẫn hành động. Ở khía cạnh khác, sự can dự của Mỹ đã khiến phức tạp hóa trở thành xu thế lớn của vấn đề Biển Đông. 

Hai là, ASEAN có đoàn kết được hay không cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp hơn. Trong 10 nước thành viên ASEAN chỉ có 4 nước là Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây đang tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó Việt Nam và Philíppin là hai nước chủ chốt. Đối với ASEAN, Biển Đông là vấn đề lớn ảnh hưởng tới tiến trình nhất thể hóa của tổ chức này. Hiện nay, ASEAN đang đứng trước khó khăn giữa nhất thể hóa nội bộ và xử lý quan hệ với Trung Quốc, duy trì ổn định khu vực. 

Lâu nay, Trung Quốc kiên trì theo đuổi lập trường: Vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN mà là vấn đề giữa các nước xung quanh Biển Đông với nhau. Vì vậy, Trung Quốc nhấn mạnh tới việc sử dụng cơ chế song phương để giải quyết vấn đề này, phản đối việc đa phương hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Đối với Trung Quốc, sự đoàn kết của ASEAN không chỉ đồng nghĩa với việc phải đối mặt với một sức mạnh tập thể, mà còn đặt ngoại giao xung quanh Trung Quốc trước những thách thức toàn diện. 

Trung-Mỹ thừa nhận có lợi ích chung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương 

Trước tình hình trên, Trung Quốc có thể sử dụng “sách lược hai cánh tay” để đối phó. 
“Cánh tay thứ nhất” là thông qua tăng cường giao lưu hợp tác để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông trong khung nhận thức chung về việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, cùng thắng mà nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ đã đạt được. Tại cuộc Đối thoại Chiến lược An ninh Trung-Mỹ lần đầu tiên từ ngày 9 đến ngày 10/5 tại Oasinhtơn (Mỹ), hai bên thừa nhận có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quyết định xây dựng cơ chế hiệp thương Trung-Mỹ về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc hoan nghênh Mỹ tiếp tục phát huy vai trò tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sau đó, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Trần Bỉnh Đức đã thăm Mỹ, đề xuất việc xây dựng “quan hệ quân sự kiểu mới” với Mỹ, ở một mức độ nào đó đã giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ về an ninh chiến lược. 

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ngày 31/5, ở Washington D.C, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Kurt Campbell đã nói rằng “một trong những công việc quan trọng nhất mà Mỹ phải làm năm nay tại Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á chính là thể hiện nỗ lực hợp tác với Trung Quốc”. Tại Đối thoại Shangri-La 10, tuy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi những cam kết an ninh với các nước đồng minh châu Á-Thái Bình Dương, hơn nữa còn duy trì lực lượng quân sự hùng mạnh tại châu Á, nhưng ở một mức độ rất lớn, người ta vẫn chưa thấy sự sáng rõ trong quan hệ Trung-Mỹ cũng như việc hai nước sẽ đóng vai trò gì hay Mỹ sẽ khôi phục vị thế của mình như thế nào tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương… Điều đó có nghĩa, phát biểu của Gates tại Đối thoại Shangri-La 10 đã không tách rời nền tảng hợp tác Mỹ-Trung. 

Do vậy, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc và Mỹ đều phải tuân theo chiến lược toàn cục của mỗi nước. Đối với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông thuộc chủ quyền, là lợi ích cốt lõi và nước này không muốn thay đổi lập trường nhất quán là duy trì hiện trạng tự do đi lại và cùng khai thác tài nguyên. Đối với Mỹ, chỉ cần đảm bảo tự do đi lại ở Biển Đông và không thách thức vai trò lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương, nước này sẽ không đối kháng với Trung Quốc, đó là chưa nói đến việc vấn đề Biển Đông ở một ý nghĩa nào đó, chỉ là công cụ của Mỹ. 

“Cánh tay thứ hai” là tiếp tục ngăn chặn sự đoàn kết của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, kiểm soát vấn đề Biển Đông trong phạm vi song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan. Sách lược này được cấu thành bởi hai bộ phận. 

Thứ nhất, cũng là bộ phận quan trọng nhất, là lợi dụng ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng để tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Ở mức độ nào đó, sự phát triển kinh tế của ASEAN không thể tách rời khỏi Trung Quốc. Từ khi Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc – ASEAN khởi động tới nay, thương mại song phương phát triển mạnh mẽ hơn. Từ tháng 1 đến tháng 4/2011, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã đạt 110 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2010. Với tốc độ phát triển này, kim ngạch thương mại song phương năm 2011 có hy vọng vượt qua mốc 300 tỉ USD. Lợi ích thương mại lớn như vậy sẽ là nguyên nhân chính khiến ASEAN khó có được sự đoàn kết trong vấn đề Biển Đông và gây khó dễ cho Trung Quốc. Một nhà ngoại giao Thái Lan từng nói: “Vấn đề chủ quyền Biển Đông là chủ đề song phương, không nên làm nó trở thành vấn đề của toàn bộ ASEAN”. 

Thứ hai là nhấn mạnh tới việc Trung Quốc quyết tâm giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và nỗ lực vì sự hợp tác của khu vực. Từ lâu, khu vực ASEAN đã tồn tại kết cấu chiến lược: dựa vào Trung Quốc về mặt kinh tế, dựa vào Mỹ về an ninh, làm hạn chế những nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh với ASEAN thông qua hợp tác kinh tế của Trung Quốc. Do vậy, tại Đối thoại Shangri-La 10, ông Lương Quang Liệt đã có bài phát biểu với chủ đề “hợp tác an ninh quốc tế của Trung Quốc”, gửi đi thông điệp rằng quân đội Trung Quốc nỗ lực tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác an ninh khu vực, coi trọng việc bảo vệ và tăng cường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuyên bố của ông Lương Quang Liệt khẳng định sẽ hỗ trợ việc làm dịu bớt những lo ngại về sự lớn mạnh của quân lực Trung Quốc. 

Cùng với sự lớn mạnh của lực lượng hải quân và không quân Việt Nam cũng như tình cảm dân chúng lên cao, các biện pháp đối phó của Trung Quốc (trong vấn đề Biển Đông) chắc chắn sẽ ngày một cứng rắn. Nhưng xuất phát từ nhu cầu phát triển toàn cục của đất nước cũng như sự ổn định của khu vực, “sách lược hai cánh tay” mềm dẻo của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian dài, trừ phi không gian hòa bình bị triệt tiêu./.

NCBĐ (giới thiệu)