Tân Hoa Xã đưa tin Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) hôm 26/11 đã triển khai tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh tới Biển Đông, với đoàn tàu hộ tống gồm các tàu chiến nổi mạnh nhất. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Hoa Đông cũng như với một loạt hoạt động hải quân và không quân dày đặc của PLA. Chúng bao gồm cuộc diễn tập đổ bộ diễn ra ở Vịnh Bột Hải và cuộc phô diễn trên không ở Biển Hoa Đông.

Với Bắc Kinh, việc triển khai tàu Liêu Ninh đã phát đi tín hiệu chính trị đối với cả Đông Nam Á và phần nào là Nhật Bản và Mỹ, về quyết tâm bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình ở Biển Đông, bao gồm sự phản đối lâu nay đối với việc can thiệp bên ngoài vào khu vực này. Nhà nghiên cứu James Cable đã mô tả trong cuốn sách “Ngoại giao tàu chiến” rằng đây là sự thể hiện “sức mạnh biểu hiện”, để chứng tỏ quan ngại và không hài lòng trước những diễn biến gần đây ở Đông Nam Á, kể cả việc tăng cường hiện diện hải quân trong khu vực của Mỹ và Nhật Bản.

Từ quan điểm thực tế, việc triển khai tàu Liêu Ninh tới Biển Đông đã củng cố cam kết của PLAN trở thành một lực lượng hải quân có năng lực thực hiện học thuyết “phòng vệ ngoài khơi chủ động” của Trung Quốc. Đến nay, tàu Liêu Ninh đã có một số hải trình gần vùng biển Tây Thái Bình Dương và việc triển khai xuống phía Nam thuần túy nêu bật năng lực phô diễn sức mạnh của PLAN ở nhiều hướng. Việc triển khai tàu Liêu Ninh ở Biển Đông dường như để thử nghiệm và đánh giá tính khả thi hoạt động của tàu ở vùng biển nông và bán khép kín trong khu vực. Thành phần của hạm đội tàu hộ tống đã nói lên nhiều điều.

Theo đó, đoàn tàu hộ tống gồm hai tàu Type-051C, trang bị tên lửa phòng không tầm xa S-300FM, và hai tàu khu trục nhỏ Type-054A có nhiệm vụ chống ngầm. Ngoài việc thử nghiệm và đánh giá, bao gồm cả hoạt động của máy bay tiêm kích J-15, tàu Liêu Ninh dường như cũng tiến hành các hoạt động phòng không và chống ngầm với các tàu nổi trong môi trường Biển Đông như là một phần quan trọng và hợp nhất của hoạt động tác chiến nhóm của tàu sân bay. Hoạt động này chắc chắn sẽ bổ sung những thông tin giá trị cho PLAN đối với hoạt động của tàu sân bay. Dường như đây sẽ không phải là lần triển khai tàu Liêu Ninh duy nhất ở Biển Đông.

Với những lần triển khai tiếp theo tới khu vực, PLAN có thể hình thành một học thuyết toàn diện của riêng mình về hoạt động của tàu sân bay trong các môi trường khác nhau, gồm vùng biển mở và sâu ở Tây Thái Bình Dương hay vùng biển nông và bán khép kín ở Biển Đông. Cuối cùng, tàu Liêu Ninh được thiết kế phần lớn là để thử nghiệm khả năng phát triển tàu sân bay nội địa trong tương lai. Tuy nhiên, bất luận Hạm đội Nam Hải của PLAN trong tương lai có được trang bị tàu sân bay hay không, việc triển khai tàu Liêu Ninh có thể tăng cường năng lực của PLAN trong thực thi các sứ mệnh phối hợp liên hạm đội. 

Năng lực này đã được chứng tỏ lần đầu tiên qua cuộc diễn tập Manoeuvre-5 - cuộc diễn tập chiến đấu trên biển với sự tham gia của ba hạm đội PLAN ở Tây Thái Bình Dương hồi tháng 10 và 11 vừa qua. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở Biển Đông, Hạm đội Nam Hải của PLAN có thể được các hạm đội khác tăng viện, bao gồm cả một hạm đội tàu sân bay nếu cần. Với diễn biến mới này, PLAN sẽ mở rộng khả năng phô diễn sức mạnh ở Biển Đông, củng cố năng lực chiến đấu trên và dưới mặt nước cũng như không kích trên biển từ đất liền và năng lực tấn công đổ bộ cho Hạm đội Nam Hải. Năng lực của tàu sân bay sẽ giúp giảm bớt những hạn chế không lực từ đất liền của các sân bay nhỏ duyên hải miền Nam Trung Quốc, bao gồm cả đảo Hải Nam.

Các cuộc triển khai trong tương lai tới Biển Đông của tàu Liêu Ninh chắc chắn sẽ làm gia tăng tính phức tạp trong các tranh chấp tiếp diễn ở khu vực. Điều này có khả năng thúc đẩy chính sách ngoại giao tàu chiến tại khu vực mà đến nay mới chỉ giới hạn trong một số lượng nhỏ tàu hải quân thông thường và phần lớn là tàu hải giám dân sự. 

Theo RSIS 

Lê Sơn (gt)