Từ ngày 17 - 20/4/2015, Viện Chahar cùng với Viện nghiên cứu cao cấp Khoa học xã hội nhân văn của Đại học Nam Kinh và khoa Lịch sử của Đại học Nam Kinh đồng tổ chức Hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Xung đột Biển Đông và giải quyết hòa bình “. Có hơn 20 chuyên gia về vấn đề Biển Đông đến từ các địa phương Trung Quốc đã tề tựu tại Nam Kinh, thảo luận về việc xây dựng hòa bình khu vực Biển Đông.

Tổng Thư ký Viện Chahar Kha Ngân Bân đã chủ trì hội nghị lần này. Kha Ngân Bân cho biết, hy vọng thông qua hội nghị lần này có thể làm rõ sự thực cơ bản vấn đề Biển Đông, tìm kiếm biện pháp khả thi có thể hóa giải xung đột Biển Đông.  

Phó nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Tiết Lực cho rằng, căn cứ theo quan sát của Tiết Lực, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc đang trải qua điều chỉnh mang tính lịch sử. Trung Quốc từ nhất quyết yêu cầu hiệp thương song phương chuyển sang đồng ý cho ASEAN với tư cách một bên liên quan tham gia vào chủ đề giới hạn. Thông qua khu vực hóa có thể kiểm soát để ngăn chặn việc toàn cầu hóa không giới hạn vấn đề Biển Đông. Đối với việc khai thác nguồn tài nguyên Biển Đông, Tiết Lực cho rằng, Trung Quốc có thể tiến hành phân chia tất cả các khu vực thành hai loại, một khu vực có thể cùng khai thác, khu vực còn lại thì có thể lập ra “khu cùng không khai thác” vì lợi ích chung của con cháu các bên sau này.      

Nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu khu vực Phúc Kiến – Đài Loan của Đại học Sư phạm Phúc Kiến Hứa Xuyên chủ yếu phân tích sự khác biệt trong chính sách Biển Đông của Hai bờ. Ông này cho biết, do lợi ích và vị trí cộng đồng quốc tế của mình, đương cục Đài Loan không tích cực tuyên truyền chủ trương của Đài Loan về vấn đề Biển Đông trong cộng đồng quốc tế, cơ bản ở vào trạng thái im lặng. Điều này đã khiến cho Trung Quốc đại lục đấu tranh một mình trong vấn đề Biển Đông. Tương lai, việc giải quyết vấn đề Biển Đông cần đương cục Đài Loan tham gia vào.

Trợ lý nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu ASEAN, đại học Dân tộc Quảng Tây Cát Hồng Lượng đã thảo luận về việc tuyên truyền đối ngoại “đường đứt đoạn” Biển Đông. Ông này chỉ ra, do địa vị quốc tế của Trung Quốc sau chiến tranh thế giới thứ hai không cao, hiệu quả tuyên truyền đối với yêu sách “đường đứt đoạn” Biển Đông không tốt. Khiến cho “Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982” không tiếp thu ý kiến của phía Trung Quốc, việc này đã khiến cho yêu sách của Trung Quốc không được cộng đồng quốc tế chấp nhận rộng rãi. 

Giảng viên Học viện Hồng Hà Thiệu Kiến Bình cho biết, Trung Quốc càng trỗi dậy thì áp lực có tính hệ thống mà Trung Quốc phải đối mặt càng lớn. Tình hình này còn có thể kéo dài một thời gian. Bởi vậy, chúng ta cần gây dựng các “quốc gia trợ giúp chiến lược” đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, giảm thiểu áp lực mà Trung Quốc phải đối mặt.    

Giáo sư Lưu Thành của khoa Lịch sử Đại học Nam Kinh nói, ngoại giao của nước Trung Quốc mới mấy chục năm nay đều giữ tư duy hòa bình, khi chúng ta giải quyết vấn đề Biển Đông cũng không nên đi ngược lại phương hướng lớn này. Khi giải quyết vấn đề biển hiện nay, Trung Quốc nên tiếp thu trí tuệ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Chúng ta nên suy nghĩ đến lợi ích của các nước ở Biển Đông, tạo ra cơ chế các nước cùng thắng.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lịch sử Luật Biển và Luật Thương mại Biển, Đại học Chính trị Hoa Đông Trịnh Chí Hoa trong bài phát biểu của mình đã tổng kết sự biến đổi của bản đồ khu vực Biển Đông và các vấn đề liên quan do nó gây ra. Trịnh Chí Hoa đã giới thiệu các vấn đề như: nguyên tắc hiệu lực của chứng cứ bản đồ và phản ứng của Trung Quốc sau khi gặp phải khiêu khích.vv… Trịnh Chí Hoa cho rằng, chi tiết rất nhỏ trên bản đồ cũng có thể dẫn đến sự khác biệt vô cùng lớn trong thực tiễn luật pháp quốc tế.

Nghiên cứu viên Đại học Hàng không Vũ trụ Phương Lợi cho biết, là lãnh tụ dư luận trong nước của Philippines, Aquino đã đóng vai trò tiêu cực trong quan hệ hợp tác Trung Quốc và Philippines. Với tư cách là Tổng thống, phát biểu của Aquino đã ảnh hưởng hình tượng quốc gia của Trung Quốc tại Philippines, đã phá hoại bầu không khí hợp tác tích cực của hai nước. Chúng ta nên giữ cảnh giác đối với hiện tượng này.

Trợ lý nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Vấn đề quốc tế Trung Quốc Tào Quần cho rằng, luật pháp quốc tế đang không ngừng thay đổi. Trong thực tiễn luật pháp quốc tế, Mỹ đã thông qua sức mạnh của mình cải biến rất nhiều quy tắc luật pháp quốc tế trước đây. Đồng thời, nước này còn thông qua hành động của mình không ngừng bảo vệ quy tắc luật pháp quốc tế của mình. Nếu Mỹ không đồng ý yêu sách của một nước nào đó, nước này có thể thông qua lời nói và hành động thực tế để phản đối thậm chí là khiêu khích nước đó.

Giảng viên khoa Chính trị quốc tế của Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Liêu Ninh Lý Gia Thành cho rằng, Mỹ coi lợi ích của mình ở Biển Đông là lợi ích cốt lõi, lợi ích cốt lõi này chủ yếu gồm những phương diện sau đây: (i) quyền đi lại vô hại của máy bay, tàu quân sự; (ii) lợi ích kinh tế của Mỹ ở khu vực Biển Đông; (iii) yêu cầu bảo đảm ổn định khu vực Biển Đông. Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông càng ngày càng sâu, nước này rõ ràng đã đứng về một phía trong vấn đề Biển Đông. Sau này Mỹ sẽ là nhân tố ngày càng quan trọng trong vấn đề Biển Đông.

Phó giáo sư khoa Quan hệ quốc tế của Viện nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, Đại học Trung Sơn Hoàng Vân Tĩnh cho rằng, Think Tank ngoài việc cung cấp ý kiến tư vấn cho quyết sách của nước mình thì bản thân nó cũng có thể đảm nhận sứ mệnh ngoại giao. Việt Nam hằng năm đều tổ chức hội thảo về vấn đề Biển Đông, quy mô nhỏ thì hơn 100 người, lớn thì lên đến hơn 200 người, mời rộng rãi các học giả quốc tế nổi tiếng trong lĩnh vực này, các chuyên gia về luật pháp quốc tế và các quan chức ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam tham dự. Hội thảo mở cửa đối với báo chí trong nước và nước ngoài, chủ đề và quan điểm liên quan lập tức trở thành tin nóng và tiêu điểm của báo chí, gây ra ảnh hưởng nhất định đối với dư luận quốc tế. Đây là ngoại giao Think Tank đặc sắc của Việt Nam. Có thể thấy, ngoại giao Think Tank và giao tiếp Think Tank vô cùng quan trọng.

Chủ đề phát biểu của Chủ nhiệm thường trực Trung tâm nghiên cứu Quan hệ Trung Quốc và các quốc gia láng giềng Biển Đông Tôn Hiểu Quang là “Chính sách an ninh trên biển của Nhật Bản và tranh chấp Biển Đông”. Tôn Hiểu Quang cho rằng, sự quan tâm của Nhật Bản đối với tranh chấp Biển Đông có hạn nhưng không có nghĩa không quan tâm. Những năm gần đây xu hướng thiên vị của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông càng ngày càng nghiêm trọng. Hơn nữa Nhật Bản định gắn liền vấn đề Đông Hải và Biển Đông để phục vụ cho lợi ích quốc gia của mình.

Phó nghiên cứu viên Viện nghiên cứu ASEAN, Học viện Khoa học Xã hội thành phố Nam Ninh Đàm Lệ Phương nói, tâm trạng đối địch hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc là kết quả của việc tình cảm chủ nghĩa dân tộc trong nước của hai phía trở nên gay gắt. Vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề quốc tế, buộc Trung Quốc thay đổi sách lược ở Biển Đông. Do Việt Nam hiện nay đang trở thành nước nhập khẩu nhẹ dầu khí, bởi vậy họ nhất định sẽ không ngừng thúc đẩy việc khai thác dầu khí. Ngoài vấn đề chủ quyền, vấn đề nguồn tài nguyên cũng có thể ngày càng trở thành tiêu điểm mâu thuẫn giữa Trung Quốc – Việt Nam.

Theo The Charha Institute, Trung Quốc

Hoàng Lan (gt)