2011040801033_0.jpg

Môi trường địa chính trị ở khu vực Biển Đông đang chuyển sang một giai đoạn mới không chỉ giữa các bên có tranh chấp chủ quyền mà còn giữa các nước lớn với nhau. Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông đang bị thách thức bởi hoạt động “tự do hàng hải” của Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga cũng đang tìm cách gây ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực Đông Nam Á. Đối với các nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), những tranh chấp về lãnh thổ và an ninh biển đã tồn tại từ lâu và luôn được giải quyết trên cơ sở của luật pháp quốc tế, chẳng hạn như tranh chấp lãnh thổ giữa Campuchia-Thái Lan, vấn đề chồng lấn chủ quyền giữa Indonesia-Malaysia ở đảo Sipadan và Ligitan.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng Trung Quốc thể hiện sự thống trị ở Biển Đông để coi đây như bàn đạp cho sự thống trị toàn cầu. Các nước ASEAN hiện nhận thấy các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là khá ngạo mạn, cường quyền, làm suy yếu luật pháp quốc tế. Hành vi đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông - đặc biệt là hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo để tiến tới sử dụng cho mục đích quân sự - đang tạo ra cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước hiện có tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực. Người ta có thể nhận thấy hai lý do đằng sau các hành động đó của Bắc Kinh ở Biển Đông như sau:

Thứ nhất, Trung Quốc đang thực hiện “chủ nghĩa thực dân trên biển” bằng cách phớt lờ những lời kêu gọi giảm căng thẳng của các nước để tìm cách thống trị tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới này. Thứ hai, Trung Quốc đang tích cực củng cố khả năng quân sự ở khu vực này nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài. Hành động của Trung Quốc hiện nay giống như những gì chủ nghĩa thực dân phương Tây đã làm trong quá khứ, bao gồm cả việc sử dụng ảnh hưởng của văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế, thương mại kết hợp với sức mạnh quân sự. Hành động triển khai tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa cho thấy hành động thống trị của nước này đi ngược lại Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khiến cho các nước ASEAN bất bình.

Chiến lược của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp ở khu vực là muốn đàm phán, giải quyết với từng nước một, không muốn có sự can thiệp từ bên ngoài. Tuy nhiên, các nước lớn khác - hiện có lợi ích không nhỏ tại khu vực này - đã không thể làm ngơ. Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đang lên án mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc và từng bước có các hành động để ngăn chặn sự bành trướng của nước này.

Đối với Indonesia và các nước ASEAN, sự can dự của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga nhằm làm giảm sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông có tác dụng làm cân bằng các mối quan hệ, không chỉ giữa họ với nhau mà còn giữa họ với khu vực Đông Nam Á. Indonesia và ASEAN cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng lòng tin, không chỉ bằng cách thuyết phục Trung Quốc thực hiện các cam kết trong DOC, hướng đến việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), mà còn bằng cách thuyết phục các cường quốc khác kiềm chế các hoạt động gây rối ở khu vực. Các nước ASEAN không thể chỉ dựa vào cam kết của nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng không tiến hành quân sự hóa khu vực này mà cần phải có các giải pháp chính trị cụ thể để giảm thiểu căng thẳng, đem lại hòa bình cho khu vực.

Tác giả là nhà báo Rene L. Pattiradjawane - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc. Bài viết đăng trên báo “Bưu điện Jakarta” (ngày 23/3).

Mỹ Anh (gt)