Trình bày tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện

  Trung Quốc - một cường quốc đang trỗi dậy tại Biển Đông

Người trình bày:

Bonnie S. Glaser

Chuyên gia cấp cao về Nghiên cứu Trung Quốc tại

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS)

Ngày 12 tháng 09 năm 2012

2172  Tòa nhà Hạ viện Rayburn

Thưa bà Chủ tọa, thành viên cao cấp Berman và các quý vị đại biểu, tôi xin cám ơn quý vị đã mời tôi phát biểu điều trần trước Ủy ban về Trung Quốc với tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy tại Biển Đông

Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương kéo dài từ Xinh-ga-po và eo biển Malacca ở phía tây nam cho tới eo biển Đài Loan ở phía đông bắc. Nước Mỹ có lợi ích rất lớn tại Biển Đông. Trung Quốc, Đài Loan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với các đảo và vùng nước liền kề tại khu vực này. Thất bại trong quản lý hòa bình và giải quyết triệt để các yêu sách mâu thuẫn này có thể dẫn đến căng thẳng kéo dài và xung đột quân sự.

Các vùng nước của Biển Đông là một trong những tuyến huyết mạch thương mại quan trọng của thế giới. Tính theo khối lượng trọng tải, mỗi năm hơn một nửa lượng tàu thương mại trên thế giới chạy qua các tuyến đường biển tại đây. Hơn nữa, Biển Đông cũng chứa đựng nguồn tài nguyên cá dồi dào và tiềm năng lớn về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt, có vị trí chiến lược gần với các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn trên thế giới.

Những cuộc chạm trán xảy ra khá thường xuyên ở Biển Đông từ giữa những năm 1970 cho đến giữa những năm 1990. Một thập kỷ sau đó trôi qua khá bình yên, nhưng căng thẳng đã bùng lên từ năm 2007 với sự gia tăng rõ rệt các vụ đụng độ và tranh cãi. Những nguyên nhân chính của tình trạng căng thẳng leo thang bao gồm: 1) gia tăng lợi ích trong việc thăm dò và khai thác trữ lượng dầu và khí đốt tại Biển Đông; 2) cạnh tranh quyết liệt về nguồn cá khi nguồn cá gần bờ đã dần cạn kiệt; 3) hạn chót tháng 5/2009 để các quốc gia ven biển đệ trình yêu cầu về quyền thềm lục địa mở rộng nằm ngoài 200 hải lý cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc; 4) gia tăng sức ép chủ nghĩa dân tộc đối với các chính phủ trong việc bảo vệ yêu sách chủ quyền lãnh thổ và hàng hải của họ.

            Dưới đây là một số ví dụ về các hoạt động gây bất ổn vài năm gần đây[1]:

  • Trung Quốc thách thức và đôi lúc đe dọa các công ty dầu khí nước ngoài kể cả các công ty Mỹ đầu tư vào các lô dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi Việt Nam
  • Trung Quốc bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam và được cho là đã bắn vào các thuyền cá Việt Nam gần các đảo Trung Quốc đang chiếm giữ tại Hoàng Sa.
  • Tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam khi các tàu này đang thực hiện thăm dò địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam (tháng 5 và 6/2011).
  • Công ty khai thác dầu khí xa bờ Trung Quốc (CNOOC) mời thầu 9 lô dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chồng lấn với các lô được PetroVietnam mời các tập đoàn năng lượng nước ngoài khai thác (tháng 6/2012).
  • Việt Nam thực hiện các chuyến bay tuần tra trên khu vực quần đảo Trường Sa (tháng 6/2012).
  • Quân đội Trung Quốc tuyên bố triển khai tuần tra hải quân và không quân sẵn sàng chiến đấu quanh khu vực quần đảo Trường Sa để “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích an ninh phát triển của Trung Quốc.” (tháng 6/2012)
  • Trung Quốc đưa một đội gồm 30 tàu đánh cá được hộ tống bởi tàu Hải giám trọng tải 3000 tấn tới vùng biển tranh chấp tại Trường Sa (tháng 7/2012)
  • Quốc hội Việt Nam thông qua Luật biển khẳng định đường cơ sở, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng nước kế cận, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các khu vực yêu sách khác. (tháng 6/2012)
  • Đáp trả lại hành động của Việt Nam, Trung Quốc đã nâng cấp đơn vị hành chính cho thành phố Tam Sa ở đảo Hải Nam (tháng 6/2012) đồng thời thiết lập một căn cứ đồn trú quân sự tại đảo Phú Lâm (tháng 7/2012)
  • Hải quân Phi-líp-pin điều tàu chiến đến khu vực Bãi cạn Scarborough để điều tra sự hiện diện của 8 tàu đánh cá Trung Quốc (tháng 4/2012)
  • Đáp trả lại hành động này của Phi-líp-pin ở Bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã: a) triển khai tàu có lúc lên đến gần 100 chiếc bao gồm tàu hải giám, tàu cá, tàu phục vụ ở khu vực bãi cạn; b) mở rộng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc đến vùng biển quanh Bãi cạn Scarborough; c) kiểm dịch hoa quả nhập khẩu từ Phi-líp-pin; d) không tuân thủ thỏa thuận với Manila về việc rút các tàu khỏi khu vực; và e) bao vây ngăn chặn để ngư dân không vào được khu vực bãi cạn (tháng 4-8/2012)
  • Bắc Kinh đã sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Cam-pu-chia, hiện là Chủ tịch luân phiên của ASEAN để ngăn việc đưa các vấn đề Bãi cạn Scarborough và vùng đặc quyền kinh tế vào thông cáo chung của Hội nghị thường niên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Điều này đã dẫn đến việc lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung.

Rõ ràng một chu kỳ các hành động-phản ứng (action-reaction cycle) theo xu hướng tiêu cực đang diễn ra ở Biển Đông. Tuy nhiên, có thể thấy rằng những yêu sách, chính sách, tham vọng, hành vi và năng lực của Trung Quốc vượt xa so với các bên tranh chấp khác. Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc chỉ dựa vào những cơ sở như phát hiện đầu tiên, bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế là rất mập mờ và có khuynh hướng bành trướng. Bắc Kinh luôn từ chối tham gia đàm phán đa phương đối với các tranh chấp biển và lãnh thổ trong khu vực và mong muốn dàn xếp thông qua các cơ chế song phương để từ đó Trung Quốc dễ bề sử dụng lợi thế của mình ép các bên nhỏ và yếu hơn. Trung Quốc phản đối vai trò của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) hay Toà án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) trong việc giải quyết tranh chấp biển và lãnh thổ ở Biển Đông. Dù Bắc Kinh cuối cùng đã đồng ý đàm phán để tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), nhưng quan chức cao cấp Trung Quốc gần đây lại tuyên bố việc thảo luận chỉ có thể tiến hành được khi “các điều kiện đã chín muồi.”[2] Thay vào đó quan chức Trung Quốc luôn nhấn mạnh Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) - một tuyên bố không có cơ chế giải quyết tranh chấp và không ràng buộc pháp lý.

Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông là có chủ ý và hệ thống; những hành động này không phải là kết quả vô ý của nền chính trị quan liêu và sự hợp tác lỏng lẻo. Nói đúng hơn, hàng loạt hành động của Trung Quốc những tháng gần đây cho thấy điển hình về sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, kiểm soát dân-quân sự và sự hài hòa các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự.[3] Cách hành xử ngang ngược và đe dọa các bên yêu sách khác là bằng chứng về quyết định đẩy mạnh ngoại giao uy hiếp của những nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Điều này không chỉ ảnh hưởng đối với Phi-líp-pin và Việt Nam, những đối tượng uy hiếp chính của Trung Quốc, mà còn tác động sâu rộng đến khu vực và thế giới.

Thứ nhất, khuynh hướng xem thường quy tắc ứng xử và luật pháp quốc tế của Trung Quốc là rất đáng lo ngại và có thể tạo nên tiền lệ xấu. Việc Bắc Kinh cố tình từ chối tuân thủ thỏa thuận miệng với Manila rút toàn bộ tàu từ khu vực xung quanh Bãi cạn Scarborough đã tạo nên một hiện trạng có lợi hơn cho Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn tuần tra thường xuyên và ngăn chặn ngư dân Phi-líp-pin đánh bắt cá tại những khu vực đó. Không nước nào công khai chỉ trích hành động này. Đây là một tiền lệ rất nguy hiểm ở Biển Đông.

Thứ hai, việc Trung Quốc ngày càng sẵn sàng sử dụng lợi thế kinh tế để buộc các quốc gia phải thay đổi chính sách phù hợp với mong muốn của Bắc Kinh là một xu hướng đáng quan ngại.[4] Hành động Trung Quốc sử dụng lý do kiểm dịch ngăn chặn hoa quả nhập khẩu từ Phi-líp-pin nhằm gây sức ép buộc Phi-líp-pin nhường quyền kiểm soát khu vực Bãi cạn Scarborough là một sự vi phạm trắng trợn các chuẩn mực quốc tế. Các quan chức hải quan Trung Quốc đã đưa ra những luận điệu không có cơ sở rằng hoa quả từ Phi-lip-pin bị nhiễm sâu. Ngay lập tức nền kinh tế Phi-líp-pin bị thiệt hại bởi Phi-líp-pin xuất khẩu gần 1/3 sản lượng chuối cho Trung Quốc, cũng như đu đủ, dứa, xoài và dừa. Thêm vào đó các hãng du lịch Trung Quốc đã hủy bỏ các chuyến bay tới Phi-líp-pin với lý do rằng an ninh của khách du lịch Trung Quốc không được bảo đảm.

Đây chỉ mới là một ví dụ trong hàng loạt trường hợp Trung Quốc sử dụng kinh tế để gây sức ép và xu hướng này ngày càng gia tăng. Tháng 9/2010, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản để trả đũa việc Tokyo bắt giữ thuyền trưởng của tàu cá của Trung Quốc trong vu việc xảy ra gần đảo Senkaku. Cuối năm đó, sau khi giải Nô-ben hoà bình được công bố trao cho Liu Xiaobo  - một người bất đồng chính kiến, Trung Quốc đã tiến hành một loạt hành động nhằm trừng phạt Na-uy, mặc dù việc quyết định trao giải thưởng được thực hiện bởi Ủy ban Nô-ben, hoạt động hoàn toàn độc lập với chính phủ Na-uy. Trung Quốc đã ngưng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do với Na-uy và áp dụng các quy định kiểm tra thú y mới với cá hồi nhập khẩu từ Na-uy, dẫn đến việc giảm 60% lượng nhập khẩu cá hồi từ Na-uy năm 2011 khi mà nhu cầu thị trường cá hồi trong nước vẫn tăng 30%. Bắc Kinh cũng đã dừng quan hệ ngoại giao bình thường với Na-uy kể từ đó và cho đến nay vẫn chưa được nối lại.

Bắc Kinh xem những vụ việc này như là thành công ngoại giao của họ. Nếu sự uy hiếp kinh tế của Trung Quốc vẫn tiếp tục không bị ngăn chặn, chắc chắn chiến thuật này sẽ còn được lặp đi lặp lại. Các nước khó chống đỡ trước sức ép này có thể buộc phải thay đổi chính sách theo hướng bất lợi cho mình; Trung Quốc vì thế có thể tác động đến ngày càng nhiều các nước trên thế giới có nền kinh tế phụ thuộc vào giao thương với Trung Quốc.

Thứ ba, việc Trung Quốc không thể hiện thiện chí tiến hành các nỗ lực ngoại giao một cách nghiêm túc để giải quyết tranh chấp sẽ là điều đáng lo, nhất là khi Trung Quốc từ chối chấp nhận một khuôn khổ dựa trên luật pháp để kiềm chế hành vi của tất cả các bên. Bắc Kinh cho rằng thời gian đang về phe họ; rằng họ không muốn bị kiềm chế bởi những thỏa thuận mang tính ràng buộc. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ không chỉ trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới mà còn là một cường quốc quân sự và chính trị. Các quốc gia khác, dù là lớn hay nhỏ, cũng buộc phải thích nghi với sự trỗi dậy của Trung Quốc và tôn trọng “lợi ích cốt lõi và những quan tâm chính” của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không xem trọng lợi ích và quan tâm của các nước khác. Thiếu vắng một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu lực ở Biển Đông, căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng. Khả năng các bên yêu sách sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ lợi ích của họ đi kèm với nguy cơ căng thẳng leo thang không thể bị loại trừ

Hiện đại hóa hải quân và tham vọng của Trung Quốc

Các cường quốc trỗi dậy về kinh tế và chính trị trên thế giới thường sẽ trở thành những cường quốc hải quân thế giới. Trung Quốc cũng không phải một ngoại lệ. Sự phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào thương mại và nguồn năng lượng nhập khẩu đã buộc Trung Quốc phải phát triển năng lực hải quân và theo thời gian, sẽ phải phát triển khả năng triển khai lực lượng tại các vùng biển xa. Tuy nhiên, trong tương lai gần, do ưu tiên của Trung Quốc là các tranh chấp vùng lãnh thổ và tranh chấp tài nguyên, cũng như ngăn chặn sự độc lập của Đài Loan nên nhiều khả năng  Trung Quốc chỉ tập trung chủ yếu vào các vùng biển trong khu vực. Các “vùng biển gần” của Trung Quốc – gồm Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông – là những khu vực có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với Trung Quốc. Những vùng biển này, ngoài việc là vùng có nguồn tài nguyên dầu và khí đốt, còn được xem như là vùng đệm an ninh của Trung Quốc.

Trung Quốc đang đầu tư phát triển một loạt các năng lực không chỉ trong lĩnh vực hải quân mà còn trong các lĩnh vực khác để hỗ trợ nhiệm vụ được họ gọi là “chống can thiệp”. Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả đây như là năng lực “chống tiếp cận” và “phong tỏa khu vực”. Mục tiêu là nhằm sở hữu các phương tiện có thể tấn công, tại một vị trí ở một khoảng cách xa bờ biển Trung Quốc, các lực lượng quân sự được triển khai và hoạt động trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo như báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ với Quốc hội về năng lực của quân đội Trung Quốc (PLA) năm 2011, sự cải thiện khả năng triển khai lực lượng của Trung Quốc trong hiện tại và tương lai sẽ cung cấp cho PLA những hệ thống có thể giao tranh với các tàu nổi của đối phương trong khoảng cách 1850 km tính từ bờ biển của Trung Quốc. Những hệ thống này bao gồm các tên lửa đạn đạo dùng để chống lại tàu, tàu ngầm thông thường và tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân, các tàu tấn công trên mặt nước, và máy bay tấn công trên biển. Trong tương lai, những năng lực này sẽ được tăng cường bằng các hệ thống mới hơn bao gồm máy bay tàng hình J-20 và các tên lửa đạn đạo thông thường tầm xa, các máy bay không người lái (UAV), các tên lửa hành trình tấn công mặt đất được phóng từ trên không và trên mặt đất và năng lực tiến hành chiến tranh mạng.[5]

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc (một tàu thuộc lớp KUZNETSOV được mua lại từ Ucraina) đã bắt đầu các chuyến đi thử nghiệm vào năm 2011. Đây sẽ là bước huấn luyện và thử nghiệm quan trọng, để cuối cùng giúp Trung Quốc có thêm kinh nghiệm trong vận hành các hoạt động trên không dựa vào tàu sân bay. Các nhà phân tích quân sự của Trung Quốc dự tính rằng tàu sân bay này được đặt tại căn cứ hải quân mới tại Yalong ở mũi phía nam của đảo Hải Nam, gần với nhóm đảo tranh chấp Trường Sa và Hoàng Sa.[6] Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, có khả năng hoàn tất và đi vào hoạt động trước năm 2015, và tiếp sau đó sẽ là “nhiều tàu sân bay và các tàu hỗ trợ liên quan trong vòng một thập kỷ tới.”[7]

            Cho dù Trung Quốc đang quyết liệt hiện đại hóa quân đội, trong đó có cả lực lượng hải quân, thì nước này vẫn hạn chế việc sử dụng sức manh quân đội. Chẳng hạn, trên Biển Đông, Trung Quốc dựa chủ yếu vào các cơ quan hàng hải dân sự chứ không phải lực lượng hải quân để khẳng định và bảo vệ các yêu sách chủ quyền. Các cơ quan này bao gồm Cảnh sát biển, Cục quản lý biên giới, Cục quản lý hải dương học, Cơ quan ngư chính và Lực lượng tuần duyên. Tuy vậy, hải quân Trung Quốc đã tăng cường triển khai quân và tuần tra, luôn đứng sau hỗ trợ các tàu “vỏ trắng” này và sẵn sàng can thiệp nếu các biện pháp khác không thể bảo vệ chủ quyền, an ninh, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.

Chuyển giao thế hệ lãnh đạo và sự quyết đoán của Trung Quốc trong tương lai

Theo đánh giá của tôi, cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền sẽ còn tiếp tục sau quá trình chuyển giao lãnh đạo tại Đại hội Đảng lần thứ 18 diễn ra vào mùa thu năm nay và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc vào mùa xuân năm sau bởi những lý do sau:

            1. Do tính hợp pháp của Đảng Cộng sản dựa phần lớn vào sự tín nhiệm của nhân dân, nên không một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào, trong thời gian mới nhậm chức, dám vội vã thực hiện các biện pháp làm giảm làn sóng từ các tầng lớp nhân dân yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Tâm lý chung của nhân dân thiên về lập trường cứng rắn hơn của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông đã được nhen nhóm từ trước. Các nhà lãnh đạo tương lai nhận thức rõ nguy cơ của việc kích động thêm những tình cảm này, nhưng sẽ khó cưỡng lại khuynh hướng đó khi mà làm vậy sẽ có lợi cho họ, giúp tính hợp pháp của họ trở nên vững chắc hơn.

2. Ông Tập Cận Bình, người nhiều khả năng sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào, được cho là một người có sự tự tin cao - chắc chắn cao hơn ông Hồ vào thời điểm ông lên nắm quyền 10 năm trước đây. Trong khi nhiệm kỳ của ông Hồ Cẩm Đào phải tập trung vào giải quyết các yếu kém của Trung Quốc, thì ông Tập lại xuất thân từ một thế hệ mới, lớn lên trong thời kỳ cải cách và mở cửa với thế giới bên ngoài và luôn tin rằng Trung Quốc đang trôi dậy mạnh mẽ. Tin tưởng vào sức mạnh đang lên của Trung Quốc và sự thu hẹp quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Tập có thể sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên đấu trường quốc tế, đặc biệt đối với những lợi ích được xem là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, bao gồm các vấn đề liên quan đến chủ quyền.

3. Trong chừng mực nào đó, các cuộc tranh luận học thuật ở Trung Quốc đã bị hạn chế trong thời điểm chuẩn bị diễn ra chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Các cuộc tranh luận sẽ sôi nổi trở lại vào năm sau xung quanh việc: a) liệu Mỹ có đang thực sự đi xuống và cán cân quyền lực thế giới có dịch chuyển theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc hay không; và b) liệu giai đoạn thời cơ chiến lược 20 năm của Trung Quốc - bắt đầu vào thời điểm chuyển giao thế kỷ - có đang sớm đi đến kết thúc hay không. Những cuộc tranh luận như vậy sẽ càng đặt thêm áp lực lên vai các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, phải kiên quyết bảo vệ các lợi ích của nước này.

4. Theo các chuyên gia phân tích có uy tín của Trung Quốc, Bắc Kinh đã kết luận rằng chính sách của Đặng Tiểu Bình trong quản lý các tranh chấp tại Biển Đông đã thất bại. Chính sách này nêu rằng: a) chủ quyền thuộc về Trung Quốc; b) các tranh chấp có thể gác sang một bên; c) có thể tiến hành hợp tác khai thác chung. Người Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã tự kiềm chế không khai thác dầu và khí đốt trong các vùng biển tranh chấp nhưng các nước khác lại không làm như vậy. Một chính sách mới vẫn chưa ra đời và có thể sẽ được hoãn lại cho đến sau khi chuyển giao quyền lực. Nhiều khả năng chính sách mới sẽ càng cứng rắn hơn.

Khuyến nghị chính sách

Chính quyền Obama đã đúng đắn khi đề ra một số nguyên tắc định hướng hành vi ở Biển Đông. Tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi  “một tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên yêu sách nhằm giải quyết các hòa bình tranh chấp lãnh thổ, không sử dụng đến các biện pháp đe dọa.” Bà Clinton cũng nêu rõ rằng Mỹ phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kỳ bên yêu sách nào và nhấn mạnh đến vấn đề thương mại không bị cản trở, tự do hàng hải và mở cửa tiếp cận đến các vùng hàng hải chung của châu Á. Ngoại trưởng Clinton khẳng định rằng các bên nên yêu sách chủ quyền lãnh thổ và các quyền đi kèm trên biển dựa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Bà Clinton cũng hối thúc các bên sớm đạt được thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử và sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin.[8]

Điều quan trọng là Mỹ phải tuân thủ những nguyên tắc này và lên án bất cứ bên nào có hành vi không phù hợp với các nguyên tắc trên. Thái độ khách quan và công bằng sẽ tăng thêm uy tín cho chính sách của Mỹ. Một ví dụ điển hình về sự công bằng của Mỹ là tuyên bố đưa ra bởi Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào tháng 6. Sau khi nhắc lại các nguyên tắc của Mỹ, ông Panetta khẳng định đã “làm rõ các quan điểm của Mỹ với các nước đồng minh hiệp ước thân thiết, với Phi-líp-pin, cũng như làm rõ quan điểm với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.”[9]

Vào ngày 3/8/2012, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về Biển Đông đã dường như đã đi chệch hướng so với cách tiếp cận công bằng và khách quan trên. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao ghi nhận một cách đúng đắn sự gia tăng căng thẳng trong những tháng gần đây, dẫn ra một loạt các hành động đe dọa kinh tế, sử dụng các rào chắn để ngăn cản tiếp cận Bãi cạn Scarborough, và việc thiết lập cơ sở đồn trú quân sự của Trung Quốc nhằm giám sát các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.[10] Tuy nhiên, bằng việc đích danh chỉ trích Trung Quốc và không đề cập đến hành vi kích động từ các bên yêu sách khác, Mỹ đã tạo cho Bắc Kinh cái cớ để khẳng định rằng Washington đã đứng về phía chống Trung Quốc và làm yếu đi lập trường của Mỹ rằng các tranh chấp Biển Đông phải được quản lý dựa trên cách tiếp cận có nguyên tắc. Tuy không có gì phải bàn cãi rằng hành động của Trung Quốc là nghiêm trọng nhất trong số các bên ở Biển Đông; nhưng Mỹ có thể làm giảm uy tín của mình nếu không nhắc đến những hành động vi phạm của các bên liên quan khác.[11]

Trong thời gian tới, Mỹ nên bám sát cách tiếp cận có nguyên tắc trong việc quản lý các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và duy trì quan điểm trung lập xưa nay trong các tranh chấp này. Đồng thời, Mỹ nên nhấn mạnh đến những lợi ích chung của Mỹ và các quốc gia khác trong các chuẩn mực quốc tế, vốn đang bị đe dọa bởi chính sách cứng rắn của Trung Quốc.

Thứ hai, Mỹ nên hối thúc tất cả các bên tranh chấp tại Biển Đông phải đưa các yêu sách hàng hải của mình phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Mỹ cũng nên khuyến khích các thỏa thuận khai thác chung để khai thác tài nguyên.

Thứ ba, Mỹ nên tiếp tục hối thúc Trung Quốc và ASEAN bắt đầu đàm phán về một Bộ Quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý và chứa đựng các cơ chế giải quyết tranh chấp. Một khi quá trình đàm phán bắt đầu, nó có thể giúp làm hòa dịu tình hình và giảm bớt căng thẳng.

Thứ tư, các nước nhỏ trong khu vực đang lo ngại về một kiểu quan hệ nước lớn mới đang được bàn bạc giữa Washington và Bắc Kinh, có thể dẫn đến việc tăng cường hợp tác Mỹ - Trung trên lưng các nước khác, kể cả các thành viên của ASEAN.  Những mối quan ngại này phải nhanh chóng được loại bỏ và Mỹ nên tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN như là một điểm tựa cho sự ổn định khu vực.

Thứ năm, Mỹ cần phải tiếp tục tăng cường các cam kết về kinh tế, ngoại giao và quân sự tại Đông Á. Chiến lược tái cân bằng của Mỹ với trọng tâm hướng về châu Á là cần thiết để bảo đảm duy trì hòa bình và ổn định - những điều kiện đã tồn tại ở khu vực trong vòng hai thập kỷ qua và đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia khu vực.

Thứ sáu, Mỹ nên phê chuẩn UNCLOS để tăng thêm tính hiệu quả của các nỗ lực theo đuổi cách tiếp cận dựa trên luật pháp giúp quản lý và giải quyết các tranh chấp về quyền tài phán trên biển.

Nguồn: Tại đây

Người dịch: Tiến Tiệp

Hiệu đính: Minh Ngọc 


[1] Xem Carlyle A. Thayer, “A New Wave of Chinese Assertiveness: Roping off Scarborough Shoal, Oil

Leases in Vietnam’s EEZ, Military Garrison on Land, and Fishing Armada at Sea, paper presented to the 2nd South China Sea Conference Geo-Strategic Developments and Prospects for Disputes Management, Kuala Lumpur, Malaysia, 4-5 tháng 9, 2012.

[2] “South China Sea Issue Should Only be Resolved by Concerned Parties,” Xinhua, 5 tháng 8, 2012,

http://english.sina.com/china/2012/0805/493210.html.

[3] Oriana Skylar Mastro, “The Sansha Garrison: China’s Deliberate Escalation in the South China Sea,”

Center for a New American Security, tháng 9 2012.

[4] Bonnie S. Glaser, “China’s Coercive Economic Diplomacy – A New and Worrying Trend,” PacNet no.

46, Pacific Forum, CSIS, 23 tháng 7, 2012, http://csis.org/publication/pacnet-46-chinas-coercive-economic-diplomacy-new-and-worrying-trend.

[5] Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2011, Department of Defense, http://www.defense.gov/pubs/pdfs/2011_cmpr_final.pdf.

[6] David Lague, “Analysis: China’s Aircraft Carrier: in Name Only,” Reuters, 28 tháng 8, 2012.

[7] Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2012, Department of

Defense, http://www.defense.gov/pubs/pdfs/2012_CMPR_Final.pdf.


[8] Remarks at Press Availability, Hillary Rodham Clinton, Hanoi, Vietnam, 23 tháng 7, 2010,

http://www.state.gov/secretary/rm/2010/07/145095.htm.

[9] Speech by Secretary of Defense Leon E. Panetta, Shangri La Dialogue, Singapore, 2 tháng 6, 2012,

http://www.defense.gov/speeches/speech.aspx?speechid=1681.

[10] Press Statement on South China Sea, 3 tháng 8, 2012, http://www.state.gov/r/pa/prs/ps/2012/08/196022.htm.

[11] Xem Douglas H. Paal, “Dangerous Shoals: U.S. Policy in the South China Sea,”  Carnegie Endowment for International Peace, 11 tháng 8, 2012, http://www.carnegieendowment.org/2012/08/11/dangerous-shoals-u.s.-policy-in-south-china-sea/dc0d.