03/02/2023
Sau gần 3 năm theo đuổi chiến lược zero-covid, ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại nền kinh tế, các biện pháp phong toả đã hầu như được dỡ bỏ ở nhiều khu vực.
Theo số liệu công bố ngày 17/1/2023 của chính phủ Trung Quốc, năm 2023, dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ các chính sách phù hợp cũng như sự nới lỏng kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, các ngành như du lịch, hàng không, bán lẻ, logistics, sản xuất công nghiệp sẽ có triển vọng phục hồi nhanh chóng.
Không quá khó để nhận thấy những dự báo lạc quan trên đều có cơ sở. Hiện nay, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc vẫn là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Trong giai đoạn thực hiện chiến lược zero-covid vừa qua, chỉ số tiêu dùng ở Trung Quốc đã bị sụt giảm nghiêm trọng và tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Song chính sách mở cửa trở lại mới được công bố vừa qua sẽ là động lực đầu tiên kích cầu nội nhu, theo đó, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng dự kiến sẽ tăng từ 0,2% năm 2022 lên 7% năm 2023. Bên cạnh đó, số tiền tiết kiệm “bị dồn nén” của các hộ gia đình được công bố là 15,46 nghìn tỷ nhân dân tệ khi được “giải phóng” sẽ nhanh chóng trở thành động lực tăng chỉ số tiêu dùng ở Trung Quốc. “Kế hoạch thực hiện chiến lược mở rộng nội nhu giai đoạn 2022-2035” được ban hành cuối tháng 12/2022 vừa qua cũng cho thấy quyết tâm kích cầu trong nước của chính phủ Trung Quốc.
Bởi những chỉ dấu này, “Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2023” của Liên Hợp Quốc dự báo Trung Quốc có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2023[1]. Trong khi đó, các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu và thậm chí cả một số nước đang phát triển lại bị đánh giá sẽ chịu tác động tiêu cực bởi lạm phát, giá năng lượng và lương thực tăng cao… Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2023 sẽ tăng trưởng 4,4%[2]; Ngân hàng Thuỵ Sĩ (UBS) dự báo tăng trưởng 4,6%[3]; Ngân hàng Mỹ (BOM) dự báo là 5,5%[4]; Ngân hàng Morgan Stanley thậm chí còn đưa ra dự báo là 5,7%[5]. Các dự báo hầu hết đều cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng tốc từ Quý II năm nay khi dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách hỗ trợ của nhà nước bắt đầu phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc, vẫn có không ít những lo ngại, ý kiến trái chiều thậm chí đánh giá bi quan về triển vọng kinh tế của Trung Quốc sau giai đoạn mở cửa.
Một số đánh giá cho rằng, tình hình bên ngoài đang diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến môi trường phát triển nói chung của Trung Quốc. Cạnh tranh Mỹ-Trung có xu hướng nóng lên sau khi Hạ viện Mỹ vừa thông qua việc thành lập “Uỷ ban đặc biệt về Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc”, cuộc chiến tranh Ukraine vẫn diễn biến phức tạp và dự kiến kéo nền kinh tế của 1/3 các nước trên thế giới rơi vào suy thoái trong năm nay.
Theo GS Xu Minqi (Viện Kinh tế Thế giới, Học viện Thượng Hải, Trung Quốc), khi tăng trưởng thế giới rơi vào suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc bởi: thứ nhất, với tư cách là nước nhập khẩu năng lượng và lương thực lớn trên thế giới, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát nhập khẩu. Thứ hai, khi tăng trưởng của Mỹ và Châu Âu giảm sẽ kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm, điều này tác động tiêu cực đến chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc. Ông cho rằng, nền kinh tế của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một môi trường bên ngoài đầy thách thức[6].
GS Xia Ming, (trường Đại học City, Mỹ) còn cho rằng, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh phong toả một cách “vội vàng” khi nền kinh tế Trung Quốc chưa thực sự sẵn sàng. Chính bởi vậy, làn sóng covid mới có thể sẽ nhanh chóng lây lan và khiến chính phủ Trung Quốc rơi vào trạng thái mất kiểm soát mới.
Ngoài ra, ba năm thực hiện chính sách zero-covid đã khiến nguồn vốn đầu tư nước ngoài - một trong những đầu tàu của nền kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng bị thu hẹp, thậm chí rút khỏi đại lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc trong độ tuổi 16-25 tuổi vẫn ở mức cao hai con số, điều này khiến những chính sách kích cầu của chính phủ dù có mạnh mẽ đến mấy cũng khó có thể “kích cầu” một số lượng lớn người dân đang gặp “khó khăn tạm thời”.
Chính bởi vậy, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Kristalina Georgieva cũng cho rằng không loại trừ khả năng nền kinh tế của Trung Quốc năm 2023 còn tồi tệ hơn năm 2022[7].
Tuy nhiên, dù tương lai nền kinh tế Trung Quốc sẽ diễn biến theo chiều hướng nào cũng không thể phủ nhận rằng sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc đang thổi một làn gió mới, thổi sức sống vào nền kinh tế đã gần như bị “đóng cửa” trong suốt ba năm qua. Đây là một tín hiệu đáng mừng và phần nào có thể giải toả nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển đều đang tăng trưởng chậm lại.
Hoàng Lan, nghiên cứu viên Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho quan điểm của đơn vị tác giả đang công tác.
[1] Xem thêm tại https://news.un.org/zh/story/2023/01/1114487
[2] Xem thêm tại http://cacs.mofcom.gov.cn/article/gnwjmdt/db/imf/202302/175640.html
[3] Xem thêm tại https://iccs.org.tw/NewsContent/35
[4] Xem thêm tại https://www.chinatimes.com/newspapers/20230119000190-260203?chdtv
[5] Xem thêm tại http://paper.people.com.cn/rmrbhwb/html/2023-01/28/content_25961142.htm
[6] https://www.sass.org.cn/2023/0116/c1210a499543/page.htm
[7] Xem thêm tại https://info.51.ca/articles/1174111
Ngày 08/7/2024, tại cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines tại Manila, hai nước đã ký Hiệp định Tiếp cận quân sự tương hỗ (RAA). Đây là thỏa thuận RAA đầu tiên Philippines ký với nước khác và là RAA đầu tiên Nhật Bản ký với một nước Đông Nam Á cũng là RAA thứ...
Ngày 17/6, lực lượng tác chiến đặc biệt và lực lượng cứu hộ dân sự Philippines đã sử dụng một tàu vận tải, 5 xuồng cao su tốc độ cao để tiếp tế cho binh lính đồn trú trên tàu Sierra Madre nằm cạn tại Bãi Cỏ Mây. Trước diễn biến này, Trung Quốc cũng dùng các tàu, xuồng của lực lượng hải cảnh để ngăn chặn,...
Việt Nam có thể xem xét tham gia các tuyến cáp quang biển kết nối đầu từ xây dựng tuyến cáp quang mới kết nối với Sydney và Chennai, xây dựng một tuyến dây cáp quang ven biển nội bộ, và xây dựng liên doanh giữa các doanh nghiệp cáp quang biển Việt Nam.
Dự báo trong thời gian tới, Campuchia sẽ thúc đẩy quan hệ với Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì và đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Song, Campuchia sẽ cần khéo léo trong đường lối đối ngoại để có thể vừa tối đa hóa lợi ích quốc gia, vừa cân bằng được quan hệ với Mỹ-Trung.
Lễ nhậm chức của nhà cầm quyền Đài Bắc Lại Thanh Đức diễn ra ngày 20/5/2024 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận về triển vọng quan hai bờ, quan hệ Mỹ - Đài cũng như những điều chỉnh chính sách của Đài Bắc đối với khu vực.
Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 20/5, tân lãnh đạo Đài Bắc Lại Thanh Đức nhắc tới Trung Quốc tổng cộng 7 lần. Điểm đáng chú ý là ông Lại công khai chỉ trích hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc, cho rằng“các hành động quân sự và hành động vùng xám của Trung Quốc bị coi là các thách thức chiến...