Tại bãi Second Thomas Shoal (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây, Philippines gọi là Ayungin, Trung Quốc gọi là Nhân Ái), một tốp lính thủy đánh bộ Philippines đã đồn trú từ lâu và được tiếp tế hậu cần ở trên boong tàu han gỉ của tàu BRP Sierra Madre, một tàu hải quân Philippines đã bị chìm một nửa ở bãi đá này năm 1999. Kể từ khi đó, con tàu BRP Sierra Madre và những người lính Philippines đã trở thành hiện thân cho tuyên bố chủ quyền của Manila đối với bãi đá này. Gần đây hơn, Trung Quốc đã cố gắng tìm cách làm nổi bật tuyên bố chủ quyền riêng của họ đối với bãi Second Thomas Shoal bằng việc tăng cường tuần tra xung quanh khu vực này. 

Vào ngày 9/3/2014, Trung Quốc đã có một động thái nhằm chấm dứt tính nguyên trạng tại bãi Second Thomas Shoal. Lần đầu tiên trong 15 năm qua, Bắc Kinh đã ngăn chặn Manila vận chuyển đồ tiếp tế lên tàu BRP Sierra Madre. Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đã buộc hai tàu Philippines phải chuyển hướng đi chỗ khác. Manila đã đáp trả sự phong tỏa này bằng việc thả thành công thực phẩm và nước uống cho những lính thủy đánh bộ trên tàu BRP Sierra Madre bằng đường hàng không. Mọi chuyện phụ thuộc vào việc liệu Manilacó cử một tàu hay máy bay tiếp tế khác hay không; và cũng phụ thuộc vào việc liệu Bắc Kinh có để yên cho tàu hoặc máy bay tiếp tế đó hay không, hay Bắc Kinh sẽ đuổi tàu hoặc máy bay đó đi, đánh chìm con tàu hoặc bắn hạ chiếc máy bay. 

Trung Quốc tuyên bố rằng các tàu Philippines “đã được chất đầy các nguyên vật liệu xây dựng” để củng cố vị trí của Manila. Manila nói rằng các tàu này chỉ đang cố gắng tiếp tế cho những lính thủy đánh bộ trên tàu BRP Sierra Madre “nhằm cải thiện các điều kiện sống ở đó”, chứ không phải nhằm “bành trướng hay xây dựng các khối kết cấu lâu dài trên bãi đá” này. 

Sự thống trị và tuyên bố 

Cách đây hơn chục năm, Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó bao gồm cả Philippines, đã ký “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) năm 2002. Các bên tham gia ký DOC đã cam kết “giải quyết những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải và những tranh cãi về phạm vi quyền thực thi pháp lý xung quanh đó bằng các biện pháp hòa bình, mà không dùng đến biện pháp đe dọa hay sử dụng vũ lực.” Việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại các tàu tiếp tế của Philippines tại bãi Second Thomas Shoal hôm 9/3 đã vi phạm DOC. 

Các bên ký kết DOC cũng đã nhất trí “tự kiềm chế trong việc ứng xử với những hoạt động sẽ làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định”. Nỗ lực tiếp tế của Philippines hôm 9/3 đã được lên kế hoạch để tiếp tục việc cung cấp bằng đường biển trong nhiều năm qua, vốn đã duy trì tính nguyên trạng tại bãi Second Thomas Shoal kể từ năm 1999. Điều đó không gây ra một sự phức tạp và không phải là một hành động leo thang. 

Các quốc gia thương lượng DOC vào năm 2002 đã nhất trí không đưa người đến sinh sống tại những bãi đá “hiện không có người ở” tại Biển Đông. Tuy nhiên, bãi Second Thomas Shoal đã có người ở vào năm 2002. Manila đã luân phiên những lính thủy đánh bộ của họ thông qua tàu BRP Sierra Madre và qua đó chiếm giữ bãi đá này trong 3 năm trước khi DOC được ký kết. Sự phong tỏa của Trung Quốc đối với các tàu Philippines hồi đầu tháng này cũng không duy trì được cam kết của các bên ký kết DOC về việc “giải quyết các bất đồng giữa họ theo một cách thức mang tính xây dựng”. 

Mỹ, quốc gia có hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về hành động của Trung Quốc tại bãi Second Thomas Shoal. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki, tuyên bố: “Đây là một động thái khiêu khích làm gia tăng những căng thẳng. Sự phân định đối với những tuyên bố tranh chấp ở Biển Đông còn chưa được giải quyết. Không nên có sự can thiệp vào những nỗ lực của các bên cùng có tuyên bố chủ quyền, để duy trì hiện trạng”.

Còn quá sớm để biết hậu quả của sự leo thang mới nhất từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải là quá sớm để đặt hành động này của Trung Quốc trong bối cảnh lịch sử. Hãy xem xét danh sách chưa đầy đủ về những vụ việc liên quan đến cách hành xử đơn phương của Trung Quốc ở khu vực này trong thập kỷ qua: 

Sự xâm chiếm của Trung Quốc đối với đảo đá ngầm Mischief (Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn) và bãi cạn Scarborough (Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham, Manila gọi là Panatag) của Philippines; sự quấy nhiễu liên tục của Trung Quốc đối với các tàu của Việt Nam và Philippines; những hành động quyết liệt của các tàu chiến Trung Quốc xung quanh bãi cạn James (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu), nơi Malaysia tuyên bố chủ quyền, trong đó bao gồm cả việc bắn chỉ thiên cảnh cáo; tuyên bố của Trung Quốc rằng bất kỳ người hoặc tàu nào không phải của nước này trước tiên phải xin phép mới được đánh bắt cá ở một khu vực bao trùm hơn một nửa diện tích Biển Đông; Trung Quốc từ chối làm rõ ý nghĩa của đường chữ U (còn gọi là đường chín đoạn hoặc đường lưỡi bò) rộng lớn trên các bản đồ mà Bắc Kinh sử dụng để biện minh cho chủ quyền của họ đối với các vùng nước và/hoặc các đảo đá ở Biển Đông; Bắc Kinh công khai từ chối làm dịu bớt căng thẳng với Jakarta liên quan một phần Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở phía Đông Natuna mà đường chữ U cắt qua; và giờ đây là việc các tàu tiếp tế của Philippines bị chặn ở bãi Second Thomas Shoal. 

Hồ sơ lâu dài và đang tiếp diễn về những sự khẳng định đơn phương hoặc các vụ gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã cho thấy rõ ý định của Bắc Kinh. Trung Quốc muốn và đang cố gắng tìm cách giành được sự thống trị đối với các vùng nước ở sau cái mà họ gọi là “chuỗi đảo thứ nhất.” Phần Đông-Nam Á của chuỗi đảo đó chạy từ Đài Loan và Tây Nam Philippines dọc theo bờ biển Borneo tới các đảo Natuna và Anambas của Indonesia, rẽ sang phía Bắc tới bán đảo Mã Lai ở vị trí song song, qua cửa vịnh Thái Lan, và tiếp tục tiến về phía Bắc đi men theo bờ biển Việt Nam tới đảo Hải Nam của Trung Quốc ở phía Đông các đảo nằm hoàn toàn trong Vịnh Bắc Bộ, viền thành đường chữ U. 

Vì ít nhất 3 lý do, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc không nên khó chịu nếu như các chuyên gia quan sát kết luận rằng cuối cùng trong đầu họ có mong muốn thống trị. Đầu tiên, sự thống trị trong thực tiễn có thể có những giới hạn cứng hoặc mềm; hậu quả tai hại của nó có thể thay đổi khác nhau. Thứ hai, tại sao Bắc Kinh công khai tuyên bố yêu sách trên một phạm vi rộng lớn với sự quyết liệt như vậy nếu như họ không thực sự muốn tham vọng của mình về việc làm chủ ở Biển Đông được thừa nhận thay vì bị hoài nghi? Thứ ba, nếu như những tuyên bố chủ quyền của họ được đánh giá công bằng và hợp lý, thì “lớp áo choàng” che đậy sự thống trị không hợp lý ở chỗ nào? 

Trung Quốc không phải là nước hành động một mình. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, và Việt Nam đã đưa ra những đánh dấu chủ quyền của riêng họ. Toàn bộ 6 bên có tuyên bố chủ quyền này đều chịu trách nhiệm, theo những cách khác nhau và ở những mức độ khác nhau, về tình trạng rắc rối dễ gây bất ổn tồn tại dai dẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, chưa một bên nào trong số những đối thủ này sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực thường xuyên hơn trong việc đẩy mạnh các tuyến bố chủ quyền của họ như Trung Quốc đã làm. 

Lập luận của Bắc Kinh về các quyền dựa trên lịch sử không thể bị bác bỏ trước. Nếu như lập luận này từng được làm rõ hoàn toàn và được đánh giá từng phần, thì lí lẽ của Trung Quốc thậm chí có thể trụ vững hơn, như nó đã từng như vậy, so với những lập luận của các đối thủ của Trung Quốc. Không một giải pháp công bằng và lâu dài nào cho vấn đề này có thể phớt lờ lập trường của Bắc Kinh, cho dù nó có thể quá táo tợn. Trong khi chờ đợi, bằng việc đơn phương tạo ra những thực tế trên vùng biển đó, Trung Quốc đang tìm cách thực hiện sự thống trị của họ như là một “tình trạng bình thường mới” mà toàn bộ các bên có tuyên bố chủ quyền khác, và những kẻ bên ngoài, bao gồm cả Mỹ, phải chiều theo. 

ASEAN sẽ làm gì? 

Câu hỏi không phải là “Trung Quốc có ý định gì?”: Câu trả lời – sự thống trị theo một số kiểu và mức độ - là điều đã được biết. Câu hỏi là “Bất cứ ai khác chuẩn bị làm gì?” 
Cả Mỹ lẫn Nhật Bản đều sẽ không tiến tới chiến tranh xung quanh những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh lẫn nhau ở Biển Đông. Washington giờ đây đang bận tâm với vấn đề Ukraina – chưa kể tới nỗ lực ngoại giao (đến nay) vẫn liên tục thất bại của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong các vấn đề Iran, Israel-Palestine, và Syria. Số phận bí ẩn của chuyến bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Quốc gia Malaysia (Malaysia Airlines) đã thu hút bất kỳ sự chú ý nào còn lại trên toàn cầu. Do những sự sao lãng này, Trung Quốc khó có thể chọn được một thời điểm nào tốt hơn để ngăn cản các tàu của Philippines như lúc này. 

Biển Đông là trung tâm hàng hải của khu vực Đông Nam Á. Trong khu vực này không có một loạt quốc gia nào - ở gần kề nhau – lại bị tác động nhiều hơn bởi những gì Trung Quốc làm ở đó. Vấn đề được đặt ra bởi sự phong tỏa của Trung Quốc là: ASEAN sẽ làm gì? Họ sẽ tiếp tục phớt lờ các động thái của Trung Quốc? Hay họ sẽ chống lại những hành động đó, nhưng ở mức lịch sự? 

Vào ngày 18/3, các quan chức ASEAN và những người đồng cấp Trung Quốc đã gặp nhau ở Singapore tại phiên họp thứ 10 của Nhóm làm việc chung về việc thực hiện DOC. Nhóm này đã được triệu tập họp định kỳ kể từ năm 2005 nhưng chưa đem lại kết quả có ý nghĩa nào. Trung Quốc đặc biệt mong muốn đồng thời làm việc theo hai hướng: lôi kéo ASEAN vào các cuộc thảo luận thiếu hiệu quả, trong khi thay đổi dần dần những điều kiện về các vùng nước ở Biển Đông. 

Các quốc gia ASEAN cũng như Trung Quốc đã tiếp tục nói về việc một ngày nào đó chuyển từ một DOC đơn thuần sang một COC – một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc thực hiện DOC, chưa kể đến việc chuyển sang một COC, đã tỏ ra là ảo tưởng hão huyền. Một lần nữa, Trung Quốc không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra sự trì hoãn; ASEAN bị chia rẽ về điều mà họ sẽ làm, có thể nói là bất kỳ điều gì mà họ sẽ làm. Mặc dù vậy, chiến lược của Trung Quốc là rõ ràng: sử dụng hoạt động ngoại giao vô bổ để “câu giờ” cho vị trí đứng đầu thực chất, do đó đảm bảo rằng các cuộc thương lượng trong tương lai sẽ phục vụ cho những mục đích của người Trung Quốc. 

Các nhà chức trách Trung Quốc ít nhất nên được tin tưởng vì sự thẳng thắn của họ trong việc truyền đạt tham vọng của họ cản trở sự tiến bộ trong lộ trình ngoại giao. Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 7/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời một câu hỏi về cuộc họp của Nhóm làm việc chung ở Singapore bằng cách nói rằng “Trung Quốc và các quốc gia ASEAN” đã tập trung ở Singapore sẽ “tiếp tục trao đổi các quan điểm” về việc “thực hiện DOC” và “tổ chức các cuộc tham vấn” về một COC “theo khuôn khổ của việc thực hiện DOC.” Ông này nói rằng Trung Quốc đã “sẵn sàng làm việc với các quốc gia ASEAN để giữ đúng cam kết” để “thực thi DOC và dần dần thúc đẩy hoạt động tham vấn” về một COC “trong quá trình này.” Người phát ngôn này cũng bày tỏ hi vọng về một “bầu không khí” và “những điều kiện” thuận lợi cho “quá trình nói trên.” 

Những phát biểu chính thức đã cho thấy ít sự cấp bách hay sự quan tâm đến việc tiến tới một thỏa thuận. Những phát biểu đó không phải tập trung vào kết quả mà tập trung vào quá trình, vào việc tiếp tục đàm phán, vào việc tạo ra một môi trường có lợi cho việc trao đổi các quan điểm. (Người phát ngôn trên đã ngầm ám chỉ rằng), Trung Quốc đã “sẵn sàng làm việc” nhưng không thực sự thực hiện DOC hay đàm phán về một COC. Trung Quốc chỉ chuẩn bị (a) làm việc với các quốc gia ASEAN không cụ thể; (b) hướng tới theo đúng cam kết; (c) đối với tiến trình đàm phán (d), có lẽ là cuối cùng, để đạt được điều gì đó. Hai ngày sau đó, Trung Quốc đã ngăn cản các tàu của Philippines tại bãi Second Thomas Shoal. 

Kết quả gần như chắc chắn của cuộc họp ở Singapore là một thông báo lặp lại khác về sự tin tưởng vào một ảo tưởng kép về một đường chân trời thời gian luôn luôn lùi xa: sự tuân theo cuối cùng với DOC và sự tồn tại cuối cùng của một COC. Tuy nhiên, điều đó nói lên rằng một số thay đổi gần đây, cho dù là khiêm tốn, trong sự khoa trương của ASEAN, đang kích thích trí tò mò. 

Vào tháng 11/2013, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố với lời lẽ đe dọa về việc nước này đơn phương thiết lập một “Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông”. Phạm vi của khu vực trên biển cũng như trên không dường như gây nguy hiểm cho cả tự do hàng hải (FON) lẫn tự do hàng không (FOO) ở các vùng nước thuộc khu vực Đông Bắc Á. 

Ai đó hy vọng ASEAN sẽ không bình luận về tuyên bố đó của Trung Quốc, để không chọc giận Bắc Kinh và dường như không thiên về hướng ủng hộ Nhật Bản hay Mỹ, hai quốc gia đều bác bỏ ADIZ này. Tuy nhiên, một Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản ở Tokyo vào ngày 14/12 năm ngoái đã đưa ra một Tuyên bố chung trong đó bao gồm một mục về “tự do và an toàn đi lại trên biển và trên không.” 

11 nhà lãnh đạo Nhật Bản và ASEAN đã đặc biệt “nhất trí tăng cường hợp tác trong việc đảm bảo tự do bay và an toàn hàng không dân sự phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận rộng rãi trên thế giới, trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và những tiêu chuẩn liên quan cùng những thông lệ đã được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đưa ra". Đây là những sự đề cập gần như không cần phải che đậy đối với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và kiểm soát giao thông đường không ở vùng trời bên trên biển Hoa Đông. 

Phnom Penh, Bagan và hơn thế nữa 

Vào tháng 7/2012 ở Phnom Penh, tại một cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thực hiện mệnh lệnh của Trung Quốc bằng cách hủy bỏ bản thông cáo chung theo truyền thống được đưa ra vào cuối những sự kiện như vậy. Ông ta đã làm điều đó, đi ngược lại những mong muốn của Manila và Hà Nội rằng bản thông cáo chung thừa nhận, cho dù chỉ là gián tiếp, những tranh chấp ở Biển Đông. Ngược lại, vào tháng 12/2014 ở Tokyo, Thủ tướng Hun Sen đã đứng sang một bên và để cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN–Nhật Bản ngầm chỉ trích lập trường của người bảo trợ Trung Quốc. 

Ai đó có thể bác bỏ rằng những gì đã xảy ra ở hội nghị thượng đỉnh tại Tokyo không hơn gì một “mẩu bánh mì chỉ được thả một lần vào bát nước súp” cho Nhật Bản, được các vị khách lịch thiệp thực hiện một cách chiếu lệ với nước chủ nhà. Tuy nhiên, gần một tháng sau quan điểm đó đã bị thách thức bởi điều mà ASEAN đã nghĩ là thích hợp để nói về sự tính toán riêng của họ, mà không có sự hiện diện của những người nước ngoài. Điều đó đã xảy ra tại một cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN được tổ chức ở Bagan vào ngày 17/1/2014, nhiệm vụ đầu tiên của ASEAN được Myanmar chủ trì tổ chức kể từ khi nước này tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên ASEAN đầu tháng đó. 

Cuộc họp đó là sự kiện không chính thức; không có thông cáo chung nào được đưa ra. Tuy nhiên, theo tóm tắt chính thức về sự kiện này trên các trang web của Ban Thư ký ASEAN và Bộ Ngoại giao Myanmar, các Ngoại trưởng “đã bày tỏ những sự quan ngại của họ về các diễn biến gần đây ở Biển Đông. Họ đã tái khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và sự ổn định, an ninh hàng hải [và] tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như tự do hàng không trên Biển Đông”. Họ cũng được cho là đã “kêu gọi tiếp tục tự kiềm chế trong các hoạt động ứng xử.” Và tất cả những lập trường này đều được đưa ra tại một cuộc họp không có sự tham dự của Tokyo hay bất kỳ cường quốc nước ngoài nào khác. 

Philippines đã tuyên bố sẽ gửi thêm các tàu tới tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre. Có lẽ lập trường cứng rắn đó sẽ cho phép Nhóm làm việc chung công khai kêu gọi “sự tự kiềm chế” sau những đảm bảo cá nhân với Bắc Kinh rằng sự chỉ trích thực sự quan trọng đối với Manila. Có lẽ một cuộc thảo luận sôi nổi về Biển Đông sẽ diễn ra tại Singapore một khi Trung Quốc được đảm bảo rằng bất kể điều gì được nói ra trong phòng họp sẽ được giữ nguyên ở đó. 

Các quốc gia ASEAN thậm chí có thể có nguy cơ làm phật ý Trung Quốc bằng việc đưa tin, tóm tắt lại sự kiện này trên trang web của Ban Thư ký ASEAN, những sự bày tỏ (không được quy cho nước nào) quan ngại về các nguy cơ không được nêu tên đối với FON và FOO. Điều đó nói lên rằng không nên nín thở. Ngay cả khi ASEAN không tự kiểm soát, chỉ mình những từ ngữ mang tính xây dựng sẽ không ngăn chặn được những hành động khinh suất, cho dù là gây ra bởi Trung Quốc, Philippines, hay bất kỳ ai khác. 

Có phải Bắc Kinh đã cố ép bản thân họ vào một chiếc hộp hay không? Liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có phát hiện ra bản thân họ bị vướng vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan: không thể dừng việc phong tỏa các tàu và máy bay của Philippines do lo ngại về tình trạng có vẻ như là sự yếu kém trong mắt của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc, nhưng cũng không thể “cầm tù” các lính thủy đánh bộ của Manila ở trong một nhà tù đại dương-không trung vô hình, được duy trì bởi những vũ khí của Trung Quốc mà không khiến các nước láng giềng Đông Nam Á của Bắc Kinh xa lánh hơn nữa, hay không? 

Hoặc có lẽ ASEAN sẽ vờ như không nhìn thấy gì, để cho người Philippines tự lo liệu cho bản thân họ, và theo cách đó, trên “Con đường ASEAN” đồng thuận, không quá sôi nổi của riêng họ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống trị của Trung Quốc đối với Biển Đông. Chắc chắn là đối với một số người ở Đông Nam Á, kết quả cuối cùng là một kết luận đã được biết trước.

Theo Asia Times Online

Trần Quang (gt)