Thông tin này đã được đăng tải trên trang web của Tân Hoa Xã vào lúc 09:42:31 (giờ Bắc Kinh) vào ngày 10/1/2013.[1] Mặc dù thông tin trên cho biết cuộc khảo sát sẽ được tiến hành trên khắp cả nước, nhưng cũng đề cập riêng đến khu vực Tam Sa (cụ thể là Biển Đông) và những điểm thuộc đường cơ sở (bao gồm tất cả các vùng biển có tranh chấp). Báo cáo này khá ngắn gọn, và được dịch ra như sau:

“Chương trình khảo sát toàn diện các nguồn tài nguyên biển, đảo lần thứ 2 của Trung Quốc sẽ được diễn ra trong nửa đầu năm nay. Chương trình khảo sát này dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2016. Bằng việc thực hiện khảo sát, Trung Quốc hy vọng sẽ khắc phục được những khó khăn trước đây liên quan đến việc phân bổ, chất lượng và số lượng các nguồn tài nguyên trong vùng biển, đảo quan trọng như thành phố “Tam Sa” và những điểm thuộc đường cơ sở khác.”

Chắc chắn việc công khai kế hoạch mới này sẽ vấp phải những lời chỉ trích từ các quốc gia khác có tranh chấp vùng biển với Trung Quốc (bao gồm cả tranh chấp về các đảo), có lẽ chỉ trừ Đài Loan. Nhưng việc leo thang tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông mới là điều đáng lo ngại hơn.

Vẫn chưa rõ là các quốc gia như Nhật Bản và Việt Nam sẽ sử dụng  biện pháp gì khi các tàu khảo sát của Trung Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc khảo sát tại các vùng biển và đảo mà họ tuyên bố chủ quyền. Và cũng chưa rõ liệu các tàu của Trung Quốc sẽ dùng những biện pháp an ninh nào để chống lại hành động ngăn chặn của tàu thuyền của những bên yêu sách khác.

Trước đây, các nước trong khu vực có  tranh chấp đã dùng đến cách xây dựng các công trình, cắt cáp biển, sử dụng vòi rồng, cho phép biểu tình dân sự, cho phép các tàu quân sự và bán quân sự, máy bay đi qua và tuần tra và các biện pháp tương tự… để củng cố các yêu sách của mình. Cho dù các bên đã thảo luận việc khai thác chung các nguồn tài nguyên, tuy nhiên cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy rằng những tranh chấp này sẽ được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan mà không khiến các nước này bị kích động vì những vấn đề liên quan đến lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.[2]

Xu hướng trong thời gian gần đây đó là các nước củng cố yêu sách chủ quyền của mình thông qua các biện pháp hành chính và lập pháp. Mục đích là để thể hiện uy quyền của quốc hội và chính phủ. Chính sách này cũng khiến tất cả các vấn đề liên quan đến “lãnh thổ quốc gia” đều trở thành các vấn đề không thể đàm phán được. Trong quá khứ, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam cũng đều có những động thái theo hướng trên.

Động thái gần đây của Trung Quốc dường như cũng phục vụ mục tiêu củng cố yêu sách đối với các vùng biển bằng việc thực hiện “các cuộc khảo sát”, điều mà một quốc gia thường làm trong vùng lãnh thổ của họ.  Hành động này cũng có khả năng khiến các bên tranh chấp khác có cảm giác bị đe dọa. Bên cạnh đó, với mức độ thường xuyên củng cố các yêu sách của mình, Trung Quốc rõ ràng chiếm lợi thế tâm lý so với các nước khác khi luôn "đi trước một bước".

Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này đó là chắc chắn sẽ dẫn đến một kết quả mà Trung Quốc không hề mong muốn – đó là sự can dự và hiện diện lâu dài của Mỹ. Đây sẽ là một thất bại đối với tầm nhìn, chính sách ngoại giao và  tầm ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc. Đồng thời, đó cũng có thể là thất bại chung của không chỉ các quốc gia có tranh chấp, mà còn cả của các diễn đàn đa phương trong khu vực như ASEAN, ARF, ADMM+,… những kênh đối thoại với mục tiêu giúp khu vực đạt được các giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được đối với các tranh chấp. Bế tắc chủ yếu nằm ở việc liệu Trung Quốc có tiếp tục lái các cuộc đàm phán tranh chấp theo hướng song phương hay các nước khác sẽ chỉ chấp nhận đàm phán theo hướng đa phương.

Trong bối cảnh bế tắc như vậy và nguy cơ gia tăng căng thẳng, rõ ràng  bên cạnh việc tăng cường  lực lượng quân sự và bán quân sự, cách duy nhất mà các quốc gia có tranh chấp khác có thể thực hiện trong ngắn hạn đó là tiếp tục lôi kéo những quốc gia lớn hơn bên ngoài khu vực như Mỹ, Nga và Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốc tin rằng không nước nào trong số này sẽ sử dụng sức mạnh quân sự của mình để hỗ trợ bất kỳ một bên tranh chấp nào trong khu vực đánh lại Trung Quốc, dù đó là Chiến lược Xoay Trục của Mỹ hay Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Quan trọng hơn hết, Trung Quốc tự tin rằng chỉ bằng sức mạnh của mình, Trung Quốc vừa có thể bảo vệ cả khu vực khỏi sự ảnh hưởng từ bên ngoài, vừa có thể giúp nước này có một lợi thế đáng kể trong các tranh chấp trên.

Mỹ có thể có ảnh hưởng nhất định đối với một số đồng minh cũ và một số đối tác mới sẵn sàng hợp tác với họ trong khu vực, để Mỹ đóng một vai trò nhất định trong việc giải quyết tranh chấp. Trong khi Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Úc được xem như các đồng minh cũ, thì Việt Nam và Indonesia được xem là những nước sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ của khu vực. Tuy nhiên, do Trung Quốc chắc chắn sẽ không để Mỹ hoặc bất kỳ “một quốc gia bên ngoài” nào có cơ hội như vậy, nên triển vọng về việc Mỹ sẽ có một vai trò tích cực và trực tiếp trong vấn đề này có vẻ như sẽ không thành hiện thực.

Nga cũng quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới những vùng biển trên, nhưng nước này  biết rằng họ không thể can dự trực tiếp vào các tranh chấp lãnh thổ tại đây. Bên cạnh đó, Nga phải giải quyết những mối quan tâm an ninh cũng đang rất cấp bách tại những khu vực khác. Một số quốc gia trong khu vực hy vọng Ấn Độ sẽ hiện diện rõ ràng hơn tại Biển Đông, có thể là để phòng ngừa Trung Quốc. Tuy nhiên, triển vọng về vai trò mang tính quyết định của Ấn Độ  tỏ ra khá mơ hồ vào thời điểm hiện tại, mặc dù có vẻ như sự hiện diện, cho dù là hạn chế, của Ấn Độ tại khu vực đã làm giảm đi khả năng xuất hiện các hành động quân sự đơn phương tại đây

Biết rằng, Ấn Độ đang tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại một khu vực của Biển Đông thuộc Việt Nam mà Trung Quốc cũng yêu sách chủ quyền. Để có thể tiếp tục giữ được thỏa thuận giữa Công ty TNHH ONGC Videsh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời thuyết phục các bên tranh chấp khác nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình là một thách thức dành cho phía Ấn Độ. Rõ ràng, vị thế của Ấn Độ tại khu vực sẽ được cải thiện nếu nước này đưa ra được một công thức cho giải pháp mang tính hòa bình được tất cả các bên liên quan chấp thuận.

Điều gì sẽ xảy ra trong những tháng tới là một việc rất khó đoán biết. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh của xu hướng này, rất có thể khu vực Đông Á và Đông Nam Á sẽ dần dần rơi vào vùng xung đột, và cùng với đó, tiềm năng phát triển, sự thịnh vượng, hòa bình và giấc mơ về một thế kỷ của châu Á sẽ dần trở nên xa vời.

Tác giả Bijoy Das là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng, New Delhi. Bài viết đăng lần đầu tiên trên trang IDSA (ngày 11/1).

 

Người dịch: Quang Tiệp

Hiệu đính: Minh Ngọc


[1] Xinhua News Agency, 10/1/2013,có tại http://news.xinhuanet.com/2013-01/10/c_114317329.htm, truy cập lần cuối ngày 10/1/2013.

[2] Inquirer Global Nation, 7/1/2013, có tại http://globalnation.inquirer.net/61033/philippines-cautious-on-chinas-of..., truy cập lần cuối ngày 10/1/2013.