Không còn “giấu mình chờ thời”, Trung Quốc rõ ràng đã bước vào một kỷ nguyên quyết đoán mới, gạt sang một bên lời kêu gọi kéo dài hàng thập kỷ của Đặng Tiểu Bình về sự ôn hòa, nhún nhường và cân nhắc trong chính sách đối ngoại. Trung Quốc đang chuyển từ việc củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình trên các thực thể mà nước này đã và đang chiếm giữ trong nhiều thập kỷ qua, sang chi phối toàn bộ Biển Đông, dần dần đạt được khả năng “hất cẳng” hoàn toàn các nhà nước tuyên bố chủ quyền của Đông Nam Á khỏi những cấu trúc khác thuộc quyền kiểm soát của họ. Một cách khá tự nhiên, cảm giác hoảng loạn đã bao trùm lên các nước láng giềng như Philippines, nước bị mắc kẹt trong một vụ tranh cãi hàng hải gay gắt và dường như vô vọng với người láng giềng khổng lồ. Ở đây chúng ta không còn chỉ nói về những giả thuyết; Trung Quốc đang hiện thực hóa một cách không nao núng những tuyên bố chủ quyền của mình trên khắp các vùng biển liền kề.

Còn lâu mới phải viện đến chiến thuật thường xuyên là sự mập mờ thuần túy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc – được cho là “tiếng nói ôn hòa” trong bộ máy nhà nước Trung Quốc – đã trở nên ngày càng thẳng thắn và công khai trong việc bảo vệ hành vi quyết đoán của Trung Quốc tại các vùng biển liền kề. Sau nhiều tháng phủ nhận liên tục, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã ngang nhiên tuyên bố: “Trung Quốc có quyền thiết lập các Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)” trong các vùng biển liền kề, và “quyết định về điều này tùy thuộc vào tình trạng an toàn hàng không có bị đe dọa hay không và bị đe dọa tới mức nào”.

Mặc dù vậy, một cách khá mỉa mai, bà cũng phủ nhận suy đoán ngày một gia tăng rằng Trung Quốc sẽ lập một ADIZ trên Biển Đông, phủ nhận rằng đó có thể là một thủ đoạn tuyên truyền của Philippines và các nước khác, và lập luận rằng “Trong những điều kiện này, tôi nghĩ các cá nhân [như Philippines] đang thổi phồng về ADIZ mà Trung Quốc có khả năng muốn thiết lập trên Biển Đông, điều này rõ ràng có những động cơ không nói ra”. Tóm lại, Trung Quốc có quyền thiết lập một ADIZ trong các khu vực mà nước này thực hiện “chủ quyền vốn có và không thể bàn cãi”, và các nước láng giềng chỉ nên giữ im lặng về điều đó. Một vài tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra lập trường tự cao tự đại và đầy phẫn nộ tương tự, khi nước này về cơ bản đã yêu cầu ASEAN kiềm chế nói bất kỳ điều gì về các hoạt động cải tạo ồ ạt của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong các xã hội dân chủ của chúng ta, tính minh bạch nhìn chung được coi là một điều tích cực. Nhưng trong vấn đề các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, thành thật mà nói sự phát triển của Trung Quốc không nhất thiết là một điều tốt đẹp, vì nó phản ánh lòng tin của Bắc Kinh rằng họ có thể cho các nước láng giềng thấy một sự đã rồi về lãnh thổ và một phát súng kết liễu chiến lược chống lại đòi hỏi của Washington về quyền tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, thói kiêu căng ngạo mạn của Trung Quốc cũng đang dẫn đến một “liên minh trên biển của những nước chung ý nguyện” ở vùng ngoại vi của nước này, thách thức hiểu biết thông thường rằng Trung Quốc được cho là đã tìm cách mua chuộc các nước láng giềng của họ bằng những sự hào phóng về kinh tế. Ngay cả Hàn Quốc thận trọng hơn bao giờ hết cũng đã trở nên lớn tiếng chỉ trích và giận dữ công khai trước xu hướng của Trung Quốc “tìm cách gây ảnh hưởng tới chính sách an ninh của chúng ta [Hàn Quốc]”.

Hơn bao giờ hết, châu Á đang chơi trò nước đôi, hoàn toàn hoan nghênh các động cơ kinh tế của Trung Quốc khi thừa nhận sự xuống dốc tương đối của phương Tây và Nhật Bản, nhưng cũng tiếp tục trông chờ vào Mỹ với tư cách là một chiếc mỏ neo cho cân bằng địa chính trị trong khu vực.

Trạng thái bình thường mới

Quay trở lại hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khiến khu vực này và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn phải kinh ngạc khi chọn cách tiết lộ các mục tiêu to lớn của mình trên Biển Đông, đưa ra cơ sở hợp lý đằng sau việc xây dựng đảo nhân tạo. Bắc Kinh đề cập tới việc “cải thiện các điều kiện làm việc và sinh sống của con người cư trú trên những hòn đảo này” là nằm trong nhiều mục đích được cho là ôn hòa của sự mở rộng ồ ạt tài sản của nước này trong các vùng biển tranh chấp, và tuyên bố “Trung Quốc có lập trường rõ ràng và nhất quán về vấn đề Biển Đông”.

Đáng ngạc nhiên là, Trung Quốc đã miêu tả các hoạt động xây dựng của họ là “bình thường” vì chúng diễn ra trong “chính những hòn đảo của chúng ta [người Trung Quốc] và trong những vùng biển của chính chúng ta”, do đó, theo như lập luận này, Trung Quốc hoàn toàn hành động theo một cách thức “hợp pháp, hợp lý và chính đáng”, và họ “hy vọng rằng [các] bên liên quan có thể bình tĩnh nhìn nhận vấn đề này”. Những bình luận này lặp lại các tuyên bố hiếu chiến tương tự của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu năm 2015, khi ông nói Bắc Kinh “không chấp nhận sự chỉ trích từ các nước khác khi chúng tôi chỉ là đang xây dựng các cơ sở tại chính sân nhà của mình”, vì họ có “mọi quyền để làm những điều hợp pháp và chính đáng [bên trong “đường 9 đoạn” của Trung Quốc].

Điều thú vị là, và trước sự kinh ngạc của các nước láng giềng, Trung Quốc đã gọi những hoạt động xây dựng của họ là “trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế”. Trung Quốc tuyên bố rằng các hoạt động xây dựng của họ đem lại cho cộng đồng quốc tế những sản phẩm công như “tìm kiếm và cứu hộ trên biển, ngăn chặn và giảm bớt thảm họa, khoa học và nghiên cứu biển, quan sát khí tượng học, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, dịch vụ đánh bắt thủy sản và các lĩnh vực khác”. Tóm lại, Trung Quốc đang làm điều có lợi cho cộng đồng quốc tế bằng cách xây dựng một tổ hợp quân sự-dân sự trải rộng khắp các vùng biển có tranh chấp gay gắt.

Có tin Trung Quốc, trong “những điều kiện phù hợp”, đề nghị cung cấp cho Mỹ các cơ sở của họ trên những cấu trúc tranh chấp vì mục đích tìm kiếm, cứu nạn và dự báo thời tiết. Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi khẳng định rằng hoàn toàn không gây cản trở đến tự do hàng hải, mà các cơ sở của họ “cải thiện khả năng của các dịch vụ công cộng trong những vùng biển này như dự báo thời tiết, tìm kiếm và cứu hộ trên biển, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế nhằm duy trì an ninh của các vùng biển quốc tế”.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc trên thực tế đang đòi hỏi có được sự chấp thuận từ các nước láng giềng của họ bằng cách tạo lên “sự đã rồi” trên các vùng biển, bằng tổ chức tư vấn có chức năng quan hệ công chúng (PR) nhằm biện minh cho những hành động của mình trước khán giả phương Tây, và dần dần hạn chế khả năng của các nhà nước tuyên bố chủ quyền thuộc Đông Nam Á tiếp tế và củng cố vị trí của họ trong chuỗi đảo ở Trường Sa.

Mối đe dọa leo thang

Trung Quốc vẫn chưa thiết lập một ADIZ, và cuối cùng nước này có thể chưa đến mức chính thức tuyên bố một ADIZ. Nhưng như tôi đã lập luận một cách nhất quán, Trung Quốc vốn đã thiết lập bộ khung cho một ADIZ, nhờ vào mạng lưới đang nổi lên những đường băng và các tiền đồn quân sự trên những cấu trúc tranh chấp, được hậu thuẫn bởi các cuộc tuần tra quân sự và bán quân sự mở rộng hơn bao giờ hết trên khắp Biển Đông. Đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thiết lập một khu vực bất khả xâm phạm trên khắp chuỗi đảo Trường Sa. Ít nhất 6 lần, Trung Quốc gần đây đã yêu cầu (và hăm dọa) các máy bay của Hải quân và Không quân Philippines dừng các cuộc tuần tra trong khu vực này. Kể từ năm 2013, các tàu của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã tìm cách cắt đứt các tuyến đường tiếp tế cho biệt đội nhỏ của Philippines trên Bãi Cỏ Mây.

So với Việt Nam, nước kiểm soát gần 21 thực thể, Philippines kiểm soát số lượng lớn nhất các thực thể trong chuỗi đảo Trường Sa. Trong nhiều thập kỷ qua, nước này đã chiếm giữ Đảo Thị Tứ (Thitua Island), đảo tự nhiên lớn thứ hai trong khu vực này, nơi cư trú của một cộng đồng nhỏ người Philippines và có một đường băng. Quay trở lại năm 2014, Manila đã vô cùng lo ngại trước những báo cáo rằng Trung Quốc, có khả năng thông qua Hạm đội Nam Hải của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đang lên kế hoạch chiếm lấy hòn đảo đáng giá này. Giờ đây, Philippines lại lo lắng về việc liệu họ có thể, trong dài hạn, tiếp tế cho người của mình và tân trang lại các cơ sở của họ trên đảo Thị Tứ hay không, nếu và khi Trung Quốc quyết định mở rộng và hiện thực hóa một cách quyết đoán hơn một khu vực bất khả xâm phạm trong chuỗi đảo Trường Sa.

Chính quyền Obama đã quanh co về việc liệu nước này có tới giải cứu cho Philippines hay không nếu các cuộc xung đột trực tiếp nổ ra trong khu vực này, nhưng Hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines-Mỹ có thể được kích hoạt nếu các tàu và nhân sự của Philippines bị tấn công trực tiếp. Nhưng điều không rõ ràng là Washington sẽ đi xa tới đâu trong việc chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm cắt đứt các tuyến đường cung ứng của Philippines mà không châm ngòi cho các cuộc xung đột vũ trang trực tiếp, vì rất có khả năng Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức mình không để xảy ra tình trạng leo thang trong khu vực chưa phân rõ trắng đen nhằm tránh kích hoạt MDT.

Tất nhiên, trong tương lai, người ta không thể loại bỏ khả năng rằng “chiến lược leo thang được điều chỉnh” của Trung Quốc sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, khi các nhà nước tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau đẩy tới ranh giới đối đầu. Bằng cách dựa vào đội tàu của các lực lượng ngư dân kiêm dân quân, lực lượng có thể không có được tính chuyên nghiệp như các lực lượng được vũ trang thông thường, chiến lược trên biển của Trung Quốc có thể “lạc lối”. Theo nhiều cách, bản thân các hoạt động xây dựng, tuần tra và diễn tập quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông đã lấy được đà. Việc khiến chúng giảm tốc hoặc đưa ra một tiến trình thay thế sẽ đòi hỏi phải có vốn liếng chính trị đáng kể về phần Chính quyền Tập Cận Bình, chính quyền đang vô cùng bận rộn với một nghị trình cải cách đầy rủi ro ở trong nước. Ở điểm nào đó, Trung Quốc có thể phải đối mặt với “vấn đề ủy thác-nhậm thác” kinh điển, nếu những thuộc cấp quá tự cao tự phụ, với những lợi ích cá nhân và thể chế riêng của họ, thúc đẩy những ý tưởng thay thế, và nguy hiểm hơn trên thực địa.

Một liên minh trên biển của những nước chung ý nguyện

Trong khi đó, Washington rõ ràng cũng lo lắng về “cái bẫy Thucydides” tiềm tàng (Sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides mô tả cuộc chiến giữa quốc gia mới nổi là Athens thách thức vị trí bá quyền của Sparta. Thucydides cho rằng điều làm cho chiến tranh trở thành tất yếu chính là sức mạnh của Athens ngày càng lớn và nỗi sợ hãi về hệ quả của sức mạnh này ở Sparta. Cái bẫy Thucydides chỉ tình huống chiến tranh sẽ không thể tránh được khi một cường quốc mới nổi lên, đem đến sự lo sợ cho một cường quốc cũ, có sẵn uy lực từ trước), vì chính các đồng minh của Mỹ cũng có thể lựa chọn trở nên mạo hiểm hơn chút ít trong việc kiềm chế sự hiếu chiến của Trung Quốc để thử nghiệm các cam kết hiệp ước với Mỹ. Nhưng chẳng có gì ngoài khác ngoài sự ưu việt chiến lược của Mỹ ở châu Á bị đe dọa, và quyền tự do hàng hải (quân sự) ở Biển Đông có thể bị xói mòn một cách nghiêm trọng bởi sự chi phối hoàn toàn của Trung Quốc đối với những vùng biển đó, hoặc một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực này. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nỗ lực tăng cường khả năng tự vệ của các nước láng giềng Trung Quốc.

Bằng việc xem xét lại đường lối chỉ đạo phòng thủ song phương, Washington và Tokyo giờ đây đang ở vị thế tốt hơn để không chỉ chống lại Trung Quốc ở biển Hoa Đông, mà còn hỗ trợ các nỗ lực chống khiêu khích ở Biển Đông, đặc biệt là khi Nhật Bản tính đến các cuộc tuần tra chung trên không trong khu vực này. Thông qua khái niệm “an ninh tập thể” và sự diễn giải lại hiến pháp Nhật Bản có lợi cho “hòa bình chủ động”, Chính quyền Abe cũng sẽ ở vị thế mạnh mẽ hơn để giúp các đối tác chiến lược như Philippines và Việt Nam phát triển các khả năng của hải quân và cảnh sát biển của họ. Philippines và Việt Nam cũng đang thăm dò khả năng thành lập liên minh nhỏ của chính hai nước, có khả năng mở đường cho các cuộc tuần tra chung hải quân và cảnh sát biển, hợp tác ngoại giao lớn hơn trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, và chia sẻ thông tin ở Biển Đông.

Đối với cả hai nước Đông Nam Á, Nhật Bản đã nổi lên như là một đối tác chiến lược đặc biệt quan trọng, đối tác có thể bù đắp cho bất kỳ sự thiếu sót đã được nhận rõ trong cam kết của Mỹ với khu vực này. Sau nhiều thập kỷ thụ động về chiến lược, được đặc trưng bởi “chính sách ngoại giao chi phiếu” đầy tai tiếng, Nhật Bản không chỉ ở ngưỡng cửa trở thành một cường quốc “bình thường”, mà còn là một bên đóng góp đáng kể cho an ninh và các lợi ích công cộng trong khu vực. Tự tin hơn bao giờ hết, Nhật Bản gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận cảnh sát biển chung với Philippines, và hai nhà nước ven biển này sẵn sàng thực hiện diễn tập hải quân chung lần đầu tiên của hai nước ở Biển Đông.

Nhìn chung, rõ ràng là Trung Quốc đang chiến thắng trong cuộc tranh giành ở Biển Đông, nhưng họ cũng đã dẫn đến sự nhen nhóm của một liên minh vùng ngoại vi, một liên minh quyết tâm bảo vệ các lợi ích trên biển của mình và từ chối phục tùng cường quốc bản địa nổi trội của châu Á. Như lời nói thẳng thừng của một quan chức Nhật Bản: “Chúng ta phải cho Trung Quốc thấy rằng họ không sở hữu vùng biển này”./.

Theo “National Interest” (ngày 12/5)

Hương Trà (gt)