china-flag-marsh_2353678b.jpg

Đúng 5 năm trước, vào ngày 18/11/2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đứng lên tại Trung tâm Hội nghị Bali và đưa ra lời đề nghị cho các nước Đông Nam Á 500 triệu USD để hợp tác với Trung Quốc về vấn đề biển. Đó là một thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, từ thất bại của Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN, Bắc Kinh đã học được cách giao thiệp với các nước láng giềng phía Nam. 5 năm sau, các quan chức có vẻ đã học được cách chi tiền khôn ngoan hơn và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á một cách hiệu quả hơn.

Năm 2011, Ôn Gia Bảo từng có tham vọng lớn với quỹ này. Ông Ôn nói với những người đứng đầu chính phủ khác: “Sự hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực này có thể bắt đầu bằng nghiên cứu biển và bảo vệ môi trường, khả năng kết nối, an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, và chiến đấu chống tội phạm xuyên quốc gia”. Ông nói thêm rằng sự hợp tác đó có thể “dần mở rộng sang các lĩnh vực khác, với mục tiêu phát triển hợp tác hàng hải đa tầng lớp và toàn diện giữa Trung Quốc và ASEAN”.

Nhưng có một vấn đề lớn. Vào thời điểm đó, ASEAN hầu như chẳng quan tâm tới hợp tác biển với Trung Quốc. Tháng 3/2011, các tàu của Trung Quốc đã gây cản trở đối với một cuộc khảo sát địa chấn bên ngoài bờ biển Philippines. Vào tháng 5 và tháng 6, các tàu của Trung Quốc đã cắt cáp địa chấn của một tàu khảo sát trong vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền và Malaysia cũng trở nên quan ngại trước những hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển của mình. Giới cầm quyền ở Bắc Kinh có vẻ cho rằng mọi hành vi xấu sẽ được che đậy bằng sự đầu tư về tài chính.

Trung Quốc kiên trì với nỗ lực “ngoại giao ngân phiếu” của mình, không nhìn thấy lý do tại sao ASEAN có lẽ không hứng thú. Một năm sau hội nghị thượng đỉnh tại Bali, Thứ trưởng Ngoại giao Phó Oánh đã đọc chính bản danh sách gồm những đề xuất trước một hội nghị của Trung Quốc-ASEAN tại Phnom Penh. Bà nói: “Chúng ta cần sử dụng Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN để thực hiện các dự án hợp tác trong những lĩnh vực như nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển, khả năng kết nối, an toàn và cứu nạn hàng hải, chiến đấu chống tội phạm xuyên quốc gia và kinh tế biển. Một lần nữa, trên thực tế không có dự án nào diễn ra.

Trung Quốc đã không ngừng cố gắng. Tháng 6/2013, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí, ít nhất là trên giấy tờ, tận dụng Quỹ hợp tác biển ASEAN-Trung Quốc, thúc đẩy sự hợp tác có tính thực tiễn trong lĩnh vực đánh bắt cá, khả năng kết nối biển, khoa học và công nghệ biển, ngăn chặn và giảm bớt thảm họa, an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, và biến hợp tác biển trở thành một điểm nổi bật trong hợp tác ASEAN-Trung Quốc”. Nhưng một lần nữa, trên thực tế không có gì diễn ra. Tháng 4/2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough nằm ngoài bờ biển Philippines, và việc họ bàn luận về hợp tác nghe cực kỳ rỗng tuếch.

Cuối cùng, vào tháng 11/2014, 3 năm sau tuyên bố của ông Ôn Gia Bảo, cả hai bên đã nhất trí coi năm 2015 là Năm hợp tác hàng hải ASEAN-Trung Quốc, và “hoan nghênh kế hoạch toàn diện của Trung Quốc tận dụng Quỹ hợp tác biển ASEAN-Trung Quốc nhằm đem lại sự hỗ trợ về tài chính cho hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong các lĩnh vực kết nối hàng hải, khoa học và công nghệ hàng hải cũng như nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm và cứu nạn, xử lý thảm họa và an ninh biển”. Điều này diễn ra chỉ sau 6 tháng sau kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển nằm ngoài quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Năm Hợp tác chính thức được phát động vào tháng 3/2015 tại Diễn đàn Bác Ngao. Nhưng một lần nữa, không có gì diễn ra. Có sự hợp tác rất nhỏ trong năm đó.

Vậy điều gì đã xảy ra với 500 triệu USD được cam kết ban đầu cho Quỹ hợp tác biển? Dường như, ngoài một vài sự kiện ở Trung Quốc, số tiền đó hoặc là chưa bao giờ được chi tiêu đến, hoặc đã biến mất trong tay bộ máy hành chính quan liêu. Một phần lời giải thích cho thất bại này có lẽ nằm ở việc các quan chức Trung Quốc không có khả năng biến các sáng kiến cấp cao thành những hành động thực tiễn. Đây là điều làm điêu đứng chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Các công chức luôn tranh cãi về việc ai sẽ chịu trách nhiệm nắm giữ ngân sách và bộ nào sẽ phụ trách. Theo Sébastien Colin thuộc Trung tâm nghiên cứu của Pháp về Trung Quốc đương đại có trụ sở tại Hong Kong, sự đấu đá nội bộ như vậy đã ngăn cản Cơ quan bảo vệ môi trường nhà nước Trung Quốc tham gia dự án nghiên cứu ở Biển Đông dài 6 năm do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc dẫn dắt từ năm 2002 đến năm 2008.

Một lý do khác đó là chính phủ các nước ASEAN không muốn “chơi đẹp” vào thời điểm Trung Quốc đang “chơi xấu”. Tuy nhiên, Quỹ hợp tác biển vẫn tồn tại. Bên hưởng lợi chính của nó giờ đây có vẻ là Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông (NISCSS), có trụ sở đặt tại thành phố Hải Khẩu. Viện này từng là đơn vị liên kết giữa Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tỉnh Hải Nam, nhưng giờ đây nó có vẻ có mối quan hệ thân thiết với bộ nhiều hơn so với tỉnh. Một nguồn tin ở Đông Nam Á nói rằng trong một hội thảo ở Sydney năm 2013, Chủ tịch NISCSS, Wu Shicun, nói với các đại biểu rằng giờ đây ông phụ trách Quỹ này. Kể từ đó, mục tiêu của Quỹ đã được định hướng lại. Thay vì lời lẽ đao to búa lớn về sự hợp tác liên chính phủ trong việc bảo vệ môi trường và “đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia”, Quỹ này giờ đây là một phương tiện để triển khai quyền lực mềm. Trong ngôn ngữ chuyên ngành, nó đã được xác định lại mục tiêu, chuyển hướng khỏi ngoại giao Kênh 1 (giữa các chính phủ) hướng tới Kênh 2 (các tổ chức tư vấn chiến lược, các nhà phân tích và nhà báo).

NISCSS là tổ chức bảo trợ cho Viện nghiên cứu Trung-Mỹ (ICAS) được thành lập tại Washington, D.C. vào cuối năm 2014. Tháng 4/2015, ICAS đã tổ chức một buổi lễ ra mắt “xa hoa” tại thành phố này với sự hiện diện của Henry Kissinger, trong số những người khác. Những nghi vấn về việc liệu ICAS có được hưởng lợi từ Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN hay không vẫn chưa được giải đáp. Viện này có không mấy nổi bật tại Washington nhưng đã trở thành bên đóng góp thường xuyên cho các sự kiện của Mỹ thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông.

Theo trang mạng của NISCSS, trong năm 2015, viện này đã phát động một chương trình với tên gọi khá dài (‘Quan hệ đối tác vì hòa bình khu vực: Triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc ở Đông Nam’) như là “một trong những dự án chủ chốt được tài trợ bởi Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN”. Theo viện này, quan hệ đối tác “được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đưa hợp tác biển đi vào chiều sâu, và thúc đẩy lòng tin lẫn nhau giữa Trung Quốc và ASEAN và các hoạt động trao đổi Kênh 2”.

Do đó, quỹ này đã được tái đầu tư như là một cơ chế cấp vốn cho các đối thoại với các nhóm tư vấn chiến lược của Đông Nam Á. NISCSS miêu tả Quan hệ đối tác vì hòa bình khu vực như là một thỏa thuận 3 chiều với Trung Tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Jakarta và Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore (RSIS). (Mặc dù RSIS nói họ chỉ giúp đỡ về hậu cần cho 1 sự kiện). Ba hội nghị đã được tổ chức: tại Jakarta vào tháng 9/2015, tại Hải Khẩu vào tháng 1/2016 và tại Singapore vào tháng 7/2016. Theo những người tham dự, mục tiêu của 3 sự kiện này là nhằm xác định những bước đi cụ thể mà 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc có thể thực hiện nhằm thúc đẩy “quan hệ đối tác” của họ.

Nhưng đã có những hạn chế. Mặc dù hội nghị thứ ba diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết cho vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc, đồng chủ tịch của sự kiện này, ông Wu đã quyết định rằng nó không thể được kể đến trong báo cáo cuối cùng. Bằng những cách như vậy, Trung Quốc đang tìm cách xác định những điều kiện mà dựa vào đó ASEAN có thể thảo luận với họ – nhưng đồng thời nhắc nhở ASEAN tại sao nó vẫn quan ngại về hành vi của Trung Quốc. Ba hội nghị này đã đưa ra một loạt kiến nghị không được công khai nhưng là các hội nghị mà các bên tham gia của tổ chức chiến lược này được cho là đã bỏ qua cơ hội đưa ra một loạt yêu cầu của họ cho các quan chức làm việc về quan hệ với Trung Quốc.

Bằng cách này, cuộc thảo luận Kênh 2 rõ ràng là để gây ảnh hưởng tới các cuộc thảo luận Kênh 1 tiếp sau đó. NISCSS muốn thể chế hóa hợp tác hơn nữa. Vào tháng 3 năm nay, viện này cùng với Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho ra mắt Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc-Đông Nam Á về Biển Đông. NISCSS và trung tâm nghiên cứu này giờ đây là các bên đồng sáng lập ra một tổ chức khác do NISCSS chủ trì: Viện hàn lâm Trung Quốc-ASEAN về quản trị và luật biển. Học viện này cũng được Quỹ hợp tác cấp vốn và “được thiết kế nhằm thúc đẩy một cộng đồng quản trị biển của khu vực”. Học viện này được ra mắt tại Hải Khẩu vào tháng 1/2016 với một hội thảo được tổ chức cùng với Viện nghiên cứu biển quốc tế-Canada, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Đại học Dalhousi. Hội thảo thứ hai của nó diễn ra vào đầu tháng 11, cũng tại NISCSS ở Hải Nam.

Viện này đã vươn tới phần lớn các tổ chức tư vấn chiến lược chính ở Đông Nam Á và nhiều tổ chức đã cử đại diện tới các sự kiện và các khóa học được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc-Đông Nam Á về Biển Đông và Viện hàn lâm Trung Quốc-ASEAN về quản trị và luật biển. Đã có những cuộc tranh cãi nội bộ trong số các tổ chức tư vấn chiến lược này về việc thiết lập quan hệ đối tác thân thiết ở mức nào với đối tác giàu có của họ ở Hải Khẩu. Tổ chức tư vấn chiến lược của Việt Nam đã từ chối tham gia bất kỳ thỏa thuận chính thức nào và những tin đồn cho thấy một số nhân viên thuộc CSIS ở Jakarta cảm thấy không thoải mái về cách mà mối quan hệ của họ với NISCSS đã bị các đối tác Trung Quốc thổi phồng.

Có ít nhất 1 bên hưởng lợi chính của Quỹ này: Đại học Hạ Môn, đang trong quá trình thành lập một khu học xá mới tại Malaysia. Theo tin tức từ phương tiện truyền thông Trung Quốc, 1/5 khu học xá sẽ là nơi đặt Trường Khoa học hàng hải Trung Quốc-ASEAN do Bộ Ngoại giao Trung Quốc bảo trợ với sự hỗ trợ thông qua Quỹ hợp tác hàng hải Trung Quốc-ASEAN. Trường Khoa học hàng hải Trung Quốc-ASEAN cũng được lợi từ “một tàu nghiên cứu đa năng tiên tiến được trang bị các công cụ khoa học hiện đại đang được chế tạo và sẽ hạ thủy trong năm 2016, nhằm phục vụ các tàu hải dương học liên ngành hoạt động trong các vùng biển quốc tế”. Một báo cáo nói rằng trường này đã nhận được 15 triệu USD từ Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN.

Xét một cách tổng thể, rõ ràng là sau thất bại ban đầu của mình, Quỹ hợp tác này giờ đây đã trở thành một công cụ rất hữu dụng trong việc đưa ảnh hưởng của Trung Quốc vào các giới hoạch định chính sách của ASEAN. Chẳng có gì mà các nhà phân tích khu vực thích thú hơn là lời mời đi đây đó và thuyết giảng. Hơn nữa, nhiều chính phủ làm vậy – cả ở trong và ngoài Đông Nam Á. Tuy nhiên, rõ ràng Trung Quốc đang tiến bộ hơn nhiều trong việc giành được thiện chí trong cộng đồng hoạch định chính sách Đông Nam Á – và Quỹ này đã trở thành phương tiện chính cho điều này.

Tại cuộc họp mới nhất của “Quan hệ đối tác vì hòa bình”, ông Wu đã nói với các đại biểu được triệu tập rằng Quỹ hợp tác có vô số nguồn lực sẵn có cho các sáng kiến khác và đưa ra những đề xuất cho hợp tác trong tương lai. Điều không rõ là liệu nó có làm thay đổi ý định của các nhà phân tích Đông Nam Á có kinh nghiệm hay không, những người theo dõi hoạt động xây dựng đảo và tăng cường quân đội nhanh chóng của Trung Quốc với mối quan ngại ngày càng tăng. Nhưng trong số thế hệ trẻ tuổi hơn và trong một thời gian dài, có lẽ sẽ phải chi rất nhiều tiền./.

Tác giả là nhà nghiên cứu Bill Hayton, thuộc Chương trình Châu Á, Chatham House. Bài viết đăng trênThe Diplomat (ngày 17/11/2016)

Anh Thư (gt)