119477821.jpg

Các chính phủ nước ngoài thường muốn thử phản ứng của các tân tổng thống Mỹ, trong đó một số cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn đã xảy ra như là một cách để họ cách chào đón mỗi vị tổng thống Mỹ sau khi nhậm chức: Đức rút khỏi Hội Quốc liên năm 1933, Liên Xô "dẫn dắt" việc xây dựng bức tường Berlin năm 1961... Tất cả đều là phép thử đối với chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ qua và tất cả đều xảy ra chưa đầy một năm trong nhiệm kỳ của một chính quyền Mỹ mới.

Nga có vẻ như bắt đầu phép thử đối với ôngTrump. Các cuộc đụng độ tại phía Đông Ukraine nổi lên cho thấy Moskva đang bắt đầu một cuộc tấn công mà theo đó có thể vẽ lại biên giới Ukraine qua cả Crimea. Trong khi đó, nếu các sự việc trong quá khứ là tiền lệ thì Bắc Kinh sẽ sớm thử phản ứng của tân Tổng thống Mỹ Trump. Việc Tổng thống Trump phản ứng như thế nào có thể quyết định khá rõ xem liệu ông có thể kiểm soát chính sách của mình hay không.

Có một số tín hiệu đáng lo ngại về xung đột có thể xảy ra, và những bước đi thiếu thận trọng của Chính quyền Trump trong vấn đề Biển Đông có thể tạo cơ hội để Bắc Kinh châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng. Nếu thực tế diễn ra như vậy thì ông sẽ có nguy cơ để các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại bên ngoài ảnh hưởng đến nhiệm kỳ của mình. Điều này hoàn toàn khác với sự kiện ngày 11/9 đã tái định hình nhiệm kỳ Tổng thống của ông George W. Bush.

Vấn đề bắt đầu khi Ngoại trưởng Rex Tillerson đề xuất Mỹ nên ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo trên Biển Đông - những khu vực được Bắc Kinh trang bị hệ thống vũ khí và các sân bay quân sự. Trong lúc đa số các quan chức Mỹ coi trọng việc giảm thiểu căng thẳng thì hầu hết các chuyên gia Trung Quốc lại phớt lờ bình luận này của ông Tillerson, coi đó như là một câu nói "lỡ miệng”. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể, ít nhất là ở các tuyên bố chính thức. Bộ Ngoại giao Trung Quốc coi nhẹ những nhận xét ban đầu của ông Tillerson và từ chối trả lời về việc Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trong một tình huống "giả định". Mặc dù vậy, thông điệp mà Chính phủ Trung Quốc gửi tới người dân ít mang tính hòa giải hơn. Tờ "Thời báo Hoàn cầu" cảnh báo: "Trừ khi Washington lên kế hoạch thực hiện một cuộc chiến tranh quy mô lớn tại Biển Đông, còn các biện pháp khác để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp cận các đảo sẽ thật là ngốc nghếch".

Những sự leo thang như vậy nhiều khả năng xảy ra trên hai khía cạnh. Rõ ràng nhất là Bắc Kinh có thể phản ứng quân sự. Trung Quốc có thể tuyên bố một "Vùng nhận diện phòng không" (ADIZ) tại Biển Đông, như họ đã làm tại Biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh cũng sẽ vẽ đường biên giới trên không phản ánh tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông. Đáng lo ngại hơn, Trung Quốc có thể bắt đầu xây dựng nhiều cơ sở quân sự kiểu như họ đã làm tại một số khu vực ở Biển Đông. Trung Quốc đã quân sự hóa một trong các đảo nhân tạo (gần quần đảo Trường Sa), trang bị hệ thống vũ khí và sân bay thích hợp cho việc hạ cánh của các phương tiện quân sự. Nếu họ làm giống như vậy tại bãi cạn Scarborough - trong phạm vi có thể triển khai tấn công Philippines và các cơ sở quân sự Mỹ - điều này gần như chắc chắn sẽ đi quá giới hạn đối với Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi Washington có xu hướng tập trung vào các tình huống quân sự, Trung Quốc lại thành thục trong việc sử dụng các phương tiện kinh tế để củng cố các yêu sách biển. Không như các nhà chiến lược ở Lầu Năm Góc tập trung vào các tình huống quân sự, Mỹ lại không phát hiện và không thể trả lời về hầu hết các hành động cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc - những biện pháp đang đem lại lợi thế cho Trung Quốc. Ví dụ như việc Philippines thắng trong vụ kiện chống lại Trung Quốc tại Tòa án quốc tế hồi tháng 7/2016. Tuy nhiên, vào thời điểm phán quyết được đưa ra, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại lùi bước. Ông Duterte liên tục nhượng bộ để đổi lấy sự hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, thậm chí còn "ngậm miệng" về vụ xung đột này để đổi lấy đầu tư.

Bất cứ sự leo thang căng thẳng nào giữa Washington và Bắc Kinh, trong bối cảnh Nga có vẻ như đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn tại miền Đông Ukraine, sẽ dàn trải đội ngũ phụ trách chính sách đối ngoại của ông Trump, khiến họ không thể chuyên sâu. Vậy chính quyền Mỹ có thể làm gì để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng? Ba hoạt động sau đây là cần thiết Mỹ cần triển khai:

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ phải làm rõ, đưa ra tín hiệu chính xác về các biện pháp chống Trung Quốc nếu quan chức Trung Quốc lựa chọn tuyên bố ADIZ trên Biển Đông, quân sự hóa gần bãi cạn Scarborough hoặc leo thang quân sự.

Thứ hai, lãnh đạo Quốc hội Mỹ cần thông qua một luật mới (với tên gọi Trao quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự - AUMF) để xác định rõ hơn quyền đơn phương quyết định của Tổng thống Mỹ đối với việc sử dụng quân đội và xác nhận lại vai trò của Quốc hội trong việc bật đèn xanh cho các trận đánh của quân đội Mỹ, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc.

Thứ ba, Quốc hội và Chính phủ Mỹ cần phối hợp để đưa ra cho các nhà hoạch định chính sách các sự lựa chọn khác ngoài việc sử dụng sức mạnh quân sự. Nguy cơ xung đột quân sự đang gia tăng ở châu Á, nhưng tập trung quá nhiều vào điều đó sẽ tạo nguy cơ làm mờ đi cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo trong khu vực - thời điểm hiện tại chủ yếu dựa trên lĩnh vực kinh tế. Nếu Mỹ muốn ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc thì Mỹ cần phải khiến Trung Quốc trả giá về mặt kinh tế từ hành vi quyết đoán của họ. Mỹ cũng cần hợp tác với các nước đồng minh ở châu Á như Nhật Bản và Philippines để chống lại sự chèn ép kinh tế của Trung Quốc.

Những điều này phải được thực hiện trước khi Mỹ tiến hành bất cứ hành động leo thang quân sự nào ở châu Á. Tôn Tử - nhà chiến lược lớn nhất Trung Quốc, từng nói "Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng". Tổng thống Trump sẽ phải lưu tâm đến lời nói này vì hiện giờ có vẻ như ông vẫn chưa hiểu gì về câu nói trên.

Tác giả là bà Jennifer Harris, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR). Bài viết đăng trên “CNN” (ngày 2/2).

Anh Thư (gt)