Từ năm 2015 đến nay, tranh chấp Biển Đông ở chừng mực rất lớn đã chuyển từ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển giữa Trung Quốc và các nước có yêu sách chủ quyền ở Đông Nam Á sang cạnh tranh chiến lược về quyền lực trên biển giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính sách Biển Đông hiện nay của Chính quyền Trump đã tiếp tục và tăng cường tính răn đe quân sự của thời kỳ hậu Obama, nhưng vẫn chưa đưa ra chiến lược tổng thể mới. 

Nếu hai nước Trung Quốc và Mỹ có thể hình thành trạng thái răn đe lẫn nhau ổn định thì sự ổn định chiến lược mang tính giai đoạn ở Biển Đông của Trung Quốc và Mỹ dễ dàng đạt được. Vì vậy, hai nước cần phải khởi động đối thoại cấp cao về vấn đề chiến lược Biển Đông, chuyển chủ đề Biển Đông từ vấn đề “quân sự hóa” xung quanh việc xây dựng đảo, bãi đá ở Trường Sa sang vấn đề “ổn định chiến lược”, đồng thời phát triển một bộ “quy tắc trò chơi” tương tác lẫn nhau ở Biển Đông có lợi cho ổn định chiến lược. 

Chính sách Biển Đông của Donald Trump dùng đe dọa quân sự là chính 

Tại phiên điều trần của Thượng viện Mỹ vào tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Rex Tillerson do Chính quyền Donald Trump đề cử từng buột miệng tuyên bố “không cho phép Trung Quốc tiến vào” Trường Sa để xây dựng đảo, bãi đá. Trong câu trả lời bằng văn bản phát cho các thượng nghị sĩ sau đó, Rex Tillerson viết rằng: “Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc lợi dụng các đảo đá nhân tạo của mình để uy hiếp các nước láng giềng hoặc hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Mỹ sẽ duy trì tự do hàng hải và hàng không bằng cách tiếp tục bay qua, di chuyển bằng tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”. 

Ông còn viết: “Trong tình huống khẩn cấp xảy ra, Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác của mình phải có khả năng hạn chế sự tiếp cận và sử dụng của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo, từ đó tạo thành mối đe dọa đối với Mỹ và các đồng minh, đối tác của mình”. 

Ngoài ra, ông cho biết để răn đe các hành động dẫn đến bất ổn hơn nữa và cung cấp sự đảm bảo chiến lược cho các đồng minh, Mỹ tình nguyện chấp nhận rủi ro. Ông sẽ phối hợp với các cơ quan chính phủ của Mỹ đưa ra một “phương án chính phủ tổng thể” có thể răn đe “hành động uy hiếp và lấp biển xây dựng đảo của Trung Quốc hơn nữa”.

Có thể thấy tư duy Biển Đông của Rex Tillerson cụ thể hơn, trực tiếp hơn và cũng mang tính thách thức hơn so với Chính quyền Obama. Tư duy này dường như hoàn toàn nhằm vào các đảo, bãi đá ở Trường Sa, chứ không phải là tranh chấp quyền và lợi ích giữa Trung Quốc và các nước có yêu sách chủ quyền ở Đông Nam Á. Công cụ chiến lược cốt lõi mà tư duy này đại diện là răn đe Trung Quốc bởi thực lực của nước này ở những đảo, bãi đá Biển Đông này ngày càng tăng mạnh, còn đường lối chắc chắn là duy trì ưu thế quân sự trên biển của quân đội Mỹ tương đương với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc bằng cách đầu tư vào lực lượng quân đội. Theo truyền thông Nhật Bản đưa tin, trong chuyến thăm Nhật Bản vào đầu tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Norman Mattis cũng từng ngầm bày tỏ quân đội Mỹ sẽ áp dụng chính sách Biển Đông cứng rắn hơn. 

Quân đội Mỹ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông 

Thời kỳ Obama, Mỹ lần lượt tiến hành tuần tra quân sự vì “tự do hàng hải” nhằm vào đá Xu Bi của Trường Sa, Tri Tôn ở Hoàng Sa, đá Chữ Thập ở Trường Sa và đường cơ sở gần Tri Tôn và Phú Lâm ở Hoàng Sa vào tháng 10/2015, tháng 1/2016, tháng 5/2016 và tháng 10/2016. Theo quy luật luân phiên Trường Sa và Hoàng Sa này, quân đội Mỹ tuần tra lần sau sẽ là Trường Sa, và rất có thể là nhắm vào đá Vành Khăn. 

Theo quan điểm của Mỹ, việc tuần tra 3 lần trước đối với đá Xu Bi, Tri Tôn và đá Chữ Thập là thách thức Trung Quốc về yêu cầu tàu chiến nước ngoài “đi qua vô hại” trong phạm vi 12 hải lý của Trung Quốc cần phải được sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc, mà điều này theo quan điểm của Mỹ là không phù hợp với quy định của “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”. Lần thứ 4 đi vào lãnh hải thuộc quần đảo Hoàng Sa là cách làm thách thức đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc vạch ra ở Hoàng Sa, vì Mỹ cho rằng trong khuôn khổ UNCLOS chỉ có các nước quần đảo như Indonesia và Philippines mới có thể vạch ra đường cơ sở thẳng, còn Trung Quốc không phải là nước quần đảo như vậy. 

Đối với Mỹ, đá Vành Khăn ở Trường Sa là một mục tiêu có sức hấp dẫn để tuần tra tiếp theo. Mà việc tuần tra đá Vành Khăn, ngoài UNCLOS, một “cơ sở pháp lý” lớn khác của Mỹ là phán quyết của Tòa Trọng tài mà Philippines đơn phương khởi kiện nhằm vào Trung Quốc được công bố vào tháng 7/2016. Theo phán quyết này, đá Vành Khăn chỉ là một “bãi nổi khi thủy triều xuống”, không có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, chỉ có 500m vùng an toàn. Quân đội Mỹ có thể nhờ vậy mà tiến hành “đi qua vô hại”, kể cả hành động quân sự trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn thậm chí trong vùng biển gần hơn. Bốn lần tuần tra của Chính quyền Obama đều do tàu khu trục đơn lẻ tiến hành; Chính quyền Trump có thể cử biên đội tàu chiến, thậm chí cụm tàu sân bay tiến vào phạm vi 12 hải lý để tuần tra. Việc tàu tuần tra “đi qua không phải vô hại” trên quy mô lớn này sẽ leo thang khiêu khích quân sự đối với Trung Quốc. 

Từ tuần tra đảo, bãi đá đến hành động quân sự thường nhật ở Biển Đông 

Tuy nhiên, việc tàu tuần tra của quân đội Mỹ thực hiện quyền “tự do hàng hải” nhằm vào đảo, bãi đá e rằng không phải là thách thức duy nhất mà Trung Quốc cần phải đối mặt ở Biển Đông. Việc tuần tra này là chính sách nhất quán của Mỹ kể từ năm 1979 đến nay, dự tính ban đầu không phải là nhằm vào Trung Quốc, mà là để thách thức cái gọi là “yêu sách quyền lợi biển quá mức”. Kể từ giai đoạn sau của Chính quyền Obama đến nay, tư duy mới của Mỹ là việc tuần tra kiểu này vẫn chưa đủ, Mỹ cần phải triển khai hành động quân sự thường nhật ở Biển Đông trong phạm vi luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có tập trận quân sự, huấn luyện, thu thập tình báo… để thể hiện rõ quyết tâm chiến lược và tăng cường răn đe quân sự. 

Một động thái đáng chú ý là giới chiến lược Mỹ hiện có khuynh hướng cho rằng do yêu sách quyền lợi của Trung Quốc đối với các đảo đá và vùng biển gần ở Trường Sa có tính mơ hồ tương đối lớn, Mỹ có thể lấy tính mơ hồ này làm lý do, coi vùng nước xung quanh các đảo đá mà Trung Quốc kiểm soát là “vùng biển quốc tế” hay Mỹ gọi là “vùng nước quốc tế”, thực thi quyền lợi ở vùng biển quốc tế trong đó có các hoạt động quân sự. Chính quyền Obama 3 lần trước nhằm vào việc tuần tra ở đá Xu Bi, đảo Tri Tôn và đá Chữ Thập lấy lý do “đi qua vô hại”, nhưng điều này trong nước Mỹ bị chỉ trích là được thực hiện trong trường hợp Trung Quốc không xác định rõ yêu sách chủ quyền của mình, trái lại đã hợp pháp hóa chủ quyền của Trung Quốc đối với những đảo đá này. Ngoài ra, phán quyết của Tòa Trọng tài cho rằng đá Xu Bi, đá Vành Khăn, đá Tư Nghĩa, Bãi Cỏ Mây là “bãi nổi khi thủy triều xuống” thì Mỹ càng có thể lấy đó làm lý do tiến hành hoạt động quân sự thường quy ở vùng biển xung quanh những đảo, bãi đá này. 

Đồng thời, có người chủ trương Mỹ cần phải dùng nguyên tắc “đáp trả” để ứng phó với chính sách Biển Đông của Trung Quốc, đó là Mỹ chỉ tôn trọng chủ trương luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên cơ sở Trung Quốc tôn trọng chủ trương luật pháp quốc tế của Mỹ, từ đó buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế mà Mỹ nhận định. Nếu Trung Quốc không tôn trọng quyền tự do hàng hải của Mỹ, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không của máy bay quân sự và tàu chiến trong vùng đặc quyền kinh tế thì Mỹ cũng có thể phủ nhận quyền tự do hàng hải mà Trung Quốc được hưởng ở Biển Đông trong khuôn khổ UNCLOS. Mỹ cho rằng sự cản trở của Trung Quốc đối với các hành động của quân đội Mỹ ở “vùng nước quốc tế” của Biển Đông (đó là tất cả vùng nước bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển quốc tế ngoài lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý mà Mỹ xác định) đã vi phạm UNCLOS và luật tập quán quốc tế, Mỹ có thể vì vậy mà phủ nhận quyền tự do hàng hải của Trung Quốc. 

Về hành động cụ thể, phủ nhận quyền tự do hàng hải của Trung Quốc có thể bao gồm sử dụng tàu thuyền dân sự, tàu hải cảnh thậm chí lực lượng hải quân để ngăn chặn Trung Quốc đi vào các đảo, bãi đá ở Trường Sa đang xây dựng. Xuất phát từ suy nghĩ này, việc “không cho phép Trung Quốc tiến vào” các đảo, bãi đá ở Trường Sa mà ông Tillerson đã nói tồn tại khả năng về mặt lý luận. Theo ý tưởng này, Mỹ thậm chí có thể quấy rối hành động của hải quân Trung Quốc ở “vùng biển quốc tế” của Biển Đông mà nước này xác định. Không còn nghi ngờ gì những hành động này sẽ làm gia tăng rủi ro xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Mỹ. 

Từ “quân sự hóa” đến “ổn định chiến lược” 

Việc leo thang hành động tuần tra “tự do hàng hải” và thúc đẩy toàn diện hoạt động quân sự ở Biển Đông (kể cả triển khai chiến lược) của Chính quyền Trump sẽ làm gia tăng rủi ro va chạm hàng hải và hàng không giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy hiện nay cục diện Biển Đông ổn định, nhưng điều đáng quan tâm là việc tác động quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông trong tương lai phải chăng sẽ dẫn đến va chạm mới, đặc biệt điều cần phải dự phòng là sự đụng độ chiến thuật dẫn đến nguy hiểm về quyết đấu chiến lược. Nếu Mỹ lấy phán quyết của Tòa Trọng tài mà Trung Quốc phản đối hoặc trên cơ sở phủ nhận quyền tự do hàng hải của Trung Quốc để tiến hành tuần tra các đảo, bãi đá hoặc hoạt động quân sự thường quy ở Biển Đông, điều này sẽ bị Trung Quốc coi là cố tình khiêu khích. Kiểu khiêu khích này sẽ kích động Trung Quốc gia tăng mức độ triển khai quân sự ở Biển Đông, còn điều này ngược lại có thể dẫn đến việc Mỹ gia tăng đầu tư quân sự đối với Biển Đông, việc chạy đua vũ trang của hai nước ở Biển Đông sẽ trở thành hiện thực, việc cạnh tranh chiến lược có thể ngày càng mạnh mẽ, việc va chạm trên phương diện chiến thuật rất dễ dẫn đến nổ ra sự đối kháng trên phương diện chiến lược và quân sự. 

Để đề phòng, Trung Quốc và Mỹ cần phải thiết lập cơ chế đối thoại cấp cao để bảo vệ ổn định chiến lược ở Biển Đông. Điều trước tiên cần phải thảo luận về “quân sự hóa” Biển Đông. Mỹ chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa các đảo đá ở Trường Sa, Trung Quốc chỉ trích sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ ở Biển Đông là quân sự hóa lớn nhất. Phạm vi xác định quân sự hóa của Mỹ rất rộng rãi, bất kỳ hành động nào mang màu sắc quân sự - từ vũ trang quy mô nhỏ đến huy động chiến tranh toàn quốc – đều có thể gọi là “quân sự hóa”. Rõ ràng, phạm vi xác định này đối với việc lý giải tình hình chiến lược và quân sự ở Biển Đông hiện nay đều không có lợi. 

Trung Quốc và Mỹ cần phải chuyển hướng từ ‘quân sự hóa” vấn đề cốt lõi xung quanh đảo, bãi đá ở Trường Sa sang “ổn định chiến lược”. Việc Trung Quốc tiến hành triển khai phòng vệ ở mức độ nhất định các đảo, bãi đá của Trường Sa là không thể tránh khỏi, còn Mỹ cũng không thể từ bỏ đầu tư quân sự đối với Biển Đông, vấn đề cốt lõi tiếp theo chính là cân bằng quân sự như thế nào có lợi nhất cho ổn định chiến lược. 

Việc Trung Quốc xây dựng các đảo, bãi đá Trường Sa tương đương với mở rộng tuyến đường quốc phòng từ đảo Hải Nam về phía Nam hơn 1.000km. Hiện nay các công trình quân sự đang xây dựng và chờ xây dựng (đặc biệt 3 đường băng lớn) sẽ tăng cường năng lực hành động ở Biển Đông của lực lượng hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc; nâng cao khả năng kiểm soát, trinh sát và cảnh báo đối với các nước ven Biển Đông, Mỹ và “đường nối biển” mang tính chiến lược; cung cấp sự đảm bảo vật chất và hậu cần để bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương (bao gồm bảo vệ an toàn “đường sinh mệnh” nguồn năng lượng của Trung Quốc như eo biển Mallaca…); cũng có giá trị nhất định đối với việc tăng cường tính ẩn náu của tàu ngầm hạt nhân chiến lược từ đó đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy của Trung Quốc. 

Nhưng so với những giá trị của thời kỳ hòa bình này, những đảo, bãi đá này rất kém khi có xung đột quân sự trên quy mô lớn, khó có thể dựa vào chúng để xây dựng hệ thống phòng thủ có hiệu quả ngăn chặn sự tấn công chính xác tập trung của quân đội Mỹ. Bản thân kết cấu địa chất của các đảo đá cũng không phải là đặc biệt vững chắc, cát ở Biển Đông dùng để bồi đắp không phải là vật liệu tốt nhất để cải tạo đảo, thời gian gia cố móng rất vội vã, về cơ bản hoàn thành trong thời gian chưa đầy 1 năm rưỡi (so sánh với việc xây dựng ở vịnh Marina của Singapore sau khi lấp biển phải mất 30 năm mới từng bước hoàn thành). Ngoài ra, môi trường khí hậu nóng ẩm nhiều muối sẽ làm gia tăng tỷ lệ hao mòn của tàu thuyền, tăng thêm giá thành triển khai. Những nhân tố này đều đã quyết định tính giới hạn và tính phòng thủ kém của các đảo đá ở Biển Đông với tư cách là căn cứ quân sự. Xét từ phương diện quân sự thuần túy, ý nghĩa tượng trưng của những đảo đá này lớn hơn nhiều so với ý nghĩa thực chất. Việc thúc đẩy quyền lợi biển của Trung Quốc chủ yếu còn phải dựa vào việc xây dựng lực lượng hải quân và không quân, chứ không phải là các đảo đá phân tán. 

Mỹ hiểu rõ giá trị và điểm thiếu sót của các đảo đá ở Trường Sa, đồng thời cũng biết quân đội Mỹ đang ngày càng mất đi ưu thế quân sự ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc có thể tiến hành thảo luận thẳng thắn với Mỹ về việc bố trí các đảo đá thông qua đối thoại cấp cao. Mục đích của Mỹ là muốn tăng cường răn đe quân sự đối với Trung Quốc, duy trì ưu thế quân sự tương đối. Trung Quốc không những không cần phải giấu diếm, trái lại có thể đặt vấn đề răn đe lẫn nhau có thể duy trì ổn định nhất như thế nào đối với tình hình quân sự của hai nước. Một khi hình thành khả năng răn đe lẫn nhau trong cân bằng quân sự phi đối xứng, thì quan hệ chiến lược giữa hai nước có thể duy trì ổn định mang tính giai đoạn. Trong tình hình trước mắt, đây là cách làm tương đối thiết thực để bảo vệ quan hệ Trung-Mỹ, cũng có thể tăng cường lòng tin giữa quân đội hai nước. 

“Quy tắc trò chơi” tương tác lẫn nhau ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ 

Một điều kiện lớn để ổn định chiến lược là Trung Quốc và Mỹ liệu có thể đạt được một nhận thức chung tương tác lẫn nhau ở Biển Đông giữa lực lượng quân sự của hai nước hoặc ít nhất có “quy tắc trò chơi” ngầm nhất định hay không. Việc thảo luận đối với luật pháp quốc tế cần phải được tiến hành trong khuôn khổ “quy tắc trò chơi” chiến lược. Nguồn gốc của rất nhiều thành kiến và hiểu nhầm giữa hai nước hiện nay nằm ở việc thiếu một bộ quy tắc tương tác có thể chấp nhận lẫn nhau. Việc thảo luận trong nước Mỹ đối với hoạt động tuần tra và quân sự ở Biển Đông ở mức độ rất lớn là sách lược xung quanh “quy tắc trò chơi” như thế nào có lợi đối với Mỹ và làm thế nào để chắt lọc có hiệu quả từ trong “quy tắc trò chơi” này. Việc thảo luận ở trong nước Trung Quốc đối với vấn đề mang tính chiến lược này không đủ. Điểm quan tâm chủ yếu của phía quân đội là tăng cường sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc đối với các đảo, đá và vùng biển liên quan ở Biển Đông, nhưng thiếu sự cân nhắc đối với việc kiểm soát như thế nào cho phù hợp nhất với lợi ích của Trung Quốc và làm thế nào thông qua biện pháp có hiệu quả nhất để thực hiện sự kiểm soát này. Điểm thiếu sót nhất là thảo luận đối với việc sử dụng luật pháp quốc tế mang tính chiến lược. 

Điểm vướng mắc lớn về “quy tắc trò chơi” mà hai nước có thể cùng chấp nhận nằm ở việc lý giải khác nhau về khái niệm “tự do hàng hải”. Sự lý giải của Mỹ đối với “tự do hàng hải” mang màu sắc quân sự rất mạnh, đặc biệt là đòi hỏi quyền lợi tiến hành hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác và tự phong là “cảnh sát biển”. Sự lý giải của Trung Quốc đối với “tự do hàng hải” mang màu sắc dân sự khá mạnh, nhấn mạnh tự do hàng hải của tàu thuyền dân sự và thương mại. Chỉ cần hai nước khăng khăng giữ quan điểm “tự do hàng hải” của mình thì vấn đề “quy tắc trò chơi” khó có thể được giải quyết về cơ bản. Để giải quyết vấn đề này, việc hai nước thỏa hiệp lẫn nhau là cần thiết.

Chẳng hạn, về vấn đề tàu tuần tra, Trung Quốc và Mỹ cần phải duy trì sự kiềm chế lẫn nhau, chứ không phải cố ý khiêu khích đối phương. Mỹ cần phải để tàu tuần tra quay trở lại khởi điểm lịch sử “thấp giọng” và ôn hòa từ thời năm 1979, không để nó trở thành công cụ chuyên môn nhằm vào Trung Quốc. Bốn lần tuần tra của Chính quyền Obama có đặc điểm công khai và chính trị hóa, trong đó có cách làm chưa từng có trong lịch sử là mời phóng viên lên tàu sân bay công khai hoạt động của phía Trung Quốc, việc này không khác nào công khai sỉ nhục Trung Quốc. 

Từ 6 tháng cuối năm 2016 đến nay, cục diện Biển Đông rõ ràng giảm nhiệt, kênh ngoại giao lấy đàm phán “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)” giữa Trung Quốc và ASEAN làm tiêu chí đã trở thành con đường quan trọng nhất để xử lý vấn đề Biển Đông. Việc đàm phán ngoại giao với Trung Quốc và ASEAN song song với nhau, Trung Quốc và Mỹ cũng cần phải thiết lập đối thoại ngoại giao, thảo luận vấn đề Trung Quốc và Mỹ làm thế nào để thiết lập quan hệ quân sự và chiến lược ổn định ở Biển Đông. 

Trung Quốc và Mỹ cần phải tôn trọng lợi ích lẫn nhau ở Biển Đông, đồng thời phát triển con đường cùng tồn tại và bao dung trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Điều này chủ yếu cần con đường ngoại giao để hoàn thành, nhưng trước tình hình cục diện quân sự ở Biển Đông hiện nay vẫn tương đối căng thẳng, hình thành sự răn đe lẫn nhau giữa hai quân đội, vẫn có thể coi là kế sách tạm thời đi theo hướng bao dung lâu dài. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là làm giảm ưu thế quân sự mà quân đội Mỹ muốn duy trì đối với Trung Quốc ở Biển Đông và mâu thuẫn mà Trung Quốc muốn tăng cường giữa quyền kiểm soát đối với các đảo, bãi đá và vùng biển liên quan ở Biển Đông. Nếu Chính quyền Trump có hành động thiết thực thì có thể xoa dịu được mâu thuẫn này.

Feng Zhang là nhà nghiên cứu tại khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học Quốc gia Úc, giáo sư liên kết của Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia, Trung Quốc. Bài viết được đăng trên The Financial Times (phiên bản tiếng Trung).

Hoàng Lan (gt)