Bất chấp mức độ đưa tin mà các tranh chấp biển Biển Đông đã nhận được trên báo chí Mỹ năm nay, một quan điểm chủ chốt rõ ràng đã vắng mặt: quan điểm của Trung Quốc.

Chắc chắn, quan điểm “chính thức” của Trung Quốc về những tranh chấp này, đều đặn được đưa ra trong những buổi thông báo tình hình buồn ngủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, không phải bí mật gì to tát. Tuy nhiên, đường lối chính thức được đưa ra trong những buổi thông báo tình hình này và trên báo chí chính thống của nhà nước không gì hơn ngoài câu thần chú đến thuộc lòng về: “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với Biển Đông từ cách đây hơn 2000 năm”. Thật không may chúng gần như không nói với chúng ta về những gì Trung Quốc thực sự suy nghĩ về các tranh chấp Biển Đông và sự dính líu của Mỹ tại đây.

Với nền chính trị Trung Quốc vẫn bị che phủ trong chiếc áo choàng đáng sợ của sự mơ hồ, ngay cả những phân tích được thông tin nhiều nhất về suy nghĩ của giới tinh hoa tại Bắc Kinh cũng vẫn không hoàn hảo và không đầy đủ. Nhưng những tương tác thường xuyên với các quan chức và học giả Trung Quốc, đặc biệt là bên ngoài giới hạn của các cuộc gặp gỡ chính thức theo nghi thức ngoại giao, đã cung cấp một số kết cấu và sắc thái bổ sung cho các quan điểm và động cơ của Trung Quốc. Trong khi vẫn hiếm khi nghe thấy các đại diện Trung Quốc với bất cứ tư cách nào trực tiếp phủ nhận đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về các đề tài đặc biệt nhạy cảm, trong những năm gần đây tuy thế họ đã thể hiện một mức độ linh hoạt và thẳng thắn nhiều hơn trong việc thảo luận các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược.

Sự tái tạo giấu tên dưới đây về một trong những cuộc thảo luận như vậy gần đây đã được thiết kế dành riêng cho độc giả:

1. Một hiểu biết chi tiết hơn về các quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông và vai trò của Mỹ ở đó;

2. Một hiểu biết lớn hơn về những đối điểm của Mỹ và ít nhất là một quan điểm của Mỹ về vấn đề này; và

3. Một cơ hội để đánh giá tính nhất quán lôgích (hoặc thiếu) trong lập luận của cả hai bên.

Bên thảo luận Trung Quốc (Trung Quốc): Mỹ cần phải biết rằng Trung Quốc là nạn nhân trong các tranh chấp Biển Đông. Những vùng lãnh thổ này đã thuộc về Trung Quốc từ nhiều thế kỷ và chúng tôi có tài liệu làm bằng chứng về việc những ngư dân và nhà thám hiểm của chúng tôi đã tuyên bố chủ quyền đối với những hòn đảo này hàng thế kỷ trước. Điều này không cần bàn cãi và chúng tôi không có vấn đề gì tại Biển Đông cho đến những năm 1970 khi dầu lửa được tìm thấy và các nước nhỏ hơn bắt đầu xâm lược lãnh thổ của Trung Quốc. Chẳng hạn như, Philippines đã từ bỏ yêu sách của họ trên Biển Đông trong Hiệp ước Paris năm 1898 nhưng sau năm 1970 nước này đã chiếm 8 hòn đảo và bãi đá trong lãnh thổ của Trung Quốc.

Ngay cả khi đó chúng tôi vẫn duy trì hòa bình và đồng ý “gác lại” các tranh chấp cho các thế hệ tương lai giải quyết. Tuy nhiên trong những năm gần đây Việt Nam, Philippines và các nước khác thậm chí còn thực hiện nhiều hành động khiêu khích hơn ở Biển Đông và đệ trình các tuyên bố chủ quyền mới lên Liên hợp quốc. Họ đã cố gắng tạo ra các thực tế mới trên thực địa và người dân Trung Quốc sẽ không chấp nhận điều này nữa, vì vậy chúng tôi đã hành động để bảo vệ quyền lợi của chúng tôi. Điều chúng tôi không hiểu là: Tại sao Mỹ phải dính líu đến những tranh chấp này? Mỹ nên để các bên liên quan giải quyết các tranh chấp một cách song phương và không đứng về phía nào. Sự dính líu của Mỹ đơn giản là đang làm phức tạp thêm tình hình.

Bên thảo luận Mỹ (Mỹ): Như các vị đã biết Mỹ không có bất kỳ lập trường nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Chúng tôi tin rằng trách nhiệm của các bên liên quan là giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và ngoại giao và…

Trung Quốc: Chúng tôi biết đây là chính sách chính thức của các vị, nhưng nhiều người ở Trung Quốc tin rằng Washington đang “nói một đằng làm một nẻo”. Dường như như thể là các vị đang lợi dụng tình hình và châm ngòi cho căng thẳng để đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc vào thế “kiềm chế Trung Quốc”. Đây là quan điểm chủ đạo ở Trung Quốc.

Mỹ: Trái với những nhận thức này, Mỹ không tìm cách làm trầm trọng thêm và lợi dụng những căng thẳng ở đó, hoặc khuyến khích các nước trong khu vực kiềm chế Trung Quốc. Thực tế, Washington đã có nhiều cuộc thảo luận rất thẳng thắn với các đối tác của chúng tôi về sự cần thiết phải kiềm chế hành vi của họ và không nhất thiết phải khiêu khích Trung Quốc.

Điều Mỹ lo lắng chính là bất kỳ hành động nào làm tăng các căng thẳng khu vực, thách thức nguyên trạng hòa bình, hoặc cản trở quyền tự do hàng hải. Một số hành động gần đây của Trung Quốc đã làm gia tăng lo ngại trong cả ba lĩnh vực này.

Trung Quốc: Có phải các vị đang đề cập đến việc xây dựng “đảo nhân tạo” ở Biển Đông? Điều này hoàn toàn hợp pháp theo luật pháp quốc tế và đang được tiến hành trong lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc. Dường như các vị không thấy có vấn đề gì khi Việt Nam và Philippines thực hiện việc “cải tạo đất” trong quá khứ. Chỉ khi Trung Quốc làm vậy các vị mới phản đối và nói tất cả các bên phải dừng lại. Đây chẳng phải là tiêu chuẩn kép hay sao?

Mỹ: Rõ ràng, Mỹ không công nhận toàn bộ Biển Đông là “lãnh thổ có chủ quyền” của Trung Quốc, nhưng các vị nói đúng: việc cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo không bị cấm theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Cũng đúng là Mỹ không phản đối các dự án cải tạo đất của các bên khác trong quá khứ. Tuy nhiên năm 2002, Trung Quốc và các nước trong khu vực đã ký kết Tuyên bố Ứng xử (DOC) trong đó tất cả các bên nhất trí không thực hiện các hành động đơn phương có thể làm phức tạp thêm các tranh chấp.

Trong những năm gần đây tất cả các bên tranh chấp khác kết hợp đã cải tạo khoảng 100 hecta đất. Trung Quốc cải tạo 3000 hecta. Và trong khi các nước khác mở rộng một cách khiêm tốn hoặc củng cố các tiền đồn sẵn có, Trung Quốc lại đang xây dựng các “đảo nhân tạo” mới trên một phạm vi và quy mô chưa từng có. Điều khiến Mỹ lo ngại nhất là Trung Quốc dường như vừa quân sự hóa những đảo này vừa tuyên bố quyền thực thi pháp lý mở rộng đối với những đảo không được ghi trong UNCLOS. Mỹ chỉ đơn giản kêu gọi tất cả các bên đóng băng những dự án mới này và việc quân sự hóa các đảo. Bắc Kinh dường như đồng ý khi họ nói họ đang ngừng công việc cải tạo đất hồi đầu mùa Hè này, nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy công việc đã lại tiếp tục.

Trung Quốc: Chúng tôi chưa bao giờ nói chúng tôi sẽ ngừng hoàn toàn công việc này. Chính phủ Trung Quốc rất rõ ràng – chúng tôi chỉ tạm thời đình chỉ công việc lại. Tất cả những gì chúng tôi đang cố gắng làm là củng cố vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của chúng tôi và cải thiện điều kiện sống của những người dân đang sống và làm việc ở đây. Điều này không nên gây ra nhiều tranh cãi.

Mỹ:  Nhưng các vị đang xây những đường băng và công sự cấp quân sự. Cũng có vẻ là dường như các vị đã đặt pháo di động lên một trong những hòn đảo này hồi đầu mùa Hè. Điều này không cho thấy mục đích hòa bình.

Trung Quốc:  Việc đó có ảnh hưởng gì? Đây là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc và chúng tôi có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Chúng ta phải tôn trọng lợi ích của nhau. Và chúng tôi không thể hiểu Mỹ làm thế nào để có thể rao giảng cho chúng tôi về luật pháp quốc tế khi Mỹ thậm chí còn chưa từng ký kết UNCLOS.

Mỹ: Bất chấp việc Quốc hội Mỹ đã thông qua UNCLOS hay chưa, Mỹ vẫn kiên định tán thành việc phân loại hàng hải được vạch ra trong UNCLOS. Và những gì Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện với những đảo nhân tạo là vi phạm trực tiếp UNCLOS. Hiệp ước này cho phép một vùng an toàn 500m đối với các cấu trúc địa hình dưới nước, một vùng lãnh hải 12 hải lý đối với bãi nổi khi triều thấp, và một Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý đối với các đảo tự nhiên. UNCLOS đã nói rõ ràng không chút mập mờ rằng việc nạo vét cát trên các bãi đá và các cấu trúc địa hình ngầm không thể thay đổi vị thế của chúng thành “các đảo tự nhiên” hoặc trao cho chúng một EEZ. Có vẻ như Bắc Kinh đang nỗ lực làm đúng điều đó, nhưng chúng tôi không thể chắc chắn bởi Trung Quốc đã từ chối xác định chính xác vị thế mà nước này đang tuyên bố dành cho những đảo nhân tạo này. Cũng như với “đường chín đoạn” được tuyên bố mơ hồ trên toàn Biển Đông, việc thiếu rõ ràng này đang tạo ra nhiều bất ổn và biến động hơn.

Trung Quốc:  Vâng, tôi hiểu đây là một vấn đề. Ngay cả Bộ Ngoại giao của chúng tôi cũng không biết ý nghĩa chính xác của “đường chín đoạn” là gì nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói Biển Đông là “lãnh hải” – chúng ta hãy làm rõ điều đó. Tuy nhiên, đây là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc. Những cấu trúc địa hình này là bãi đá hay đảo thì có gì quan trọng? Tự do hàng hải trên Biển Đông chưa từng là một vấn đề và sẽ không bao giờ là một vấn đề.

Mỹ: Nó rất quan trọng. Trong khi tự do hàng hải đối với các tàu thương mại chưa bao giờ là một vấn đề, thì tự do hàng hải đối với các tàu quân sự lại là vấn đề. Trong thập kỷ vừa qua Trung Quốc đã không ngừng quấy nhiễu và đe dọa máy bay và tàu thuyền của Mỹ hoạt động trong vùng EZZ ngoài khơi đảo Hải Nam và Trung Quốc Đại lục. Trung Quốc khăng khăng rằng các tàu khảo sát nước ngoài phải được sự chấp thuận của họ trước khi đi vào EEZ của mình nhưng cách giải thích theo UNCLOS đó bị Mỹ và một số lượng lớn trên toàn thế giới phản đối. Nếu Trung Quốc hiện đang tuyên bố chủ quyền đối với các EEZ mới và mở rộng hơn trên Biển Đông, họ sẽ chuyển tranh chấp của chúng ta tới đó, tạo ra nhiều cơ hội cho xung đột và tính toán sai lầm, và lôi kéo Mỹ vào Biển Đông một cách chắc chắn hơn bao giờ hết. Máy bay Mỹ bay gần các đảo nhân tạo này bên ngoài phạm vi 12 hải lý đã bị cảnh báo phải rời đi bởi chúng đang đi vào “vùng cảnh báo quân sự của Trung Quốc”. Không ai bên ngoài Trung Quốc công nhận một “vùng cảnh báo quân sự” như vậy đối với các cấu trúc địa hình này.

Trung Quốc: Nếu những máy bay của các vị bay qua những hòn đảo đó, chúng tôi không có vấn đề gì, chúng chỉ không nên lại gần những đảo đó. Ở Trung Quốc, điều này được coi là bất lịch sự và thô lỗ, như thể các bạn đang nhòm vào cửa sổ nhà hàng xóm. Đó là cách cư xử xấu. Nghe này, sách giáo khoa cũ của Trung Quốc đã gọi quần đảo Trường Sa là mũi phía Nam của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi không muốn thêm một tấc nào nữa. Chúng tôi không phải một cường quốc thích bành trướng. Chúng tôi không có những tham vọng bá quyền. Nếu chúng ta có thể tôn trọng lợi ích của nhau ở đây, chúng ta hẳn không có vấn đề gì cả.

Mỹ: Không thêm một tấc nào nữa? Các vị không phải vừa tuyên bố chủ quyền đối với 90.000 km vuông ở Ấn Độ - nơi các vị gọi là phía Nam Tây Tạng hay sao? Còn quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thì sao? Chúng tôi đã chứng kiến một xu hướng quyết đoán rộng lớn của Trung Quốc kể từ năm 2008 và không chỉ Mỹ lo ngại về điều đó – tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc đang thể hiện sự lo lắng rằng Trung Quốc đã từ bỏ “sự trỗi dậy hòa bình” của mình.

Trung Quốc: Phải, có rất nhiều vấn đề do lịch sử để lại đang làm phức tạp thêm tình hình ở châu Á và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Có lẽ trong quá khứ, giới lãnh đạo không nhạy cảm trước “công luận” nhưng hiện tại người dân Trung Quốc đang đòi hỏi chúng tôi có một lập trường cứng rắn về các vấn đề lãnh thổ và không nhà lãnh đạo Trung Quốc nào được phép coi là yếu đuối đối với người dân Trung Quốc. Điều này thường bị bỏ qua ở nước các vị. Các vị nói Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn trong vòng vài năm qua – đó là bởi tư duy của người dân Trung Quốc đã thay đổi và chúng tôi phải tôn trọng mong muốn của họ. Họ không thể bị hạ nhục thêm nữa.

Mỹ: Không nghi ngờ rằng người dân Trung Quốc thực sự nhiệt huyết về những vấn đề này. Nhưng ngay cả nếu ông đúng và các nhà lãnh đạo Trung Quốc trở nên nhạy cảm trước những ý tưởng bất chợt của một “công luận” ngày càng theo chủ nghĩa dân tộc hơn trong nhiều năm gần đây, ai là người chịu trách nhiệm cho điều đó? Không gian công cộng của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ nhưng các phương tiện tuyên truyền theo chủ nghĩa dân tộc đã được cho phép sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân. Các tướng PLA được phép kêu gọi đánh chìm tàu chiến của Mỹ nhưng báo chí bị đóng cửa vì thảo luận về các quyền dân sự. Đây là những quyết định chiến lược và chính trị được đưa ra bởi một chính phủ với tầm ảnh hưởng đáng kể đối với diễn ngôn công cộng. Đơn giản là không đủ khi nói rằng: “Đây là công luận – chúng tôi đã bó tay rồi”.

Trung Quốc: Chế độ kiểm duyệt phải được cải tổ nhưng tình hình của chúng tôi là riêng biệt, và chúng tôi là một nước đang phát triển với nhiều sự phân hóa và các thách thức to lớn – việc kiểm duyệt là bắt buộc theo những điều kiện duy trì ổn định.

Mỹ: Điều này luôn làm tôi ngạc nhiên một cách lạ lùng: rằng người dân Trung Quốc là độc nhất với tất cả các dân tộc khác trên thế giới và phải được tách biệt khỏi thông tin. Vì sự ổn định sao? Hay một xã hội hài hòa? Ấn Độ có nhiều thách thức về phát triển hơn nhiều, nhiều cuộc nổi dậy bạo lực hơn, và nhiều phân chia sắc tộc, chính trị, ngôn ngữ, tôn giáo và nhân khẩu học hơn nhiều, và không cảm thấy có nhu cầu kiểm soát dòng thông tin với người dân. Xã hội không trở nên hỗn loạn bởi người dân Ấn Độ có thể Google bất cứ điều gì họ lựa chọn hoặc công khai lên tiếng phản đối.

Trung Quốc: Điều quan trọng là các vị phải hiểu giới lãnh đạo Trung Quốc không thể quá dễ dàng đi ngược lại một khi đã tiến về phía trước. Và các vị phải hiểu đây là những gì được viết trong sách giáo khoa của chúng tôi – Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc. Điều này đã được truyền lại cho chúng tôi từ các thế hệ tổ tiên. Đây là điều người dân Trung Quốc tin tưởng.

Mỹ: Tôi hiểu những gì có trong sách giáo khoa của các vị. Sách giáo khoa Pakistan tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và tuyên bố Kashmir là lãnh thổ chính thức của Pakistan. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận việc Pakistan xâm lược Kashmir? Tất nhiên là không. Đối với chúng tôi – vì trật tự quốc tế hiện nay – “các tuyên bố mang tính lịch sử” không bào chữa cho việc sử dụng vũ lực hoặc việc sáp nhập lãnh thổ. Nó đi ngược lại tất cả các nguyên tắc và chuẩn mực được chấp nhận.

Trung Quốc: Đây không phải vấn đề về nguyên tắc và chuẩn mực. Đó là về sức mạnh. 

Mỹ: Tôi đánh giá cao sự thẳng thắn của ông nhưng thật buồn khi nghe ông nói điều đó. Một hệ thống trong đó quyền lực thống trị là một sự quay trở lại thời kỳ Miền Tây hoang dã. Từ đất nước đã khai sinh ra Miền Tây hoang dã, hãy tin chúng tôi khi chúng tôi nói đây không phải khuôn mẫu lành mạnh cho các vấn đề quốc tế. Một hệ thống do sức mạnh chi phối sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ. Nếu chúng tôi hành động như mọi bá chủ bị quyền lực ám ảnh trước chúng tôi, có lẽ chúng tôi đã sáp nhập lãnh thổ và chiếm dụng tài nguyên tùy thích, và làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn sự trỗi dậy của bất kỳ đối tượng thách thức tiềm tàng nào, bao gồm cả Trung Quốc. Chúng tôi đã không làm những điều đó bởi chúng tôi tin vào sự cai trị của pháp luật và sự ổn định sinh ra bởi một hệ thống pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi không sợ hãi quyền lực nhưng chúng tôi thất vọng về tình trạng hỗn loạn gây ra bởi một hệ thống trong đó sức mạnh vô độ thống trị. Và, thẳng thắn mà nói, Trung Quốc cũng nên như vậy.

Theo The National Interest

Văn Cường (gt