Biển Đông là một trong những khu vực biển bất ổn nhất trên thế giới với các tuyên bố chủ quyền liên quan các đảo san hô, các đảo chìm, rạn san hô và đảo đá. Ngư dân Biển Đông, các nhà sinh học biển và nhà hoạch định chính sách đều đồng ý rằng nếu không kết thúc các hoạt động đánh bắt cá không bền vững và áp dụng các biện pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, thì hệ sinh thái và ngư trường tại đây sẽ hoàn toàn biến mất.

Các hoạt động cải tạo, bồi đắp gấp rút các bãi đá của Bắc Kinh tại Trường Sa tiếp tục tạo ra căng thẳng giữa các bên tranh chấp khác như Việt Nam và Philippines. Việc Trung Quốc mở rộng xây dựng tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven…) đã làm hủy hoại ngư trường giàu có và các rạn san hô có giá trị trong quần đảo.

Tiến Sĩ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược, một chuyên gia hàng đầu về Biển Đông cho rằng các hoạt động tôn tạo hàng ngày của Trung Quốc “làm rối loạn hệ sinh thái biển của khu vực, phá hủy hoàn toàn các rạn san hô có tuổi đời hàng triệu năm. Đồng thời những hành động này cũng phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển. Bảo vệ môi trường sinh thái biển là một vấn đề toàn cầu và công dân trên toàn thế giới đều có trách nhiệm đối với việc này".

Tình hình căng thẳng tiếp tục diễn ra ở bãi cạn Scarborough cùng với khả năng nghiêm trọng tại quần đảo Hoàng Sa nơi đang bị Trung Quốc chiếm đóng nhưng Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Trong khi bãi cạn hoang vắng này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, tàu Trung Quốc đâm tàu đánh cá của ngư dân Philippines cùng những hoạt động của Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp loài trai khổng lồ sắp tuyệt chủng.

Chuyên viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Gregory Poling tin rằng các hoạt động cải tạo của Trung Quốc sẽ tiếp tục làm gia tăng sự lo lắng và khả năng tuần tra giám sát của Bắc Kinh được mở rộng thông qua việc cải tạo các cơ sở vật chất, bến cảng, đường băng ở quần đảo Trường Sa sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Các bức ảnh vệ tinh phản ánh về các hoạt động tôn tạo mở rộng đảo bất hợp pháp của “Vương triều Trung Quốc” đang làm dấy lên sự quan ngại của Mỹ và châu Á.

Năm ngoái, truyền thông thế giới đã bị cuốn vào cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam khi giàn khoan 4 tầng trị giá 1 tỷ USD hạ đặt cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước. Mặc dù việc thử thách giới hạn địa chính trị này kết thúc bằng việc Trung Quốc cuối cùng phải rút giàn khoan nhưng điều này không chấm dứt quyết tâm của Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vuơng Nghị tuyên bố: "Hôm nay chúng tôi đang ở trên con thuyền này cùng với hơn 190 quốc gia khác. Vì vậy, chúng tôi tất nhiên không muốn làm phật lòng tất cả hành khách để đảm bảo con tàu này sẽ tiến về phía truớc vững chắc và đúng hướng. Trung Quốc chỉ là đang tiến hành những việc xây dựng cần thiết không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào”. Ẩn ý ngoại giao này không làm gì để giảm bớt cuộc khủng hoảng đánh cá ven biển tồi tệ của Trung Quốc khi tàu đánh cá bằng thép của nước này tiến sâu hơn vào vùng biển tranh chấp. Đáp lại, ngư dân của Việt Nam đã được cấp vốn vay ưu đãi hào phóng để thay thế thuyền gỗ truyền thống thành thuyền thép. Hà Nội gần đây tuyên bố rằng nước này sẽ có 30.000 thuyền đánh cá mới hoạt động ở Biển Đông và các vùng biển xa hơn vào năm 2020.

Các nhà hoạch định chính sách và nghiên cứu như nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore, ông Youna Lyons, tin rằng dù có hay không việc tái xuất hiện giàn khoan Hải Dương-981 hay việc tái triển khai tàu chế biến cá (Hải Nam Bảo Sa 001) (nặng 32.000 tấn với bốn nhà máy chế biến và 600 công nhân), nó "đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp các yêu sách của Trung Quốc đối với cá ở Biển Đông". Xét cho cùng, hành động làm cạn kiệt nguồn thuỷ sản thuộc về Việt Nam và Philippines này là một hành động vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Khoa học biển và địa chính trị  đang có sự hội tụ với nhau hơn bao giờ hết trong vấn đề Biển Đông.

An ninh lương thực và những thách thức tái tạo tài nguyên cá là rất rõ ràng. Theo báo cáo “Nguồn cá đến năm 2030: Triển vọng nghề cá và nuôi trồng thuỷ sản” của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng đến thị trường cá toàn cầu. Mô hình cơ bản cho thấy Trung Quốc sẽ chiếm 38% nhu cầu tiêu thụ cá toàn cầu vào năm 2013. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã xác nhận rằng một phần mười lượng cá đánh bắt trên toàn thế giới nằm tại Biển Đông. Một xu hướng đang nổi lên rõ ràng: đánh bắt quá mức và sự tàn phá rộng rãi đối với các rạn san hô.

Các nhà khoa học hàng hải bày tỏ quan ngại về sự biến mất của các rạn san hô cứng, san hô mềm, san hô đen cùng các loài cá vẹt, cá heo, rùa biển, cá mú, cá mập... Từ khu vực ven biển Việt Nam tới các rạn san hô tại đảo Hải Nam đã có sự sụt giảm khoảng 60% môi trường sống san hô và 50% các loài cá. Hiện tượng El Nino năm 2008 đã khiến nhiệt độ nước biển tăng trong ngắn hạn, dẫn đến việc “chảy máu” các rạn san hô trên diện rộng và phá huỷ sự tạo thành các rạn san hô quý giá.

Một cơn bão hoàn hảo đang nhanh chóng quét qua khu vực. Hàng loạt vấn đề nan giải diễn ra hàng ngày như sự nóng lên toàn cầu, sự hủy diệt các rạn san hô, đánh bắt cá quá mức, phương thức đánh bắt cá huỷ diệt môi trường sống, công nghệ tiên tiến, sự gia tăng số lượng các tàu cá lớn, đánh bắt bừa bãi và gia tăng dân số.

Bài báo “Biển Đông: Cuộc đấu tranh giành quyền lực tại khu vực châu Á” của Bill Hayton khẳng định kể từ khi Trung Quốc khuyến khích ngư dân nước này đánh bắt tại các vùng biển tranh chấp, việc đánh bắt cá quá mức vẫn là một trong những vấn đề lớn cần được giải quyết trong khu vực. “Trong thời gian cấm đánh bắt cá năm 2012, Sở hải dương và ngư nghiệp tỉnh Hải Nam tổ chức một đội tàu cá lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc tiến hành đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa với 30 tàu, trong đó có một tàu tiếp tế 3.000 tấn".

Từ năm 1985, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã sử dụng thuốc nổ và chất xyanua để đánh bắt cá tại quần đảo Trường Sa. Các nhà sinh học biển ước tính lượng đánh bắt thuỷ sản phải hạn chế xuống mức 50% mới có thể khôi phục được lượng cá ở mức bền vững. Vậy thì các cơ quan quản lý ở đâu để xử phạt các đối tượng sử dụng lưới rà, lưới kéo, lưới rê, lưới trôi, lưới thả trên và dưới mặt biển, lưới thả gắn mồi và các phương pháp đánh bắt huỷ diệt sử dụng chất xyanua và thuốc nổ?

Những người ủng hộ Khu bảo tồn biển (MPA), một khu quản lý bảo tồn quan trọng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái biển an toàn khỏi các hoạt động khai thác dầu khí, khai thác mỏ và các loại hình thương mại thủy sản, đồng ý rằng có lịch sử hợp tác khoa học hàng hải tại Biển Đông.

Giáo sư John McManus, nhà sinh học biển và là giám đốc của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu san hô (NCORE) cho biết "trong một số trường hợp, việc thiết lập các hoạt động quốc tế chính thức có thể sẽ được thực hiện dễ dàng hơn thông qua tài trợ tham gia nghiên cứu khoa học và bảo tồn của các tổ chức phi chính phủ (NGO), qua đó có thể tác động đến các hoạt động bảo vệ với các giới hạn theo mùa và khu vực."

Có những nỗ lực hợp tác nghiên cứu khoa học trong thời gian gần đây. Ví dụ như Sáng kiến liên chính phủ, đa quốc gia “Tam giác San hô” năm 2009 bao gồm Indonesia, Philippines, Timor Leste, Papua New Guinea và quần đảo Solomon. Khu vực này có hơn 600 loài san hô, hơn 3.000 loài cá và khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới. Sáng kiến này tạo được các cuộc đối thoại khoa học biển thường xuyên và tạo ra các hoạt động hợp tác chính trị có hiệu quả giữa các nước láng giềng.

Hội nghị thượng đỉnh Hành động Đại dương toàn cầu về An ninh lương thực và Tăng trưởng xanh năm ngoái được tổ chức tại La Hay đã thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo toàn thế giới, các chuyên gia về đại dương, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và các ủy ban quốc tế như Ngân hàng thế giới, Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác. Họ đã thừa nhận rằng có 3 tỷ người hiện đang phụ thuộc vào thực phẩm từ cá chiếm trung bình 20% lượng protein hấp thu từ động vật. Ngoài ra, khoảng 660 – 820 triệu người đang sinh sống (gần 12% dân số thế giới) dựa vào nghề đánh bắt cá.

Các thách thức khó có thể làm ngơ: Làm thế nào có thể nuôi sống hơn 9 tỷ người đến năm 2050 trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạnh tranh ngày càng tăng về tài nguyên biển, đánh bắt cá quá mức, thay đổi môi trường sống và ô nhiễm vùng ven biển. Các vấn đề này cần các giải pháp cấp bách.

Tại sao lại không kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh về môi trường Biển Đông; một chiến lược hợp tác thiết lập bởi một liên Ủy ban Hải dương Xanh Biển Đông gồm các nhà khoa học về biển và các nhà hoạch định chính sách có thể giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia này, để xây dựng các cơ quan quản lý nghề cá khu vực có trách nhiệm giám sát việc đánh bắt cá, thúc đẩy việc bảo tồn biển, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa và để khuyến khích người dân kiến nghị các chính phủ thực hiện các hoạt động cần thiết để bảo tồn biển.

Một cách đơn giản, có lẽ thông điệp John Gruver thuộc Hiệp hội Thuyền cá đưa ra là những gì các ngư dân Biển Đông cần phải nhận thức được, đó là "Các ngư dân tương lai sẽ không được đánh giá thông qua con cá anh ta bắt được mà là qua con cá anh ta không bắt”.

Theo “Geopolitical Monitor

Mỹ Anh (gt)