077720-120216-xi-and-obama.jpg

Việc Trung Quốc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratly) và sau đó làm leo thang xung đột khi mở rộng sự kiểm soát quân sự của nước này đối với toàn bộ khu vực Biển Đông thông qua việc gia tăng hoạt động xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo nằm trên các rạn san hô đang là mối đe dọa nghiêm trọng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và an ninh toàn cầu. Diễn biến này xứng đáng cần phải có một phản ứng của quốc tế.

Sự phiêu lưu quân sự không bị kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông càng mạnh do những chênh lệch về sức mạnh mà Bắc Kinh sở hữu so với hai nước có tranh chấp chính là Việt Nam và Philippines. Hơn thế nữa, Trung Quốc lại càng mạnh bạo hơn khi họ nhận thấy quan điểm vẫn còn mập mờ của Mỹ khi Washington với tư cách là “nước mang lại an ninh” cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Á lại không thể có phản ứng mạnh mẽ để ngăn chặn Trung Quốc trong kế hoạch bành trướng của Bắc Kinh khi mở rộng vùng biển tranh chấp này. Mỹ, các đồng minh và đối tác thân cận của mình, nhiều lần nhắc đến các nguyên tắc “tự do hàng hải” thông qua “thông lệ chung toàn cầu” không làm thay đổi được tư tưởng một chiều của Trung Quốc trong việc đạt được sự chi phối rộng lớn trên biển và kiểm soát hoàn toàn Biển Đông như là một sự khởi đầu cho việc Bắc Kinh làm chủ hoàn toàn đối với toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nổi lên vào cuối năm 1949, họ từng tôn trọng các nguyên tắc quốc tế chưa?
Các triển vọng tương lai về giải pháp cho cuộc xung đột ở Biển Đông vẫn chưa hé lộ bất kỳ sự lạc quan hứa hẹn nào. Trái lại, các triển vọng đều cho thấy sự không khoan nhượng của Trung Quốc đối với cuộc xung đột này sẽ còn gia tăng. Năm 2016 có thể chứng kiến điều này nhiều hơn khi nước Mỹ còn bận tâm với cuộc bầu cử tổng thống và tân tổng thống Mỹ phải mất thêm 2 năm để giải quyết tình hình.

Các câu hỏi lớn mang tính sống còn nổi lên sau sự phớt lờ của Bắc Kinh đối với ý kiến của cộng đồng quốc tế liên quan tới kế hoạch mang tính chiến lược rõ ràng của Trung Quốc trong việc biến Biển Đông thành một “Biển Trung Quốc Lục địa” là: (1) Trong một nỗ lực muộn màng nhằm làm thất bại các âm mưu chiến lược của Trung Quốc, Mỹ có thể hoặc có xu hướng làm điều này một mình được không? (2) Các nước trong khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ với tư cách là một liên minh ở châu Á có thể thách thức và ngăn cản Trung Quốc leo thang xung đột ở Biển Đông không? (3) Liệu Trung Quốc có bị ngăn cản bởi ba bên Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ hay bốn bên là Mỹ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ hay không? Câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên là không thể. Phải chăng điều này giống như Hitler khiến cả châu Âu giận dữ trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới thứ hai sau sự nhượng bộ ở Munich năm 1938, Trung Quốc có thể cũng khiến tất cả giận dữ khi mở rộng vùng biển ở Biển Đông do các chính sách nhượng bộ Trung Quốc của Mỹ và vì thế gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực cũng như toàn cầu? Biển Đông không chỉ là vấn đề xung đột an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà còn liên quan tới cộng đồng quốc tế vốn có quyền lợi hợp pháp là quan tâm tới nguyên trạng của Biển Đông về tầm quan trọng kinh tế của Biển Đông và không phải dưới sự kiểm soát quân sự của Trung Quốc như là một vùng “biển đảo của Bắc Kinh”.

Như đã đề cập trong tất cả các bài viết của tác giả từ năm 2001 rằng Trung Quốc đang có ý định tạo ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ hai ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chúng ta sẽ chứng kiến toàn bộ những biểu hiện của nó trong năm 2016 khi Trung Quốc có ý định áp đặt các điều kiện của nước này đối với cuộc xung đột ở Biển Đông, khiến cho cộng đồng quốc tế và khu vực không phản đối chủ quyền và sự chi phối hoàn toàn của Trung Quốc trong cái mà họ cho là vùng biển đảo của Trung Quốc và những hàm ý về biển đi kèm theo nó. Mỹ và cộng đồng quốc tế cần phải lưu ý tới các bài học sau khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và cần phải có các phản ứng thích hợp trước các mưu đồ đế quốc của Trung Quốc. Ngăn ngừa một cuộc chiến toàn cầu nữa kéo theo một trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc và chặn trước khả năng xảy ra hủy diệt hạt nhân không phải là điều không thể, câu trả lời nằm ở việc phải tổ chức một hội nghị quốc tế theo mô hình Geneva để có thể giúp cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông. Người ta cho rằng Trung Quốc có thể phản đối khái niệm này một cách gay gắt thông qua quan điểm trước đây của nước này liên quan tới cuộc xung đột trên và sử dụng quyền phủ quyết ở Liên Hợp Quốc (LHQ) nếu hội nghị quốc tế này được triệu tập theo sự ủy nhiệm của LHQ. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là LHQ sẽ làm gì khi một trong những nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an của mình là bên gây hấn và gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh? Trung Quốc có thể trông cậy vào sự ủng hộ của đồng minh quan hệ chiến lược của mình về vấn đề này. Một vấn đề quan trọng theo hướng này sẽ là Cộng đồng ASEAN với tư cách là khu vực có ảnh hưởng nhất thể hiện sự đoàn kết hoàn toàn của khối và yêu cầu tổ chức một hội nghị quốc tế theo mô hình Geneva coi đó là một phần của tiến trình giải pháp cho cuộc xung đột quốc tế.

Nhiều đề xuất có thể được hội nghị quốc tế về Biển Đông theo mô hình Geneva xem xét, có thể tiếp sau đó là các cuộc tuần tra biển của hải quân quốc tế ở Biển Đông và sau đó là việc phi quân sự hóa các đảo/đảo nhân tạo là nơi đồn trú của quân đội Trung Quốc. Phải cấm Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này trên Biển Đông. Với việc Trung Quốc không tuân theo các tiến trình giải pháp cho cuộc xung đột ở Biển Đông, cộng đồng quốc tế có thể phải sử dụng điều mà theo thuật ngữ pháp lý gọi là một quyết định “một phía”. Tóm lại, cần phải nhấn mạnh rằng đây sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn khi đưa Trung Quốc ra bất kỳ hội nghị quốc tế toàn cầu nào để tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Biển Đông. Sự thay thế cho một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp là tình trạng hỗn loạn quân sự như nước Đức thời Hitler từng làm. Đây là thời điểm Mỹ cần phải đi đầu theo hướng tổ chức hội nghị như trên với sự ủng hộ đầy đủ của Liên minh châu Âu, ASEAN và các nước lớn khác như Nhật Bản và Ấn Độ. Là một siêu cường thì phải có những trả giá chiến lược, Mỹ nên sẵn sàng và được kỳ vọng là sẽ hào phóng chi trả những chi phí này./.

Bài viết của Tiến sĩ Subhash Kapila đăng trên trang “South Asia Analysis”.

Vũ Hiền (gt)