1325641415_img.jpg

Biển Đông đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể những căng thẳng hàng hải. Mới đây, hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã hạ cánh trên đảo Woody (Phú Lâm) - thuộc quần đảo Hoàng Sa, và điều này chỉ diễn ra vài ngày sau khi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) triển khai tên lửa đất đối không cũng tại đảo này. Với tầm bắn 200 km, tên lửa HQ-9 mới có thể nhắm tới các máy bay tiếp cận không phận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Mối lo ngại trong khu vực càng tăng khi các hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp một số quần đảo ở Trường Sa cho thấy các cơ sở hạ tầng radar có thể đã được xây dựng. PLA có thể đã thiết lập hệ thống radar bao phủ toàn bộ Biển Đông.

Không cần phải nói, có nhiều đồn đoán về các mục tiêu “chiến lược” của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động đặt tên lửa trên các đảo tranh chấp được hiểu rộng rãi như một thái độ hàng hải cứng rắn của Bắc Kinh, không chỉ bởi mối đe dọa trực tiếp của các tên lửa đối với các hoạt động trên không ở Biển Đông, mà còn vì những vũ khí mới được PLA tăng cường trang bị trên đảo Phú Lâm. Mặc dù không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng có 4 khía cạnh trong diễn biến gần đây tại khu vực này có liên quan đến Ấn Độ. Thứ nhất, Ấn Độ không quan tâm đến các tuyên bố và phản đối của Mỹ và Trung Quốc, nhưng rõ ràng Bắc Kinh hành động với một lập trường cứng rắn ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc kiểm soát thực tế đối với các đảo tranh chấp ở khu vực. Trung Quốc đã chỉ cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ thấy rằng điều quan trọng trong tranh chấp lãnh thổ trên biển là sự “chiếm hữu” thực tế các đảo, và khi PLA thực hiện sự kiểm sóat quân sự đối với các đảo chủ chốt, nó sẽ khai thác vị trí đó để hỗ trợ cho các yêu sách lãnh thổ rộng lớn hơn. Do đó, đối với New Delhi, đó là sự quan tâm về an ninh dòng chảy thương mại và lợi ích năng lượng ở Biển Đông. Hơn nữa, vị trí đặt tên lửa của Bắc Kinh cần được xem xét một cách tỉnh táo. Khi các đảo tranh chấp được quân sự hóa sẽ đe dọa tự do hàng hải và biến Bắc Kinh thành trọng tài phân xử các hoạt động được cho là hợp pháp ở Biển Đông. Thứ hai, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các khu vực lợi ích hàng hải chủ yếu thông qua các phương tiện gián tiếp. Hậu quả ngay lập tức của việc lắp đặt radar mới ở Trường Sa và triển khai các tên lửa trên đảo Phú Lâm là Bắc Kinh có khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, qua đó đảm bảo sự thống trị biển và không phận xung quanh. Vì vậy, khả năng Trung Quốc gây hấn bên ngoài không gian hàng hải tranh chấp ở khu vực Đông Nam Á có thể xảy ra trong tương lai. Do đó, không thể không tính đến các hoạt động hàng hải quyết đoán của Trung Quốc tại các khu vực khác, nơi mà Bắc Kinh có thể có lợi ích chiến lược - bao gồm các không gian quan trọng ở Ấn Độ Dương. Đối với các nhà quan sát Ấn Độ, sẽ là rất hữu ích để suy xét về các vị trí quan trọng của Trung Quốc ở vành đai Ấn Độ Dương (IOR) cũng như để đánh giá hành động chiến lược của Bắc Kinh sau khi PLA đặt dấu chân tại các quốc gia quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương. Chẳng hạn như PLA có thể đã đóng một vai trò trong việc hỗ trợ Sri Lanka, Pakistan hay Maldives đảm bảo các vùng biển trọng yếu, lỗ hổng không gian ở Ấn Độ Dương, và điều gì sẽ tác động đến Ấn Độ nếu điều đó xảy ra. Là một nhà cung cấp an ninh quan trọng ở Ấn Độ Dương, New Delhi đánh giá cao sự cần thiết phải có ổn định lớn hơn ở khu vực. Tuy nhiên, liệu Ấn Độ có chấp nhận vai trò mở rộng của Trung Quốc trong đảm bảo không gian quan trọng ở khu vực có lợi ích ưu tiên chiến lược của New Delhi.

Các nhà phân tích Ấn Độ phải lưu ý về chiến thuật biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù triển khai quân sự trên các đảo tranh chấp, nhưng “công cụ” thực tế được Trung Quốc sử dụng để xâm lược là lực lượng ngư chính ở Biển Đông. Hồi đầu tháng này, Chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin cho biết việc Trung Quốc sử dụng các lực lượng bán quân sự trong tranh chấp lãnh thổ đã gây khó khăn cho những nỗ lực của Mỹ nhằm tránh bạo lực xảy ra trong khu vực tranh chấp. Theo các nguồn tin hải quân Mỹ, sự hiện diện của các tàu phi quân sự Trung Quốc, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng ngư chính đã gây nguy hiểm cho các hoạt động hải quân trong khu vực, bởi vì các tàu này không bị chi phối bởi Bộ quy tắc về các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES). Trong khi Trung Quốc mô tả các đơn vị phi quân sự của mình là “cơ quan thực thi pháp luật”, lực lượng ngư chính được kiểm soát tập trung và thường xuyên làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chiến lược. Hành động thường xuyên của Trung Quốc trong không gian hàng hải là sự gợi ý quan trọng cho các nhà quan sát Ấn Độ. Với việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động ở Ấn Độ Dương, sự hiện diện của các lực lượng bán quân sự trong khu vực này có thể sẽ tăng lên. Phải thừa nhận rằng điều này sẽ không đến mức độ như đã chứng kiến ở khu vực Đông Nam Á, nhưng sự gia tăng hiện diện tương đối ở Ấn Độ Dương có thể làm phức tạp tình hình an ninh ở vùng duyên hải Nam Á. Các đội tàu cá đánh bắt xa bờ của Trung Quốc hiện nay là lớn nhất và được hỗ trợ nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc nghề cá cũng được xem xét cùng với những tham vọng địa chính trị của nước này. Thật vậy, khi Mỹ đang kêu gọi thiết lập một CUES mới, bao gồm các tài sản hàng hải của nhà nước, Ấn Độ có thể cần có các quy định mới để đối phó với sự gia tăng hiện diện phi quân sự của Trung Quốc ở IOR. Thứ ba, hoạt động hàng hải của Trung Quốc là độc lập với các nỗ lực đa phương nhằm giảm căng thẳng trong khu vực và Bắc Kinh hướng tới xây dựng hình ảnh của một người chơi quyền lực thống trị khu vực Thái Bình Dương. Thời điểm Trung Quốc triển khai các tên lửa trên đảo Phú Lâm trùng hợp với cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các nhà lãnh đạo ASEAN tại California - nơi mà các nhà lãnh đạo tìm cách thúc đẩy sự đồng thuận về một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông cùng với nhu cầu chung về Bộ quy tắc ứng xử (COC). Các nhà phân tích Mỹ cho rằng các hành động của Trung Quốc được thúc đẩy trên thực tế bởi nhu cầu chiến lược về việc biến sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở vùng lãnh thổ tranh chấp trở nên bình thường.

Đối với New Delhi, các sự kiện gần đây đã nhấn mạnh đến tính chất gây tranh cãi về chính trị hàng hải ở Thái Bình Dương khi Mỹ và Trung Quốc chơi trò hợp tác nghi thức. Chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục Curtis Wilbur của Mỹ tham gia các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPS) lần thứ hai, Tư lệnh hoạt động hải quân Mỹ đã tham vấn với người đồng cấp Trung Quốc về vụ đụng độ ngoài ý muốn trên biển. Tư lệnh hải quân hai bên đã hài lòng với việc thực hiện đúng quy tắc. Tuy nhiên, cũng chỉ một vài ngày sau đó, Trung Quốc đã đặt tên lửa trên đảo Phú Lâm và Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ thông báo tình hình an ninh đã trở nên tồi tệ đến mức hải quân Mỹ có kế hoạch tăng cường FONOPS. Thứ tư, những diễn biến gần đây nhấn mạnh Ấn Độ cần phải cân bằng giữa nhu cầu an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương và lập trường pháp lý về quyền tự do mà các quốc gia được hưởng trong vùng lãnh hải của mình. Thế tiến thoái lưỡng nan thực sự của New Delhi là trong khi chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Ấn Độ cũng không đồng ý với cách giải thích của Washington về luật hàng hải và các quyền tự do của tàu chiến nước ngoài trong không gian ven biển. Đặc biệt, Ấn Độ không đồng tình với những nỗ lực của Mỹ khi tuyên bố về “quyền đi qua không bị gián đoạn” và không cần sự cho phép trước đó của quốc gia chủ thể - đặc biệt là ở các khu vực được coi là vùng lãnh hải của một quốc gia. Quan điểm của New Delhi về vấn đề này trên thực tế tương đối phù hợp với Bắc Kinh, đặc biệt là sự cần thiết phải thông báo trước của tàu chiến nước ngoài trước khi vào lãnh hải của một quốc gia ven biển hoặc tuyên bố đi qua vô hại trong vùng đặc quyền kinh tế. Dưới lăng kính của Ấn Độ, sự đột nhập không báo trước qua vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế theo học thuyết “đi qua vô hại” hoặc “tự do hàng hải” chắc chắn là một đề nghị đầy thử thách. Mặc dù Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho phép sự qua lại liên tục và nhanh chóng – cần thiết cho nhu cầu hàng hải, nhưng New Delhi không đồng tình với việc tiến hành các hoạt động hàng hải nhằm đạt mục đích chính trị. New Delhi biết rõ không thể ủng hộ các hoạt động của Mỹ, bởi vì có thể điều này sẽ được sử dụng để biện minh cho các hoạt động hàng hải lớn hơn của Trung Quốc gần quần đảo Andaman. Chỉ với lý do này cũng thấy rằng Mỹ và Ấn Độ khó có thể tiến hành tuần tra chung bất cứ lúc nào trong tương lai gần, ngay cả khi New Delhi mở rộng sự ủng hộ quan điểm của Mỹ trong các tranh chấp về lãnh thổ./.

Bài viết của học giả Abhijit Singh, chuyên gia nghiên cứu về an ninh biển thuộc Viện phân tích và nghiên cứu quốc phòng (IDSA) của Ấn Độ. Bài viết đăng trên trang “IDSA” (ngày 1/3).

Vũ Hiền (gt)