Theo tác giả bài viết thì từ lâu nay, Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách kiềm chế, không làm cho vấn đề Biển Đông nóng lên, không muốn nói đến, thậm chí là né tránh nhưng thực tế Trung Quốc tuyệt đối không phải vì không có căn cứ pháp luật. Ngày 27-1-2012 Ngoại trưởng Philíppin Rosario đã đưa ra tuyên bố xác nhận tin từ một số báo chí trước đó về việc Philíppin cho phép Mỹ mở rộng đóng quân tại nước này. Trong tuyên bố của Rosario còn nói đến việc Philíppin sẽ cùng với Mỹ tổ chức diễn tập quân sự hỗn hợp nhiều hơn. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Philíppin Voltaire T.Gazmin cùng ngày cũng cho biết Chính phủ Philíppin đang xem xét chấp nhận đề nghị của Mỹ để cho quân đội Mỹ bố trí tàu chiến và tàu trinh sát mới hơn. Ông Voltaire T.Gazmin nói “nếu thiếu sức mạnh răn đe này thì lãnh thổ của chúng tôi sẽ bị xâm lược. Hôm nay đã có người láng giềng tốt đó (nước Mỹ), chúng tôi sẽ không thể tiếp tục bị lừa gạt nữa”. Trước biểu hiện trên của Philíppin, các chuyên gia bình luận rằng điều này có thể sẽ có hiệu ứng kiểu mẫu nào đó trong số các nước hữu quan ở Biển Đông, khiến cho tình hình khu vực này phức tạp hơn. Trước đó ngày 14/1 tại Bắc Kinh, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ tư về việc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, các bên đã nhất trí cho rằng cần nắm vững thời cơ có lợi nhân kỷ niệm 10 năm ký kết, thúc đẩy thực hiện toàn diện “Tuyên bố” nói trên. “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” đã tồn tại được 10 năm nhằm mục đích “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác, cùng bảo vệ hòa bình ổn định Biển Đông” nhưng vẫn cần phải được “thúc đẩy” và tiếp tục “đẩy mạnh” hơn nữa. Để đẩy mạnh hợp tác thực chất, tại hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN lần thứ 14 tháng 10 năm ngoái, một trong những đề xướng của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về việc làm sâu sắc thêm hợp tác thực chất giữa Trung Quốc và ASEAN là mở rộng hợp tác thực chất trên biển, Trung Quốc sẽ thành lập Quỹ hợp tác trên biển Trung Quốc-ASEAN, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển, liên hệ thông suốt với nhau, an ninh hàng hải và cứu hộ trên biển, tấn công tội phạm xuyên quốc gia. Trung Quốc đã đầu tư 3 tỉ nhân dân tệ cho quỹ này. 

I- Tình hình Biển Đông hiện nay rốt cuộc là thế nào? 

1/ Nhìn nhận vấn đề Biển Đông từ những góc độ khác nhau 

Tác giả bài viết cho rằng nếu nhìn từ góc độ chính trị quốc tế và quan hệ giữa các quốc gia thì tình hình Biển Đông vẫn ổn định. Nói như vậy cũng có nghĩa là quan hệ giữa các nước khu vực Biển Đông cùng nước ngoài khu vực như Mỹ... với Trung Quốc, vẫn đang duy trì quan hệ chính trị, ngoại giao bình thường, khả năng xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông không lớn. Nhưng nếu nhìn từ góc độ khác thì vấn đề sẽ rất nhiều. Ví dụ, xét từ góc độ kiểm soát và sử dụng quyền phát ngôn thì hai năm trở lại đây, vấn đề Biển Đông bị nhào nặn trở thành một trong những vấn đề nóng ở khu vực. Trước năm 2010 chỉ cần Trung Quốc phản đối mạnh thì dù các nước xung quanh Biển Đông hay ngoài Biển Đông cũng đều không thể công khai bàn vấn đề tranh chấp Biển Đông tại các cơ chế hay hội nghị mang tính khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN. Một số nước ASEAN như Việt Nam ... cùng với Mỹ, Nhật Bản... (là các nước ngoài khu vực), có thể tìm ra những tình huống và cơ hội để ngang nhiên bày đặt vấn đề Biển Đông, thậm chí chỉ trích Trung Quốc, Trung Quốc về cơ bản đều bị động và đáp lại một cách giản đơn, chưa bao giờ chủ động gây chuyện. Tại Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng là không kìm nén được mới phản bác lại cái gọi là ngôn luận về “bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông” của Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton. Nói tóm lại, quyền phát ngôn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hiện nay là bị động, đương nhiên đó chủ yếu bắt nguồn từ chính sách tự kiềm chế và chừng mực của chúng ta. Xét từ góc độ khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên thì vài năm gần đây, theo con số thống kê chưa hoàn toàn đầy đủ, mỗi năm các nước ven Biển Đông đã khai thác một khối lượng đến trên 5 triệu tấn dầu khí ở vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông, trong khi Trung Quốc đến nay còn chưa có lấy một giếng dầu ở vùng biển tranh chấp này. Vấn đề vẫn không chỉ có thế mà một thời kỳ rất lâu trước đó, các nước như Philíppin và Việt Nam khi muốn lôi kéo công ty dầu khí của nước phương Tây vào khai thác, thăm dò, thường còn kiêng dè đến phản ứng của Trung Quốc, nếu Trung Quốc phản ứng mạnh sẽ có phần thu hẹp khai thác hoặc dịu giọng, còn nay thì mạnh bạo rõ rệt, ngang ngược bày đặt. Ví dụ, hồi tháng 5 tháng 6 năm 2011, cái gọi là vấn đề Biển Đông nóng lên, chính là do Việt Nam bày trò “giặc kêu bắt giặc” mà thành chuyện. Hiện nay Philíppin và Việt Nam liên tục lợi dụng việc Trung Quốc băn khoăn không muốn dư luận quốc tế làm ầm ĩ vấn đề Biển Đông, mỗi khi muốn hợp tác với công ty dầu khí phương Tây thăm dò, khai thác ở vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông, các nước này lại tạo dư luận trước, để khi Trung Quốc đưa tàu hải giám đến làm nhiệm vụ ngăn chặn, sẽ tuyên bố Trung Quốc đã gây rắc rối cho việc thăm dò khai thác trên biển của họ. Nói như vậy cũng có nghĩa là trước đây Việt Nam và Philíppin chỉ vụng trộm khai thác, thăm dò nguồn dầu khí ở vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông, hiện nay không chỉ trắng trợn khai thác mà còn phản công trả đũa, đổ vấy trách nhiệm cho Trung Quốc gây căng thẳng cho tình hình Biển Đông. Đối với hành động nghiêm trọng tương tự như vậy của một số nước xung quanh, Trung Quốc hiện nay chủ yếu vẫn áp dụng phương thức kháng nghị ngoại giao, đồng thời cũng thực thi một số hành động chấp pháp bảo vệ chủ quyền.

Tuy nhiên nếu nhìn từ hiệu quả thực tế thì những biện pháp này không đủ để ngăn chặn hoặc làm thay đổi tình hình mà các nước xung quanh cướp đoạt nguồn tài nguyên dầu khí ở vùng biển tranh chấp đang ngày càng mạnh lên. Xét từ phương diện đánh bắt ngư nghiệp, hiện nay thuyền đánh bắt cá của ngư dân Trung Quốc thường xuyên bị bắt giữ ở Biển Đông và Đông Hải (Biển Hoa Đông). Khi bị nước xung quanh bắt giữ, ngư dân Trung Quốc sẽ bị phạt và tịch thu tàu, bị phạt tiền nặng và phải ngồi tù, đứng trước rủi ro khuynh gia bại sản. Năm 2011 Nhật Bản và Hàn Quốc mở rộng bắt bớ, thậm chí sẵn sàng áp dụng phương thức bạo lực đối xử với ngư dân Trung Quốc, cuối cùng dẫn đến hậu quả là hai bên đều có người thương vong nghiêm trọng. Trong khi đó, Trung Quốc trước sau vẫn kiềm chế, chưa bao giờ xử phạt nghiêm khắc đối với những ngư dân và tàu cá của một số nước cạnh Biển Đông đánh bắt trái phép. Xét từ góc độ so sánh lực lượng và xây dựng quan hệ chiến lược, từ năm 2010 đến nay, so sánh lực lượng ở khu vực Biển Đông đã có thay đổi to lớn, quan hệ chiến lược giữa các nước ngoài Biển Đông có bước phát triển mới. Nhìn trên tổng thể, về cơ bản đã hình thành mối quan hệ so sánh lực lượng trong đó một bên do Trung Quốc đứng đầu, bên kia là Mỹ và một số nước quanh Biển Đông như Việt Nam. Mối quan hệ đó được biểu hiện cụ thể qua hai phương diện sau: Một là, quan hệ giữa thế lực ngoài khu vực và các nước thuộc vùng biển xung quanh Biển Đông ngày càng chặt chẽ hơn. Từ năm 2010 đến nay Mỹ không ngừng gia tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài việc không ngừng che giấu củng cố quan hệ đồng minh quân sự với Hàn Quốc, Nhật Bản và Philíppin, đồng thời nhiều lần diễn tập quân sự chung, cuối năm 2011 Mỹ lại tuyên bố ký thỏa thuận với Ôxtrâylia thành lập căn cứ hải quân tại nước này và đưa lính tác chiến đến đóng ở đó. Một số nước cạnh Biển Đông cũng vậy, quan hệ quân sự Việt-Mỹ hiện nay là thời kỳ tốt nhất kể từ chiến tranh Việt Nam đến nay; Việt Nam cũng đã xây dựng và tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản, các nước này đều cam kết rõ cần phải giúp Việt Nam nâng cao khả năng quân sự trên biển. Philíppin, Inđônêxia cũng lần lượt nâng cấp quan hệ với Nhật Bản, và đã nâng quan hệ lên đến tầm cao đối tác chiến lược, tuyên bố phải bảo vệ “lợi ích chung” ở Biển Đông. Điều đặc biệt phải chú ý quan tâm là các mối quan hệ đối tác chiến lược này không còn là lời nói ngoại giao, mà đã được đưa vào trong hiệp định ký kết chính thức. Hai là, xét từ tình hình phát triển quan hệ giữa các nước tranh chấp Biển Đông, Việt Nam không ngừng điều chỉnh chiến lược Biển Đông, bao gồm phương châm và sách lược mà Việt Nam đối phó trong tranh chấp Biển Đông, bắt đầu gác lại tranh chấp với các nước khác ở Biển Đông như Philíppin, tích cực lôi kéo Philíppin và Malaixia nhằm mục đích cùng đối phó với Trung Quốc. 

2/ Vì sao vấn đề Biển Đông gần đây nóng lên? Xu thế phát triển như thế nào? 

Một vấn đề đáng phải suy xét sâu xa là từ thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay tranh chấp Biển Đông đã diễn ra hàng chục năm nhưng về cơ bản các nước khác và Trung Quốc đều giữ lập trường giống nhau hoặc tương tự nhau, nghĩa là có tranh chấp nhưng không thổi phồng. Nhưng từ năm 2010 đến nay, vấn đề Biển Đông bị khuấy nóng lên, dường như hai năm qua Biển Đông đang không ngừng xuất hiện tranh chấp mới. Sự thực là, cái gọi là vấn đề Biển Đông hiện nay là bị người ta khuấy lên. Nhưng ai khuấy? Vì sao lại phải khuấy lên như vậy? Tác giả bài viết này cho rằng việc khuấy cho vấn đề Biển Đông nóng lên là một thủ đoạn mà Mỹ và một số nước tranh chấp Biển Đông đã phối hợp với nhau để giúp Mỹ nhanh chóng can thiệp vào vấn đề Biển Đông, tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông, và cũng để giúp các nước như Việt Nam tranh đoạt và củng cố lợi ích thực tế ở Biển Đông. Hơn nữa, nhìn từ tình hình hiện nay thì cách làm của các nước nói trên tỏ ra đã rất thành công. Từ năm 2010 đến nay Mỹ và Việt Nam cũng như nước khác đã lợi dụng mặt bằng đối thoại trên nhiều cấp độ của ASEAN, triển khai thế tiến công dư luận đối với Trung Quốc, đã hình thành môi trường dư luận cùng “lên án” Trung Quốc. Xét từ môi trường dư luận hiện nay thì dường như vấn đề Biển Đông là vấn đề mà một bên là Trung Quốc, bên kia gồm có một số nước Đông Nam Á và một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản, là cuộc xung đột giữa lợi ích của Trung Quốc và “lợi ích chung” của cả một số nước nói trên ở Biển Đông. Tình hình như trên tỏ ra không phù hợp với sự thực khách quan. Xu thế về so sánh lực lượng như vậy ở khu vực Biển Đông từ trước đến nay chưa hề có. Vì thế, mục đích làm cho vấn đề Biển Đông nóng lên chính là để bóp méo hình ảnh của Trung Quốc, cô lập Trung Quốc để tạo môi trường dư luận, phục vụ cho Mỹ và Việt Nam cùng các nước tranh chấp Biển Đông khác xây dựng đại liên minh chiến lược chống Trung Quốc, bao vây Trung Quốc ở hướng Biển Đông. Hơn nữa, cho đến cuối năm 2011 liên minh này đã dần có hình hài, tiêu chí trực tiếp nhất là các loại quan hệ đối tác chiến lược đã được kết thành giữa các nước tranh chấp Biển Đông như Việt Nam và Philíppin với thế lực ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ như đã nói trên, đặc biệt là quan hệ hợp tác quân sự không ngừng được tăng cường. Tuy nhiên các nước này cũng có tính hai mặt rất rõ. Một mặt, về phương diện an ninh, các nước này đều hy vọng dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, nhưng mặt khác về phương diện kinh tế, ở mức độ khác nhau các nước này phải dựa vào Trung Quốc để có được lợi ích kinh tế thực sự. Có hai ví dụ rõ nhất gần đây, một là tháng 10 năm 2011 Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Trung Quốc, trong khi ký kết thỏa thuận nguyên tắc chỉ đạo giải quyết tranh chấp Biển Đông, Chủ tịch nước Việt Nam cũng đồng thời đi thăm Ấn Độ, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai nước ở Biển Đông. Hai là vào tháng 7 năm 2011 Ngoại trưởng Philíppin đi thăm Trung Quốc, sau khi tìm kiếm được lợi ích kinh tế từ Trung Quốc trở về lại lập tức tuyên bố đưa công ty dầu mỏ phương Tây vào khai thác ở khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông. Việt Nam và Philíppin là các nước cạnh Biển Đông hết sức khéo lợi dụng cơ hội nhà lãnh đạo hai nước đi thăm lẫn nhau, vừa ca ngợi tình cảm hữu nghị với Trung Quốc, lại vừa nhân cơ hội để thực hiện hành động thăm dò, điều tra khai thác trên biển, tranh đoạt lợi ích thực tế.

Nói tóm lại, trong vấn đề đối phó tranh chấp Biển Đông, một số nước xung quanh có quy hoạch chiến lược và kế hoạch hành động, cũng có sách lược đấu tranh, rất giỏi lợi dụng thiện chí và chính sách kiềm chế của Trung Quốc để mưu tìm lợi ích tối đa ở ngoài khơi Biển Đông. Đương nhiên không thể phủ nhận được rằng xét từ phương diện lợi ích chiến lược thì các nước cạnh Biển Đông và thế lực ngoài khu vực như Mỹ đều hy vọng dựa vào vấn đề tranh chấp Biển Đông, triệt để làm to chuyện với Trung Quốc. Ngoài ra, tác giả bài viết cũng cho rằng tính đến cuối năm 2011, tình hình Biển Đông căng thẳng đã diễn biến đến bước ngoặt. Có hai lý do chủ yếu, một là mục đích thổi phồng vấn đề Biển Đông của Mỹ và các nước như Việt Nam cơ bản đã đạt được, tức đã tạo ra được môi trường dư luận hết sức bất lợi cho Trung Quốc, cô lập Trung Quốc, xây dựng được đại liên minh chiến lược cùng chống Trung Quốc và bao vây Trung Quốc ở hướng Biển Đông. Hai là từ tháng 1 năm 2012, Campuchia trở thành nước chủ tịch luân phiên mới của ASEAN, ở mức độ nào đó thực tế này sẽ làm yếu đi mức độ lợi dụng các diễn đàn ASEAN để công kích Trung Quốc của Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, việc tranh chấp chủ quyền các đảo, bãi ngoài khơi và hoạch định ranh giới biển là vấn đề khó khăn mang tính toàn cầu. Ví dụ, nước Mỹ cần phải lần lượt đàm phán về khoảng 37 đường biên giới biển với ít nhất 13 nước láng giềng trên biển (là các nước Anh, Hà Lan, Canađa, Cuba, Mêhicô, Panama, Vênêxuêla, Nhật Bản, Inđônêxia, Philíppin, Niu Dilân, quần đảo Tây Samoa và Tônga) ở 5 khu vực (châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Á và châu Đại Dương), ngoài phân định đường biên giới trên biển ở vịnh Maine với Canađa, phần lớn các đường biên giới còn lại chưa được giải quyết. Nhật Bản cũng tồn tại vấn đề phân định biên giới biển với tất cả các nước láng giềng, và còn có tranh chấp chủ quyền về các đảo với Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc, tất cả đều chưa được giải quyết hoàn toàn. Xét từ thực tiễn quốc tế thì công việc hoạch định biên giới biển hoặc giải quyết một tranh chấp nào đó về biển, thông thường đòi hỏi thời gian hàng chục năm, là “cuộc chiến lâu dài đặc biệt”. Hơn nữa, với những kiến thức thông thường và là một nguyên tắc quan trọng như mọi người đều biết thì việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia là trách nhiệm chung của các bên tranh chấp, đòi hỏi các bên cùng nỗ lực và có thiện chí, tuyệt đối không phải bất cứ nước đương sự nào đơn phương có thiện chí và kiềm chế mà có thể giải quyết dứt điểm được vấn đề. Vì thế, cũng như rất nhiều vùng biển quốc tế khác, trong thời gian tương đối dài tới đây vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ vẫn là một đề tài quan trọng để các nước hữu quan công kích Trung Quốc, tại vùng biển tranh chấp cục bộ ở Biển Đông khả năng mâu thuẫn bị kích hoạt gay gắt cũng vẫn tiếp tục. 

II- Tính chất hợp pháp trong chủ trương của Trung Quốc về quyền lợi ở Biển Đông 

Hiện nay xuất hiện một luận điệu cho rằng Trung Quốc không chiếm ưu thế pháp lý trong vấn đề Biển Đông. Thậm chí có người còn cho rằng “đường đứt đoạn Biển Đông” của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp. Tuy nhiên, sự thực là như thế nào? Những năm gần đây Mỹ, Nhật Bản cùng với các nước Biển Đông như Philíppin, Việt Nam và Malaixia trong những khung cảnh khác nhau đã nhiều lần tuyên bố “phải căn cứ theo luật quốc tế, trong đó có ‘Công ước của Liên hợp quốc về luật biển’ để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông”. “Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc luật quốc tế”, “đường đứt đoạn theo chủ trương của Trung Quốc không phù hợp với ‘Công ước của Liên hợp quốc về luật biển’”, thậm chí có một số người gọi là học giả còn đề xuất “phải lấy ‘Công ước của Liên hợp quốc về luật biển’ làm căn cứ để giải quyết vấn đề Biển Đông”. Những cách nói như trên thoạt nghe có vẻ khác nhau nhưng trên thực tế dụng ý và mục đích là như nhau, đó là chỉ trích chủ trương của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là không phù hợp với luật quốc tế, yêu cầu Trung Quốc từ bỏ chủ trương về quyền lợi ở Biển Đông. Nhưng có một sự hiểu biết thông thường cơ bản là luật quốc tế phải yêu cầu các nước tuân thủ chứ không thể chỉ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ. Bởi dung lượng bài viết có hạn, tác giả bài viết không thể xuất phát từ góc độ chuyên ngành pháp luật quốc tế để trả lời những vấn đề nói trên, mà chỉ dẫn một số ví dụ từ hai phương diện để làm rõ vấn đề, xem Mỹ, Nhật Bản, cùng với Philíppin đã “tôn trọng” và “tuân thủ” luật pháp quốc tế như thế nào. 

1/ Mỹ và Nhật Bản là những ví dụ điển hình về không tôn trọng và không tuân thủ “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”

Hiện nay cả thế giới đã có hơn 160 nước phê chuẩn “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”, trong đó ngoài bao gồm tuyệt đại đa số các nước ven biển, còn có rất nhiều nước trong nội địa. Tuy nhiên Mỹ là nước đến đâu cũng chỉ trích nước khác không tuân thủ “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” nhưng đến nay vẫn từ chối phê chuẩn Công ước này. Nguyên nhân căn bản là, nếu phê chuẩn thì hải quân Mỹ sẽ bị hạn chế hoặc bị ảnh hưởng ở mức độ rất lớn chứ không thể được tự do hoạt động trên các vùng biển toàn cầu. Vì thế, có một vấn đề khiến người ta rất nghi hoặc là với tư cách là nước không tôn trọng và không phê chuẩn “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”, chỉ chọn những điều khoản có lợi chứ không tuân thủ những điều khoản không có lợi cho mình trong công ước này để thi hành, vậy nước Mỹ có tư cách gì để chỉ trích Trung Quốc là nước đã ký kết tham gia công ước? Xem xét tiếp Nhật Bản, nước này đã ngang nhiên vi phạm điều 121 trong “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” quy định rõ về mặt pháp luật các đảo và bãi đảo. Nhật Bản từ lâu đã đầu tư rất nhiều tiền và nhân lực để xây dựng, củng cố nhân tạo đối với bãi san hô Okinotori mà trên thực tế chỉ là bãi đá (tức không thể có được thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế), diện tích chỉ bằng khoảng “chiếc giường đôi”, hòng biến bãi đá này thành “đảo” theo ý nghĩa pháp luật (tức có thể dựa theo luật pháp để chủ trương vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa). Năm 2009 Nhật Bản đã nộp lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc hồ sơ hoạch định thềm lục địa ngoài 200 hải lý (hoạch định ranh giới kéo dài tối đa của thềm lục địa tự nhiên của nước mình), không những đã chính thức hoạch định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý cho bãi Okinotori, mà còn hoạch định thềm lục địa ngoài 200 hải lý, diện tích lần lượt là hơn 400 nghìn km 2 và hơn 700 nghìn km 2 , còn lớn hơn nhiều so với cả lãnh thổ của bản thân nước Nhật vốn chỉ khoảng hơn 300 nghìn km 2 . Đối với việc làm vi phạm rõ rệt “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” nói trên của Nhật Bản, Mỹ không chỉ im hơi lặng tiếng, không một lời đả động đến mà còn bằng mọi cách ngăn cản và phản đối việc Trung Quốc đề cập vấn đề này tại hội nghị các nước tham gia công ước. Ngày 16/1/2012, Nhật Bản tuyên bố sẽ đặt tên cho các đảo không người ở trong đó có 4 hòn đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư, Trung Quốc đã có bất đồng nghiêm trọng đối với Nhật Bản về vấn đề này, cho biết rõ mọi việc làm đơn phương đối với đảo Điếu Ngư và các đảo phụ thuộc xung quanh đảo Điếu Ngư đều là hành động trái phép và không có hiệu lực pháp lý. Rất dễ để có thể nhận ra ý đồ của Nhật Bản rằng thông qua phương thức đặt tên trước để biểu thị nước này có chủ quyền đối với các bãi, đảo tranh chấp nói trên, tiếp theo sẽ phỏng theo cách làm đối với bãi Okinotori, coi các bãi đảo không người ở như vậy là những điểm cơ bản về lãnh hải, đạt mục đích quản lý vùng biển Hoa Đông và vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa ở phạm vi lớn hơn nữa mà họ chủ trương. Trong bối cảnh tự mình rõ ràng không tuân thủ như vậy, Nhật Bản cũng có tư cách gì để “chỉ đạo” nước khác phải tuân thủ luật quốc tế? 

2/ Philíppin đã vi phạm những luật quốc tế nào? 

Hiện nay chủ trương lãnh thổ của Philíppin ở các đảo, bãi thuộc Biển Đông gồm hai bộ phận lớn: Thứ nhất, đặt tên cho một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa thành cái gọi là “quần đảo Kalayaan” để chủ trương thuộc về lãnh thổ của Philíppin. Hai là, chủ trương đảo Hoàng Nham của Trung Quốc cũng thuộc về quyền sở hữu của Philíppin. Trên thực tế, xét từ góc độ luật pháp quốc tế để nhận định chủ trương của Philíppin về những phần lãnh thổ nói trên có hợp pháp hay không thì đó là vấn đề rất đơn giản, tức Philíppin hoạch định những đảo, bãi này vào phạm vi lãnh thổ của họ vào lúc nào. Về vấn đề này, tác giả bài viết và một số đồng nghiệp đã tiến hành phân tích, nghiên cứu tất cả những pháp luật và điều ước về việc hoạch định phạm vi lãnh thổ của Philíppin trong lịch sử của nước này. Ví dụ, trong lịch sử, Philíppin đã lần lượt từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và Mỹ, còn những hiệp ước hoạch định phạm vi lãnh thổ của Philíppin khi đó có “Hiệp ước Pari” năm 1898, “Hiệp ước Oasinhtơn” năm 1900; sau khi Philíppin độc lập, năm 1951 lại ký hiệp định song phương với Mỹ là “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philíppin”. Những hiệp ước nói trên đã quy định Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ cho lãnh thổ Philíppin không bị xâm lược. Vì thế trên thực tế cũng đã phân định phạm vi lãnh thổ của Philipin một cách tương ứng. Tuy nhiên, trong tất cả những hiệp ước nói trên đều không hoạch định cái gọi là “quần đảo Kalayaan” và đảo Hoàng Nham vào trong phạm vi lãnh thổ của Philíppin. Trên thực tế, đến năm 2009, Philíppin mới cho ra đời dự luật số 2699 (gọi là “Dự luật về vấn đề liên quan đến điểm cơ bản về lãnh hải”), lần đầu tiên mới đưa “quần đảo Kalayaan” và đảo Hoàng Nham vào làm lãnh thổ của Philíppin. Như vậy rõ ràng việc làm nói trên của Philíppin là phi pháp. Cho dù không xuất phát từ góc độ chuyên ngành về luật quốc tế để phân tích, mà chỉ cần nói theo sự hiểu biết thông thường, nếu một nước thông qua quá trình lập pháp của nước mình là có thể lấy lãnh thổ của nước khác nhập vào cương vực của nước mình, lấy đó làm của mình thì bản đồ thế giới sẽ phải yêu cầu vẽ lại rất nhiều rồi.

Hơn nữa, luật quốc tế còn có một quy tắc gọi là xác định ngày tháng then chốt, cũng là nói trước hết phải tìm ra được thời điểm xảy ra tranh chấp, phán quyết rõ sự thực lịch sử trước thời điểm đó là gì, đối tượng tranh chấp ở vào trạng thái như thế nào, tức là trước khi xảy ra tranh chấp, lãnh thổ đó thuộc về nước nào. Sau khi xảy ra tranh chấp thực tế như thế nào, nước có quyền lợi từ trước đó có phải đã từ bỏ quyền lợi của mình hay không, nước đương sự tranh chấp khác đã áp dụng hành động gì, có hiệu lực pháp lý quốc tế hay không. Sự thực pháp luật không thể bóp méo là: Sau năm 2009, Philíppin mới chính thức hoạch định cái gọi là “quần đảo Kalayaan” và đảo Hoàng Nham vào lãnh thổ của nước họ về mặt luật pháp. Dù không nói đến lịch sử lâu dài, chỉ cần nói đến tình hình từ khi thành lập nước Trung Quốc mới, ngay từ năm 1958 Trung Quốc đã quy định cả bốn quần đảo ở Biển Đông với các đảo khác vào trong phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc rồi. Sau đó, trong “Luật lãnh hải và vùng giáp ranh Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” và trong những lần tuyên bố ngoại giao, Trung Quốc luôn nhấn mạnh chủ quyền của mình đối với các đảo Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Savà đảo Hoàng Nham, hơn nữa đến nay vẫn chưa bao giờ từ bỏ. Trên thực tế, năm 2009 Philíppin thông qua dự luật nói trên là hành động “có tật giật mình” của kẻ gian, vì Philíppin thấy mình căn bản không có cơ sở pháp luật để chủ trương “quần đảo Kalayaan” và đảo Hoàng Nham thuộc chủ quyền của mình nên mới phải cho ra đời dự luật mới này để lấp đi chỗ khuyết thiếu nghiêm trọng này. Nhưng nếu chiểu theo luật pháp quốc tế thì cách làm luật nói trên của Philíppin rõ ràng không có được tính hợp pháp, dự luật nói trên cũng tuyệt đối không thể có hiệu lực. Còn nước bảo hộ của Philíppin là nước Mỹ lại không có bất cứ ý kiến bình luận gì đối với việc làm như vậy của Philíppin.

3/ “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” không thể được dùng để chứng minh thuộc chủ quyền lãnh thổ hoặc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ 

Nhận định vấn đề thuộc chủ quyền lãnh thổ hoặc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ phải căn cứ theo các quy tắc và nguyên tắc trong luật quốc tế ở rất nhiều phương diện chứ tuyệt đối không phải quy định trong một công ước nào đó. Đây là một kiến thức thông thường hết sức rõ ràng trong lý luận và thực tiễn về luật pháp quốc tế. Căn cứ luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ít nhất bao gồm những quy tắc và nguyên tắc theo luật quốc tế như quy tắc có được lãnh thổ, quy tắc xác định thời gian, quy tắc xác định ngày tháng then chốt, quy tắc không truy ngược quá khứ, nguyên tắc cấm phản ngôn và quy tắc quyền lợi mang tính lịch sử. Một điều hết sức cần thiết phải chỉ rõ là những quy tắc nói trên đều không phải là quy định trong “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”. Xét từ quy định trong bản thân “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” thì trong Lời nói đầu của Công ước đã chỉ rõ là “trong điều kiện tính đến chủ quyền của tất cả các nước, xây dựng một trật tự pháp luật về biển...”. Như vậy có nghĩa là trật tự biển được xây dựng theo yêu cầu của công ước nói trên là xuất phát từ một tiền đề, đó là không thay đổi chủ quyền quốc gia đã có. Một trong những căn cứ của luật quốc tế trong việc phán đoán quy thuộc chủ quyền lãnh thổ là quy tắc có được lãnh thổ, quy tắc này không quy định trong “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”. Xét từ ý nghĩa lịch sử thì quy tắc có được lãnh thổ đã bao hàm rất nhiều quy tắc liên quan, bao gồm phát hiện, chiếm trước, chiếm lĩnh hữu hiệu và quản lý hữu hiệu v.v., đòi hỏi phải xuất phát từ nhiều góc độ và phương diện để phán đoán một quốc gia có chủ quyền đối với một phần lãnh thổ nào đó có hợp pháp hay không, mọi việc làm của quốc gia đó có hiệu lực theo luật quốc tế hay không. Từ các thời Tống, Nguyên, Thanh đến nay Trung Quốc đã trải qua nhiều thực tiễn qua các thời kỳ xã hội, qua nhiều triều đại, nhất là các đời chính phủ ở thời kỳ cận đại và hiện đại, đặc biệt bao gồm những thực tiễn về việc phát hiện, chiếm trước, quản lý hữu hiệu, đã có được chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông một cách hữu hiệu. Còn một điều vẫn phải nói rõ rằng tiêu chuẩn và yêu cầu về luật quốc tế qua các thời kỳ lịch sử đối với một quốc gia có một lãnh thổ hợp pháp hay không là không giống nhau. Ví dụ, luật quốc tế thời cổ đại là ai có sức mạnh cưỡng chiếm, người ấy sẽ có được lãnh thổ, luật quốc tế thời cận đại cũng cho phép dùng vũ lực cưỡng đoạt chủ quyền lãnh thổ. Chẳng hạn như sau khi chiếm lĩnh nhiều đảo ở Nam Thái Bình Dương, nước Pháp đã có được chủ quyền ở những đảo đó. Nhưng luật quốc tế ở thời kỳ hiện đại là cấm dùng vũ lực để có được lãnh thổ, ví dụ rõ nhất là Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã chiếm các bãi, đảo ở Trường Sa và Đài Loan của Trung Quốc, những việc làm đó đều thuộc về hành vi trái phép. Vì thế, sau khi thất bại, Nhật Bản đã phải trả lại các vùng lãnh thổ chiếm đóng nói trên. Chính phủ Quốc dân ở Trung Quốc lúc đó đã đưa hạm đội với tàu đi tiên phong là tàu “Thái Bình” đến Biển Đông tiếp nhận những bãi, đảo đã bị Nhật Bản chiếm đóng. Đảo Thái Bình chính là được đặt tên theo con tàu đó. Trong nhiều đảo ở Biển Đông hiện nay, có rất nhiều bãi và đảo đều được đặt theo tên các tàu thuyền, thuyền trưởng hoặc nhân vật lịch sử đã đến các đảo ở Biển Đông để tuyên thị và bảo vệ chủ quyền. Ví dụ như bãi cát Đôn Khiêm chính là tên của Thuyền trưởng Lý Đôn Khiêm chỉ huy tàu chiến có tên hiệu là “Trung Nghiệp” mà Chính phủ Trung Quốc năm 1946 đã điều ra tiếp nhận quần đảo Trường Sa. 

Việc nhận định chủ trương quyền lợi của các nước ở Biển Đông hoàn toàn không phải chỉ có “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”, mà còn phải dựa vào một quy tắc quan trọng khác trong luật quốc tế là quy tắc xác định thời gian, nghĩa là một hành vi nào đó trong lịch sử chỉ cần phù hợp với luật quốc tế ở thời kỳ lúc đó, thì hành vi đó sẽ là hành vi hợp pháp hữu hiệu. Cùng với quá trình phát triển của những quy tắc liên quan trong luật pháp quốc tế, những hành vi liên quan đến những quy tắc này cũng phải đổi mới và phát triển theo. Hàng trăm năm trước đây người Trung Quốc đã thông qua các phương thức phát hiện và chiếm hữu để có được quyền lợi sơ bộ đối với các đảo Biển Đông mà lúc đó chưa thuộc về bất cứ nước nào. Sau đó chính phủ qua các nhiệm kỳ đã thông qua các phương thức đặt tên cho các đảo và công bố bản đồ tương ứng, hoạch định các đảo đó vào khu vực hành chính địa phương, đưa tàu ra tuyên bố chủ quyền và tuần tra, tổ chức và quản lý các hoạt động của xã hội đến Biển Đông đánh bắt cá, đối phó với các hoạt động xâm phạm chủ quyền của nước ngoài, xây dựng luật hiện đại, từng bước có được chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Trường Sa. Thực tiễn qua các thời đại ở Trung Quốc không chỉ hoàn toàn phù hợp với quy tắc có được lãnh thổ lúc đó, mà cũng phù hợp với quy tắc có được lãnh thổ theo luật quốc tế cận đại và hiện đại. Vì thế, theo quy tắc về xác định thời gian thì việc Trung Quốc có được chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông là hợp pháp, hữu hiệu. Trong tất cả các nước tranh chấp ở Biển Đông, chỉ có Trung Quốc là có căn cứ lịch sử dài đến mấy trăm năm. Mọi nhận định của quốc tế liên quan đến tranh chấp lãnh thổ đều cho thấy ý nghĩa phán định của những căn cứ lịch sử đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia là có vai trò to lớn. Vì thế, không thể nói một cách đơn giản rằng đã có “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” mới thì căn cứ lịch sử sẽ không còn hiệu lực. Ví dụ như vụ phân xử của Tòa án quốc tế về đảo Pedra Branca theo cách gọi của Xinhgapo hoặc đảo Pulau Batu Puteh theo cách gọi của Malaixia: Như mọi người đều biết, Xinhgapo là được độc lập từ Malaixia nên Tòa án quốc tế khi xử vụ tranh chấp này đã đưa ra tất cả mọi căn cứ mà hai bên có được, bao gồm cả những chứng cứ lịch sử phong phú để phân tích, thẩm định, cuối cùng xác định đảo trên thuộc về Xinhgapo. Tòa án quốc tế từ xưa đến nay không thể không xem xét đến căn cứ lịch sử để quyết định chủ quyền thuộc về ai trong một vùng lãnh thổ tranh chấp. Đến học giả phương Tây cũng đều thừa nhận, đối với vụ tranh chấp chủ quyền các đảo ở Trường Sa, những tư liệu Trung Quốc có được là phong phú nhất, chứng cứ chắc chắn nhất, các nước khác như Philíppin, Malaixia và Brunây căn bản lại không có. Đó chính là thực tế để cho thấy vì sao Mỹ phụ họa, giúp các nước như Philíppin nhấn mạnh một cách phiến diện và lặp đi lặp lại rằng giải quyết vấn đề Biển Đông cần phải lấy “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” làm căn cứ, ra sức làm mờ nhạt đi, thậm chí xóa bỏ những nhân tố căn bản có vị trí quan trọng trong giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông. 

Chủ trương chủ quyền của các nước ở Biển Đông còn đề cập đến một nguyên tắc luật pháp quan trọng, đó là nguyên tắc luật pháp không truy ngược quá khứ. Ý nghĩa chính của nguyên tắc này là không thể dùng luật pháp của thế hệ sau để phán xét hành vi trước đây hợp pháp hay không hợp pháp. Chỉ riêng ví dụ về đường đứt đoạn ở Biển Đông, trước năm 1949 Chính phủ Quốc dân của Trung Quốc đã chính thức đặt tên và công bố bản đồ kèm theo đường đứt đoạn cho các bãi đảo ở Biển Đông, còn thông qua nhiều thực tiễn trên các phương diện về khai thác sử dụng tài nguyên như đưa tàu chiến đến Biển Đông tuyên bố chủ quyền, tổ chức và quản lý nghề cá, nhấn mạnh và củng cố chủ trương về quyền lợi ở Biển Đông. Sau năm 1949, Chính phủ Trung Quốc cũng kế thừa chủ trương của Chính phủ Quốc dân, vẫn tiếp tục đánh dấu đường đứt đoạn ở Biển Đông trên bản đồ chính thức của nhà nước, đồng thời cũng thông qua thực tiễn trong nhiều phương diện về lập pháp để nhấn mạnh và củng cố chủ trương về quyền lợi ở Biển Đông. Ai cũng biết là “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” từ năm 1994 mới bắt đầu có hiệu lực. Xem xét từ phương diện tài nguyên hiện hữu, nếu tính từ năm 1914 khi đường đứt đoạn ở Biển Đông bắt đầu xuất hiện thì đường đứt đoạn này đến nay đã được gần 100 năm, sớm hơn “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” 80 năm, hoặc nếu chỉ tính từ khi Chính phủ Trung Quốc chính thức công bố năm 1947 thì đến nay cũng đã được 65 năm, sớm hơn thời gian có hiệu lực của “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” 47 năm! Hơn nữa, đường đứt đoạn ở Biển Đông còn đề cập đến vấn đề về luật quốc tế khác phức tạp như quyền lợi mang tính lịch sử, vượt xa cả những nội dung được quy định trong “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”. Vì thế tính hợp pháp của đường đứt đoạn ở Biển Đông tuyệt đối không đơn giản sử dụng “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” để phán đoán và phủ nhận. Nói “Đường đứt đoạn ở Biển Đông của Trung Quốc không phù hợp với ‘Công ước của Liên hợp quốc về luật biển’” thì bản thân cách nói đó rõ ràng đã thiếu căn cứ theo luật pháp quốc tế, là hết sức sai lầm. 

4/ “Quyền lợi chủ quyền” tuyệt đối không đồng nghĩa với “chủ quyền ” 

Về bản thân “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”, có nhà lý luận cho rằng “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” bất lợi đối với Trung Quốc. Tác giả bài viết cho rằng có lợi hay không có lợi là tương đối chứ không tuyệt đối. Nhìn nhận từ điều kiện địa lý tự nhiên của vùng biển xung quanh Trung Quốc, nếu so sánh với những nước ven biển nhìn ra đại dương mênh mông trên thế giới thì Trung Quốc là nước bất lợi về mặt địa lý, vùng biển xung quanh Trung Quốc bị bao vây bởi lãnh thổ của rất nhiều nước lân bang, không thể được hưởng quyền lợi 200 hải lý như “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” dành cho các nước ven biển. Xét từ góc độ này thì việc thực hiện công ước nói trên là bất lợi đối với Trung Quốc, nhưng đồng thời, đối với những nước láng giềng ven biển có bờ biển liền với Trung Quốc và hướng sang Trung Quốc cũng cùng đối mặt với những bất lợi như vậy. Nhìn từ góc độ luật pháp thì đối với tất cả mọi nước ký kết, quyền lợi và nghĩa vụ được quy định trong “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” đều bình đẳng, các nước xung quanh có thể tuyên bố vùng biển quản lý 200 hải lý, Trung Quốc đại lục và các đảo của Trung Quốc cũng có thể tuyên bố có quyền lợi bình đẳng như vậy, nếu có vùng biển chồng lấn sẽ phát sinh vấn đề phân định ranh giới biển. Ngoài ra trong giải quyết vấn đề phân định ranh giới biển, các bên cũng ở cùng địa vị như nhau chứ không có vấn đề về việc chỉ bất lợi đối với Trung Quốc. Đương nhiên, không thể phủ nhận được rằng về khách quan quả có một tình huống đã dẫn đến cách nói sai lầm như trên, nghĩa là Malaixia, Brunây vốn là những nước không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng bởi “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” đã có quy chế về khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý đã khiến các nước này chủ trương vùng biển quản lý rộng 200 hải lý, từ đó cũng hoạch định một số đảo trong quần đảo Trường Savào phạm vi 200 hải lý do họ quản lý. Vì thế có người cho rằng “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” bất lợi đối với Trung Quốc. Quan điểm như vậy kỳ thực là hết sức sai lầm, là cách giải thích và lạm dùng quy chế về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định trong “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”. Các phần 5 và 6 trong “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” đã quy định thành quy chế về khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo đó nước ven biển chỉ có được hai quyền lợi chủ quyền và ba quyền quản lý ở khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, chủ yếu bao gồm: Quyền lợi chủ quyền có mục đích thăm dò và khai thác, nuôi trồng bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thủy vực hải dương, lòng biển và đáy biển (bất kể là tài nguyên sinh vật hay không phải sinh vật); Quyền lợi chủ quyền đối với các hoạt động khai thác và thăm dò mang tính kinh tế về nước biển, hải lưu và sức gió; Quyền quản lý trong việc kiến tạo và sử dụng đảo nhân tạo, trong kiến tạo và sử dụng các công trình thiết bị, và quản lý trong các phương diện nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. 

Một sự thực pháp luật không được phép nhầm lẫn là không chỉ là hai phần trong “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” nói trên mà bất cứ phần nào và điều khoản nào trong công ước cũng đều không quy định nước ven biển nào được dựa vào công ước để quy hoạch lãnh thổ của nước khác vào lãnh thổ của mình. Vì thế, tất cả các nước ký kết đều có thể dựa vào công ước để thực hiện hai quyền lợi chủ quyền và ba quyền quản lý ở khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nhưng tuyệt đối không có quyền dựa vào đó để tranh đoạt chủ quyền của nước khác đã được hoạch định trong đó. “Quyền lợi chủ quyền” tuyệt đối không đồng nghĩa với “chủ quyền”. Mỗi từ ngữ trong luật pháp đều có nội hàm và ý nghĩa pháp luật của bản thân từ đó, tuyệt đối không thể làm lẫn lộn hoặc thay thế một cách giản đơn. Đó đều là kiến thức pháp luật quốc tế thông thường. Vì thế Malaixia đã lấy cớ là quyền lợi được “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” cho phép, chủ trương quy hoạch một số đảo thuộc quần đảo Trường Satrong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ thành lãnh thổ của họ. Đòi hỏi về loại chủ quyền lãnh thổ như vậy là cực kỳ hoang đường, cũng là phi pháp. Thử xem xét, nếu cách xác định như vậy là ổn thì thế giới sẽ ra sao? Và cùng cách suy diễn theo lý lẽ như vậy thì Trung Quốc cũng chẳng có thể hoạch định những vùng lãnh thổ của nước khác trong phạm vi 200 hải lý thuộc lãnh thổ Trung Quốc (ít nhất bao gồm các bãi, đảo phía Nam quần đảo Ryukyu và các bãi đảo phía Bắc Philíppin) vào cả trong phạm vi yêu cầu chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc (như đảo Đài Loan hoặc đảo Thái Bình) được hay sao? Còn như vấn đề chồng lấn về phạm vi các khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đang tồn tại giữa Trung Quốc và các nước khác cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thì đòi hỏi thông qua đàm phán phân định ranh giới vùng biển để giải quyết. Trên thực tế, đây cũng là vấn đề liên quan đến quan hệ giữa quyền lợi về khu đặc quyền kinh tế và quyền lợi về thềm lục địa với quyền lợi mang tính chất lịch sử. Đường đứt đoạn ở Biển Đông hoàn toàn không phải dựa vào “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” để vạch ra, mà trong quá trình lịch sử gần 100 năm từ khi bắt đầu xuất hiện cho đến hiện nay, đường đứt đoạn đó đã từng bước phát triển từ Bắc xuống Nam đến khoảng 4 độ vĩ Bắc. Chủ quyền mang tính lịch sử là một vấn đề phức tạp về luật quốc tế, “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” không phủ nhận quyền lợi mang tính lịch sử, cũng chưa bao giờ quy định quyền lợi mang tính lịch sử phải được thay thế bằng khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Sự thực lịch sử là trong thời gian hàng chục năm sau khi chính thức công bố đường đứt đoạn ở Biển Đông, các nước xung quanh và cộng đồng quốc tế không có phản đối gì. 

Nói tóm lại, một vấn đề cốt lõi và then chốt cần phải làm lắng dịu trong vấn đề Biển Đông hiện đang sôi động là: Chủ trương có quyền lợi ở Biển Đông của tất cả các quốc gia liên quan tranh chấp Biển Đông có phải đều là hợp pháp? Sự thực không được xem thường là: Một số nước như Việt Nam và Philíppin đang đối kháng với chủ trương hợp pháp của Trung Quốc bằng chủ trương trái phép; Trong khi đó Mỹ, nước tự xưng sẵn sàng làm người điều đình tranh chấp Biển Đông, và Nhật Bản là hai nước bề ngoài ra vẻ công bằng nhưng thực chất đang cố tình làm thiên lệch, chỉ trích chủ trương của Trung Quốc về Biển Đông, còn đối với các nước tranh chấp khác ở Biển Đông như Việt Nam, Philíppin và Malaixia thì họ hầu như bỏ qua tính chất phi pháp trong các hành động của các nước này về chủ trương quyền lợi ở Biển Đông. Tác giả bài viết này cho rằng trong khi phán xử về tính hợp pháp trong chủ trương quyền lợi ở Biển Đông của Trung Quốc, cũng đồng thời phải nhận định chủ trương quyền lợi của nước tranh chấp khác có hợp pháp hay không, nếu không mà chỉ phiến diện yêu cầu, thậm chỉ chỉ trích kiểu này kiểu khác đối với Trung Quốc thì đó không phải là công bằng, Trung Quốc cũng không thể chấp nhận. Vì thế, người Trung Quốc tuyệt đối không được rơi vào chiếc bẫy này, tức Trung Quốc không nên chủ động bàn đến “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”, không bàn đến căn cứ luật pháp quốc tế, nghĩ rằng như vậy là Trung Quốc đã đuối lý phải né tránh. Từ lâu nay Trung Quốc một mặt áp dụng chính sách kiềm chế, không làm nóng vấn đề ở Biển Đông, không muốn nói nhiều, thậm chí là tránh không nói, nhưng mặt khác cho đến nay khi các nước xung quanh như Philíppin chưa chính thức bắt đầu đàm phán ngoại giao giải quyết vấn đề tranh chấp, thì dù là các nước đó hay Trung Quốc cũng đều không có nghĩa vụ đơn phương trình bày toàn diện với cộng đồng quốc tế chủ trương và căn cứ của mình về quyền lợi ở Biển Đông. Kỳ thực, cho đến nay bản thân Philíppin cũng chưa làm rõ được phạm vi quyền lợi ở Biển Đông mà họ chủ trương cuối cùng là ở đâu. Từ cuối năm ngoái đến nay Philíppin đã nhiều lần công khai đề xuất phải cùng với các nước ASEAN “phân định vùng tranh chấp Biển Đông và vùng tranh chấp Philíppin”. Tác giả bài viết cho rằng trong giai đoạn hiện nay Trung Quốc cơ bản chưa cần thiết, cũng chưa có nghĩa vụ phải đơn phương trình bày hết tất cả lá bài cuối cùng của mình, chưa cần thiết công khai toàn diện, phơi bày ra tất cả mọi căn cứ pháp lý của mình, đó cần phải là những nội dung trên bàn đàm phán. Một số nước không ngừng nhào nặn hoặc chỉ trích vấn đề mang tính hợp pháp trong chủ trương về quyền lợi ở Biển Đông của Trung Quốc, kỳ thực là những biểu hiện giật mình vì chột dạ, dụng ý của họ là nhằm đẩy lệch góc nhìn, chuyển dịch tiêu điểm mâu thuẫn, nhưng làm như vậy vừa không thể làm thay đổi được tính chất phi pháp trong chủ trương Biển Đông của họ, cũng vừa không thể phủ nhận được tính hợp pháp trong chủ trương của Trung Quốc. Trong khi đó lập trường không nói và ít nói mà Trung Quốc áp dụng cũng tuyệt đối không có nghĩa là không có cơ sở pháp luật và căn cứ lịch sử.

Tục ngữ Trung Quốc có câu “có lý không phải cứ to tiếng”. Tuy nhiên, để làm cho những người quan tâm một cách khách quan và thực lòng vấn đề Biển Đông có thể hiểu được tình hình chân thực và chuẩn xác, thay đổi và đề phòng tin đồn thất thiệt cứ thổi lên mãi, ngoài người phát ngôn báo chí, Trung Quốc còn phải tích cực chủ động lợi dụng nhiều kênh, áp dụng nhiều phương thức tuyên truyền nhiều hơn nữa trước và sau khi một số vấn đề có thể được nhào nặn trở thành điểm nóng, để làm cho vấn đề được nhìn nhận chân thực hơn. Hiệu quả tuyên truyền tích cực và hướng dẫn dư luận sẽ tốt hơn nhiều so với bị động đối phó trước những chỉ trích theo dụng ý riêng. Nói tóm lại, “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” không phải là “linh đơn thần dược” để giải quyết mọi vấn đề tranh chấp biển, mà chỉ là một phần cấu thành của luật pháp quốc tế, không thể thay thế các quy tắc khác trong luật quốc tế, lại càng không thể giản đơn đánh đồng “luật quốc tế” với “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” theo cách đánh tráo khái niệm. Trong phần mở đầu của “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” cũng có quy định rõ ràng đối với vấn đề này, cụ thể là “các nước ký kết bản Công ước này xác nhận Công ước chưa có quy định cụ thể, cần phải tiếp tục lấy các quy tắc và nguyên tắc trong luật quốc tế nói chung để làm căn cứ chuẩn mực”. “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” không phải là căn cứ duy nhất của luật quốc tế để nhận định hoặc giải quyết vấn đề yêu sách chủ quyền lãnh thổ Trường Sa, cũng như nhận định hoặc phủ nhận tính hợp pháp trong đường đứt đoạn ở Biển Đông của Trung Quốc. Những cách nói “cần lấy ‘Công ước của Liên hợp quốc về luật biển’ làm căn cứ giải quyết vấn đề Biển Đông”, “một số đảo-bãi thuộc quần đảo Trường Sa đều đã được hoạch định vào khu đặc quyền của các nước như Malaixia (hoặc: Đều ở trong phạm vi thềm lục địa của Malaixia), vì thế những đảo-bãi này đã được quy về quyền sở hữu nhà nước của Malaixia”, “Đường đứt đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với ‘Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”... là hết sức phiến diện, thậm chí là sai lầm. Nếu không có dụng ý riêng thì ít nhất cũng là sự khiếm khuyết trong kiến thức thông thường về luật quốc tế./.

Tác giả Trương Hải Văn là Tiến sĩ luật học, Nghiên cứu viên, Phó ban nghiên cứu chiến lược phát triển biển, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc.

Lê Sơn (gt)