Tham vọng của Tổng thống Joko Widodo biến Indonesia thành một cường quốc biển trong nhiệm kì 5 năm đầu tiên là một nhiệm vụ khó khăn không chỉ ở trong nước mà còn ở tầm khu vực. Tầm nhìn này của ông Jokowi đối mặt với một môi trường địa chính trị ngày càng căng thẳng hơn trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng mới giữa các cường quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Mỹ và Trung Quốc.

Tầm nhìn về các mục tiêu chính trị, kinh tế, thương mại, quân sự, an ninh và văn hóa-xã hội của Jokowi sẽ phải được thể hiện và củng cố bằng một chính sách đối ngoại toàn diện mà sẽ thúc đẩy lợi ích của Indonesia trong thời kì chủ nghĩa khu vực mới được đánh dấu bởi sự xuất hiện của Cộng đồng ASEAN trong năm 2015. Liệu tầm nhìn này sẽ đối mặt với thách thức của tranh chấp Biển Đông đang ngày càng tồi tệ hơn như thế nào? Liệu Indonesia dưới thời Jokowi đã sẵn sàng chưa?

Indonesia nhìn nhận khu vực như thế nào?

Cơ quan tình báo Indonesia trong cuốn sách mới có tựa đề “Hướng đến giai đoạn 2014-2019: Củng cố Indonesia trong bối cảnh thế giới đổi thay” đã đề cập đến cơ hội cho vị trí chiến lược của Indonesia ở Đông Nam Á. Cơ hội này kêu gọi Indonesia đề xuất những sáng kiến thỏa thuận an ninh có thể thúc đẩy ổn định trong khu vực.

Với môi trường xung đột tiềm tàng trong khu vực liên quan đến việc phô diễn sức mạnh hải quân với những tuyên bố chủ quyền biển chồng lấn ở Biển Đông, không hề ngạc nhiên khi các nước tranh chấp đang củng cố hải quân của mình bằng cách tăng chi mua chiến hạm. Nhiều tàu ngầm chạy diesel-điện quy ước mới đã được phát triển như tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc hay lớp Yun Bong-gil của Hàn Quốc. Đây là những dấu hiệu rõ ràng về chiến lược tấn công.

Trong bối cảnh này, Biển Đông, với Jokowi, dường như lại không phải là một nội dung nghị sự quan trọng trong chính sách đối ngoại. Ông đang xây dựng hình ảnh như một nhà lãnh đạo mới ưu tiên các vấn đề quan trọng trong nước và nhận được sự ủng hộ lớn từ công chúng nhờ quan điểm dân túy. Tuy nhiên, Jokowi là nhà lãnh đạo cũng ngây thơ như giới cử tri thành thị của ông vốn chỉ quan tâm đến môi trường trực tiếp của mình. Một ví dụ rõ ràng là chính sách hung hăng trong việc đánh chìm tàu nước ngoài đánh cá trái phép trong vùng biển Indonesia. Chính sách này có nguy cơ làm xói mòn các mối quan hệ song phương và khu vực, cũng là điều mà Indonesia sẽ không thể chấp nhận được ở thời điểm hiện nay.

Theo kết quả thăm dò dư luận đươc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thực hiện trong tháng 9/2014, đã có 1.096 người ở 15 thành phố của Indonesia được hỏi về vấn đề tuyên bố chủ quyền tranh chấp trên Biển Đông. Chỉ 12% những người được hỏi hiểu vấn đề. Phần lớn dân cư thành thị Indonesia không biết về căng thẳng trên Biển Đông hay việc nó có thể dẫn đến một cuộc xung đột mở. 12% số người biết về vấn đề Indonesia đều nhất trí rằng Trung Quốc đang quá chậm chạp trong việc tìm ra giải pháp cho căng thẳng này. Từ góc nhìn đó, khó có thể kì vọng Tổng thống Jokowi sẽ quan tâm đến tranh chấp Biển Đông, đó là chưa kể Ngoại trưởng của ông cần thay đổi lập trường của mình để hiểu về trò chơi quyền lực phức tạp trong khu vực.

Trục hàng hải toàn cầu của Jokowi và Con đường tơ lụa trên biển của Tập Cận Bình

Trong khi ý niệm về trục hàng hải toàn cầu của Jokowi thiếu đề cập cụ thể đến bối cảnh chiến lược, nó cũng có một vài điểm tương tự với tầm nhìn về Con đường tơ lụa trên biển thế kỉ 21 được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Indonesia khi đến thăm Jakarta vào tháng 10/2013. Sự khác biệt giữa hai tầm nhìn này là việc ý tưởng của Tập Cận Bình mang tính chiến lược hơn và lớn hơn về quy mô cũng như phạm vi, trong khi đó, chiến lược của Jokowi mang tính hướng nội nhiều hơn.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có sức mạnh tài chính và quyền lực để hỗ trợ cho chiến lược biển của mình, như tạo ra một Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) đa phương để các nước Đông Nam Á nâng cấp hạ tầng của mình. Một phần chính trong chiến lược của Jokowi là phát triển các cảng biển của Indonesia bằng cách mời gọi nước ngoài đầu tư. Tuy nhiên, chiến lược này cũng cần phải xác định viễn cảnh địa chính trị và bối cảnh trong 5 năm tới. Điều này là quan trọng bởi nó sẽ hình thành một môi trường chiến lược cho tầm nhìn Indonesia là một trục hàng hải. Hiện vẫn chưa rõ làm thế nào yếu tố ngoại giao biển của Indonesia sẽ xử lý vấn đề phức tạp tranh chấp Biển Đông để đảm bảo tự do và an toàn hàng hải.

Tổng thống Jokowi và Ngoại trưởng Retno Marsudi vẫn chưa đưa ra bất kì tầm nhìn nào để định hướng ngoại giao của Indonesia về chính sách hàng hải, cả ở cấp khu vực và đa phương. Ngày càng rõ ràng là Tổng thống Jokowi đang từ bỏ chính sách ngoại giao trước đây, đặc biệt là sáng kiến về một hiệp ước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà cựu Ngoại trưởng Natalegawa đề xuất, kêu gọi một hiệp ước hữu nghị và hợp tác trong phạm vi hai đại dương rộng lớn này.

Thời kì ngoại giao biển mới

ASEAN đang tìm kiếm một cấu trúc an ninh khu vực mới. Điều này là cần thiết để tạo ra cái ô chung nhằm xoa dịu những căng thẳng như ở Biển Đông. Trung Quốc giờ đây đề xuất Con đường tơ lụa trên biển nhằm biến những xung đột chồng lấn tiềm tàng giữa các nước ở Đông Nam Á thành một thời kì ngoại giao biển mới. Có rất nhiều yếu tố đáng lưu ý về đường lối ngoại giao biển mới này. Trước tiên, đây là một nỗ lực nhằm tạo ra một hình mẫu kinh tế, thương mại và chính trị có thể hiệu quả mới mà sẽ ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc mới.

Đến nay, nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tạo ra các nền tảng đa phương như BRICS hay Hội nghị tương tác và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) không đủ mạnh để cân bằng với những cơ chế hiện hành vốn là di sản của Chiến tranh Lạnh. Thứ hai, bằng việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ, Trung Quốc dường như muốn mua sự ủng hộ của các nước châu Á nhỏ thông qua hỗ trợ tài chính cho việc phát triển hạ tầng rất cần thiết của họ. Các điều khoản đề xuất về AIIB của Trung Quốc cho thấy mục đích của nó là tạo ra sự giàu có chứ không phải thịnh vượng. 

Nói cách khác, Trung Quốc dường như sử dụng nguồn vốn lớn của mình để chia rẽ ASEAN bằng cách hủy hoại sự gắn kết của khối này thông qua hợp tác hạ tầng. Một kết quả rõ ràng của chiến lược chia để trị này đã được nhận thấy trong lập trường thiếu gắn kết của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Thực sự đã có nỗ lực của ASEAN vào tháng 5/2014 ở Manila rằng họ sẽ gia nhập AIIB với tư cách một khối. Đây là một cách để cân bằng sự áp đảo của Trung Quốc và hạn chế tối thiểu xung đột tiềm tàng trong nội bộ ASEAN.

Thứ ba, tranh chấp ở Biển Đông có thể được giải quyết tốt nhất bằng việc xác định được gốc rễ vấn đề đồng thời đảm bảo các nguyên tắc và giá trị của luật pháp quốc tế. Các nước ASEAN đã cho thấy tính hiệu quả của cách tiếp cận này khi giải quyết tranh chấp liên quan đến đền Preah Vihear và đảo Sipadan-Ligitan. Gốc rễ của tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông là tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc mà vốn là 11 đoạn khi được chính quyền Quốc Dân Đảng đưa ra khi còn nắm quyền ở Trung Quốc Đại lục. Trong chính sách hiện nay về Biển Đông của Bắc Kinh và Đài Bắc, hai bên chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông, mà chỉ là chủ quyền các đảo ở khu vực tranh chấp.

Tranh chấp Biển Đông sẽ chỉ được giải quyết khi Trung Quốc và Đài Loan có thể ngồi lại và giải thích rõ ràng với ASEAN về tuyên bố “đường 9 đoạn”. Một sự giải thích rõ ràng của Trung Quốc sẽ góp phần tạo ra một giải pháp nền tảng cho tranh chấp tại đây. Đổi lại, nó sẽ củng cố và thắt chặt truyền thống hợp tác trong khu vực vì sự thịnh vượng chung.

René L. Pattiradjawane, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc ở Jakarta. Bài viết được đăng trên RSIS.

Trần Quang (gt)