Nước Mỹ dù về chi phí, tình hình biến động hay mức độ tăng trưởng cũng đều cao hơn các nước khác nhiều; Mỹ, Nga, Ấn Độ là ba nước quan trọng ở xung quanh mà Trung Quốc không thể xem thường. 

I- Chi phí quân sự của Mỹ tăng mạnh nhất 

Chi phí quân sự của Mỹ cao hơn các nước khác rất nhiều, hơn nữa tình hình biến động và mức độ tăng trưởng cũng mạnh nhất. Chủ yếu là sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, Mỹ đã điều chỉnh lại chiến lược quân sự. Khi nắm quyền ở nhà Trắng, Bush đã định ra chiến lược “đánh đòn phủ đầu”, áp dụng chiến lược “đánh chặn” và mang tính tiến công, cho biết phải hủy diệt trước khi thế lực khủng bố và nước thù địch có sự đe dọa mang tính thực chất đối với nước Mỹ. Với chiến lược này, Mỹ đã lần lượt phát động chiến tranh tại Ápganixtan và Irắc, dẫn đến chi phí quân sự của Mỹ tăng mạnh đến kinh hoàng. Sau khi Obama lên nắm quyền, chiến tranh Irắc đến hồi kết thúc, Mỹ bắt đầu điều chỉnh phương hướng chiến lược, thực hiện “chiến lược cân bằng”, nghĩa là ngoài việc coi trọng “chiến tranh không đối xứng” dùng để đối phó với chủ nghĩa khủng bố, Mỹ vẫn không muốn từ bỏ chiến tranh thông thường, quân đội Mỹ cần phải có “khả năng tác chiến trên diện rộng”. Trong “Báo cáo chiến lược quân sự quốc gia Mỹ” theo bản mới được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 2010, “chiến lược cân bằng” một lần nữa được chú trọng hơn, đồng thời đề xuất 4 mục tiêu lớn trong chiến lược quân sự của nước Mỹ, đó là: Chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan, tấn công, phá vỡ tổ chức khủng bố Al Qaeda và các chi nhánh của Al Qaeda ở khu vực Đông Nam Á; Duy trì chiến lược đe dọa và tấn công, tiếp tục dựa vào răn đe hạt nhân, duy trì răn đe bằng sức mạnh thông thường, phát triển biện pháp răn đe trong các lĩnh vực vũ trụ, mạng Internet để thích ứng với “thách thức an ninh thế kỷ 21”; Tăng cường an ninh quốc tế và khu vực, coi NATO là cơ sở của hệ thống liên minh, tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, phát triển hợp tác an ninh với các đối tác mới ở các khu vực Trung Đông, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á; Tạo ra một quân đội tương lai, tăng cường xây dựng khả năng tác chiến “trên diện rộng” của các quân chủng. Từ bản Báo cáo này có thể thấy được rằng mục tiêu chiến lược quân sự của Chính quyền Obama tuy bắt đầu thu hẹp một cách hạn chế, nhưng không gian vươn ra xa đã bắt đầu phát triển từ toàn cầu ra đến vũ trụ, răn đe quân sự đã từ lĩnh vực truyền thống mở rộng đến các lĩnh vực phi truyền thống. Để giữ vững vị thế là “sen đầm quốc tế” và “bá quyền quân sự toàn cầu” của mình, Mỹ phải không ngừng tăng cường cơ cấu của hệ thống quân sự và xây dựng khả năng răn đe, mục tiêu này cũng đã quyết định cho mức chi phí quân sự đồ sộ của Mỹ tiếp tục tồn tại, nhất là trong quá trình chuyển đổi chiến lược của Mỹ. Như vậy đã rất đúng với tư cách của nước lớn có chi phí quân sự hàng đầu, tính chất biến động về chi phí quân sự của Mỹ quá lớn, cũng tạo ra và đem lại cho các nước trên thế giới “tính chất không ổn định” và “tính chất không xác định”. 

II- Xu hướng củng cố địa vị cường quốc quân sự của Nga rõ rệt 

Sau khi thay thế Yeltsin lên nắm quyền tại Điện Cremli, Putin đã làm thay đổi vai trò yếu nhược của nước Nga đối với Mỹ, đặc điểm “chống Mỹ” ngày càng rõ hơn. Putin đã cảnh cáo Mỹ dứt khoát “không được xía vào công việc nội bộ của Nga”, đồng thời điều chỉnh lại chiến lược quân sự của Nga từ “kiềm chế hiện thực” thành “cơ động chiến lược dựa vào kiềm chế hạt nhân”; Chỉ rõ phải sử dụng biện pháp kiềm chế hạt nhân ở mức thấp nhất nhưng đáng tin cậy nhất để kiềm chế chiến tranh quy mô lớn nhắm vào nước Nga, kiềm chế cuộc chiến tranh mang tính khu vực bằng binh đoàn dự bị và lính dự bị; Nga phải chiến thắng hai cuộc xung đột vũ trang cục bộ. Đứng trước sự chèn ép chiến lược của NATO do Mỹ đứng đầu trong phạm vi ảnh hưởng của Nga, để đảm bảo chắc chắn cho những biến động phát sinh trong kết cục chính trị ở lục địa Âu-Á không đe dọa an ninh sống còn của Nga, đồng thời để củng cố lại uy thế nước lớn, Putin đã yêu cầu quân đội Nga phải có khả năng đáp trả sự đe dọa mà Nga phải đối mặt, đã xoay chuyển cục diện từ chỗ chi phí quân sự liên tục giảm đến chỗ chi phí quân sự từng bước tăng lên ổn định, và đã đuổi kịp Nhật Bản vào năm 2008, tỏ rõ xu hướng phát triển hơn hẳn Nhật Bản. Năm 2009, sau khi trở thành Tổng thống Nga, Medvedev đã xác định “kiềm chế chiến lược” là phương châm chiến lược mới để chỉ đạo an ninh quân sự quốc gia trong thời kỳ tới đây, xác định rõ “chính sách nhằm có được ưu thế mang tính áp đảo trong lĩnh vực quân sự của một số nước lớn chủ chốt” đứng đầu là Mỹ, là mối đe dọa lớn nhất trong lĩnh vực an ninh quân sự mà nước Nga phải đối mặt, “tình hình an ninh của Nga ở vào thời kỳ phức tạp nhất kể từ năm 1612”, “sức mạnh của Mỹ đã hiện diện ở cả bốn hướng chiến lược Đông Tây Nam Bắc của Nga. Vì thế nhiệm vụ chủ yếu nhất trong kiềm chế chiến lược là không xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ”. Từ đó Nga sẽ phải kiên trì kiềm chế hạt nhân và tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang thông thường hiện đại hóa. Có thể nói, trong 11 năm đầu của thế kỷ 21, Nga luôn coi Mỹ là “kẻ thù mạnh” cần đề phòng, đồng thời xác định khôi phục địa vị của cường quốc quân sự là sự lựa chọn chiến lược để đối đầu với Mỹ, vì thế tình hình biến động và xu hướng tăng chi phí quân sự của Nga cũng là phản ứng từ môi trường an ninh mang tính chất không xác định và là sự lựa chọn chiến lược mà Nga phải đối mặt. 

III- Xu hướng và mức độ nâng cao sức mạnh quân sự rõ rệt của Ấn Độ 

Sau Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã điều chỉnh toàn diện chiến lược quân sự, từ năm 2000 đến nay chi phí quân sự của Ấn Độ luôn duy trì ở mức 2% - 3% GDP, từng bước phát triển thành quốc gia quân sự lớn nhất ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Ấn Độ không hề che giấu tư tưởng quân sự “tấn công tích cực” của mình, cho rằng ở phía Tây, Pakixtan là trở ngại chủ yếu nhất để Ấn Độ trở thành bá chủ ở Nam Á, nên phải áp dụng chiến lược tấn công tích cực đối với Pakixtan; Ở phía Đông, Ấn Độ cần tham gia tích cực vào các công việc ở khu vực biển Biển Đông và Thái Bình Dương, tìm kiếm sự hiện diện của hải quân Ấn Độ ở khu vực Thái Bình Dương; Ở phía Bắc, áp dụng thái độ “phòng ngự” đối với Trung Quốc; Ở phía Nam, phải đảm bảo chắc chắn để “Ấn Độ Dương là biển của người Ấn Độ”. Chiến lược quân sự của Ấn Độ đã thể hiện rõ sự điều chỉnh từ chiến lược phòng ngự bị động theo cách “chống đỡ đe dọa” trước đây thành chiến lược “răn đe cảnh cáo”, đề xuất phải đánh đòn quân sự “phủ đầu” đối với kẻ thù, nhấn mạnh đánh thắng cuộc chiến tranh hạn chế trong điều kiện bị đe dọa hạt nhân, xác định rõ sẽ mở rộng phạm vi tác chiến ở xung quanh ra đến toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì thế mức độ và xu hướng tăng chi phí quân sự rõ rệt của Ấn Độ là sự phản ánh về ý đồ giữ ưu thế quân sự tuyệt đối và răn đe quân sự tuyệt đối của Ấn Độ. Trên thực tế, những năm gần đây Ấn Độ đã nhiều lần diễn tận quân sự chung với các nước Đông Nam Á, tích cực tham gia các công việc ở eo biển Malắcca, trong đó “Tuyên bố chung về đảm bảo an ninh Ấn Độ-Nhật Bản” giữa hai nước đã đặt cơ sở để Ấn Độ vươn rộng phạm vi chiến lược ra Thái Bình Dương. Theo báo chí nước ngoài, Ấn Độ đang đề xuất với Việt Nam dành cho Ấn Độ quyền được đỗ tàu lâu dài ở cảng Nha Trang. Đối với Ấn Độ thì việc làm như vậy có thể mở rộng được ảnh hưởng quân sự theo chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ, thể hiện nguyện vọng muốn giúp duy trì cân bằng thế lực ở châu Á của Ấn Độ đến các nước khu vực Đông Nam Á. Nếu Ấn Độ có được quyền đỗ tàu lâu dài ở cảng Nha Trang của Việt Nam thì đó sẽ trở thành một trụ cột nữa để Ấn Độ đối kháng với “chuỗi đảo thứ ba” mà Trung Quốc có thể thiết lập ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thông qua cảng Nha Trang, Ấn Độ có thể giám sát tình hình từ một mặt của Biển Đông phía eo biển Malắcca, đảm bảo một cách hữu hiệu về an ninh vận chuyển năng lượng và thương mại giữa Ấn Độ và Trung Đông, đồng thời sẽ đặt một bộ phận lớn hơn nữa tuyến giao thông trên biển của Trung Quốc vào trong tầm hỏa lực của hải quân Ấn Độ. 

IV- Ôxtrâylia đặt Trung Quốc vào vị trí phòng ngự quân sự trọng tâm 

Sau sự kiện khủng bố 11/9, Chính phủ Liên bang Ôxtrâylia đã đánh giá lại môi trường an ninh và chiến lược quốc phòng mà nước này phải đối mặt, cho rằng Ôxtrâylia “phải trở thành người bảo vệ duy nhất cho an ninh của bản thân”, phải có khả năng mang tính quyết định có thể đẩy lui, khi cần thiết có thể đánh bại, bất cứ hành vi mang tính tấn công nào nhắm vào Ôxtrâylia và những khu vực lợi ích của Ôxtrâylia”. Thủ tướng Ôxtrâylia lúc đó là J. Howard cam kết “dự toán chi phí quân sự mỗi năm sẽ tăng 3%, cho đến năm 2016”. Năm 2009 Ôxtrâylia đã công bố Sách Trắng quốc phòng mới có tên “Sức mạnh quân sự năm 2030 – bảo vệ Ôxtrâylia trong một thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương”, nói rõ “Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng quân sự chủ yếu ở châu Á”, nhưng đã vượt quá yêu cầu bảo vệ chủ quyền, Trung Quốc phát triển sức mạnh quân sự là để kiềm chế đồng minh của Ôxtrâylia – đó là sức mạnh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy “20 năm tới đây Chính phủ Ôxtrâylia sẽ chú trọng nâng cao khả năng phòng vệ tự thân, nhất là tăng cường xây dựng sức mạnh của hải quân và không quân”. Một số cơ quan tư vấn và học giả ở Ôxtrâylia cũng liên tục chỉ ra rằng điều không mâu thuẫn gì với việc duy trì chính sách tiếp xúc là Ôxtrâylia phải đề phòng một nước Trung Quốc nguy hiểm hơn và lớn mạnh hơn về mặt quân sự. Ôxtrâylia hy vọng phát triển một số yếu tố cấu thành sức mạnh – bao gồm tàu ngầm – từ đó đóng góp ngày một nhiều hơn cho sức mạnh của một liên minh do Mỹ đứng đầu, bao gồm Nhật Bản và Ôxtrâylia. Nhiều người cho rằng Ôxtrâylia và nước khác không nên yên phận với hiện trạng hoặc yên tâm ngủ dưới chiếc ô bảo trợ an ninh của Mỹ. Ôxtrâylia, Nhật Bản, Hàn Quốc và những đồng minh khác cần tạo nên một hệ thống hợp tác chặt chẽ giữa các nước để đảm bảo tính chất mở của hải dương và thương mại trên biển thông suốt. 

V- Ý thức đề phòng Trung Quốc của một số nước Đông Nam Á tăng lên rõ rệt 

Một số nước Đông Nam Á cho rằng Trung Quốc đang ra sức thông qua cách “biểu đạt ngoại giao” để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nhanh chóng trở thành nước chủ đạo ở khu vực này, làm cho vai trò của Mỹ ở Đông Nam Á và quan hệ truyền thống bị đặt vấn đề nghi ngờ. Khu vực Đông Nam Á không có quốc gia nào có thể cân bằng được với Trung Quốc, nhất là những nước có tồn tại tranh chấp lịch sử, lãnh thổ, lãnh hải và bất đồng chính trị với Trung Quốc, như các nước Philíppin, Việt Nam , Inđônêxia.... Vì thế các nước Đông Nam Á này một mặt không ngừng gia tăng chi phí quân sự, tăng cường trang thiết bị quân sự, nhưng mặt khác tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, cùng với Mỹ mở rộng “hợp tác phòng vệ”. Đặc biệt là, trong khi vấn đề Biển Đông vẫn chưa được giải quyết, “nhân tố Trung Quốc” không những trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy Đông Nam Á “tính toán trở lại” quan hệ với Mỹ, mà còn trở thành một trong ba phương diện xem xét về địa chiến lược để Mỹ làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với Việt Nam. Một thực tế gần đây nhất là, ngoài việc “gấp rút mua vũ khí của Mỹ”, Philíppin còn thương thảo với Mỹ về việc “Mỹ khởi động trở lại các căn cứ quân sự Subic và Clack”, “ngày càng hy vọng Mỹ viện trợ quân sự khi Trung Quốc sử dụng vũ lực trong vấn đề Biển Đông, bao gồm cả việc Mỹ điều quân đến đây”, trong khi đó Mỹ nói rằng “Mỹ sẽ không phụ lòng mong đợi của Philíppin, sẽ viện trợ thêm một mức để quân đội Philíppin hiện đại hóa, đối trọng lại được với Trung Quốc”. “Chính phủ Mỹ và Chính phủ Philíppin đã nâng cấp toàn diện quan hệ đồng minh. Nếu giữa Trung Quốc và Philíppin xảy ra xung đột quân sự liên quan đến vấn đề chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, Mỹ sẽ bảo vệ Philíppin theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philíppin (ký năm 1951)”. Theo tin cho biết Malaixia, Việt Nam , Inđônêxia và Ôxtrâylia đều dự định mua vũ khí của Mỹ và mở rộng các hạm đội tàu ngầm hạt nhân của họ. 

VI- Nhật Bản liệt Trung Quốc vào đối tượng đề phòng quan trọng 

Do bị ràng buộc bởi thân phận là nước bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai và bị hạn chế bởi hiến pháp hòa bình sau chiến tranh, khả năng tấn công và phản kích có hạn, chính sách ngoại giao lại thiếu tính tự chủ thực chất nên khi xây dựng chính sách quốc phòng, Nhật Bản phải dựa vào tình hình so sánh lực lượng của bên ngoài. Chi phí quân sự của Nhật Bản duy trì xu hướng tăng tổng thể, vừa là nhu cầu về trang thiết bị quân sự mỗi ngày một lớn thêm, cũng vừa phải “đáp nhờ chuyến xe” của cuộc đấu giữa Mỹ và Trung Quốc, thông qua tô vẽ và tạo dựng nên tình cảnh chi phí quân sự của Trung Quốc tăng mạnh đe dọa an ninh của bản thân, nhằm có được khả năng Mỹ mở rộng đầu tư đảm bảo an ninh cho chính mình, từ đó an ninh sẽ được đảm bảo ở mức tối đa. Cương lĩnh phòng vệ mới của Nhật Bản năm 2010 xác định rõ phải chuyển đối tượng phòng vệ chủ yếu đến Trung Quốc, cho rằng chi phí quân sự của Trung Quốc tăng lên, hải quân Trung Quốc hoạt động nhiều hơn ở vùng biển xung quanh Nhật Bản và thực lực quân sự Trung Quốc tăng lên đều “khiến cho khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại”. Vì thế, “đối với Nhật Bản, điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ là nước đang muốn tiếp tục là người cảnh sát của thế giới, phối hợp trong chính sách can dự của Mỹ, xác định rõ ‘mục tiêu chiến lược chung Nhật-Mỹ’, chia đều trách nhiệm, nâng cao khả năng tự vệ”. Tháng 6/2010, “xuất phát từ bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy về quân sự và môi trường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương thay đổi”, Nhật Bản và Mỹ đã tổ chức hội nghị của Ủy ban hiệp thương đảm bảo an ninh (Hội nghị 2+2), “đã soạn thảo và công bố văn kiện mới về mục tiêu chiến lược chung, xác định việc đề phòng Trung Quốc có lực lượng quân sự đang tăng lên mạnh mẽ là chủ đề chính của liên minh Nhật-Mỹ”. Động thái mới nhất của Nhật Bản và Mỹ chứng minh hùng hồn rằng Nhật Bản đang bám vào việc Trung Quốc tăng chi phí quân sự để làm “động lực thúc đẩy” Mỹ củng cố liên minh Nhật-Mỹ. 

Theo tạp chí “Ngoại giao Trung Quốc” (số 7 ngày 1/4)

Lê Sơn (gt)