29/11/2012
Tổng hợp tin về Biển Đông, Đông Nam Á, Mỹ, Trung ngày 28 -29/11 trên các trang báo trong và ngoài nước
+ BBC, RFA - 28/11: Trí thức Việt Nam phản đối hộ chiếu in hình “lưỡi bò” của Trung Quốc. Đến ngày 27/11, khoảng 150 trí thức VN gồm những vị nhân sĩ, giáo sư, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, các tu sĩ..., đang sinh sống làm việc tại VN và cả ở nước ngoài, đã ký tên vào Tuyên bố Phản đối Nhà cầm quyền TQ in hình “lưỡi bò” lên hộ chiếu công dân, được thảo ra vào ngày 25/11 tại 3 thành phố Hà Nội - Huế - Hồ Chí Minh. Số trí thức VN có chung quan điểm cực lực phản đối hành động bị cho là khiêu khích của nhà cầm quyền TQ khi cho phát hành hộ chiếu công dân có in hình lưỡi bò trên đó. Theo các trí thức, hành động đó của chính quyền TQ có tính toán kỹ lưỡng bấy lâu nay.
Trong tuyên bố, các trí thức cho biết họ ủng hộ tuyên bố của NFN/BNG/VN khi tuyên bố việc làm đó của TQ vi phạm chủ quyền của VN đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với các vùng biển liên quan đến Biển Đông. Những người ký tên yêu cầu TQ “tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia có liên quan trên Biển Đông” đồng thời “từ bỏ mọi âm mưu bẻ từng cái đũa trong bó đũa chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông...”.
Trong khi đó, báo điện tử Thời sự quốc tế hoàn cầu (News.qq.com) đăng lại những bình luận của Trung ương xã - ĐL ngày 27/11 về việc 2 học giả nghiên cứu vấn đề Biển Đông của VN (ông Hoàng Việt, Đại học Luật Tp.HCM và ông Vũ Cao Phan) nhận định hộ chiếu mới của TQ bộc lộ dã tâm của TQ, cho rằng việc TQ đưa bản đồ Biển Đông vào hộ chiếu phiên bản mới chưa có tiền lệ quốc tế, VN cần áp dụng biện pháp kiên quyết, trong đó có thể tính đến đóng dấu “Hủy” lên hộ chiếu khi khách du lịch TQ nhập cảnh VN. Theo đó, bản đồ trên hộ chiếu mới của TQ không có giá trị, phân tích từ góc độ ngoại giao và quan hệ quốc tế đều chưa có tiền lệ, động chạm đến nhiều nước thành viên ASEAN và ÂĐ. Hành động của TQ một mặt đẩy các nước khác vào thế thủ, mặt khác cũng mang lại cho VN cơ hội xoay chuyển cục diện, khiến dư luận thế giới hiểu hơn về “dã tâm” của TQ, VN có thể bắt tay với quốc tế đưa ra những khiển trách chung.
+ RFA - 28/11: “Việt Nam cần làm gì trong chiến lược lâu dài nhằm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?” Trước những hành động khiêu khích của TQ đối với các nước trong khu vực, ba nhân sỹ hải ngoại là Giáo sư Vũ Quốc Thúc, hiện sống tại Pháp, Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, chuyên viên về hạt nhân, và ông Ngô Nhân Dụng, cây bút của Nhật báo Người Việt Tại California, đã trả lời phỏng vấn RFA về câu hỏi trên như sau:
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Theo tôi, chúng ta phải tìm cách thay đổi mình đã. Trước hết phải làm thế nào cho mỗi người VN trong hay ngoài nước đều hãnh diện mình là người VN. Chuyện Biển Đông một khi chúng ta thống nhất, đoàn kết, một lòng một dạ thì sẽ bảo vệ đất nước một cách dễ dàng, còn nếu chia rẽ trong nội bộ thì ngoại quốc sẽ lợi dụng để xâm chiếm lãnh thổ của mình. Phải thống nhất nhân tâm. Khi toàn dân đồng lòng và lúc đó các đường lối được áp dụng chỉ chú trọng tới quyền lợi tối thượng của dân tộc chứ không riêng cho ai cả.
Nhà báo Ngô Nhân Dụng: Đối với vần đề Biển Đông tôi nghĩ chính quyền VN ngay bây giờ nên tìm cách quốc tế hóa vấn đề này. Đưa vấn đề này ra trước nhất tại ĐNÁ và thứ hai là đưa ra trên các diễn đàn và các tòa án quốc tế để yêu cầu TQ phải giảm bớt những hành động có tính cách xâm lược, đè nén đối với người dân VN.
Đây là một việc cần làm ngay nhưng muốn cho công cuộc bảo vệ chủ quyền của nước ta ở Biển Đông hữu hiệu và lâu dài thì chuyện đầu tiên là VN phải mạnh lên. Muốn mạnh lên thì VN cần phải đạt tới tỷ lệ tăng trưởng mỗi năm 9 - 10%. Việc phát triển kinh tế đó không phải là việc một chính quyền có thể một mình đứng ra làm đựơc mà cần phải có sự tham gia của toàn dân. Mà muốn toàn dân tham gia thì cần phải cải tổ.
Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn: Theo tôi nghĩ mình là nước nhỏ, yếu, thành ra mình phải hết sức mềm mỏng và phải tìm rất nhiều người bạn quốc tế. Phải biến vấn đề này thành vấn đề quốc tế chứ mình không thể cứng được bởi vì VN sẽ chỉ có thiệt, không có lợi gì trong cuộc đọ sức không cân xứng này.
+ BBC, RFI - 28/11: Hộ chiếu mới của Trung Quốc gây khó chịu cho các nước láng giềng. Ngày 28/11, báo Le Monde có bài bình luận cho biết TQ phát hành hộ chiếu này từ tháng 5 nhưng chỉ cách đây vài tuần các nước láng giềng mới phát hiện ra. Quan ngại của các quốc gia trong khu vực là việc đóng dấu chứng thực nhập cảnh vào hộ chiếu có bản đồ đường “lưỡi bò” của TQ có thể bị cho là công nhận đường chủ quyền này.
VN có phản ứng quyết liệt nhất, lệnh cho các cơ quan kiểm soát di cư “không đóng dấu vào loại giấy tờ gây tranh chấp trên” và “cấp cho khách du lịch TQ visa rời”. Tác giả cũng nêu phản ứng của các nước khác, trong đó có ÂĐ, PLP, ĐL, Mỹ và kết luận “đáng ngạc nhiên là Bắc Kinh đã không in vào bản đồ này đảo Điếu Ngư/ Senkaku đã gây khủng hoảng ngoại giao với Tokyo”.
Tiếp sau đó, đúng như chờ đợi của giới quan sát, giới chức PLP cũng quyết định không đóng dấu chứng thực nhập cảnh lên hộ chiếu có đường “lưỡi bò” của TQ và dùng tờ thị thực rời. BNG/ PLP ra thông cáo nói các nhân viên xuất nhập cảnh nước này sẽ chỉ đóng dấu vào “mẫu khai xin thị thực rời” của người TQ chứ không chứng thực vào hộ chiếu. Thông cáo nói: “Thông qua hành động này, PLP tái khẳng định phản đối của mình đối với yêu sách chủ quyền quá đáng của TQ trong hầu hết diện tích Biển Đông. Hành động này để tránh việc PLP bị hiểu lầm là đã công nhận tính chính đáng của đường 9 đoạn mỗi khi đóng dấu thị thực nhập cảnh trên hộ chiếu điện tử của TQ”. Đối với BNG/PLP, việc từ chối đóng dấu thị thực trên hộ chiếu mới của TQ giúp củng cố lập trường của Manila, theo đó đòi hỏi chủ quyền của TQ là “ quá đáng” và “ không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS” .
Ngày 28/11, NFN của TTh Benigno Aquino cũng cho hay rằng PLP hoan nghênh phát biểu của NFN/BNG Mỹ Victoria Nuland rằng Washington có dự định sẽ mang quan ngại của các nước về cuốn hộ chiếu điện tử ra nói chuyệ́n với TQ. Tuần trước, NT/PLP Albert del Rosario đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh, trong đó ông gọi bản đồ lưỡi bò là “tuyên bố chủ quyền biển quá đáng và vi phạm luật pháp quốc tế”.
Trước đó, ngày 27/11, NFN/BNG/PLP Raul Hernandez cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã tổ chức họp Nhóm công tác lên ngành, nghiên cứu cách làm đối phó với hộ chiếu phiên bản mới của TQ và sẽ đưa ra kiến nghị một ngày gần đây: “Hiện Nhóm công tác liên ngành đang thảo luận liệu kháng nghị ngoại giao đã đủ chưa hay cần áp dụng biện pháp sát sao khác”, “trên thực tế, chúng tôi đang tính đến cách làm khác”. Ông từ chối tiết lộ thêm, cho biết một khi Nhóm công tác thảo luận xong và nêu ra kiến nghị, Bộ Ngoại giao sẽ có tuyên bố chính thức.
Hộ chiếu mới của TQ không chỉ bị VN và PLP phản đối, mà còn bị ĐL chỉ trích vì in hình 2 danh lam thắng cảnh tại ĐL qua đó coi đảo quốc này là lãnh thổ của TQ. Bắc Kinh cũng bị New Delhi trả đũa vì in bản đồ ‘sát nhập’ hai vùng đất đang tranh chấp với ÂĐ vào lãnh thổ của mình.
Đồng thời, liên tiếp trong hai ngày 26 và 27/11, đến lượt Washington lên tiếng, cho biết ý định sẽ bày tỏ thái độ quan ngại với Bắc Kinh về hộ chiếu TQ in hình bản đồ “lưỡi bò”, vốn đang gây ra “ căng thẳng và lo âu giữa các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông”. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 27/11, NFN/BNG Mỹ Victoria Nuland xác nhận “ Chúng tôi dự định sẽ nêu điều này với phía TQ” . Theo bà Nuland, các hộ chiếu mới của TQ “ không có lợi” cho việc tìm kiếm môi trường nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, bà Nuland cho biết là Mỹ không bác bỏ hộ chiếu mới của TQ vì lẽ đó là một văn kiện hợp pháp, mà mỗi quốc gia có toàn quyền quyết định về hình thức, miễn là tôn trọng các chuẩn mực quốc tế.
Bị nhiều nước chỉ trích, Bắc Kinh ngày 28/11 đã lên tiếng biện minh cho hành động của mình và đang cố giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Trong cuộc họp báo thường kỳ, NFN/BNG/TQ Hồng Lỗi đã cho rằng mọi người không nên quá chú mục vào vấn đề các tấm bản đồ trên hộ chiếu, hàm ý rằng các nước phản đối Bắc Kinh đã cố tình vạch lá tìm sâu. Theo ông Hồng Lỗi, “m ục tiêu của hộ chiếu điện tử mới của TQ là tăng cường tính chất công nghệ và tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của công dân TQ . Vấn đề của các tấm bản đồ trong hộ chiếu mới của TQ không nên được chú ý quá đáng. TQ sẵn sàng duy trì liên lạc với các nước có liên quan và thúc đẩy việc phát triển lành mạnh việc đi lại của cá nhân giữa TQ và thế giới bên ngoài” . Trước đó, ngày 27/11, Hồng Lỗi nói rằng ông “không hay biết việc VN từ chối đóng dấu thị thực vào mẫu hộ chiếu mới của TQ”.
+ BBC - 28/11: Người dân Trung Quốc chia rẽ về “hộ chiếu lưỡi bò”. Mẫu hộ chiếu vừa mới ra mắt của TQ có đính kèm đường lưỡi bỏ khẳng định chủ quyền của nước này đối với hầu hết Biển Đông không chỉ làm bùng phát tranh cãi ngoại giao mà còn gây chia rẽ dư luận trong nước. Trong khi một số cây bút bình luận và các ý kiến trên mạng kêu gọi chính quyền kiên định và phớt lờ những sự phản đối này, một số khác bày tỏ lo lắng với những rắc rối mà hộ chiếu mới gây ra cho họ.
Truyền thông TQ đã đưa tin rộng rãi về “phản ứng thái quá” và “gây khó dễ” của VN đối với các công dân của họ. Mặc dù cuối cùng các du khách TQ dùng mẫu hộ chiếu mới cũng được phép vào VN nhưng họ than phiền rằng họ phải mất thời gian và phiền toái để được cấp thị thực mới. Trên các phương tiện truyền thông nhà nước, người dân TQ thể hiện sự ủng hộ cho mẫu hộ chiếu mới và cáo buộc mọi vấn đề là do các nước láng giềng của họ gây ra. Nói về bản đồ mới được in trên hộ chiếu, một nữ sinh viên đại học họ Trần phát biểu trên Đài truyền hình trung ương TQ CCTV như sau: “Vùng biển đấy phải được in vào bởi vì từ xưa nó đã là của TQ. Các hòn đảo ấy từ xưa là của chúng ta cũng giống như Điếu Ngư Đảo. Chúng ta phải lấy lại những gì thuộc về mình.” Trên trang blog của mình được đặt trên trang mạng của Hoàn cầu thời báo, cây bút bình luận Trịnh Hợp Bình viết: “Mặc dù việc này đã gây ra những cản trở đối với những người dân đi lại các nước láng giềng, chúng ta không nên nhượng bộ. Có lẽ đây là thử thách đối với ngoại giao TQ ngay sau Đại hội 18”.
Tuy nhiên, những tiếng nói chỉ nhằm trực tiếp vào nước khác đã không đạt được kết quả mong muốn. Trên diễn đàn Sina Weibo, mặc dù có những tiếng nói cứng rắn ủng hộ mẫu hộ chiếu mới nhưng đồng thời cũng có rất nhiều lời chỉ trích cách hành xử của Bắc Kinh. Một người dùng tên là “Nhìn mây dưới nước” than phiền: “Hộ chiếu TQ cực kỳ khó dùng. Bộ Ngoại giao xin hãy làm ơn đừng gây thêm rắc rối nữa”. Một người khác có nick là “Zhuge Mengde” nói “Đây thật sự là một hành động không có nghĩa lý gì của chính phủ TQ. Nếu có khả năng thì hãy ra mà lấy lại biển đảo. Đừng bắt dân thường phải trả giá cho những hành động ngu ngốc của chính quyền”. Còn “Tianyaliulo” thì viết: “Vấn đề tranh chấp lãnh thổ là Bộ Ngoại giao phải giải quyết. Họ không tự giải quyết được nên giờ đây họ đẩy người dân ra chiến tuyến”. Một số công dân mạng cho rằng chính phủ có ý tưởng này cũng một phần bởi vì “giới tinh hoa sa đọa” bản thân họ không bị dính vào những rắc rối do hộ chiếu mới đem lại. “Summer Emily” nói: “Các bố già toàn nắm hộ chiếu nước ngoài. Chỉ có dân đen là chịu khổ”.
Ngày 25/11, ông Triệu Can Thành, một học giả chuyên về ĐNÁ tại Học viện Quan hệ quốc tế Thượng Hải, phát biểu trên tờ Hoàn cầu thời báo: “Tôi nghĩ TQ không tính giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng cách in bản đồ. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Suy cho cùng, không thể vì chuyện này mà gây đình trệ việc trao đổi công dân giữa TQ và nước ngoài”.
+ Trung Quốc thông qua “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam” (Tân Hoa xã - 27/11): Ngày 27/11, Hội nghị lần thứ 35 Thường vụ Nhân đại Khóa 4 tỉnh Hải Nam, TQ đã thông qua “Điều lệ quản lý, trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam” (sửa đổi).
Điều lệ quy định rõ 6 hành vi các tàu thuyền và người nước ngoài không được vi phạm khi đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý bao gồm: dừng tàu thuyền hoặc thả neo bất hợp pháp khi đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý, cố tình gây sự, chưa được phép mà tự động xuất nhập cảnh hoặc thay đổi cửa khẩu nhập cảnh, lên các đảo do tỉnh Hải Nam quản lý một cách bất hợp pháp, phá hoại các thiết biên phòng hoặc các trang thiết bị sản xuất trên các đảo do tỉnh Hải Nam quản lý, tổ chức hoạt động tuyên truyền xâm phạm chủ quyền quốc gia hoặc nguy hại đến an ninh quốc gia, các hành vi vi phạm công tác quản lý trị an biên phòng ven biển.
Đồng thời, Điều lệ này cũng yêu cầu cơ quan công an biên phòng căn cứ theo luật để áp dụng các biện pháp xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp vùng biển của Hải Nam như lên tàu kiểm tra, bắt giữ, truy đuổi, ra lệnh dừng tàu, chuyển hướng hoặc quay lại, có thể tịch thu tàu thuyền hoặc các thiết bị gây án, đồng thời căn cứ “Luật quản lý xử phạt về trị an” và “Luật quản lý xuất cảnh, nhập cảnh” của TQ để truy cứu trách nhiệm pháp luật.
Ngoài ra, nhằm khuyến khích phát triển ngành nghề về tàu chở nhiên liệu và du thuyền ở Biển Đông, Điều lệ qui định, đối với tàu chở nhiên liệu, du thuyền và tàu cá tác nghiệp gần bờ có thể miễn giảm thủ tục visa biên phòng, phạm vi cụ thể do cơ quan Công an biên phòng tỉnh Hải Nam xác định và công bố ra ngoài.
ĐÔNG NAM Á
+ VOA - 28/11: Sự gắn kết của ASEAN gặp thách thức. Hội nghị Thượng đỉnh mới đây của ASEAN, qua nhiều cách đã bộc lộ một tình huống cam go không những đối với vấn đề an ninh khu vực giữa lúc các tranh chấp chủ quyển ở Biển Ðông đang trở nên ngày càng nghiêm trọng mà còn đối với tương lai gắn kết của tổ chức khu vực này.
Hoạt động trên nguyên tắc tham khảo và đồng thuận, tổ chức khu vực này đang tỏ ra thiếu sự kết nối cần thiết, thiếu những quy định bắt buộc, và không có các cơ chế để thực thi các nguyên tắc đa phương và hợp tác giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Ðông.
Asia Times ngày 28/11 có bài bình luận nhận định nhiều nhà phân tích đồng ý rằng vài trò chủ tịch luân phiên ASEAN của CPC năm nay đã gây ít nhiều thiệt hại đối với những thành quả đạt được về định chế và hợp tác đa phương của tổ chức khu vực này. Trong khi đó, VN và PLP cũng bị tố giác là tìm cách đẩy ASEAN vào cuộc đối đầu với TQ, đối tác thương mại lớn nhất của khu vực, đồng thời tìm cách đưa ASEAN vào trật tự khu vực theo cách sắp xếp của Mỹ.
Tờ Nhân dân Nhật báo của TQ ngày 28/11 nói rằng ASEAN đang trong tình huống cấp bách trước những thay đổi về chính trị và kinh tế của khu vực Ðông Á. Hai yếu tố ảnh hưởng đến chiều hướng của ASEAN là sự phát triển nhanh chóng của TQ, và chính sách quay trở lại châu Á của Mỹ. Nhật báo này nói tiếp rằng ASEAN đang ngày càng phụ thuộc vào TQ không những về kinh tế mà còn về quân sự và an ninh, trong khi một số quốc gia ASEAN lại cố đặt hy vọng vào Mỹ, và điều đó sẽ không duy trì được lâu dài. Cũng theo bài báo này, ASEAN không nên chọn lấy nước nào giữa TQ hay Mỹ, mà nên có một tiếng nói lớn hơn đối với các vấn đề quốc tế và tự cất lên tiếng nói của chính mình về kinh tế, kiên định với xu hướng phát triển theo mô hình đa cực của thế giới.
Ðó là những lý do mà một số nhà phân tích tin Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012 vừa kết thúc có thể được xem như một thời điểm có tính chất sinh tử của tổ chức khu vực này.
+ Đài Tiếng nói nước Nga, RFA - 28/11: Hải quân Trung Quốc. Tân Hoa Xã đưa tin, Hải đoàn tàu chiến TQ đã lên đường đến Tây Thái Bình Dương để tiến hành thao diễn thường kỳ.
Chỉ huy hải đoàn, phó thủ trưởng Hạm đội Hoa Đông Qiu Yanpen cho biết: “Các bài tập hướng tới nâng cao sự sẵn sàng của hạm đội thực hiện chuyến đi dài trên một khoảng cách lớn. Tàu và các chiến sĩ đủ sức để TQ cảm thấy tự tin khi thực hiện các chiến dịch trên biển”.
Như nhận xét của các quan sát viên, cuộc tập luyện nhằm mục đích phô trương quyết tâm của TQ giành chủ quyền với quần đảo Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trong một diễn biến khác, ngày 27/11, trong chuyến thăm TQ, BT Hải quân Mỹ Ray Mabus cho biết, Washington hoan nghênh Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận ở vùng Vòng Đai TBD vào năm 2014. Nhưng sứ quán Mỹ không xác nhận TQ có chính thức chấp nhận lời mời tham dự này hay không.
Lời mời ấy vốn phát xuất từ BTQP Mỹ Leon Panetta khi ông thăm TQ hồi tháng 9/2012, được đưa ra vào lúc Mỹ ra sức trấn an Bắc Kinh về kế hoạch “chuyển trục” chiến lược sang vùng CÁ - TBD trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có hành động quyết đoán trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước láng giềng.
Tạp chí Á-Âu: Mỹ không thể tách Trung Quốc khỏi Mianma
"Tạp chí Á-Âu" ngày 27/11 cho biết Mỹ không thể tách Trung Quốc khỏi Mianma. Đó là bức thông điệp mà Trung Quốc đã tìm cách truyền đạt cho Chính quyền Mỹ trước và sau khi Tổng thống Barack Obama đến thăm Mianma ngày 19/11.
Kể từ khi Mỹ và Mianma bắt đầu xích lại gần nhau hơn cuối năm ngoái, Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ hoạt động của giới lãnh đạo hai nước và không hề hốt hoảng khi Mianma tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc như một phần chính sách châu Á mới của Mỹ. Tổng thống Mianma Thein Sein cũng như các sĩ quan cao cấp của ông vẫn thường xuyên trao đổi các phái đoàn quân sự với Trung Quốc để trấn an Bắc Kinh rằng mở cửa với Mỹ sẽ không ảnh hưởng mối quan hệ thân thiện truyền thống với Trung Quốc và các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc không có lý do gì lo sợ mất đi mối quan hệ chiến lược, kể cả quan hệ giữa lực lượng vũ trang hai nước.
Đúng ngày ông Obama đến Yangon, “Nhật báo Trung Quốc” phỏng vấn ông Ko Ko Hlaing, Cố vấn Chính trị của Tổng thống Thein Sein, về quan hệ Trung Quốc với Mianma. Trong cuộc phỏng vấn, ông Ko Ko khẳng định Mianma có mối quan hệ "đặc biệt" với Trung Quốc từ thời cổ đại và sẽ tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ trong quá trình cải cách hiện nay của đất nước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không thể hiện sự không hài lòng về chuyến thăm của ông Obama, song nhấn mạnh họ tin tưởng mối quan hệ Trung Quốc-Mianma sẽ càng sâu sắc thêm. Điều này không chỉ đơn giản khẳng định Trung Quốc không bị tách khỏi Mianma mà còn cho thấy sự tự tin của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho rằng, chuyến thăm của ông Obama là vấn đề giữa Mỹ và Mianma. Trước sau Trung Quốc và Mianma vẫn là hai nước láng giềng thân thiện, trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, thực hiện hợp tác đáng kể theo tinh thần bình đẳng, có đi có lại và cùng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Theo tạp chí" Irrawaddy" của Mianma, trong tuần trước khi ông Obama đến Mianma, hai phái đoàn Mianma đến Trung Quốc để tăng cường quan hệ văn hóa và quân sự giữa hai nước. Phái đoàn quân sự Mianma do Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tướng Gen Soe Win, đến dự Triển lãm Hàng không lớn nhất của Trung Quốc tại thành phố Chu Hải ngày 13/11. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết, phái đoàn Mianma rất quan tâm tới hệ thống tên lửa phòng không C802/C705 / hệ thống FL-3000N của Trung Quốc. Đây là loại tên lửa đất đối không tầm ngắn có bệ phóng đặt trên tàu chiến và được triển khai trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ngày 14/11, Tướng Soe Win hội đàm với Tướng Mã Hiểu Thiên, Tư Lệnh Lực lượng Không quân Trung Quốc tại trụ sở ở Bắc Kinh. Hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác công nghệ và đào tạo lực lượng không quân. Mã Hiểu Thiên vừa đến thăm thủ đô Mianma tháng 9/2012, sau đó đến Phó Tham mưu trưởng Không quân Trung Quốc để hội đàm với Phó Tổng thống tương lai của Mianma Nyan Tun- cựu Tư lệnh Hải quân và Phó Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing. Ngày 15/11, phái đoàn Mianma gặp tân Phó Tổng Tham mưu trưởng Trung tướng Qi Jiangu và Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt. Trong hội đàm, Bộ trưởng Lương Quang Liệt nói với Tướng Soe Win: "Trung Quốc coi trọng mối quan hệ giữa quân đội Trung Quốc với Mianma và sẵn sàng cùng quân đội Mianma thường xuyên đẩy mạnh hợp tác, nỗ lực duy trì ổn định ở khu vực biên giới và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Mianma để góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và thúc đẩy phát triển chung. Đáp lại, Tướng Soe Win khẳng định Trung Quốc luôn là người anh em tốt và tin cậy, người bạn tốt và đối tác tốt của Mianma. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang thay đổi, Mianma sẽ tiếp tục tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và hai quân đội để bảo vệ vững chắc các lợi ích chung của hai nước. Phái đoàn quân sự Mianma cũng đến thăm một trung tâm hàng không quân sự ở Tây An; hội đàm với Thiếu tướng Lin Miaoxin, Chính ủy quân khu Thiểm Tây và trở về nước ngày 19/11.
Cùng ngày, Bộ trưởng Văn hóa Mianma Aye Myint Kyu đến Bắc Kinh để thảo luận hàng loạt vấn đề với các đối tác Trung Quốc về công tác chuẩn bị SEAGAMES do Mianma đứng ra tổ chức vào tháng 12/2013.
Tổng hợp
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...