+ Tin từ Phần Lan - 24/9: SỨC MẠNH CỦA MỸ TRONG THẾ KỶ 21 (Bài viết của Joseph Nye, cựu Hiệu trưởng trường ĐH Harvard đăng trên báo Helsinki 5 - 11/9): Bất chấp nhiều bình luận xung quanh vấn đề quyền lực của Mỹ - với vai trò là nước đứng đầu thế giới - đang đi xuống và quyền lực của TQ đang đi lên, tác giả cho rằng những bình luận này cần phải phân tích chiều sâu của các hiện tượng và Mỹ không đi xuống mà chỉ đơn thuần là đang hoạt động trong một thế giới thay đổi và có nhiều thách thức. Những dự đoán cho rằng TQ sẽ vượt Mỹ là cách suy nghĩ một chiều khi căn cứ quá nhiều vào chỉ số GNP mà không xét đầy đủ tới các yếu tố quan trọng hơn như thu nhập bình quân trên một đầu người, hoặc sức mạnh quân sự và sức mạnh mềm.

Bài viết khẳng định Mỹ vẫn sẽ tiếp tục giữ vị thế là nước đứng đầu và duy trì ảnh hưởng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong tương lai gần. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng Mỹ sẽ kiểm soát toàn bộ tình hình toàn cầu và có ảnh hưởng đối với mọi tình huống xảy ra trên thế giới. Trên thực tế, Mỹ sẽ phải hợp tác với các quốc gia để giải quyết mọi việc.

Phân tích trong một số trường hợp, tác giả cho rằng, ảnh hưởng của Mỹ đã giảm trong 10 năm qua nhưng lại gia tăng ở một số khu vực khác, cụ thể: Đối với các nước Đông Á, ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực là rất lớn và có phần tăng hơn 10 năm trước đây. Các nước Đông Á lo ngại về sự lớn mạnh của TQ và vì vậy, tăng cường thiết chặt quan hệ với Mỹ để đối trọng với Bắc Kinh; Trung Đông: Khả năng Mỹ tác động tới tình hình chính trị ở Trung Đông giảm, chủ yếu do sự phân chia quyền lực ở trong khu vực và làn sóng tham gia vào các phong trào “Mùa Xuân Ả-rập” … Do các cuộc cách mạng này, các nước Trung Đông ngày càng ít chịu ảnh hưởng của áp lực bên ngoài. Thêm đó, cách mạng thông tin là động lực thúc đẩy mọi người “xuống đường”, khiến chính phủ của các cường quốc khác - không chỉ riêng Mỹ - đều có ảnh hưởng ít đi. Vì vậy, cho dù một số nước được coi là “cường quốc” và siêu mạnh nhưng không một nước nào có thể kiểm soát hoàn toàn được các sự kiện xảy ra trên thế giới.

Trong thời gian 1945 - 1950 Mỹ có ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế, độc quyền sở hữu vũ khí nguyên tử và là nước có nền kinh tế hùng cường nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Tuy nhiên, kể cả tại thời điểm đó Mỹ đã không ngăn chặn được ĐCS/TQ lên nắm quyền hoặc Liên Xô phát triển vũ khí nguyên tử.

Ngày nay Mỹ đang rà soát lại vai trò tại các nước như I rắc và Afganistan và đã quyết định đây là thời điểm chín muồi để Mỹ rút ra khỏi các nước đó. Cùng lúc, Mỹ nhận thấy sự có mặt của họ là thiết yếu để duy trì cán cân thế lực ở Đông Á khiến TQ đỡ “bắt nạt” các nước láng giềng. Vì vậy, chính quyền Obama đang điều chỉnh chính sách đối ngoại tập trung hơn vào Đông Á, tuy nhiên cũng không thể quay lưng lại với các nước Trung Đông vì Mỹ có quá nhiều quyền lợi ở đó, bao gồm năng lượng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và sự ổn định của khu vực Trung Đông.

Tóm lại, thực trạng quan hệ quốc tế đang thay đổi, Mỹ cần hợp tác với các quốc gia khác để đạt được những mục tiêu toàn cầu của mình. Sự thay đổi của kỷ nguyên thông tin toàn cầu và quan hệ quốc tế đồng nghĩa với việc kể cả một siêu cường duy nhất trên thế giới cũng không thể tự mình quyết định./.

+ Tin từ Trung Quốc - 24/9: Cuốn sách “Khai thác Nam Hải và chiến lược an ninh” của Lưu Phong - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Pháp luật của Viện nghiên cứu Nam Hải TQ (Mạng Tin tức TQ - 24/9).

Cuốn sách gồm 8 chương, khởi đầu nói về tranh chấp “Nam Hải”, trình bày thấu đáo các căn nguyên về lịch sử, kinh tế, quân sự, pháp luật, quan hệ quốc tế vv… của việc hình thành vấn đề “Nam Hải”, phân tích lý trí, khách quan suy tính chiến lược và chính sách ứng phó về giải quyết vấn đề Nam Hải của TQ hiện nay, từ tầm vĩ mô và góc độ lâu dài nghiên cứu thảo luận xu hướng tương lai và con đường giải quyết khả dĩ vấn đề “Nam Hải”. Nội dung chính như sau:

Trong tình hình hiện nay, nên đối xử với vấn đề “Nam Hải” như thế nào? Tác giả cho rằng, “đối xử với vấn đề Nam Hải không chỉ cần có tầm nhìn lớn về lịch sử và cảm nhận sâu sắc mà còn cần đứng trên tầm cao chiến lược toàn cầu để phán đoán và suy nghĩ”. Tranh chấp Nam Hải phát triển cho đến nay đã trở thành sự so đọ tổng hợp trên nhiều mặt bao gồm chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao.vv.., nhất định phải dùng tư duy chiến lược để trù tính chung về vĩ mô, vừa không thể lạc quan đến độ trong thời gian ngắn có thể giải quyết hoàn toàn, cũng không thể bi quan đến mức ngoài chiến tranh không có biện pháp nào khác, cần phải từ trong hai lựa chọn mâu thuẫn đấu tranh và hợp tác tìm kiếm sự cân bằng chiến lược.

Trước mắt đối với vấn đề biển xung quanh TQ, bên trong và ngoài nước tồn tại hai nhận thức khác nhau: Quốc tế cho rằng, TQ đang tích cực dám nghĩ dám làm, không ngừng tỏ ra mạnh mẽ; dân chúng trong nước cho rằng TQ đang quanh co cầu toàn, luôn tỏ ra yếu thế, người TQ vừa không thiếu nhiệt tình bảo vệ quyền và lợi ích biển, cũng không thiếu sự hăng hái giương ngọn cờ nước lớn về biển, chỉ thiếu sự suy nghĩ lý tính và sự ôn hòa thực tế, đến mức khi xảy ra va chạm, tiếng nói phẫn nộ trùm lên sự quyết đoán lý trí đối với chính vấn đề.

Theo tác giả, xu thế đại khai thác Nam Hải nhất định diễn ra, hơn nữa ý nghĩa vô cùng to lớn. “Khai thác Nam Hải, sử dụng Nam Hải không chỉ là nhu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế TQ, hơn nữa còn là nhu cầu tất yếu về củng cố quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chỉ có thực hiện sự hiện diện hữu hiệu tại “Nam Hải”, TQ mới có thể thực hiện được ý tưởng quản lý “Nam Hải”. Tác giả từ việc khai thác “Nam Hải” suy rộng ra, đề ra quan điểm quản lý biển: Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, cùng với việc mức độ tham gia vào toàn cầu hóa kinh tế và nhất thể hóa kinh tế khu vực của TQ không ngừng sâu hơn, biển càng ngày càng trở thành chất dẫn cho trao đổi ngoại thương của TQ, duy trì mạch máu của TQ, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và ổn định xã hội của TQ. “Nam Hải” đã trở thành bức bình phong che chở tự nhiên của an ninh quốc gia TQ, trở thành con đường chiến lược trên biển và căn cứ khai thác tài nguyên quan trọng của TQ và trở thành điểm tựa của chiến lược trỗi dậy hòa bình của TQ. Bởi vậy, dân tộc Trung Hoa muốn thực hiện sự phục hưng vĩ đại nhất định phải coi trọng biển, khai thác biển, quản lý biển.

+ Tin từ Trung Quốc - 24/9: Nước lớn tranh nhau “lấy lòng” ASEAN (Tờ Tin tức Tham khảo ngày 24/9dẫn nguồn mạng tạp chí “Học giả ngoại giao” Nhật Bản). Nội dung chính như sau:

Tuy việc nước lớn vun đắp quan hệ với ASEAN không phải là việc mới mẻ gì nhưng cường độ trong thời gian gần đây là việc trước nay chưa từng có.

Có hai nguyên nhân rõ rệt, thuyết vụ lợi và nhân tố chiến lược. Đầu tiên là thuyết vụ lợi, cùng với việc ASEAN ngày càng trở nên nhất thể hóa, việc nước lớn vun đắp quan hệ với ASEAN cũng trở nên đơn giản hơn, chỉ cần tăng cường quan hệ với một số nước trong đó là được. Lấy một ví dụ, Abe thăm 3 nước, một số lượng lớn tin tức báo chí coi nó là “chuyến thăm ASEAN”, ý muốn nhằm tăng cường quan hệ với toàn bộ khối ASEAN. Điều này cũng thích hợp đối với TQ và Mỹ.

Nhưng chỉ bởi vì tiếp xúc dễ dàng hơn với ASEAN thì còn chưa đủ để giải thích mức độ chú ý gần đây. Tính chất quan trọng về chiến lược cũng là một nguyên nhân, điều này có liên quan đến vị trí địa lý. ASEAN đã trở thành chiến trường cạnh tranh của nước lớn. Ví dụ, NB, nước lâm vào tranh chấp Đông Hải bận rộn tranh giành sự ủng hộ và thiện chí chính trị của ĐNÁ. Khi thăm PLP, NB muốn truyền lại sức sống cho quan hệ hai nước thông qua việc ủng hộ trên biển, tăng cường giao lưu kinh tế, kéo dài thời hạn khoản vay và cung cấp 10 tàu tuần tra cho đội Cảnh vệ bờ biển PLP (hành động này nhắm vào Bắc Kinh).

Một mặt khác, Mỹ thấy được địa vị thống trị của mình trước giờ tại khu vực TBD càng ngày càng bị thách thức. Mỗi khi có người kết luận Mỹ suy yếu và TQ trỗi dậy, Mỹ lập tức cần củng cố địa vị tại khu vực này. Vì thế, mọi người thấy được hành động gặp gỡ, cam kết hết lần này đến lần khác của Mỹ, đồng thời không cảm thấy bất ngờ.

ASEAN chắc chắn thu được lợi ích từ những việc lấy lòng này, nhưng ASEAN cần duy trì sự sáng suốt, không nên nghiêng về nước lớn nào. ASEAN không nên bị sức ép mà phải duy trì hình tượng trung lập, như vậy mới có thể bảo đảm tính chất quan trọng của ASEAN về mặt kinh tế và ngoại giao.

+ Tin từ Thái Lan - 23/9: Thái Lan thích hợp là vai trò hòa giải trong vấn đề Biển Đông (Bài viết của Thitina Pongsudhirak đăng trên Báo Bangkok Post - 20/9). Trong mấy năm qua, tình hình căng thẳng ở Biển Đông về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các nước ASEAN với TQ đã trở thành một trở ngại khó khăn cho việc xây dựng hòa bình và ổn định của khu vực. Sự hội tụ những điều kiện thuận lợi trong khu vực và mỗi nước dường như hứa hẹn cho việc tìm ra một giải pháp thực hiện đối với việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền giữa ASEAN và TQ.

Là nước điều phối viên trong quan hệ ASEAN - TQ nhiệm kỳ 2012 - 2015, TL đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện DOC và bảo đảm việc xây dựng các thủ tục cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử COC về Biển Đông để được các bên chấp nhận và thỏa mãn lợi ích của các quốc gia. Cánh cửa sổ nhỏ hẹp về sự phối hợp cho thấy nếu như Bộ COC cụ thể không đạt được trong năm 2015, thì triển vọng cho một giải pháp hòa bình sau đó sẽ gặp khó khăn hơn.

Trong số các nước không có tuyên bố chủ quyền về Biển Đông, TL đóng vai trò điều phối và là người hòa giải lợi ích các nước ASEAN có tuyên bố về chủ quyền một bên là Brunei, PLP, Malaysia và VN, một bên là TQ. Singapore và Indonesia là hai nước có biển đảo không thể có vai trò môi giới. Còn đối với các nước không có tuyên bố chủ quyền gì tại vùng Biển Đông như CPC, Lào, Myanmar thì có hạn chế, không thể hành động tích cực trong vai trò đứng trung gian.

TL là nước có quan hệ đặc biệt với TQ. Quan hệ Bắc Kinh - Bangkok có lợi cho vai trò môi giới của TL trong việc thực hiện DOC và xây dựng COC. Như vậy điều đó sẽ đòi hỏi TL (quốc gia sáng lập ra ASEAN) phải đưa ra một văn kiện khu vực làm sao cho TQ và ASEAN có thể thỏa thuận được với nhau. Giải quyết tranh chấp khu vực là một phép thử mới cho nền ngoại giao của Thái. Trong bối cảnh TL thường có vai trò dẫn dắt trong ASEAN, đôi khi đóng vai trò trung gian hoặc là người môi giới. Trong những năm trước đây, do có sự biến động trong nước về mặt chính trị nên TL có hạn chế trong hoạt động đối ngoại. Sự đối lập về chính trị của các đảng phái TL không hết hẳn nhưng có thể nói tình hình chính trị đã đạt tới sự bình thường hóa mới khi mà chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại một lần nữa được thức hiện với động lực mới. Năm 2012, vai trò quản gia của Thái đối với DOC và COC chỉ mới là thử nghiệm, vì Chính phủ Yingluck vẫn còn chưa ổn định sau cuộc bầu cử. Dù Đảng Pheu Thái thắng cử hồi tháng 7/2011 nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sau tuyển cử Chính quyền phải dồn sức để đối phó với nạn lụt lịch sử. Năm 2012, sân khấu chính trị trong nước Thái vẫn gặp phải khó khăn trong việc giải quyết các cuộc biểu tình đường phố. Hậu quả, chính sách đối ngoại của Thái thiếu sự định hướng.

Thế nhưng, trong thời gian gần đây với sự tích lũy của hơn hai năm qua, chặng đường nhiệm kỳ 4 năm đã đi qua được phân nửa, thì chính quyền Thái tỏ ra tự tin hơn về định hướng chính sách đối ngoại của mình. Chương trình nghị sự chính sách đối nội về dự toán chi tiêu cho các dự án lớn đối với cơ sở hạ tầng và các chương trình giảm lũ trong ngân sách hàng năm đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ. Cho tới giờ sự chỉ trích chính quyền vẫn chưa hết. Nói cách khác, sự ổn định chính trị tương đối của Thái hiện giờ là nhờ có sự tác động bởi chính sách đối ngoại của mình. Chính quyền của TTg Yingluck không được coi là vận hành tốt trong công việc đối ngoại giúp cho các nhà ngoại giao Thái có vai trò lớn hơn trong việc xây dựng các chính sách và chiến lược mới. Nhiệm vụ trung tâm của họ là làm cách nào để chèo lái tốt trên bãi biển gập ghềnh.

Động thái gần đây của TQ cho thấy họ tỏ ra linh hoạt hơn trong việc thực hiện DOC và tiếp cận với COC. Vấn đề khó nhất hiện nay là liệu TQ có thể từ bỏ yêu cầu của mình về đường lưỡi bò không. Đó cũng chính là vấn đề khó cho TL với vai trò là điều phối viên trong năm tới. Thế nhưng Ban lãnh đạo mới của TQ hiện tỏ ra thực dụng và thiện chí hơn năm ngoái khi TQ được coi là nhân tố gây chia rẽ ASEAN nhất là khi CPC là Chủ tịch ASEAN. Lần đầu tiên Khối ASEAN trong cuộc họp Thượng đỉnh đã thất bại trong việc không đưa ra được Tuyên bố chung vì bất đồng quan điểm của các nước trong vấn đề Biển Đông. Hiện Bắc Kinh, dưới thời NT Vương Nghị (Wang Yi) có sự thay đổi chiến thuật, các bước tiến mềm dẻo hơn nhưng không tỏ ra có sự thụt lùi. TQ sẵn sàng hoan nghênh tiếp cận với các điều khoản cụ thể COC và thúc đẩy việc thực hiện DOC. Hiện ASEAN tập trung ưu tiên 3 lĩnh vực: (i) xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột và tìm giải pháp để bảo đảm an ninh tại khu vực Biển Đông. Hợp tác trên biển về nghiên cứu và cứu trợ, thiết lập đường dây nóng để giải quyết những xung đột đã có nhiều tiến bộ. Các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông tỏ ra lo lắng và bất an khi thấy rõ ý định của TQ. Họ cần phải tháo gỡ dần từng bước để tăng cường sự phối hợp và thúc đẩy TQ thực hiện các nguyên tắc chung.

Hiện Mỹ đang vướng phải khủng hoảng Xi-ry. Nhiệm kỳ đầu của Obama đã có bước đột phá lớn trong chính sách với châu Á với chiến lược tái cân bằng và xoay trục sang châu Á. Ngoài vấn đề Xi-ry, Mỹ cũng đang muốn rút dần ra khỏi I-rắc, Afganistan, Pakistan và bắt đầu cuộc thương lượng hòa bình giữa Ixra-en và Palestine. Tại nhiệm kỳ II của Obama, sự tham dự của Mỹ tại châu Á có thể xem là ít can dự hơn so với Nhiệm kỳ trước. NT Hilary là gương mặt khá quen thuộc với ASEAN còn NT John Kery cũng không kém. Ông Obama sẽ vẫn tới dự các hội nghị thượng đỉnh khu vực, nhưng ông lại đầu tư hơn vào những ưu tiên và khu vực khác hơn là quan tâm tới châu Á như thể hiện trong chính sách của ông ở nhiệm kỳ một. Điều đó có nghĩa là ASEAN song song vẫn phải tập trung vào những vấn đề riêng của mình và đồng thời cũng phải đối phó với những khó khăn ngày càng gia tăng. Từ thách thức của TQ cũng như sự giảm quan tâm của Mỹ với khu vực này đòi hỏi ASEAN phải cùng nhau hành động và duy trì đoàn kết. TL là đồng minh hiệp ước của Mỹ, là đối tác đặc biệt của TQ, nước sáng lập ASEAN và là bạn bè tin cậy của tất cả các cường quốc lớn của khu vực nên Thái Lan sẽ phải dồn tậm trí hơn cho vấn đề Biển Đông. Đây là phép thử đối với nền ngoại giao TL ở thế kỷ 21 khi mà chính sách đối nội của Thái đang có quá trình dân chủ hơn.

TL phải chuẩn bị để trở thành người hòa giải cứng rắn và dùng chính sách ngoại giao cũng như chính trị trong việc thực hiện DOC và xây dựng COC một cách hiệu quả. Làm được những việc đó có nghĩa Bangkok phải thay đổi một số tính chất về bạn bè và đối tác trong quan hệ với các nước láng giềng. Chừng nào TL giải quyết được những vấn đề trên một cách tốt đẹp thì mới có thể đưa ra một kết quả toàn diện và được chấp nhận về một nền hòa bình và ổn định khu vực.

+ Tin từ Thượng Hải - 23/9: Những điểm yếu đằng sau sức mạnh quốc gia Trung Quốc (Thời báo Hoàn Cầu - 23/9): Sức mạnh quốc gia tổng thể TQ mạnh thế nào? Điều này rất quan trọng và ảnh hưởng toàn diện tới những đánh giá về chính sách đối ngoại TQ. Hiện đang có nhận định rằng mặc dù TQ chỉ đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ xét về GDP nhưng có lẽ TQ chưa thể là cường quốc mạnh thứ 2 thế giới xét về sức mạnh quốc gia tổng thể.

Sức mạnh quốc gia tổng thể của một đất nước liên quan không chỉ tới sức mạnh về lực lượng quân sự và quy mô kinh tế mà còn liên quan tới những điểm yếu.

TQ đang đi đầu kinh tế về số lượng chứ không phải là chất lượng và đang tụt hậu so với Mỹ, Nhật, Đức và thậm chí cả Nga xét về khoa học và kỹ thuật. Trong khi đó, TQ vẫn là công xưởng thế giới với nền kinh tế định hướng xuất khẩu và phụ thuộc rất lớn vào thế giới.

Trong lịch sử, một nước có sức mạnh quân sự rất mạnh không tránh khỏi việc kiểm soát trật tự thế giới. Nhưng hiện tại, TQ còn xa mới có thể bảo vệ được lợi ích ở nhiều nơi trên thế giới với sức mạnh quân sự hiện nay.

Hơn nữa vấn đề Đài Loan và Tây Tạng đã cản trở nghiêm trọng ngoại giao TQ và tạo cớ cho các thế lực bên ngoài. Những mâu thuẫn trên biển với các nước láng giềng trong những năm gần đây cũng tạo thêm nhiều nhân tố bất ổn đối với các hoạt động ngoại giao TQ. Cuối cùng, mâu thuẫn đang nổi lên trong các giá trị xã hội và xung đột xã hội thường xuyên cũng làm xói mòn sức mạnh toàn diện của TQ.

TQ với quy mô kinh tế lớn nhưng với nhiều điểm yếu đã trở thành thành viên đặc biệt của “câu lạc bộ các cường quốc lớn” trên thế giới. TQ đang phải đối mặt với những nhiệm vụ quan trọng trong việc giải quyết toàn diện tranh chấp lãnh thổ và nhu cầu cấp thiết phát triển nền kinh tế để nâng cao mức sống cho 1,3 tỷ dân. Do đó, khó có thể nói nhiệm vụ nào là quan trọng hơn.

Sự trỗi dậy của TQ là quá trình đổi mới chiến lược. TQ phải có khả năng khai thác các điều kiện thuận lợi đầy đủ và tránh các bất lợi, biến bất lợi thành thuận lợi. Thí dụ, TQ liên tục mở rộng thương mại có thể biến nguồn lực mới trở thành sức mạnh quốc gia. Sức mạnh của TQ tiếp tục tăng và TQ sẽ có khả năng lớn hơn trong thể hiện quyết tâm bảo vệ các lợi ích quốc gia, cũng như khiến các thế lực bên ngoài phải suy nghĩ kỹ trước khi muốn thách thức TQ.

Quá trình trỗi dậy của TQ mang tính tiệm tiến và TQ sẽ có nhiều thay đổi quan trọng. Tại thời điểm hiện nay, các thay đổi có thể được nhận thấy rõ là những tiến triển về đảo Điếu Ngư, đảo Hoàng Nham và việc thu hẹp không gian hoạt động của Đạt Lai Lạt Ma.

+ Tin từ HongKong - 26/9: Trung Quốc dự kiến thiết lập khu vực “nhận biết phòng không” trên biển(Tín báo - 26/9). Hãng Thông tấn TW (CNA) Đài Loan mới đây đăng tin dẫn lại nguồn tin từ “Tạp chí Bình luận Quốc phòng Kanwa” Canada số mới nhất cho biết, nội bộ không quân và hải quân TQ đang tích cực nghiên cứu vấn đề khu vực nhận biết phòng không TQ và hy vọng sớm công bố.

Phân tích cho rằng, để thực hiện tác dụng phòng vệ của khu vực nhận biết phòng không này, hải quân TQ sẽ được mở rộng; đồng thời động thái này sẽ khiến cọ sát giữa TQ với các quốc gia xung quanh Hoa Đông và Biển Đông tiếp tục gia tăng.

Bài viết dẫn lại một nguồn tin “quân đội đáng tin cậy” nói, đây là một động thái tiếp theo nhằm tăng cường việc khống chế vùng biển, vùng trời của quân đội TQ thời kỳ Tập Cận Bình, đây cũng là lần đầu tiên quân đội TQ tiến hành bàn bạc nội bộ về việc thành lập khu vực nhận biết phòng không.

Ý tưởng cơ bản của TQ là: Khu vực nhận biết phòng không nên được giới hạn trong vùng trời vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; nếu không đạt được yêu cầu này, cũng có thể lấy đường trung tuyến làm chuẩn, cố gắng mở rộng ra bên ngoài nhằm bảo vệ tốt hơn an ninh vùng trời trên biển.

Ngày 25/9, ông Bình Khả Phu, người sáng lập ra Trung tâm Thông tin Kanwa trong trao đổi với CNA cho biết: “Ý tưởng này chắc chắn sẽ chồng lấn với các khu vực nhận biết phòng không của HQ, NB, ĐL, VN tại Đông Hải, Hoàng Hải, eo biển ĐL…”. Tin tức còn nhấn mạnh, mục đích chính của việc xây dựng khu vực nhận biết phòng không này chủ yếu là nhằm vào việc tần suất theo dõi TQ của Mỹ ngày càng nhiều và mục tiêu chính của nó là các máy bay trinh sát của hải quân và không quân Mỹ.

Bình Khả Phu nói, khi TQ hoàn thành và công bố khu vực nhận biết phòng không, giả dụ có sự chồng lấn với “khu vực nhận biết” của NB, lúc đó máy bay của bên nào bay vào “khu vực nhận biết” sẽ đều bị bên kia cho rằng bay vào vùng trời của mình, tần xuất máy bay chiến đấu của hai bên đối mặt nhau sẽ nhiều hơn. Việc máy bay chiến đấu thường xuyên đối mặt với nhau sẽ nguy hiểm hơn tầu chiến, khả năng xảy ra va chạm, cọ sát thậm chí là nổ súng là rất cao.

Lê Sơn (gt)