- Thời báo Nhật Bản ngày 5/8 đánh giá thái độ và lập trường của Mỹ lâu nay là không can dự vào tranh chấp ở Biển Đông và cũng không bình luận có lợi cho bất kỳ bên nào, nhưng nay đã kết thúc bởi phát biểu của Hillary tại Hà Nội rằng “Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông”. Sự thay đổi và lập trường mới này của Mỹ là một thắng lợi của Việt Nam.

 

Việc ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố DOC đã không trở thành một Quy tắc ứng xử nên các nước liên quan không ngừng áp dụng mọi biện pháp để nhằm tuyên bố chủ quyền. Nếu Trung Quốc thực sự muốn giải quyết hòa bình và công bằng các tranh chấp cần phải hoan nghênh có sự tham gia của cộng đồng quốc tế, tiếp nhận sự trợ giúp của các nước không có lợi ích liên quan trực tiếp đến kết quả đàm phán, ví dụ như Mỹ; nếu cho rằng Mỹ có động cơ không lành mạnh, các nước tuyên bố có chủ quyền có thể thương lượng tìm kiếm một trọng tài trung gian để giúp giải quyết, góp phần xây dựng lòng tin và giảm bớt cọ xát giữa các bên.

 

- Mạng Mint Newspaper của Ấn Độ ngày 4/8 cho rằng, tình hình Biển Đông hiện nay thực sự tồn tại mối nguy hiểm có thể trở thành cái hồ của Trung Quốc. Hai tuần trước ở Hà Nội, “cuộc chiến nước bọt” giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông lại bắt đầu. Trung Quốc lại tuyên bố có chủ quyền đối với các đảo - thực chất là toàn bộ Biển Đông. Trong tình hình hiện nay, Ấn Độ cần theo dõi sát diễn biến vấn đề này. Lý do là: (1) Trung Quốc đã đưa vấn đề chủ quyền Biển Đông lên thành “lợi ích cốt lõi” ngang hàng với vấn đề Tây Tạng, Đài Loan. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có thái độ, lập trường cứng rắn,vấn đề Biển Đông đã không còn có thể thông qua đàm phán để giải quyết các tranh chấp song phương. (2) Thập kỷ 50, khi Ấn Độ và Trung Quốc giải quyết tranh chấp khu vực biên giới Tây Tạng, Trung Quốc đã chỉ trích Ấn Độ là đơn phương phân định biên giới mà không thông qua đàm phàn song phương, nói rằng đây là một hình thức xâm lược, “gian trá, xảo quyệt”. Nay trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đang thực hiện những hành vi tương tự. Tuy diễn biến tình hình hiện nay khiến mọi người lo lắng, nhưng đồng thời cũng là thời cơ cho Ấn Độ. Ấn Độ cần ủng hộ Việt Nam và các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc.

 

- Mạng Indian Express nhận định, thái độ cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề lãnh thổ và việc phô trương các thực lực hải quân mới nhất khiến quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực rơi vào căng thẳng. Khi các nước xung quanh Trung Quốc, đặc biệt là các nước láng giềng Đông Nam Á chuyển sang tìm kiếm sự bảo hộ của Mỹ, chính quyền Obama đã nhanh chóng tham gia vào và cao giọng yêu cầu thông qua trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Đối với Ấn Độ, cũng có lợi ích trong việc bảo vệ các tuyến đường hàng hải dọc bờ biển châu Á. Để chuẩn bị để đối phó với tình hình mới ở khu vực, tới đây Ấn Độ cũng sẽ không thể không bị cuốn vào vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

 

Năm 2009, dưới sức ép của Trung Quốc, Công ty dầu mỏ của Anh đã phải tuyên bố chấm dứt triển khai dự án ở Nam Côn Sơn.Việc Ấn Độ dự định mua lại tài sản của Công ty dầu mỏ của Anh ở Biển Đông là một trong những nội dung chính trong chuyến thăm Việt Nam của BT dầu mỏ và khí đốt Ấn Độ tháng 7/2010. Nếu Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thắng thầu, rõ ràng Việt Nam cho rằng Ấn Độ sẽ không rút khỏi đây khi đối đầu với Bắc Kinh. Khi quan hệ Việt - Trung có xu hướng ngày càng căng thẳng, việc lãnh đạo cấp cao quân đội Ấn Độ lần đầu tiên sang thăm Hà Nội sau nhiều năm trong con mắt Bắc Kinh hiện nay không phải là điều đáng lo ngại. Điều khiến Bắc Kinh lo ngại là quan hệ Việt - Mỹ đang ấm lên.

 

- Mạng báo Liên hợp buổi sáng của Singapore 5/8 cho rằng: Phát biểu của Hillary là nhằm vào Trung Quốc, quan hệ Trung - Mỹ lại tăng thêm một vấn đề cọ sát và một nhân tố bất ổn định mới, nhất định sẽ đem lại những hiểm họa đối với cục diện chính trị và quân sự ở khu vực.

Trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ mới này, mọi người đã nhìn thấy địa vị và vai trò của Việt Nam. Phải nói là, Mỹ tranh thủ vấn đề tranh chấp ở Biển Đông để quay trở lại Đông Nam Á là kết quả của việc điều chỉnh chiến lược quốc gia của Mỹ. Song Việt Nam đã bắt trúng ý đồ của Mỹ, tranh thủ thời cơ nâng cấp quan hệ với Mỹ và cùng Mỹ hình thành “ý thức phòng vệ chung” về chiến lược để ngăn cản một thế lực không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông. Đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, sự tranh giành giữa Việt Nam và Trung Quốc là gay gắt, nổi cộm nhất vì do Việt Nam là nước chiếm giữ nhiều đảo nhất, và cũng là nước duy nhất trong các nước ASEAN liên quan tuyên bố có chủ quyền toàn bộ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Hiện Việt Nam đang thực hiện hai gói sách lược đối với vấn đề Biển Đông. Một là tuyên bố có chủ quyền toàn bộ đối với hai hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tìm ra ngày càng nhiều các chứng cứ lịch sử chứng minh là chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Hai là, áp dụng hai biện pháp xử lý khác nhau - “một công, một thủ” đối với hai quần đảo này. Với quần đảo Hoàng Sa, hiện dưới sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc, Việt Nam muốn chiếm lĩnh e rằng khó thành hiện thực nên chỉ có thể tấn công bằng cách không ngừng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhưng đối với quần đảo Trường Sa, là do Việt Nam kiểm soát nên áp dụng biện pháp phòng thủ bằng cách tích cực củng cố và tăng cường quyền kiểm soát, chiếm lĩnh thực tế trên quần đảo Trường Sa; về mặt Ngoại giao, Việt Nam mong muốn làm quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Điểm này thể hiện rất nổi bật trong quan hệ với Mỹ, như trong chuyến thăm Mỹ của TTg Nguyễn Tấn Dũng năm 2008, Thông cáo chung sau hội đàm với TTh Mỹ Bush, Mỹ đã bày tỏ hoàn toàn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Câu này rõ ràng nói nhằm vào Trung Quốc, vì trong đó đương nhiên bao gồm cả chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố.

 

Có thể nói, Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ rệt, bất kể là trong việc xây dựng căn cứ ở quần đảo Trường Sa hay là đối với dư luận trong nước và quốc tế. Hiện Việt Nam đã đạt được sự ủng hộ của một số học giả và chính trị gia quốc tế, ví dụ như ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố khai thác du lịch quần đảo Hoàng Sa, giáo sư Đại học Quốc phòng Australia Carlyle A. Thayer đã nói với báo chí Việt Nam rằng, Trung Quốc thực chất không phải khai thác du lịch mà là tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Giáo sư Carlyle A. Thayer không chỉ phê phán Trung Quốc mà còn kiến nghị “Việt Nam cần phải áp dụng nhiều hành động hơn”; cho rằng “nếu Việt Nam không hành động, căn cứ theo luật pháp quốc tế có nghĩa là Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền đối với các đảo này, Việt Nam cần phải bày tỏ phản đối Trung Quốc với mọi hành động trong mọi thời kỳ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”; kiến nghị “cần liên kết các nước thành viên ASEAN áp dụng lập trường thống nhất để thương lượng phương án giải quyết đối với Trung Quốc”, “cần triển khai các biện pháp ngoại giao để cộng đồng quốc tế tin rằng hành động đơn phương của Trung Quốc không chỉ trái lại quy định luật pháp quốc tế mà còn phá vỡ tình hình an ninh của khu vực”. Rõ ràng, việc Việt Nam đóng chắc, đánh chắc, chiến thắng từng bước ở Biển Đông không chỉ có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế, mà còn khiến vị thế chiến lược quốc phòng của Việt Nam cũng sẽ được nâng cao hơn.