29/11/2012
Việc Mỹ quay trở lại châu Á và nhấn mạnh quyền tự do hàng hải quốc tế là hành động nhằm ngăn chặn Trung Quốc biến Biển Đông thành nội hải, thành sân sau của mình.
Mạng “Bình luận Trung Quốc” ngày 25/11 có bài “Mỹ là biến số lớn nhất của vấn đề Biển Đông trong tương lai”
Học giả Đài Loan Diêm Hàng Tông cho rằng, biến số lớn nhất trong vấn đề Biển Đông thời gian tới chính là Mỹ. Việc Mỹ quay trở lại châu Á và nhấn mạnh quyền tự do hàng hải quốc tế là hành động nhằm ngăn chặn Trung Quốc biến Biển Đông thành nội hải, thành sân sau của mình. Tuy nhiên nếu gây ra bất cứ xung đột quân sự nào tại Biển Đông cũng đều bất lợi cho Mỹ, do đó vấn đề Biển Đông đang là con bài và là công cụ để Mỹ củng cố vòng vây đối với Trung Quốc. Tháng 7/2012, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) đã nêu đề xuất xây dựng Quy tắc ứng xử các bên trên Biển Đông (COC), Mỹ đứng đằng sau hối thúc các nước ASEAN gây áp lực tập thể đối với Trung Quốc; tuy nhiên, Campuchia đã bị Trung Quốc lợi dụng, khiến cho nỗ lực của Mỹ đổ bể. ASEAN lần đầu tiên không ra được thông cáo chung. Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần này là một lần cố gắng cuối cùng trong việc xây dựng COC, Tổng Thống Mỹ Obama thăm 3 nước ASEAN là Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Mỹ hy vọng làm được một việc là kéo Campuchia lại phía mình, ngăn chặn nước này “nhất biên đảo” với Trung Quốc, hoặc chí ít là giữ thái độ trung lập. Nếu như có thể làm được điều này, Mỹ xem như đã đạt được thành công.
Mỹ quay trở lại châu Á và can dự vấn đề Biển Đông, xưa nay nguyên thủ Mỹ thăm châu Á chưa bao giờ có chuyến thăm riêng tới một nước Đông Nam Á. Vì vậy sự kiện lần này đã cho thấy sức nặng mới của khu vực Đông Nam Á. Tổng Thống Mỹ Obama dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần này với hai trọng điểm: một là thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); và hai là đối phó với bố trí chiến lược của Trung Quốc. Đây cũng là trọng tâm chiến lược ngoại giao toàn cầu của Tổng Thống Obama trong nhiệm kỳ thứ hai. Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Mỹ sẽ ra sức thảo luận chủ đề Biển Đông, nhưng dự báo sẽ không có tiến triển và khả năng đột phá nào, vì vậy vấn đề Biển Đông sẽ chẳng có gì thay đổi. Hội nghị Đông Á sẽ không thông qua COC, cũng sẽ không có tình hình nằm ngoài dự báo, bởi nếu như có thì Trung Quốc đã không dự hội nghị. Trong tương lai vấn đề Biển Đông sẽ vẫn là điểm nóng, kéo dài một thời gian sau có thể sẽ phát sinh căng thẳng bột phát, sẽ chỉ kéo dài chứ không giải quyết được; Trung Quốc đồng thời cũng sẽ không coi vấn đề Biển Đông là chủ đề ưu tiên, sẽ giữ nguyên hiện trạng vốn có để không làm hỏng thời kỳ cơ hội chiến lược đến 2020. Tập Cận Bình và ban lãnh đạo mới sẽ tìm kiếm sự ổn định, gìn giữ môi trường xung quanh hòa bình và ổn định.
Tác giả cho biết, Trung Quốc sau khi cho thành lập 'thành phố Tam Sa' để tăng cường quản lý, cũng chưa có động tác leo thang mới; các nước Đông Nam Á cũng không có thêm hành động gì. Vì vậy biến số lớn nhất tới đây chỉ còn là Mỹ, họ quay lại châu Á và sẽ tham gia cuộc chơi này như thế nào, Mỹ có thể sẽ có những động tác nhỏ để tạo ra đợt căng thẳng cường độ thấp, ví dụ như sử dụng căn cứ quân sự của Việt Nam và Philippines, nhấn mạnh tự do hàng hải quốc tế... Tuy nhiên, Mỹ cũng không mong muốn xảy ra xung đột quân sự gây bất lợi cho chính mình, vì vậy sẽ chỉ tìm cách củng cố bao vây ngăn chặn Trung Quốc mà thôi./.
Mạng "Bình luận Trung Quốc" ngày 28/11/2012 đăng bài "Chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ có những hạn chế". Nội dung như sau:
Ngay sau khi tái đắc cử Tổng Thống Mỹ Barack Obama đã chú ý tới châu Á với chuyến đi thăm Đông Nam Á mới đây, nơi mà Mỹ muốn tái khẳng định ảnh hưởng. Điều này đã cho thấy Mỹ nhấn mạnh chiến lược “tái cân bằng châu Á” và muốn bảo đảm chắc chắn rằng trọng tâm sức mạnh khu vực không ngả quá nhiều sang Trung Quốc.
Với chuyến thăm Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Tổng Thống Obama tiếp tục xây dựng hệ thống các nước ASEAN, trong đó một số là bạn thân của Trung Quốc, để thử Bắc Kinh. Theo cách nói của trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của Tổng Thống Obama, động thái này mang thông điệp “cạnh tranh”. Dĩ nhiên, các nước này hoan nghênh sự chú ý ngày càng tăng từ phía Mỹ. Nếu cạnh tranh Trung – Mỹ đem lại cho họ nhiều lợi ích hơn thì tại sao họ không nên dựa vào điều đó. Tuy nhiên, các nước này cũng cẩn trọng để không ngả về bên nào do sợ sẽ bị tổn hại về dài hạn. Thực tế, trong vài thập kỷ qua, những nước này đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc hơn Mỹ xét về thương mại. Trong nhiều năm qua, Myanmar, nước từng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ đã phải hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. Campuchia vẫn nhớ tới vụ đảo chính do Mỹ ủng hộ vào những năm 1970 đối với vị vua đáng kính của họ. Dù sự tái cân bằng này của Mỹ có nghĩa là đối đầu với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực nhưng câu hỏi vẫn tiếp tục là Trung Quốc có lợi dụng không công bằng Thái Lan, Myanmar và Campuchia trong những năm gần đây không. Thực tế Philippines và Việt Nam vẫn phàn nàn về sự không công bằng của Trung Quốc trong giải quyết các tranh chấp hiện nay. Đáng chú ý, Tổng Thống Philippines Benigno Aquino III đã công khai phản đối tuyên bố của Thủ Tướng Campuchia Hun Sen rằng đa số các nước ASEAN đồng ý giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển Đông trong khuôn khổ Trung Quốc – ASEAN và cho rằng có vài cách tiếp cận khác trong giải quyết các tranh chấp này, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế ASEAN – Trung Quốc như một cách tiếp cận đa phương thiết yếu.
Sự tái chuyển hướng chiến lược của Mỹ có thể khiến Philippines và Việt Nam lầm lạc trong việc tăng thêm đòi hỏi. Một đồng thuận ASEAN về đàm phán với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông là chưa có tiền lệ và Philippines sẽ lấy làm hối tiếc khi phá hỏng cơ hội của chính mình. Việc Philippines dường như đang tập hợp một nhóm 4 nước gồm Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines để đàm phán với Trung Quốc và không có ý sử dụng cả khối ASEAN như Campuchia đã lập luận có thể được xem là một cơ chế khuyến khích Trung Quốc tham gia. Sự tái cân bằng của Mỹ thực sự đã tạo hệ quả nhất định: ASEAN thay đổi từ việc từ chối đề cập vấn đề biển Đông trong bối cảnh một số nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sang thành một tổ chức sẵn sàng hơn trong việc tham gia đàm phán với Trung Quốc như một thực thể. Tới nay Trung Quốc vẫn kiên quyết đòi đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp này. Philippines đã công khai đánh giá thấp động thái này của ASEAN và với sự kích động của Washington, Manila đang đòi hỏi nhiều hơn. Rõ ràng Philippines muốn Washington và các bên không thuộc ASEAN khác tham gia vào đàm phán của Philippines với Trung Quốc cùng với các nước tuyên bố chủ quyền khác tại khu vực. Philippines chưa bao giờ hiểu rằng dù có nhiều nguồn lực thì Mỹ cũng không thể chuyển hướng hoàn toàn sang châu Á. Nhiều thập kỷ qua Mỹ đã chú ý tới châu Âu và Trung Đông. Cạnh tranh Xô – Mỹ đã tiêu hao nhiều nguồn lực của Mỹ.
Tại Trung Đông, Mỹ ủng hộ Israel đã thường xuyên khiến các nước Ả rập tức giận và dẫn tới bất ổn khu vực. Hiện Mỹ cũng đang nặng gánh bởi nhiều sự kiện tại Trung Đông và các nước châu Á không nên quá kỳ vọng vào chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Tất cả các nước đều có hạn chế, và Mỹ không phải là ngoại lệ đặc biệt khi Mỹ đang gặp vấn đề về thâm hụt ngân sách. Do vậy, chiến lược tái cân bằng tại khu vực châu Á – TBD mang tính biểu tượng hơn là hành động do sự hạn chế về năng lực. Bất kỳ sự tái cân bằng khu vực không cần thiết nào sẽ có thể làm tăng việc sử dụng nguồn lực của Mỹ nhanh hơn, đẩy nhanh việc suy giảm tương đối của Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc./.
Nhân dân Nhật báo ngày 23/11 đăng bài: “Trung Quốc – ASEAN tăng cường hợp tác thực chất để ngăn chặn bị quấy nhiễu” của phóng viên Nhân dân nhật báo thường trú tại Thái Lan Vu Cảnh Hạo, Hàn Thạc, Ký Bồi Quyên, nội dung chính như sau:
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 vừa kết thúc tại Campuchia, Ngoại trưởng Phlippineses đã tuyên bố sẽ tổ chức hội nghị cấp thứ trưởng ngoại giao của những nước liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông gồm Việt Nam, Bruney, Malaixia vào ngày 12/12 tại Manila để thảo luận về vấn đề Biển Đông.
Phía Phlippineses không được lòng người khi mưu toan quốc tế hóa vấn đề Biển Đông
Tổng thư ký của ASEAN Surin nhấn mạnh trong hội nghị rằng hy vọng các nước có thể đặt trọng tâm vào hợp tác khu vực, tiến trình nhất thể hóa khu vực và xây dựng những cơ cấu đối thoại mới. Thư ký Quốc vụ của Campuchia Kao Kim Hourn nói rằng Lãnh đạo các nước Đông Nam Á không mong muốn đưa vấn đề tranh cãi này ra hội nghị quốc tế để phức tạp tình hình.
“Hội nghị 4 nước” trong kế hoạch của Chính phủ Phlippines đã có những biểu hiện từ trước. Ngày 20, khi hội nghị cấp cao ASEAN vừa kết thúc, các quan chức cấp cao Philippines đã cung cấp cho các phóng viên bản thông báo mới, trong đó Tổng thống Phlippines Aquino kêu gọi những nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông cùng suy nghĩ bắt đầu thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh hải.
Nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN là Campuchia đã nhiều lần bày tỏ, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đồng ý không muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, mà thảo luận vấn đề này tại các cơ chế ASEAN – Trung Quốc hiện đang có. Ngày 19/11, khi Thủ tướng Campuchia Hunsen đang phát biểu, Aquino đã giơ tay phát biểu phủ nhận nội bộ các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận.
Thời báo Bưu điện Gia Các Ta ngày 20/11 đưa tin, một quan chức ngoại giao của Philippines còn nói, rằng Việt Nam và Singapore cũng ủng hộ lập trường của Philippines. Nhưng điều mâu thuẫn là, mạng Thông tin châu Á của Singapore ngày 21 đưa tin, Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ rõ ràng rằng nên để các nước thành viên ASEAN và các nước có tranh chấp khác tự đi phán xét xem thúc đẩy giải quyết tranh chấp lãnh thổ như thế nào. Báo Liên hợp của Singapore ngày 22 còn đăng xã luận nói Singapore bày tỏ rõ ràng, tranh chấp lãnh thổ chỉ có thể giao cho các nước có tranh chấp giải quyết, nhưng ASEAN cần bảo đảm các nước có tranh chấp tuân thủ quy định, luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình.
Vấn đề Biển Đông không nên trở thành vật cản trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN
ASEAN coi trọng hội nghị lần này, hy vọng qua đó để đẩy nhanh nhất thể hóa kinh tế ASEAN, củng cố vai trò chủ đạo của ASEAN trong phát triển kinh tế ĐNA. Đại bộ phận các nhà lãnh đạo ASEAN đều nhất trí “hạ giọng” đối với vấn đề Biển Đông. Báo Liên hợp Singapore ngày 18 dẫn lời Ngoại trưởng Singapore nói, các Ngoại trưởng ASEAN nhất trí cho rằng, vấn đề Biển Đông không nên trở thành vấn đề chính trong nghị trình của hội nghị cấp cao ASEAN.
Sau khi hội nghị kết thúc, ngày 20/11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh khi tổ chức cuộc gặp với các phóng viên đã nói, Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu trong cuộc họp kín nêu lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán; đảo Hoàng Nham là lãnh thổ của Trung Quốc, không tồn tại tranh chấp chủ quyền.
Ngày 18, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khi phát biểu ở Phnom Penh đã bày tỏ, Tổng thống Indonesia Susilo và Thủ tướng Malaysia Najib khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã bày tỏ vấn đề Biển Đông “không nên là vấn đề trọng điểm”, không nên là vật cản trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN hoặc là trở ngại cho sự thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN.
Giới truyền thông Philippines nghi ngờ về biểu hiện của Aquino
Đối với những biểu hiện của Aquino, tờ Tinh báo Philippines ngày 22 đã bình luận đưa ra những nghi ngờ về biểu hiện của Aquino tại Hội nghị cấp cao ASEAN. Bài báo viết, phát biểu của Aquino giống như bài giáo huấn của ông tại nội các của mình, nhiều nhà quan sát cảm thấy không thoải mái. Trong hội nghị đa phương như vậy, rất khó có thể tìm thấy những lời nói cứng rắn và phát biểu kiêu căng tự đắc như vậy. Hơn nữa, Aquino còn không hiểu rằng Lãnh đạo các nước ASEAN khác có mong muốn đứng cùng với ông trong vấn đề Biển Đông hay không?
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á Đại Học Philippines khi trả lời phỏng vấn đã nói rằng Hiến pháp Philippines quy định, Tổng thống chỉ có thể có 1 nhiệm kỳ là 6 năm. Điều này căn bản tạo cho chính sách ngoại giao của Philippines có đặc điểm là tầm nhìn ngắn. Với những tổng thống có tầm nhìn xa trong lĩnh vực ngoại giao, thì tầm nhìn của ông ta cũng không thể vượt qua giới hạn thời gian 6 năm.
Mạng Nhật báo Tinh châu của Malaysia ngày 22 đã bình luận: “cần cảnh giác với việc Philippines quá vội vàng mà đánh giá sai tình hình. Điều này sẽ khuấy động ổn định Biển Đông”.
Sự hợp tác nhiều năm trong nhiều lĩnh vực giữa ASEAN và Trung Quốc đã đem lại những thành quả tích cực. Cần thông qua tăng cường hợp tác thực chất hơn nữa, loại bỏ sự quấy nhiễu do một số nước cá biệt gây ra vấn đề Biển Đông, đây là vấn đề hai bên cần nghiêm túc xem xét.
Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã nhấn mạnh vào tháng 8 vừa qua rằng, nếu như chúng ta có thể đặt cơ sở vững chắc cho hợp tác trong tương lai trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, thông tin, giáo dục và giao thông…, chúng ta sẽ có thể khống chế hoặc tránh được những vấn đề khác dễ dẫn tới những tranh chấp.
Nhân dân Nhật báo ngày 24/11 đăng bài viết “4 câu hỏi cho Philippines”, cho rằng có nhiều dấu hiệu chứng minh Chính phủ Philippines cố ý tiếp tục diễn vai kẻ gây rắc rối trên vấn đề Biển Đông, cần phải hỏi Philippines 4 câu hỏi: (i) Philippines muốn gì? Rõ ràng là Philippines gây sự tại Biển Đông, Trung Quốc bị ép phải đáp trả nhưng Philippines là lớn tiếng nói rằng tình hình Biển Đông gây đe doạ đến ổn định và an ninh khu vực, đúng là đổ vấy, vu cáo. Philippines gây ra chia rẽ, kích động mâu thuẫn, phá hoại đoàn kết ASEAN, nhưng lại chỉ trích các nước chủ trương xử lý vấn đề Biển Đông từ lợi ích tổng thể của ASEAN và đại cục khu vực; (ii) Philippines có nói lý không? từ khi xảy ra vụ việc Hoàng Nham, Tổng Thống Philippines nhiều lần nói muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, gần đây quan chức Philippines cũng nhiều lần bày tỏ như vậy; lời nói còn văng vẳng bên tai mà Philippines tiếp tục tạo mâu thuẫn trên vấn đề Biển Đông; DOC quy định rõ các bên cam kết kiềm chế, không có hành động gây phức tạp tranh chấp, ngay cả điều khoản này Philippines không làm được còn nói gì đến thúc đẩy xây dựng COC; (iii) Philippines có thiện chí không? Philippines diễn lại trò cũ, tìm đủ cách lôi Nhật, Mỹ, Ấn Độ vào nói giúp lập trường của họ. Việc quốc tế hoá, mở rộng hoá vấn đề Biển Đông không có lợi chút nào cho giải quyết vấn đề; (iv) Philippines có đạt được mục đích không? Philippines không có lối thoát trên con đường quốc tế hoá vấn đề Biển Đông; Đại Hội 18 nêu việc Trung Quốc sẽ dốc sức nâng cao khả năng phát triển nguồn tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển. Điều này có 2 hàm ý với Philippines, thứ nhất là cơ hội, có tểh tận dùng tiền, công nghệ, thị trường của Trung Quốc để hợp tác cùng thắng, thứ 2 là tiếng chuông cảnh tỉnh, bất cứ hành động nào phá hoại, xâm phạm quyền lợi biển của Trung Quốc đều bị đáp trả. Kể thức thời mới là tuấn kiệt./.
Trung Quốc Nhật báo ngày 23/11/2012 đăng bài bình luận về “Philippines đang làm gia tăng căng thẳng bằng các thảo luận về đảo” của tác giả Cheng Guangjin. Nội dung chính như sau:
Philippines sẽ tổ chức đối thoại với 3 nước Đông Nam Á khác vào tháng 12 tới về tranh chấp chủ quyền của các nước này với Trung Quốc tại biển Đông.
Các chuyên gia phân tích cho rằng Philippines đã nêu vấn đề lãnh thổ, gây sao lãng sự chú ý của Thượng đỉnh ASEAN 21 và các Thượng đỉnh có liên quan mà trọng tâm cần tập trung vào hợp tác kinh tế khu vực; đồng thời cảnh báo động thái trên của Philippines có nguy cơ làm leo thang căng thẳng, gây tổn hại tới môi trường hợp tác giữa các nước trong khu vực.
Ngày 21/11/2012, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nói với AFP rằng:
(1) Thứ trưởng ngoại giao các nước Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines sẽ gặp nhau vào ngày 12/12/2012 trong một phần nỗ lực của Philippines để thúc đẩy giải pháp đa phương liên quan tới các tranh chấp của 4 nước này với Trung Quốc.
(2) Bốn thành viên của ASEAN đều có chồng lấn chủ quyền tại biển Đông với Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn khăng khăng giải quyết tranh chấp thông qua cách tiếp cận song phương.
(3) Cuộc họp bốn bên lần đầu tiên được Philippines đề xuất năm 2011 và “chúng tôi tôn trọng những gì Trung Quốc đang đề xuất nhưng chúng tôi không thể chấp nhận đề xuất này”.
Chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, Zhang Xuegang, nhận định tranh chấp lãnh thổ không nên bị thổi phồng, gây tổn hại tới hợp tác tổng thể và ổn định khu vực. Về vấn đề tìm kiếm giải pháp, tất cả các bên cần tôn trọng quan ngại của bên kia và cảnh báo đàm phán sẽ được sử dụng như công cụ để gây áp lực đối với bên khác./.
Nhân dân Nhật báo ngày 23/11/2012 đăng bài xã luận về “Ngoại giao trưởng thành sẽ giúp Trung Quốc trỗi dậy”. Nội dung chính như sau:
Trong những thách thức khó khăn mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong 5-10 năm tới, các vấn đề trong nước về bản chất sẽ chiếm phần lớn nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc sẽ phớt lờ môi trường bên ngoài. Sự tương tác giữa các vấn đề trong và ngoài nước có thể sẽ ngày càng tăng. Là một nước mở cửa, thậm chí những vấn đề nhỏ liên quan tới Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi các thế lực bên ngoài, đặc biệt những nước muốn hành động với ảo tưởng có thể kiềm chế Trung Quốc.
Mục tiêu chính của ngoại giao Trung Quốc là để bảo vệ môi trường phát triển của đất nước. Tuy nhiên, việc Trung Quốc trỗi dậy đã tạo áp lực lớn đối với ngoại giao trong phát triển quan hệ đối ngoại với các nước khác. Thái độ bên ngoài đối với Trung Quốc sẽ phải trải qua tiến trình thay đổi phức tạp.
Tiến trình dân chủ hóa đất nước đòi hỏi ngoại giao phải tôn trọng ý kiến công luận. Do đó, điều đặc biệt quan trọng là ý kiến công chúng thế giới phát triển phù hợp với sự thay đổi sức mạnh toàn cầu. Chủ nghĩa dân túy thường phản ánh chính sách đối ngoại của quốc gia và Trung Quốc cũng không thể tránh khỏi xu hướng này.
Trung Quốc hiện nay đang xem xét trở thành động lực lớn nhất thúc đẩy thay đổi trong môi trường quốc tế. Nhiều xung đột có thể xảy ra, đòi hỏi Trung Quốc phải thực tế hơn và có lý trí hơn.
Xã hội Trung Quốc cần nhất trí một vài điểm để tránh các tác động tiêu cực do bất kỳ khủng hoảng bên ngoài nào tạo ra. Để bắt đầu, nhiều dự đoán về phát triển hơn nữa lại nằm ở thế giới bên ngoài. Việc cung cấp các tài nguyên cho Trung Quốc và Trung Quốc quá độ chuyển sang nền kinh tế công nghệ cao phụ thuộc nhiều vào quan hệ với các nước khác. Do đó, duy trì quan hệ tốt về tổng thể với các nước khác sẽ phải là chính sách quốc gia của Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc đang ở trong giai đoạn chuyển đổi đặc biệt khi đã là nền kinh tế thứ hai thế giới nhưng mức thu nhập bình quân đầu người vẫn khá thấp. Trung Quốc thiếu kinh nghiệm sử dụng sức mạnh để bảo vệ các lợi ích của mình và không phải luôn là người thắng cuộc trong tiến trình tương tác phức tạp và nhạy cảm với các thế lực nước ngoài.
Các tranh chấp ngoại giao đang thường xuyên hơn trong những năm gần đây nhưng những rắc rối này không thể gây trở ngại lớn với việc Trung Quốc trỗi dậy mạnh hơn nữa. Thực tế, Trung Quốc cần có sáng kiến chiến lược. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần duy trì chiến lược lâu dài về bảo đảm là nền kinh tế đang phát triển như lợi ích hàng đầu. Một thập kỷ chiến tranh chống khủng bố đã khiến Mỹ sao lãng con đường phát triển kinh tế và hối tiếc về kỷ nguyên vừa qua. Trung Quốc không nên bị chệch hướng như vậy.
Những lo lắng bên ngoài về sự phát triển nhanh của Trung Quốc là có thể hiểu được. Trung Quốc cần chia sẻ lợi ích do sự trỗi dậy mang lại với thế giới. Nhiều người dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong thập kỷ tới. Nếu điều đó trở thành hiện thực thì sẽ là nhân tố quyết định đối với thay đổi chiến lược quốc tế.
Trung Quốc cần khiêm tốn và khôn ngoan để quản lý tiến trình này, tránh sự bùng nổ thù địch tích tụ từ thế giới bên ngoài. Một nước muốn trỗi dậy liên tục cần phải có sự trưởng thành mạnh mẽ./.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/11/2012 đăng bài xã luận về chuyến thăm Myanmar của Tổng Thống Mỹ, của tác giả Bi Shihong, giáo sư khoa Nghiên cứu Quốc tế, ĐH Vân Nam. Nội dung chính như sau:
Ngày 19/11/2012, Tổng Thống Mỹ Barack Obama đã thăm Myanmar, có cuộc gặp Tổng Thống Myanmar Thein Sein và lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi. Ông Obama là Tổng Thống Mỹ đầu tiên thăm Myanmar khi còn đương nhiệm. Mặc dù chuyến thăm chỉ kéo dài 6 tiếng nhưng lại có tầm quan trọng mang tính biểu tượng rất lớn.
Chính phủ Myanmar đang tìm cách tái thiết quan hệ với các nước phương Tây, chuyến thăm của ông Obama là dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ nhất của Phương Tây đối với chính quyền Thein Sein tính tới nay và là phần thưởng cho sự thúc đẩy dân chủ của Myanmar.
Chính sách chính quyền Obama đối với Myanmar nhấn mạnh đến trao đổi thông tin, từ bỏ chính sách cô lập và trừng phạt lâu dài như trước đây với niềm tin rằng điều đó chỉ đẩy Myanmar sang thân hơn các nước láng giềng châu Á và khiến các doanh nghiệp Mỹ bỏ lỡ các cơ hội tại Myanmar.
Trong vài năm qua, các chính khác Mỹ đã liên tục thăm Myanmar và có quan hệ với các quan chức cấp cao ở nước này. Một mối quan hệ Mỹ - Myanmar được cải thiện sẽ giúp Mỹ tạo dựng ảnh hưởng mới đối với ASEAN. Mỹ đang tìm cách tạo thái độ thân Mỹ trong các nước thành viên ASEAN. Chiến lược này nhằm vào Việt Nam, Myanmar, Lào mặc dù Singapo, Philippines và Thái Lan đã thực sự thân Mỹ.
Tuy nhiên Mỹ cũng có hành động từ từ và cẩn trọng trong thực hiện mục tiêu này. Thậm chí trong suốt chuyến thăm của Tổng Thống Obama, không có tuyên bố nào về việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt chống Myanmar được đưa ra. Quyền dỡ bỏ lệnh trừng phạt nằm trong tay của Quốc hội và Tổng Thống Obama không thể đơn phương quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt này. Nhìn chung, Mỹ không dễ dàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Myanmar chừng nào nước này không thực hiện xu hướng dân chủ ảnh hưởng của Mỹ. Liệu có dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt hay không và khi nào là công cụ quan trọng mà Mỹ sử dụng để ảnh hưởng lên các cải cách của Myanmar.
Đối với Myanmar, một trong những mục tiêu cải cách dân chủ của nước này là thúc đẩy quan hệ với Mỹ và tăng cường sự linh hoạt trong đối ngoại. Cải cách dân chủ Myanmar xuất hiện đúng vào thời điểm Mỹ thực hiện chiến lược quay lại Châu Á – Thái Bình Dương và điều này đã tạo thêm nhiều không gian tương tác cho cả hai nước.
Myanmar đang rất cẩn trọng trong thúc đẩy dân chủ và thực hiện các chính sách có liên quan. Với tình hình trong nước phức tạp, những thay đổi cấp tiến sẽ tạo nguy cơ mất ổn định xã hội. Trong khi đó, Myanmar cũng biết rằng không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu của Mỹ đồng thời. Hiện, Myanmar đang đòi Mỹ phần thưởng đối với các biện pháp dân chủ của nước này.
Xét trong bối cảnh Mỹ rất cần điểm chiến lược tại bán đảo Đông Dương để ủng hộ chính sách quay lại Châu Á – Thái Bình Dương và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính phủ Myanmar đã nhận thức hoàn toàn đầy đủ tầm quan trọng chiến lược của nước này và cơ hội đối thoại với Mỹ. Sự trao đổi hiện nay giữa Mỹ và Myanmar là có ảnh hưởng lẫn nhau.
Tốc độ cải cách của Myanmar đang khiến thế giới ngạc nhiên và dẫn tới sự thay đổi lớn về môi trường chính trị và xã hội của nước này. Tuy nhiên, các cải cách trong giai đoạn hiện nay vẫn dựa trên lời hứa miệng của Tổng thống và quân đội và cần kiểm chứng qua thời gian.
Sự nghi ngờ của Mỹ về tính minh bạch trong hoạch định chính sách chính phủ Myanmar và chỉ trích về việc nước này thiếu bảo vệ nhân quyền và sự hợp tác quân sự với Bắc Triều Tiên cho thấy tương lai dân chủ hóa Myanmar vẫn còn là câu hỏi. Mỹ sẽ không bỏ lỡ cơ hội để gây ảnh hưởng lên Myanmar, trong 20 năm qua Mỹ luôn dao động giữa chủ nghĩa lý tưởng và hiện thực trong chính sách chóng Myanmar. Nói cách khác, Mỹ đang cân nhắc liệu có nên thúc đẩy hơn nữa dân chủ tại Myanmar như ưu tiên chính sách hay tìm kiếm lợi ích địa chính trị chiến lược của Mỹ.
Liệu mối quan hệ giữa Mỹ và Myanmar có bước vào giai đoạn trăng mật?
Quá sớm để có thể nói như vậy. Ông Obama đang cố gắng ghi điểm chính trị trong thúc đẩy dân chủ hóa và tìm kiếm thêm các nước có quan hệ hữu nghị tại Châu Á – Thái Bình Dương nhưng Mỹ cũng tiếp tục gây ảnh hưởng đối với các vấn đề trong nước của Myanmar như dân chủ và xung đột sắc tộc. Liệu Myanmar có tránh được sự can thiệp bên ngoài và liệu sẽ cải cách theo Mỹ mong đợi, đáp ứng mọi yêu cầu của Mỹ./.
Báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" ngày 23/11/2012 đăng bài "Hộ chiếu Trung Quốc mới có hình bản đồ các đảo tranh chấp" của Phóng viên Reuteurs từ Manila với những nội dung sau:
Trung Quốc đang phát hành hộ chiếu có bản đồ đánh dấu những vùng lãnh hải đang tranh chấp với các nước láng giềng Đông Nam Á đã gây ra sự phản đối giận dữ từ Philippines. Điều đó có nghĩa là các nước tranh chấp khác sẽ phải đóng dấu vào hộ chiếu điện tử của hàng ngàn khách du lịch và doanh nhân Trung Quốc mang hình những khu vực thuộc tranh chấp trên biển.
Sự cảnh giác giữa tàu Trung Quốc và hải quân Philippines và Việt Nam ở Biển Đông đã trở thành thông lệ do Trung Quốc tăng cường tuần tra tại các vùng nước tin là có trữ lượng lớn dầu và khí tự nhiên.
Phát biểu hôm thứ Năm vừa qua, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đề cập đến đường đứt đoạn trên bản đồ in trong hộ chiếu: "Philippines cực lực phản đối việc in đường chín đoạn vào hộ chiếu điện tử vì nó bao gồm cả những phần thuộc lãnh thổ và lãnh hải của Philippines". "Philippines không chấp nhận giá trị của đường chín đoạn dẫn đến sự tuyên bố rộng rãi về lãnh hải vi phạm luật quốc tế".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez tuyên bố việc người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu mới là vi phạm chủ quyền quốc gia của Philippines. Ông nói Việt Nam cũng phản đối Trung Quốc về những hộ chiếu này.
Tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông có liên quan đến cả Malaysia và Brunei đã trùm bóng lên cuộc họp cấp cao của các nhà Lãnh đạo ASEAN tuần tại Campuchia. Trung Quốc hiện cũng đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi một bức công điện trả lời những câu hỏi liệu các hộ chiếu mới có đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế không. "Những hoa văn và hình ảnh được in trong hộ chiếu không nhằm vào một nước cụ thể nào. Trung Quốc sẵn sàng trao đổi với các nước liên quan nhằm đảm bảo cho sự qua lại thuận tiện của công dân Trung Quốc và nước ngoài".
Ở Tokyo, một quan chức ngoại giao phát biểu: "Chúng tôi khẳng định rằng những đảo tranh chấp tại Biển Đông xuất hiện trên một bản đồ in trong các hộ chiếu mới của Trung Quốc". "Mặc dù vậy, đảo Senkaku không nằm trong số đó. Vì vậy, chúng tôi không có gì phải phàn nàn."
Lê Sơn (gt)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...